Tiền không mua được kiến thức nhưng mua được sách vở; tiền không mua được sức khoẻ nhưng cứu được mạng người lúc nguy cấp: Biết tiết kiệm tiền, cuộc sống chắc chắn không tệ

0
336

Không ai từ khi sinh ra đã là người tiết kiệm, mà là cuộc sống dạy họ phải sống tiết kiệm.

Có khi nào bạn chợt nhận ra mình cần phải tiết kiệm tiền không?

Không biết từ bao giờ, khi trong tay đã có đủ số tiền để mua những thứ mình hằng ao ước, bản thân tôi lại vô cùng lưỡng lự.

Những đồng tiền phải vất vả lắm mới kiếm ra thường được tiêu vào những nơi mà chưa bao giờ bạn nghĩ tới.

Thói quen tiêu tiền tùy ý có thể kéo dài rất lâu, nhưng để thức tỉnh nó đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc.

1. QUYẾT ĐỊNH TIẾT KIỆM TIỀN, CHỈ CẦN MỘT KHOẢNH KHẮC.

Một cô gái lái xe không may đâm vào một chiếc Porsche. Xe cô ấy không bị làm sao nhưng xe đối phương thì bị hư hỏng khá nghiêm trọng.

Chủ xe Porsche bước xuống và mắng cô tới tấp: “Cô lái xe cái kiểu gì vậy, không có mắt à?”. Và yêu cầu cô gái bồi thường khoản tiền lớn, không bớt một xu.

Trước khi xảy ra va chạm, cô vừa tan sở, đang vội về nhà vì bạn thân cô đang đợi ở dưới nhà. Tuy là lúc đó tâm trí chỉ nghĩ làm sao để về nhà thật nhanh, nhưng cô luôn cảm thấy lúc đụng xe, chiếc xe Porsche kia không hề di chuyển. Bản thân cô cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Số tiền bồi thường không phải là khoản tiền nhỏ đối với cô. Nếu báo cảnh sát để bên bảo hiểm đền, thì năm sau phí bảo hiểm sẽ tăng gấp đôi. Bế tắc, nước mắt cô tuôn trào.

Có người tới nói, vừa nhìn là biết cô tông vào xe Porsche kia, khẳng định cô đã đi sai luật. Đừng có báo cảnh sát. Nếu có báo thì cô càng thiệt thân thôi. Xém chút nữa thì cô nghe theo người đó và không báo cảnh sát rồi.

May mà có một người đàn ông đã ngăn lại, chủ động giúp cô gọi điện báo cảnh sát.

Khi xe cảnh sát tới nơi, người bên cạnh lúc nãy cùng với chiếc xe Porsche kia đều đã biến mất.  Hiện trường chỉ còn lại cô và người đàn ông đã giúp cô báo cảnh sát:

“Gặp phải bọn lừa đảo rồi, có lẽ là cố ý lùi xe để đâm vào cô. Vừa nghe thấy báo cảnh sát, chúng đã bỏ chạy.”

Qua chuyện này, cô bỗng ngộ ra một điều. Nếu có tiền tiết kiệm, cô tuyệt đối không tiêu xài hoang phí.

Bữa tối hôm đó rau và sủi cảo ở nhà thơm ngon một cách lạ thường. Khi nhìn thấy mỹ phẩm cao cấp, đồ hiệu đắt tiền, cô cũng không còn cảm thấy hứng thú nữa. Cô thấy chúng không khác biệt hơn là bao với hàng bình thường.

Nếu lúc đó cô bị lừa thì phải làm sao? Nếu thật sự bản thân phải chịu trách nhiệm thì làm thế nào?

Lúc tiêu tiền, chúng ta luôn suy nghĩ quá ít. Nhưng dạy chúng ta biết tiết kiệm, đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc.

Đợt mưa lớn trước đó, có một cư dân mạng ở nhà hơn chục ngày. Vừa hết mưa thì dịch bệnh lại bùng phát, cả xóm phong tỏa, công ty ngừng lương, anh phải ăn tạm bợ sống qua ngày. Đồng thời, anh cũng đau đầu không biết làm thế nào để trả nợ thẻ tín dụng.

Anh nói: “Bây giờ tôi thực sự ý thức được mình phải tiết kiệm tiền rồi. Không phải vì bất cứ điều gì khác, mà đơn giản chỉ vì nếu sau này còn gặp phải tình cảnh này, tôi có thể điềm nhiên mà đối diện.”

Kiếm được đồng tiền thật không dễ dàng gì. Khi người lớn tuổi trong nhà đổ bệnh, có việc gấp cần dùng đến tiền, chúng ta mới hiểu được dư vị thiếu tiền cay đắng đến nhường nào.

Càng trưởng thành, bạn càng cần phải hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền.

2. TIẾT KIỆM RẤT KHÓ, NHƯNG KHÔNG TIẾT KIỆM CÒN KHÓ HƠN.

Tiết kiệm tiền không phải là điều dễ dàng, nhất là khi trong bạn luôn có một sự thôi thúc là phải tiêu tiền. Bạn phải liên tục vật lộn chiến đấu với ý chí của mình.

Tôi từng đọc được một bài tự thuật của một cô gái trên mạng xã hội:

Cô lớn lên ở một tỉnh lẻ. Ngay từ nhỏ, cô đã hiểu được tầm quan trọng và luôn ý thức việc tiết kiệm tiền.

