Hơn cả điều thân thuộc, khi gắn bó đủ lâu với một công việc, một môi trường ai mà không nặng lòng với nó. Ở tuổi này, nhiều đồng nghiệp, bạn bè thường hỏi tôi: “Sao không về cùng con cháu mà vẫn còn ngồi cùng sổ sách, giấy tờ?”.
Hơn 40 năm cùng ăn ở và trưởng thành, VFC như ngôi nhà tinh thần thứ hai, là nơi tôi tìm thấy niềm vui trong công việc và cống hiến mỗi ngày.
Những chia sẻ của Ông Trương Công Cứ – Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC).
Lý tưởng và niềm tin thời trẻ
Tốt nghiệp ĐH Nông lâm năm 1979, tôi được chị Võ Mai (Chi cục trưởng) lựa chọn và đề cử về công tác tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II (TP.HCM). Đó là may mắn lẫn thử thách bởi khi ấy nguyện vọng của tôi là công tác nơi nông trường, nông trại ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) – nơi điều kiện còn nhiều khó khăn. Khi nhận công tác về cục Kiểm dịch Thực vật tôi khá bỡ ngỡ vì chưa biết làm công việc gì. Nhưng “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, biết đâu đây là cái duyên nghề chọn mình”.
Mấy năm trước và sau thống nhất, đất nước còn nhiều khó khăn nhưng tuổi trẻ của tôi luôn ngập tràn lý tưởng Đoàn TNCS. Từng tham gia xây dựng vùng kinh tế mới; công tác đổi tiền ở Củ Chi; Xây dựng HTX nông nghiệp; Học chính trị, … tôi không nề hà bất kỳ nhiệm vụ nào. Điều đó đã tạo thành nếp kỷ luật và sự chịu khó, giúp tôi hòa nhập tốt vai trò Kiểm dịch viên. Dù chỉ công tác một năm ở vị trí này, tôi đã tích lũy những kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý giá.
Năm 1980, tôi nhận công tác mới ở Đội Sát trùng II (TP.HCM) sau một điều động cấp tốc. Công việc ở đây rất vất vả, nặng nhọc và đã có tai nạn gây tổn thất về người. Sau phút lo lắng, tôi quyết định lên đường: “Bản lĩnh và sức trẻ thanh niên không cho phép mình né tránh”. Nơi đây đã mở ra một giai đoạn tươi đẹp trong đời công tác của tôi. Những ngày miệt mài cùng Đội Sát trùng, những buổi chiêu đãi thân tình của khách hàng sau khi xong việc, … Đó là những kỷ niệm không thể nào quên.
Suốt 4 thập niên công tác tại Đội Sát trùng II và sau này là VFC, được sự tin tưởng ủng hộ của tập thể, tôi đã vinh dự gặt hái nhiều thành tích, góp phần cho sự phát triển chung của công ty. Năm 1990 – 2009 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của VFC với dấu ấn là cổ phần hóa và niêm yết thành công trên sàn chứng khoán. Trên hành trình ấy, có người nay đã rời đi, có người vẫn còn tại vị. Đưa công ty vươn tầm vị thế quốc gia, đó là thời khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi.
Nghĩa tình gắn bó qua năm tháng
Một điều may mắn tại VFC là tôi được đồng hành với những nhân tố tâm huyết, có trách nhiệm là chị Nguyễn Bạch Tuyết và chị Trần Thu Thủy. Vừa là đồng nghiệp, hai chị còn dìu dắt, hỗ trợ tôi vượt qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu. Chúng tôi chung nhau ở tinh thần đổi mới, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Dù đã gần 80 nhưng chị Nguyễn Bạch Tuyết vẫn đi làm hàng ngày. Đó là tấm gương và nguồn động viên tinh thần to lớn để tôi tiếp tục làm việc cùng sát cánh với anh chị em, đồng nghiệp.
Bà Nguyễn Bạch Tuyết – CT. HĐQT Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam VFC.
