Ngô đồng và 16 cây cảnh đẹp nhưng có độc tố nguy hiểm

0
1261

Cây ngô đồng có hoa lá đẹp lại xanh mướt nên khiến học sinh tò mò. Chỉ trong vòng 2 ngày, gần 100 học sinh ở Nghệ An phải nhập viện cấp cứu do ăn phải quả ngô đồng ở trường học. Không riêng ngô đông mà còn có nhiều cây cảnh khác đẹp mà độc như vạn tuế, hồng môn, vạn niên thanh, đỗ quyên, cẩm tú cầu…

Cây ngô đồng bị chặt bỏ trong trường học ở Nghệ An vì nguy hiểm

Cây ngô đồng có tên khoa học là Jatropha podagrica, có nguồn gốc ở châu Mỹ. Tại Việt Nam, cây ngô đồng còn được gọi là vạn linh, sen núi, dầu lai có củ. Vì cây có hoa lá đẹp, xanh tốt quanh năm và hoa rất bền nên được trồng làm kiểng nhiều nơi ở Việt Nam.

Có 2 loại cây ngô đồng là cây ngô đồng cảnh và cây ngô đồng thân gỗ. Dù cây ngô đồng có nhiều tác dụng như làm đen tóc, chữa rụng tóc, bệnh ngoài da, lở loét miệng, nhưng khi ăn phải trái cây ngô đồng lại dễ bị nhiễm độc. Lý do bởi trong trái cây ngô đồng có chứa chất curcin gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan. Nếu trẻ con ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy.

Khi bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương. Đó là chia sẻ của bác sĩ Bạch Văn Cam, Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Cây ngô đồng cảnh được trồng nhiều tại Việt Nam, Trung Quốc.
Cây ngô đồng thân gỗ thường mọc hoang trên rừng núi nơi có khí hậu ẩm, nhiều nước.
Độc tố chính có trong cây ngô đồng là chất curcin.

Cách đây không lâu xảy ra vụ học sinh trường tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh) ngộ độc do ăn trái cây ngô đồng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói, vã mồ hôi…

Hôm 20.4 tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (Cửa Lò, Nghệ An) cũng có 50 học sinh lớp 2 và lớp 3 bị ngộ độc do ăn trái cây ngô đồng tại khuôn viên trường học trong giờ ra chơi và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các học sinh này cho biết cứ tưởng trái ngô đồng là quả óc chó nên đã rủ nhau ăn cho… thông minh.

Ba ngày sau đó, 37 học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS huyện Quỳ Châu (Nghệ An) phải nhập viện với lý do tương tự.

Các em học sinh vừa truyền dịch vừa cố nôn quả ngô đồng đã ăn phải – ảnh: Gia đình và xã hội

Theo ThS-BS Nguyễn Trương Minh Thế, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, loại trái mà người dân hai địa phương gọi là ngô đồng thật ra có tên là ba đậu tây hoặc vông đồng, tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.

Loại trái cây này thân có gai, lá hình tim hơi ba cạnh, mép có răng cưa. Nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, có độc, nên khi ăn phải dễ bị ngộ độc, nghiêm trọng hơn là có thể gây chết người.

Ở Việt Nam, loại này ít được dùng làm thuốc, chỉ thấy dùng ở châu Phi và Indonesia nhưng cũng hạn chế do có tính tẩy xổ mạnh, gây tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí tử vong.

Ngày 23.4, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có công văn khẩn về phòng ngừa độc tố tự nhiên ở một số loài cây, hoa, quả trong khuôn viên trường học. Văn bản được đưa ra sau khi khoảng 60 học sinh ngộ độc do ăn hạt quả cây ngô đồng.

Công văn nêu rõ, để chủ động phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Sở yêu cầu ban giám hiệu trường tuyên truyền tới giáo viên, học sinh và phụ huynh kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại hoa, quả chứa hợp chất gây độc, hoặc nghi ngờ để ăn uống.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, một số loại cây, hoa có chứa chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc thường gặp gồm: Cây ngô đồng, cây thầu dầu… chứa protein độc. Cây lá ngón, cây cà độc dược… chứa alcaloid độc.

“Nhà trường rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loại cây, hoa chứa hợp chất gây độc với mục đích làm cảnh, hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì trường cần có biển báo và biện pháp kiểm soát an toàn đối với mỗi cây, hoa“, công văn nêu.

Sở Giáo dục đề nghị các trường thường xuyên giám sát, phát hiện sớm vấn đề sức khoẻ nghi ngờ do ăn phải cây, hoa, quả có chứa hợp chất gây độc và thông báo tới cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.

Những loại cây cảnh đẹp nhưng có độc tố nguy hiểm

Ngoài ngô đồng, có nhiều loại cây cảnh đang được trồng rất phổ biến trong nhà, vườn, trên các tuyến đường, nhưng ít ai biết rằng chúng lại chứa những độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí gây tử vong.

Vạn tuế: Tên khoa học là Cycas revoluta Thunb, thuộc họ thiên tuế Cycadaceae. Ở Việt Nam, loại cây này thường được rất nhiều cơ quan, trường học, gia đình lựa chọn trồng làm cảnh.