Tốt nghiệp ra trường, cô lại càng tiết kiệm hơn. Sáng chỉ ăn qua loa lấy lệ, tối thì ăn mỳ tự nấu,  thêm chút hành hoa cô chủ trọ cho. Lâu lâu mới thưởng cho mình ăn một bữa thịnh soạn.

Tuy nhiên, sau khi được tăng lương, cô không còn kiểm soát được bản thân mình nữa.

Một tuần bảy ngày thì có đến bốn ngày cô vào thành phố ăn uống tụ tập với bạn bè. Tháng nào cũng tiêu hết 2 đến 3 triệu tiền ăn. Kế hoạch mua nhà bị đổ bể, cô phải tiết kiệm lại từ đầu.

Sau khi tỉnh ngộ ra mình đã tiêu xài hoang phí thế nào, cô đã tăng ca liên tục trong vòng 2 tháng. Cô cẩn trọng suy nghĩ khi tiêu tiền. Cộng thêm dịch bệnh bùng phát, cô cũng ít ra ngoài hơn. Cuối cùng, số dư trong tài khoản đã dần dần tăng lên.

Không ai từ khi sinh ra đã là người tiết kiệm, mà là cuộc sống dạy họ phải sống tiết kiệm.

Số tiền mà bạn tiết kiệm, trước mắt bây giờ có thể chưa phát huy tác dụng ngay. Nhưng nếu không tiết kiệm, chắc chắn bạn sẽ còn khổ hơn rất nhiều.

Rất ít người có thể đạt được tự do tài chính ở tuổi đôi mươi. Nhưng nếu tháng nào bạn cũng tiêu hết lương, thậm chí còn tiêu hụt vào tiền lương của tháng sau, vậy thì vấn đề không phải vì bạn kiếm được ít tiền, mà bởi vì ham muốn của bạn đang ngày càng lớn lên. Mọi người đều nói, sự suy sụp của người trưởng thành bắt đầu từ việc đi vay tiền.

Nhưng tôi nghĩ, sự suy sụp của người trưởng thành bắt đầu từ việc không tiết kiệm tiền, vì nếu không tiết kiệm thì sớm muộn gì cũng phải đi vay.

Tiết kiệm tiền cũng giống như việc tu hành vậy, bạn phải luôn đấu tranh kiểm soát những ham muốn của bản thân. Tương lai giàu hay nghèo đều được quyết định bởi bạn hôm nay.

3. NGƯỜI LUÔN NỖ LỰC KIẾM TIỀN, CUỘC SỐNG CỦA HỌ CHẮC CHẮC SẼ KHÔNG TỆ

Khi còn rất nhỏ, chúng ta chưa hiểu về việc tiết kiệm tiền.

Một cư dân mạng giấu tên cho biết hồi anh còn nhỏ, bố anh mở quán cơm, mẹ thì mở tiệm cắt tóc. Đều là những quán nhỏ ven đường, gia đình anh ấy sống tiết kiệm đến mức khiến anh ấy đau đầu.

Ba người sinh sống trên gác xép nhỏ hẹp của quán cơm. Mọi ngóc ngách trong nhà đều được tận dụng triệt để để làm chỗ trữ gia vị, đồ hàng. Chất đống chật kín cả lối đi.

Con nhà người ta mặc đồ hiệu, quần áo của anh chỉ toàn là hàng chợ. Chiếc áo khoác lông vũ, anh mặc từ lớp mười cho đến tận đại học.

Khi gặp rau rẻ, mẹ anh sẽ mua rất nhiều về để tích trữ ăn dần. Thịt cũng sẽ mua loại rẻ nhất. Lúc đó anh thật sự không hiểu nổi tại sao bố mẹ anh lại phải tiết kiệm đến như vậy.

Sau này anh thi đỗ vào trường điểm, ra trường đi làm kiếm được không ít tiền. Nhưng càng lớn, anh lại càng giống cha mẹ của mình. Những thói quen khi trước của cha mẹ đều dần dần hiểu được.

Đặc biệt là khi kết hôn, bố mẹ anh mua cho anh một căn hộ ở thành phố nơi anh đang làm việc. Bố mẹ anh còn có ba cửa hàng và hai căn ki ốt cho thuê, riêng tiền thuê hàng năm cũng lên đến vài trăm vạn tệ.

Anh cảm kích nói: “Tôi đặc biệt biết ơn bố mẹ mình, họ là niềm tự hào của tôi”.

Ngày trước cứ nghĩ hưởng thụ, thoải mái mới là điều tuyệt vời nhất, nhưng dần dần, tôi mới phát hiện ra rằng cuộc sống sẽ chẳng còn tuyệt nữa nếu bạn không có tiền. Nếu bạn muốn có bất cứ điều gì, điều đầu tiên là phải nỗ lực kiếm tiền, sau đó là nỗ lực tiết kiệm tiền.

Có câu nói: “Nếu bạn lặp đi lặp lại những điều gì bình thường một cách có quy luật, chắc chắn bạn sẽ nhận lại được một điều gì đó phi thường.”

Tiết kiệm tiền cũng vậy. Tiền không mua được gia đình nhưng có thể mua được nhà. Tiền không mua được kiến ​​thức nhưng có thể mua được sách vở. Tiền không mua được sức khỏe nhưng có thể cứu được mạng người trong lúc nguy cấp.

Những người có thể hoàn thành ước nguyện hầu hết là những người biết tiết kiệm tiền.

Tổng hợp