Trang chủ Đời sống Nơi trao trả kỷ vật của người qua đời vì COVID, nhiều...

Nơi trao trả kỷ vật của người qua đời vì COVID, nhiều người thân bật khóc

0
660

Người thân bật khóc khi nhận kỷ vật (ảnh: kinhtedothi).

Nhận những đồ đạc của người cha qua đời vì COVID-19 tại Bệnh viện đã chiến số 16, TP.HCM, anh Huỳnh Đức Minh Đức, 38 tuổi, một trong số nhiều người đến nhận đã bật khóc khi cầm những di vật của cha mình để lại.

Theo báo VnExpress đưa tin, từ ngày 19/9, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (ICU) – Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (đường Đào Trí, quận 7) lập nhà kho cất giữ những đồ đạc của người qua đời vì COVID-19. Nơi đây rộng 30m2, để khoảng 300 túi đồ được sắp xếp gọn trên các kệ.

“Những người mất trong dịch này rất tội nghiệp, không có người thân bên cạnh, không được làm đám tang. Vì vậy chúng tôi có trách nhiệm phải giữ đầy đủ những kỷ vật để trả lại gia đình, như một phần an ủi tới họ”, bác sĩ Trần Thái Sơn, Phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết.

Chiều 21/9, hàng chục thân nhân đến làm thủ tục nhận lại kỷ vật. Tại bàn tiếp nhận ở gần cổng, anh Huỳnh Đức Minh Đức, ở quận 10, ghi thông tin của mình và người mất để nhân viên y tế vào kho tìm kiếm.

“Hơn hai tuần trước, ba tôi dương tính được đưa vào đây rồi bệnh chuyển biến nặng, không may qua đời. Hôm nay nhận được cuộc gọi từ bệnh viện tới lấy đồ sinh hoạt của ba, tôi vội vàng chạy đến”, anh Minh Đức nói.

Anh Minh Đức nghẹn ngào khi được nhận lại kỷ vật của cha (ảnh: VnExpress/Kinhtedothi).

Anh Đức khóc nghẹn khi ôm chiếc túi chứa những kỷ vật của cha. “Tôi không nghĩ ba ra đi nhanh vậy, giờ nhìn thấy những món đồ này tôi cảm thấy rất hối hận, vì còn nhiều điều chưa thể làm được cho cha”, anh nói.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, cư trú ở quận 8 mặc áo mưa đến Trung tâm Hồi sức COVID-19 xếp hàng chờ nhận lại các món đồ của mẹ.

Chị Linh nhận lại điện thoại cùng giấy tờ tùy thân của mẹ.

Chị Linh cho biết, mẹ chị năm nay 59 tuổi, ngoài Covid-19, bà có bệnh nền tiểu đường và bệnh tim. Bà mất ngày 8/9. “Mọi người trong nhà tôi ai cũng nhiễm bệnh, cách ly tại nhà. Chỉ có mẹ đưa vào bệnh viện và qua đời”, giọng chị xúc động khi chia sẻ trên Vietnamnet.

Vợ mất cuối tháng 8 khiến anh Minh chịu cảnh “gà trống nuôi ba con”, trong đó đứa út mới 2 tuổi, không người trông nên anh phải bế theo.

“Ngày vợ tôi nhập viện có mang theo 18 triệu đồng, giờ vẫn còn nguyên cùng với giấy tờ tùy thân và vật dụng cá nhân”, anh Trương Minh, ở quận 1, nói.

Ảnh chụp màn hình kinhtedothi.

Chị Vương Tuyết Vân, cư trú ở quận 10 đến nhận đồ dùng của em trai út hơn 40 tuổi, chưa lập gia đình. Đồ dùng của em trai chị là chiếc điện thoại, kính cận, giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe và một chiếc nhẫn vàng. Nhận đồ của em xong, chị Vân vừa nói vừa khóc. Mẹ tôi nói, em tôi chỉ rong chơi cuộc đời này 40 năm thôi. Chặng đường tiếp theo em muốn rong chơi ở một nơi khác, rất thong dong, không vướng bận gì.

Chị Vương Tuyết Vân, cư trú ở quận 10 đến nhận đồ dùng của em trai (ảnh: Vietnamnet).

Bác sĩ Sơn cho biết, đến nay, Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 F0. Trong thời gian vừa qua, với sự cố gắng nỗ lực của các y bác sĩ, bệnh viện đã điều trị thành công cho hàng trăm người. Có người được xuất viện, có người được chuyển xuống tầng thấp hơn để tiếp tục điều trị và cũng có nhiều F0 không qua khỏi.

Bác sĩ Sơn cho Vietnamnet biết, tất cả người mắc COVID-19 điều trị tại trung tâm không có người nhà đi cùng, vì vậy, bệnh viện phải gói ghém, trông nom, bảo quản cẩn thận đồ của họ. Khi các F0 xuất viện, bệnh viện sẽ giao lại cho họ. Với những người tử vong, bệnh viện tổ chức các đợt mời người nhà để trao trả đồ vật.

Tổng hợp