Các hợp chất alkaloids trong thân cây có thể gây ung thư. Ngay cả trong hạt vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao. Nếu tiếp xúc gần hoặc dùng tay vặt lá, hạt, vỏ vạn tuế, chúng ta có thể bị ngộ độc.  Các nhà khoa học khuyên không nên tiếp xúc thường xuyên hoặc đặt cây vạn tuế trong phòng kín bởi nó có thể gây bệnh, ngộ độc, thậm chí khiến người tử vong.

Trúc đào (hoặc đào lê): Tên khoa học là Nerium oleander. Đây là cây hoa đẹp được trồng làm cảnh ở rất nhiều tuyến đường trong địa bàn thành phố.

Toàn thân trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào, hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc. Thậm chí, vỏ và gỗ còn tươi của thân cành trúc đào độc hơn lá.

Hoa trúc đào tuy độ độc thấp hơn ở các bộ phận khác, nhưng rơi vào nước cũng làm nhiễm độc. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Hồng môn (hoặc vĩ hoa tròn, buồm đỏ): Tên tên khoa học là Anthurium andraeanum, có xuất xứ từ Colombia, được nhập vào Việt Nam. Đây là một loài hoa thuộc họ Ráy, có thân ngắn, thường mọc thành bụi, sống lâu năm, sinh trưởng nhanh và chịu bóng một phần. Cây ưa khí hậu mát ẩm, có nhu cầu nước trung bình.

Cây có độc tố calcium oxalate và csparagine. Ăn phải bất kỳ bộ phận nào của loài hoa này có thể gây bỏng rát vùng họng, dạ dày và ruột.

Chuỗi ngọc: Tên khoa học là Sedum morganianum. Toàn thân cây chuỗi ngọc có chứa chất gucosides gây mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy nếu ăn phải.

Vạn niên thanh hoa: Tên khoa học là Dieffenbachia, xuất phát từ vùng nhiệt đới, chủ yếu từ châu Phi. Độc chất của cây vạn niên thanh chính là calcium oxalate, phân bố trong các bộ phận của cây và chủ yếu trên lá.

Khi nhai lá, ăn lá sẽ gây ra bỏng rát niêm mạc miệng, da. Nếu tiếp xúc với nhựa từ lá có thể gây dị ứng da, bỏng miệng, cứng miệng, nghẹn họng và khó thở. Vạn niên thanh tuy có độc nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định nếu nuốt phải hoặc bị dính mủ cây với lượng lớn chứ không gây chết người cực nhanh như tin đồn.

Huệ Lili: Tên khoa học là Hippeastrum puniceum. Củ cây có chất độc Lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, khi ăn phải. Nhựa cây có thể gây nôn, gây bỏng, ngứa…

Đỗ quyên: Tên khoa học là Rhododendron occidentale. Đỗ quyên là loài hoa có màu sắc đa dạng, thường được trồng vào chậu để làm cây cảnh trang trí.

Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Nếu ăn phải lá cây, môi sẽ bị nóng rát, nhiều sẽ bị bỏng rộp, nôn mửa, chảy nước dãi, nôn, uể oải, chóng mặt, khó thở, tiêu chảy… Một lượng 100g đến 225g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho một em bé nặng 25kg.

Cẩm tú cầu: Tên khoa học là Hydrangea. Cẩm tú cầu là cây hoa được trồng phổ biến trong sân vườn. Tuy nhiên, nếu trót ăn những bông hoa này, bạn sẽ bị đau bụng trong nhiều giờ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê và co giật.

Ngoài ra, những hạt phấn nhỏ do hoa cẩm tú cầu phát tán ra tiếp xúc với người sẽ làm cho da của người bị dị ứng.

Xương rồng bát tiên: Tên khoa học là Euphorbia milii splendens. Theo các nhà thực vật học, nhựa của loại cây này gây bỏng rát da khi tiếp xúc.

Lan ý: Tên khoa học là Zantedeschia aethiopica. Trong lá và củ của cây ý lan đều có chất độc đường ruột calcium oxalate. Ăn phải loại cây này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.

Lục bình: Tên khoa học là Eichhornia crassipes. Tất cả bộ phận của cây đều có độc, gây chứng ăn không tiêu, ói mửa trên chó, mèo và một số vật nuôi khác khi ăn phải.

Dạ lan: Tên khoa học là Hyacinth orientalis. Củ Dạ Lan có độc tố Alkaloid gây vọp bẻ, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy nếu ăn phải.

Anh Thảo: Tên khoa học là Cyclamen persicum. Củ cây có chất độc Alkaloids gây khó tiêu, tiêu chảy, ói mửa nếu ăn phải.

Hoa loa kèn Arum (Ý lan):  Tên khoa học là Zantedeschia aethiopica. Lá và củ cây đều có chất độc đường ruột Calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.

Thiên điểu: Tên khoa học là Strelitzia reginae. Hoa và hạt của cây có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt.

Ngót nghẻo: Tên khoa học là Gloriosa superba. Củ và hạt cây có chất kịch độc Colchicine và một số alkaloid khác mà nếu ăn vào sẽ gây tê lưỡi, làm cho cơ thể mất cảm giác, nặng thì hôn mê và nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Nhân Hoàng (tổng hợp)/Một Thế Giới