Những lá rau vị thuốc chữa viêm họng có sẵn trong vườn nhà

0
331

Uống nước lá diếp cá, lá hẹ trộn mật ong, lá húng chanh, xương sông… có thể làm dịu cơn ho và đau họng khi trời lạnh.

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, gây bệnh viêm họng cấp, biểu hiện đặc trưng là đau họng, ho khan, viêm phế quản… Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, chia sẻ các bài thuốc từ lá rau trong vườn để chữa khỏi các triệu chứng khó chịu này.

Lá diếp cá

Diếp cá vị cay, tính mát giúp thanh nhiệt, nhuận tràng, giải cảm, giải độc và làm lành các vết lở loét. Thành phần tinh dầu trong rau diếp cá có tác dụng sát trùng, kháng viêm và loại trừ các ổ vi khuẩn, virus trong cổ họng.

Người bị viêm họng, dùng lá diếp cá rửa sạch, để cho ráo nước rồi đem xay nhuyễn hoặc giã nhỏ và lọc lấy nước cốt. Sau đó, pha nước cốt với một ít nước ấm rồi uống từng ngụm. Áp dụng hai lần mỗi ngày, liên tục trong 4 đến 5 ngày.

Ngoài uống trực tiếp, lá rau diếp cá còn có thể kết hợp với các loại thảo dược khác để hiệu quả tốt hơn trong điều trị viêm họng. Dùng khoảng 50 g lá diếp cá và 20 g lá cam thảo đất, đem rửa sạch rồi cho vào nồi sắc với nước để uống hàng ngày. Thực hiện đều đặn hai đến ba ngày.

Lá diếp cá có thể sắc cùng nước vo gạo để tăng miễn dịch, bổ sung dưỡng chất và điều trị viêm họng. Bạn chỉ cần 200 g lá diếp cá rửa sạch, chờ ráo nước rồi giã nát hoặc xay nhuyễn. Tiếp đó, đun sôi khoảng 300 ml nước vo gạo rồi bỏ rau diếp cá vào đun đến sôi thì tắt bếp. Trong quá trình đun, khuấy đều để các chất hòa quyện vào nhau. Sau cùng, bỏ phần bã, chắt lấy nước cốt để uống vào buổi sáng và tối mỗi ngày.

Lá diếp cá, món ăn vị thuốc chữa đau họng, viêm họng, thanh mát cơ thể.
Lá diếp cá, món ăn vị thuốc chữa đau họng, viêm họng, thanh mát cơ thể. (Ảnh: Global Food).

Lá hẹ

Lá hẹ gồm đạm, vitamin A, C, canxi, phốtpho và chất xơ, có vị cay, tính ấm tác dụng trợ thận, bổ dương, giải độc, tiêu đờm… Trong lá hẹ chứa các thành phần odorin có tác dụng như một chất kháng sinh chống tụ cầu và các chủng vi khuẩn.

Bạn có thể lấy một nhúm nhỏ lá hẹ tươi đem rửa sạch với nước, giã nát đắp lên vùng cổ bị viêm họng. Sau đó cuốn băng giữ chặt phần lá đắp khoảng 30 phút rồi tháo ra rửa sạch cổ bằng nước sạch.

Hoặc, hấp cách thủy hỗn hợp lá hẹ giã nhuyễn với hai thìa mật ong trong 15 phút. Chắt lấy nước cốt và uống khi còn ấm, bã lá hẹ dùng để ngậm sẽ làm dịu cơn đau, giảm đau rát cổ họng hiệu quả.

Lá húng chanh

Húng chanh là loại rau gia vị dễ trồng, có mùi thơm dễ chịu, vị chua the, tính ấm. Trong đông y, húng chanh có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, dùng để chữa ho, viêm họng, cảm cúm, hen suyễn, sốt…

Để chữa viêm họng, bạn dùng một nắm lá cây húng chanh cùng một nắm lá sài đất, đem sắc nước đặc rồi lọc lấy nước uống. Thực hiện ngày hai lần làm giảm các triệu chứng như đau họng, khó nuốt, khó nói, khàn tiếng do viêm họng gây ra. Húng chanh tươi nấu nước xông hoặc thêm gừng, hành để xông cho ra mồ hôi, giảm mệt mỏi hiệu quả.

Lá xương sông

Lá xương sông vị cay, tính ấm và không độc, chữa cảm sốt, ho, hen, đầy bụng, bổ phế, tiêu đờm, giải độc… Bài thuốc từ lá xương sông kết hợp mật ong có thể kháng viêm, sát khuẩn và làm lành các vết thương tại vùng họng.

Bạn có thể dùng ba lá xương sông bánh tẻ đem thái nhỏ với 5 thìa mật ong nguyên chất. Sau đó cho cả hai nguyên liệu vào bát và hấp cách thủy khoảng 15 phút. Lọc lấy phần nước để uống nhiều lần trong ngày. Thực hiện cách làm này liên tục trong khoảng 3-5 ngày, hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.

Lá xương sông khô còn có thể sắc uống. Lấy khoảng 20 g lá xương sông đã phơi khô, nấu với nước trong khoảng 10 phút thì tắt bếp.

Gừng

Gừng có tính kháng viêm, tiêu đờm, chữa cảm lạnh, tốt cho tiêu hóa, trị chướng bụng, đau bụng, có thể uống kèm mật ong tăng hương vị. Nước gừng giúp kháng viêm, tiêu đờm, chữa cúm và là bài thuốc quý có tác dụng chống lạnh, giúp tiêu hóa tốt…

Củ gừng
Người ho lâu không dứt, ho có đờm, dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm.

Chữa nóng, cảm lạnh, cảm gió hoặc sốt, dùng 7 lát gừng tươi, 7 củ hành củ và một bát nước sắc lên uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Người bị sốt rét, nóng lạnh, ho có đờm, dùng gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái miếng, ngậm nuốt nước.

Người ho lâu không dứt, ho có đờm, dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm. Trẻ em ho lâu ngày không khỏi, lấy 200 g gừng tươi nấu nước tắm… Gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái nuốt, ngậm nuốt nước, trị sốt rét, ho có đờm.

Lưu ý, gừng tính nóng nhiệt cao, người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn nhiều. Ăn nhiều gừng trong thời gian lâu có thể bị nóng trong cơ thể, nổi mụn, toét mắt, chảy nước mắt sống.

Tổng hợp