Trang chủ Giải trí Người xưa thực hiện chữ Nhẫn như thế nào?

Người xưa thực hiện chữ Nhẫn như thế nào?

0
745
Người xưa thực hiện chữ Nhẫn như thế nào?
Ảnh: Vision Times.

Có câu nói: “Trong lòng chữ Nhẫn có một thanh đao”. Con người hiện đại sống trong môi trường gia đình, xã hội, đơn vị công tác phải đối diện với đủ loại mâu thuẫn khác nhau, vậy nên nhẫn được không phải chuyện dễ dàng…

Nhẫn, nói thì dễ nhưng làm mới khó. Khi giải quyết mâu thuẫn, thực hành nhẫn chính là không ngại đối mặt với nguy hiểm, hành động quyết đoán, không tranh hơn thua, dùng trí tuệ để xử lý vấn đề, tránh những xung đột trực diện và giảm bớt tổn thất không cần thiết, dùng vị tha để hóa giải.

Vậy Nhẫn chân chính là gì? Định nghĩa về nhẫn như thế nào? Nhẫn không phải là kìm nén những uất ức ở trong lòng, bởi vì nó sẽ khiến khí trong thân thể ứ tắc gây tổn thương gan thận. Gan tổn thương thì người dễ cáu gắt, thận tổn thương thì đầu óc không minh mẫn, đầu óc không minh mẫn dễ dẫn đến nói lỡ lời. Cho nên, nhẫn cần chủ động, tích cực gánh chịu và giải quyết vấn đề một cách thiết thực. Dưới đây là một số câu chuyện cho thấy cách thực hành nhẫn của cổ nhân.

Hàn Tín chịu nhục chui háng

Tô Thức thời Bắc Tống từng nói: “Thất phu chịu nhục, tuốt kiếm tương đấu, động thân mà đánh”. Đây không phải là hành vi của người dũng cảm. Người dũng cảm thật sự, là khi anh ta đột nhiên bị xúc phạm mà vẫn giữ được bình tĩnh, không tranh không đấu, dùng thái độ nhường nhịn để hóa giải mâu thuẫn, giúp cho đối phương có đường lui, cho dù gặp phải những lời xúc phạm vô cớ, cũng có thể linh hoạt đối đãi một cách thản nhiên.

Hàn Tín (ảnh minh họa: Wikipedia).

Khi xưa Hàn Tín, một bậc khai quốc công thần nhà Tây Hán có “tâm đại nhẫn” khiến người kính nể. Thuở còn tráng niên, Hàn Tín thích đeo thanh kiếm dài bên mình. Một ngày nọ, khi Hàn Tín đang đi dạo thì một kẻ thất phu liền buông lời xúc phạm Hàn Tín, nói: “Ngươi có vóc dáng cao lớn, thích đeo trường kiếm biên người, kỳ thực nội tâm lại rất nhát gan. Nếu ngươi không sợ chết thì hãy tuốt kiếm chặt đầu ta, nếu không thì hãy chui háng ta”.

Sau khi nhìn kỹ người thanh niên này, Hàn Tín đã cúi xuống, bò dưới đất chui qua háng của anh ta. Người trên đường đều cười nhạo Hàn Tín, cho rằng anh ta là kẻ nhát gan.

Về sau, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã gặp lại kẻ lỗ mãng năm xưa làm nhục mình, và kể lại câu chuyện cho mọi người biết. Hàn Tín nói: “Đó là một chàng thanh niên khỏe mạnh. Năm đó lúc làm nhục ta, ta có thể giết hắn nhưng giết chết người này cũng không có tác dụng gì, cho nên ta đã nhẫn nhịn, nhờ vậy mới có thành tựu như ngày hôm nay”.

Người trẻ tuổi này liền cầu xin tha thứ. Hàn Tín đã tha tội, hơn nữa còn phong cho người này chức quan nhỏ.

Nhẫn không phải là nhu nhược và cúi đầu trước người khác. Nhẫn là để tránh những rắc rối không cần thiết, mọi người có thể chung sống hòa thuận trong cùng một môi trường. Nó thể hiện ý chí bao la của một người.

Câu Tiễn ‘nếm mật nằm gai’

Hầu hết mọi người đều biết về thành ngữ: “Nếm mật nằm gai”. Câu này có ý là nằm trên gai nếm mật đắng, thực hiện hành động này liên tục suốt mấy chục năm. Lời này là điển cố về chuyện của Việt Vương Câu Tiễn. Sau khi nước Việt bị nước Ngô đánh bại, trong hơn 10 năm, trước khi ăn cơm Câu Tiễn đều nếm thử mật đắng. “Nhẫn” ở đây thể hiện ở ý chí kiên trì và có trách nhiệm.

Năm 498 trước Công nguyên, Hạp Lư vua của nước Ngô cho quân đánh nước Việt, nhưng bị thất bại, Hạp Lư cũng bị thương nặng phải bỏ mình. Hai năm sau đó, con trai của Hạp Lư là Ngô Phù Sai đem quân đánh bại nước Việt, Việt Vương Câu Tiễn bị áp giải đến nước Ngô hầu hạ vua Ngô.