Nhưng điều khiến tôi cảm phục hơn cả là tình thương, sự độ lượng trong cách làm việc và cách sống của chị Nguyễn Bạch Tuyết. Thời còn bộn bề khó khăn, chị đã quan tâm đến từng miếng ăn, tấm áo của anh em trong đội. Có vướng mắc gì, chị sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho cấp dưới được cất nhắc vào vị trí xứng đáng hơn. 40 năm gắn bó công việc cùng nhau, sự thấu hiểu giữa chúng tôi thậm chí còn hơn ruột thịt. Đó là cái tình không gì thay thế được.
Khi ngôi nhà VFC lớn hơn, thành viên đông hơn nảy sinh vấn đề mới. Đã có những tranh luận “Nên quản trị công ty bằng tình cảm con người hay bằng nguyên tắc kỷ luật”. Trong giai đoạn kinh doanh khó khăn, ổn định nội bộ bên trong mới giữ vững uy tín công ty bên ngoài. Đôi lúc khác nhau về quan điểm một số vấn đề, tập thể lãnh đạo vẫn cùng nhìn nhận rằng: “Để điều hành tốt không thể thiên lệch bên nào. Cần phải khách quan, rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh và quan trọng là có tình có lý”.
Thành công của VFC là vận dụng hiệu quả yếu tố con người vào trong triết lý kinh doanh. Nó vừa thể hiện trực tiếp trên các chỉ số kinh doanh còn gián tiếp qua nhiều yếu tố vô hình khác. Chúng tôi có bộ sản phẩm chất lượng nhưng chỉ thành công khi có hàng triệu nông dân tin tưởng ủng hộ suốt nhiều năm qua. Chúng tôi không có chính sách cạnh tranh thị trường nhưng có nhiều đại lý sẵn sàng đồng hành 2 – 3 thế hệ: “Nếu không đồng hành vì con người, khó có một VFC như ngày hôm nay”.
Tạo dựng cho thế hệ sau tiếp bước
Đi ra từ thời bao cấp cùng VFC, nhiều doanh nghiệp nay biến mất trên thị trường. Có đơn vị tạo dựng được thành tựu nhưng lại bế tắc, loay hoay trong chiến lược bồi dưỡng và đào tạo thế hệ kế thừa. Ngày xưa, động lực của chúng tôi là thoát khỏi những khó khăn của đời sống và vươn lên. Giờ đây khi VFC đã có vị thế, tôi lại nghĩ về việc giữ gìn và tiếp tục phát huy chúng. Trong sứ mệnh công ty nay có thêm một phần trách nhiệm và danh dự của tôi.
Đối với công ty, những khác biệt giữa các thế thế hệ là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển chung. Thế hệ chúng tôi may mắn có được một sự giáo dục nhận thức, lý tưởng sống từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bạn trẻ bây giờ lại có những điều kiện thuận lợi về học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tư duy sáng tạo. Đó là vốn quý của VFC trên “Đường đua” khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành trên thị trường.
Trong tiến trình hội nhập thế giới và hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, cơ hội và thử thách của VFC luôn đan xen nhau. Tôi luôn khích lệ anh em: “Các bạn bè nước ngoài luôn đi trước chúng ta ở tính kỷ cương trong công việc và hiệu quả vận hành. Nhưng ngược lại, chúng ta có thế mạnh là nắm vững thị trường, lại biết chịu khó và hy sinh.”. Trong những ngày tháng còn làm việc này, tôi mong mình sẽ lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “Truyền lửa” trong lòng mọi người.
Tự hào là một phần trong lịch sử của VFC, tôi kỳ vọng tinh thần cùng các giá trị sứ mệnh của công ty sẽ tiếp tục được kế thừa và duy trì. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng tôi đã gặt được “Quả ngọt” từ sự trưởng thành của lớp kế cận. Với tôi, ngày vui cùng công việc còn dài, nhàn nhã hưởng thụ tuổi già đành hẹn thêm vài năm nữa.
Đặc san: 45 năm một chặng đường