Rơi nước mắt thương con vì môn Văn

0
1297

(GDVN) – Liệu đến lúc nào trong nhà trường Việt Nam, học sinh mới được học những điều cần học để phát triển năng lực cũng như nhân cách thực sự?

LTS: Chia sẻ câu chuyện học Văn, tập làm thơ của các em học sinh lớp 6, hai tác giả Kim Hồng – Hoài An công tác tại Khoa Sư phạm, Đại học Tây Nguyên chỉ ra những nghịch lý trong việc dạy Văn cho học sinh.

Đọc những câu thơ ngô nghê do các em tự sáng tác, các tác giả cho rằng việc dạy các thể thơ cho học sinh chỉ để giúp học sinh nắm bắt được những quy luật của các thể loại thơ chứ không nhằm giúp học sinh có kỹ năng sáng tác.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Hôm nay thằng nhóc nhà mình đi học về bắt mẹ làm cho con bài thơ bốn chữ, mình thật phát điên lên.

Ngồi cả buổi, cả hai mẹ con chả làm được đến hai câu, lấy gì một bài. Đành phải để cho nó lên lớp mà không hoàn thành bài tập”. Đây là lời tâm sự của người bạn của tôi có con học lớp 6.

Tưởng chuyện đùa, tôi lấy chương trình văn học các cấp học phổ thông ra xem, hóa ra là chuyện thật.

Hầu hết tất cả các lớp ở cấp phổ thông đều có tiết tập làm thơ, lớp 6 làm thơ 4 chữ, 5 chữ, lớp 7 làm thơ lục bát, lớp 8 làm thơ 7 chữ, lớp 9 làm thơ 8 chữ…

Có dạy học sinh tập làm thơ từ phổ thông? (Ảnh minh họa trên Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh)

Tôi đem chuyện đi hỏi một người bạn cũng có con học lớp 6, người bạn đưa cho tôi bài thơ mà cậu con trai làm để nộp cho cô thay cho bài tập:

Hôm nay trăng sáng
Dáng mẹ xinh xinh.
Ba đóng cái đinh
Vào tường cái cộp
Làm mình giật thột
Tỉnh cả ngủ rồi
Bèn đi rửa nồi
Cho mẹ nấu nướng
”.

Tôi đem chuyện hỏi một người bạn khác cũng có con học lớp 6 thì cũng nhận được thông tin về tiết tập làm thơ 5 chữ.

Bài thơ của cậu bé tên Hải như sau:

Không nên lạm dụng các sự kiện nóng trong các đề Ngữ văn

Con ruồi ơi im lặng
Để anh Hải ăn cơm
Mày mà cứ lơn tơn
Thì tao cho mày chết
”.

Không biết nên cười hay nên khóc khi đọc những bài thơ này. Rõ ràng nó là thơ 4 chữ, 5 chữ, gieo vần hoàn toàn hợp lí.

Nhưng bảo nó là thơ thì hẳn là không phải, chỉ là một sự lắp ghép chữ nghĩa khôi hài và ngây ngô nhất. Bỗng dưng thấy buồn. Buồn vì chuyện thơ viết ngây ngô kiểu như:

Thầy cô như những con cò,
Từ trong các ngõ lò dò đi ra

Hay:
Con đò dịch đít sang ngang
Bên kia có một cái làng thò ra
”.

Tưởng chỉ là chuyện khôi hài, để mỉa mai những người làm thơ theo kiểu “bút tre” bây giờ lại thành chuyện thật, trong trường học ở Việt Nam.

Chuyện sáng tác thơ ca nghiêm túc lại trở thành chuyện lắp câu ghép chữ, để trở thành một thứ trò cười, để trở thành gánh nặng cho học trò vốn đã đầy những gánh nặng học hành.

Buồn vì dường như những người biên soạn chương trình giáo dục phổ thông dường như phớt lờ bản chất của thơ ca và việc sáng tạo văn chương.

Làm thơ không phải là một công việc có thể đào tạo được, người nghệ sĩ ngoài những tố chất về học thức, trí tuệ, có cảm xúc, rung động còn phải có năng khiếu, có khả năng thiên phú mà điều đó không thể dễ dàng qua một vài tiết dạy học sáng tác thơ ở trường học đào luyện được.

Những chuyện “vừa buồn cười vừa tức” ở sách Ngữ văn Trung học cơ sở hiện hành

Trong trường học, việc dạy học các thể loại thơ 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát hay tự do là cần thiết, nhưng chỉ để giúp học sinh nắm bắt được những quy luật của các thể loại thơ chứ không nhằm giúp học sinh có kỹ năng sáng tác.

Nhiệm vụ đó là của những trường đào tạo nhà văn chuyên nghiệp kiểu như trường viết văn Nguyễn Du ở Việt Nam hay trường Puskin ở Nga.

Việc tạo ra các bài thơ ngây ngô là điều tất yếu khi học sinh chỉ lắp ghép câu chữ cho thành vần thành điệu mà không sáng tác theo cảm xúc trữ tình vốn là một đòi hỏi của thơ ca.

Liệu đến lúc nào trong nhà trường Việt Nam, học sinh mới được học những điều cần học để phát triển năng lực cũng như nhân cách thực sự?

Kim Hồng – Hoài An