Một ngày nọ, vua Ngô lâm bệnh, Câu Tiễn chủ động nếm phân và nước tiểu của vua Ngô, mặt lộ nét vui mừng nói với Ngô Phù Sai: “Theo như màu sắc và mùi vị của phân và nước tiểu mà đoán, thân thể đại vương đã khỏe lại rồi, nhưng vẫn cần tĩnh dưỡng thêm”.

Ba năm sau, Ngô Phù Sai tiễn đưa Việt Vương Câu Tiễn quay trở về nước Việt. Về đến nước Việt rồi, Câu Tiễn vẫn sống cuộc sống như khi còn ở nước Ngô, thậm chí còn siêng năng và tiết kiệm hơn, yêu thương dân chúng, an ủi quan chức, huấn luyện tốt binh lính.

Câu Tiễn đem túi mật đắng treo bên cạnh chỗ ngồi và chỗ nằm để nhắc nhớ ông. Trước mỗi bữa cơm, ông đều nếm thử mật đắng.

Âm thầm nghĩ mưu tính kế suốt hai mươi năm, cuối cùng Câu Tiễn đã bình định được nước Ngô và trở thành bá chủ, trả lại phần đất nước Ngô chiếm của nước Sở, nước Tống, nước Lỗ..

Từ thời cổ đại đến nay, những người có thể hoàn thành việc lớn đều có sức mạnh ý chí phi thường và có niềm tin vững như bàn thạch.

Tô Vũ chăn dê

Tô Vũ chăn dê (ảnh minh họa: Wikipedia).

Vào năm 100 trước Công nguyên, tộc Hung Nô vì muốn lấy lòng nhà Hán, sẵn sàng khôi phục mối quan hệ bang giao như cũ. Lúc đó Hán Vũ đế đã phái Tô Vũ dẫn hơn 100 người đi sứ Hung Nô để cảm ơn Thiền Vu.

Khi đoàn người Tô Vũ chuẩn bị trở về đất Hán thì gặp đúng lúc tộc Hung Nô nổi loạn. Tô Vũ cùng đoàn tùy tùng bị giữ lại và bị ép phải quy thuận Hung Nô. Đầu tiên, vị Thiền Vu mới lên ngôi phái người mang theo vàng bạc châu báu đi khuyên nhủ nhưng đều bị Tô Vũ nghiêm khắc cự tuyệt. Thiền Vu lại hạ lệnh đem Tô Vũ đến một cái hang tại miền viễn xứ, không được cung cấp thức ăn hay nước uống.

Bị đẩy đến đây, Tô Vũ vẫn không thay đổi ý chí, khát thì ông ăn tuyết, đói thì ăn áo da dê mặc trên người. Thiền Vu thấy Tô Vũ là người có chí khí, cảm phục sự thanh liêm của ông nên không nỡ giết nhưng cũng không muốn để Tô Vũ trở lại đất Hán.

Nhìn cành cây đâm chồi nảy lộc, nghĩ đến nước Hán mà vẫn không hẹn ngày về, Tô Vũ không khỏi có chút thương cảm trong lòng, giống như là vì lý do đó mà rơi lệ. Ông đưa tay lau nước mắt, lúc này một con dê hướng về phía ông cất tiếng kêu be be. Nghe thấy thanh âm này, ông cảm thấy như được an ủi một phần.

Mượn cớ này, Thiền Vu đã để Tô Vũ đi đến vùng Bắc Hải chăn dê. Ông ta cũng nói rằng, khi dê sinh ra dê con thì sẽ cho Tô Vũ trở về nước Hán. Tô Vũ lưu vong đến vùng đất mới để chăn dê, tuy nhiên ông lại phát hiện những con dê ông chăn thả toàn là dê đực. Vậy là ông mỗi ngày chăn dê mà lòng ngóng trông về đất Hán.

Mười chín năm sau, triều Hán mới biết được tình huống của ông, lúc này họ mới thương lượng với Hung Nô đưa Tô Vũ từ Bắc Hải trở về Trường An.

Lúc đi sứ, Tô Vũ là một chàng thanh niên khỏe mạnh, khi trở về thì mái tóc đã hoa râm. Trước khi đi sứ Hung Nô, Tô Vũ có làm thơ tặng vợ như thế này: “Hành dịch tại chiến trường, tương kiến vị hữu kỳ. Sinh đương phục lai quy, tử đương trường tương tư”. Tạm dịch: “Tại chiến trường ra đi theo lệnh, nay từ biệt không hẹn ngày về, sống muốn sớm trở về, chết tưởng nhớ khôn nguôi”.

Người xưa coi những kẻ vì mưu lợi cá nhân mà phản vua hại nước là “phản nghịch”, vì sợ chết mà đánh mất tiết nghĩa là “làm loạn”. Cái đức Nhẫn của Tô Vũ là bởi ông trung thành với nhà Hán, vì giữ vững chính nghĩa cùng tiết nghĩa mà chịu khổ, không bị tiền tài cùng địa vị cám dỗ. Đông qua xuân tới, hoa nở hoa tàn, tóc đen đổi sang tóc trắng cũng không thể làm thay đổi khí tiết của ông.

Tổng hợp