Người Mỹ gốc Việt may khẩu trang tặng nhân viên y tế, nghĩa cử đẹp trong đại dịch

0
633

Với lệnh “trú ẩn tại nhà” nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh mà Thống đốc tiểu bang California đưa ra gần đây, nhiều người Mỹ gốc Việt đã sử dụng thời gian rảnh rỗi để may khẩu trang tặng nhân viên y tế và bệnh nhân trong các bệnh viện.

 

Tại Little Saigon thuộc Quận Cam ở miền Nam California, nơi được mệnh danh là “thủ đô” của người Việt ở hải ngoại, hiện đang có rất nhiều nhóm thiện nguyện may khẩu trang để tặng nhân viên y tế, bệnh nhân trong các bệnh viện.

Vốn là một nhân viên bán bảo hiểm, nay cùng các con ở nhà, chị Trinh Phí, ở thành phố Westminster, dùng thời gian rảnh rỗi để cắt vải may khẩu trang. Chị chia sẻ: “Tôi được hướng dẫn rằng chỉ cần mua loại vải 100% cotton là được. Chúng tôi đi mua vải về rồi cắt ra sau đó đưa cho ai biết may để làm giúp. Chúng tôi chọn loại vải kẻ để dễ cắt thẳng vải, các loại vải khác mình cắt không quen dễ bị lẹm”.

Từ thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, chị Tường Vi, thợ sửa quần áo, cho biết: “Tôi đóng cửa tiệm đã một tháng nay, tôi tự đi mua vải về để may khẩu trang rồi đem tặng cho người cao niên ở viện dưỡng lão. Họ cảm động muốn rơi nước mắt. Các y tá họ cũng xin, chủ yếu họ đeo bên ngoài cái khẩu trang y tế. Họ nói làm như vậy thì khẩu trang N95 sẽ đỡ bị nhiễm hơn, có thể dùng lâu dài”.

Cũng giống như chị Vi, vào mỗi ngày, chị Thảo Phạm, một thợ nail ở thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, cùng gần chục thiện nguyện viên cặm cụi may khoảng 200 chiếc khẩu trang bằng vải để tặng cho các y tá. Để tránh lây nhiễm virus Vũ Hán, mỗi thiện nguyện viên tự may ở nhà rồi mang tới giao cho chị Thảo. Trong số đó, có cả một bà cụ 92 tuổi, là bà nội của một thiện nguyện viên, cũng tham gia may khẩu trang.

Đến nay, chị Thảo Phạm cùng các thiện nguyện viên đã tự may và tặng được hơn 2.000 chiếc khẩu trang cho các y tá bệnh viện trong đó có bệnh viện St. Joshep là 500 cái, bệnh viện Nhi Multicare-Mary Bridge là 200 cái, và nhiều trung tâm y tế”.

“Các y tá và bệnh nhân nhận món quà của chúng tôi họ rất vui và cảm động”, chị Thảo cho biết.

                                                      Ảnh chụp màn hình báo Người Việt.

Cùng nhóm may khẩu trang thiện nguyện với chị Thảo, chị Kati Nguyễn, một thợ may có thâm niên hàng chục năm, có cửa hàng may nhỏ ở thành phố Tacoma thường may đồ cho người Mỹ. Từ khi dịch bệnh còn chưa bùng phát, chị Kati đã thường tự làm khẩu trang để dùng và bán cho khách hàng với giá 15 USD/cái, tuy nhiên “tới khi dịch bệnh bùng phát tại tiểu bang này, tôi không còn nghĩ tới chuyện buôn bán nữa, tôi nghĩ tới việc tặng cho những người cần, đó là những y tá, bệnh nhân trong bệnh viện và viện dưỡng lão”, chị chia sẻ.

“Chúng tôi may hai lớp, giống như một cái túi, để các y tá bỏ một lớp màng lọc vào giữa. Cuối ngày có thể thay lớp màng lọc khác, còn cái khẩu trang thì đem giặt để tái sử dụng được. Vì thế các y tá và bệnh nhân có thể dùng như một khẩu trang y tế, rất tiện lợi và tiết kiệm”, chị Kati nói thêm.

Việc làm của chị Kati và chị Thảo được rất nhiều bạn bè, đồng hương ủng hộ và khen ngợi. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều hãng truyền thông đã liên lạc để xin chụp hình, phỏng vấn như Reuters, Nothwest Asian Weekly cùng một số tờ báo tiếng Việt trong nước và hải ngoại.

                                                        Ảnh chụp màn hình báo Người Việt.

“Từ hôm may khẩu trang để tặng tới giờ, tôi có cơ hội quen được rất nhiều người bạn tốt. Có những người ở tận Texas cũng gửi vải qua đường bưu điện tới nhà tôi để tặng cho tôi may khẩu trang. Thảo là người nhiệt tình nhất, luôn luôn tới sớm về trễ để kịp giao cho các y tá đang mong chờ”, chị Kati chia sẻ.

“Tôi nhận được hàng chục điện thoai từ các tiểu bang khác, người thì muốn hiến tặng vải, người thì muốn xin khẩu trang. Nhưng vì họ ở xa quá nên tôi không thể tặng khẩu trang cho họ, tôi lên Facebook kêu gọi mọi người giúp sức để may khẩu trang càng nhiều càng tốt, nhằm cứu vãn đồng hương của mình”.

Hỏi về sự trợ giúp từ gia đình, chị Kati vui vẻ nói: “Ông xã tôi rất tự hào về tôi. Ông ấy là người Mỹ, ông gọi cho má chồng tôi ở tiểu bang khác và khoe rằng tôi đang may khẩu trang để tặng cho bệnh viện. Má chồng tôi nghe xong, bà gọi tôi là ‘anh hùng’!”.

Theo Tâm An / Người Việt Băng Thanh biên tập