Dạy con lòng biết ơn cha mẹ là cho con đôi cánh thành công mai này

0
680

Một cô gái có thành tích học tập xuất sắc đến xin vào làm ở công ty lớn. Cô đã vượt qua nhiều vòng loại bên ngoài để tiến vào vòng cuối cùng do đích thân chủ tịch công ty phỏng vấn. Nhìn vào hồ sơ lý lịch, vị chủ tịch biết được quá trình học tập nghiên cứu của cô có kết quả rất tốt và chưa từng bị gián đoạn.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Chủ tịch hỏi: “Cô đã từng nhận được học bổng lần nào chưa?”.

Người phụ nữ: “Dạ thưa, chưa từng ạ”.

Chủ tịch: “Học phí có phải do cha cô trả không?”

Người phụ nữ: “Cha tôi mất khi tôi một tuổi. Mẹ là người trả tiền những khoản học phí cho tôi”.

Chủ tịch: “Vậy mẹ cô làm gì?”.

Người phụ nữ: “Mẹ tôi là nhân viên giặt là”.

Chủ tịch nghe xong liền bảo người phụ nữ xòe tay ra. Ông nhìn một lát rồi hỏi tiếp: “Cô đã từng giúp mẹ giặt quần áo bao giờ chưa?”.

Người phụ nữ: “Dạ chưa từng ạ. Mẹ luôn muốn tôi dành thời gian cho việc học nhiều hơn. Bên cạnh đó, công việc giặt giũ mẹ làm nhanh hơn tôi rất nhiều”.

Chủ tịch nói: “Tôi có một yêu cầu, hôm nay cô về nhà, hãy rửa tay cho mẹ rồi trở lại gặp tôi vào sáng ngày mai”.

Người phụ nữ cảm thấy rằng bản thân rất có thể được trúng tuyển. Sau khi trở về nhà, cô vui vẻ kể lại cho mẹ nghe về cuộc phỏng vấn và thực hiện rửa tay cho mẹ giống như chăm sóc đôi tay của em bé.

Ban đầu, cô vui vẻ rửa tay cho mẹ, nhưng dần dần… những giọt nước mắt trên gương mặt cô lăn xuống. Bởi vì đây là lần đầu tiên cô thấy tay mẹ bị bong tróc da, hơn nữa còn có một vết thương khiến mẹ cô cảm thấy đau đến phát run.

Giờ đây, cô mới cảm nhận được mẹ dùng đôi bàn tay bị bong tróc da hết lần này đến lần khác giặt từng bộ quần áo cho khách để có tiền cho cô đi học. Đôi bàn tay này là cái giá cho sự tốt nghiệp của cô. Sau khi rửa tay cho mẹ xong, cô đã tự mình giặt quần áo thay mẹ mà không nói một lời. Đêm hôm đó, nằm trên giường hai mẹ con cô đã nói chuyện rất lâu.

Sáng hôm sau, người phụ nữ đến gặp chủ tịch.

Chủ tịch nhìn vào đôi mắt đỏ của người phụ nữ và hỏi: “Cô có thể cho tôi biết, hôm qua cô đã làm gì khi về nhà?”.

Người phụ nữ trả lời: “Sau khi tôi rửa tay cho mẹ, tôi đã giúp mẹ tôi giặt quần áo”.

Chủ tịch nói: “Xin vui lòng cho tôi biết, cô cảm thấy thế nào?”.

Người phụ nữ nói: “Đầu tiên, tôi biết cách cảm ơn, không có mẹ thì không có tôi ngày hôm nay. Thứ hai, tôi biết rằng cần phải giúp mẹ làm việc để hiểu công việc khó khăn của bà. Thứ 3, tôi hiểu được tình yêu gia đình vô cùng trân quý”.

Chủ tịch nói: “Tôi chỉ muốn nhận một nhân viên biết cảm ơn, bởi vì có vậy người này mới cảm nhận được khó khăn vất vả của người khác. Tôi không phải là người giám đốc coi tiền là trên hết. Cô đã trúng tuyển”.

Sau khi được nhận vào công ty, người phụ nữ đã làm việc chăm chỉ và nhận được sự ủng hộ của cấp dưới. Mọi người cùng nhau nỗ lực trong công việc khiến toàn bộ công ty phát triển nhanh hơn.

***

Nếu ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã hình thành thói quen không biết nghĩ đến người khác, chỉ muốn được mọi người vây quanh cưng chiều thì khi trưởng thành, người này sẽ coi mình là trên hết. Cha mẹ khó khăn vất vả thế nào cũng không biết. Khi đi làm, người này hẳn là không biết được đồng nghiệp có những khó khăn vất vả gì mà chỉ biết đòi hỏi mọi người phải lắng nghe và dễ đổ lỗi cho người khác khi kết quả không thành.

Những đứa trẻ ích kỷ như vậy, có lẽ sẽ có thành tích học tập tốt khiến cha mẹ tự hào một thời gian. Tuy nhiên, khi trưởng thành, chúng sẽ không làm nên đại sự. Người này cũng không cảm nhận được hạnh phúc và vấp ngã liên tục. Đây chính là do tình yêu bao bọc quá lớn của cha mẹ tạo thành. Cha mẹ bao bọc quá mà thành hại con.

Chúng ta có thể cho con sống trong những ngôi nhà lớn, ăn những bữa ăn thịnh soạn, học piano và xem chương trình TV. Nhưng khi chúng ta cắt cỏ, chúng ta phải để con cái nhổ cỏ dưới ánh mặt trời. Sau khi ăn xong, chúng ta phải cho con rửa bát. Đây không phải là vì chúng ta không có tiền thuê người giúp việc, mà là đang giúp con hình thành lòng biết ơn và sẻ chia với người khác.

San San/Theo SecretChina