Vừa qua, Đảng ủy Doanh nghiệp quận 7 đã tổ chức cho các chi bộ trực thuộc đi thăm và tặng cho thương binh Lê Đình Dực – khu phố 1 phường Phú Thuận, quận 7 – là thương bệnh binh nặng với tỷ lệ thương tật 81%, nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 30/4/2021). Đây là hoạt động thường niên của Đảng ủy Doanh nghiệp từ năm 2016 đến nay.
* Liên đoàn Lao động quận 7: Phát động chương trình ‘Vì lợi ích đoàn viên năm 2020’
* Video: Quận 7 – Họp mặt doanh nhân với chủ đề: “Kết nối – tiếp sức doanh nhân trẻ”
Tham gia đoàn có các đồng chí: Phan Thị Thanh Hoa – Đảng ủy viên Đảng ủy Doanh nghiệp Quận 7; Diệp Thuý Phương Trâm – Phó Bí thư Chi bộ – Công ty Cổ phần Hàng Hải Đông Dương; Ngô Thị Huyên – Chi ủy viên Chi bộ Công ty Cổ phần Đầu tư và Tiếp vận Mê Kông; Phan Nguyễn Trúc Phượng – Chi bộ Quỹ tín Dụng Nam Nhân dân Nam Sài Gòn – Trưởng Phòng Tín dụng; Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Phó Bí thư Chi bộ Doanh nghiệp số 2 – Công ty Truyền thông Thế Giới Khởi Nghiệp.
Chú Lê Đình Dực sinh năm 1946 là bộ đội chủ lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1973, trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, chú bị thương nặng mất một cánh tay và mảnh đạn ghim vào hộp sọ ở đầu. Chú bị địch bắt giam giữ ở nhà tù Phú Quốc. Trở về từ bom đạn chiến tranh, nhưng chú đã vượt qua đau thương, mất mát, vươn lên làm chủ cuộc sống mới trên quê hương thân yêu của mình. Là chủ của một căn nhà ấm áp, cùng một gia đình nhỏ hạnh phúc bên người vợ hiền, chú Dực gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ phút đầu tiên nhờ nụ cười tươi đúng với tố chất người lính Cụ Hồ năm xưa.
Sau những giây phút thăm hỏi sức khỏe đến chú. Ngược dòng thời gian, Chú Lê Đình Dực như hoài niệm thuở xa xưa với những cảm xúc đắng cay, vui buồn lẫn lộn. Chú trãi lòng: Lúc chú bị thương rồi bị địch bắt, chúng đưa chú đến Nhà lao Tân Hiệp, dù bị tra tấn, dùng lời ngon mật ngọt, thậm chí là đe dọa để chú khai chỗ đóng quân của đồng đội mình, … nhưng chú kiên quyết không khai. Bọn chúng bất lực, tức giận, liệt chú vào danh sách chống đối. Chúng chuyển chú đến nhà tù Phú Quốc (Nhà lao Cây Dừa) là nơi giam giữ tù nhân chính trị, những người đã chiến đấu chống thực dân Mỹ và Pháp. Đây là nơi khét tiếng với những màn tra tấn dã man, gắn liền với những câu chuyện rợn người hay cả những cuộc vượt ngục ly kì ngoài sức tưởng tượng.
Tại đây, như minh chứng cho nỗi kinh hoàng, đau thương của các chiến sỹ bị tra tấn, hành hạ, … như vắt kiệt hết đi lý trí của con người. Người khỏe mạnh, chưa chắc chịu đựng nổi, huống chi chú mang thương tích trên người, nhất là mảnh đạn nằm trong hộp sọ không thể gắp ra được, mỗi khi làm việc, lao động khổ sai, vết thương, mảnh đạn ấy tác động ảnh hưởng đến cơ thể dẫn đến đau đầu hoặc co giật liên tục, di chứng ấy kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Chú chia sẻ thêm: Theo quy định nhà tù Phú quốc, mỗi tù binh khi đến trại giam đầu tiên là chịu đánh mười gậy vào mông hoặc lưng và chú không ngoại lệ. Điều đó vẫn chưa là gì khi bọn chúng thực hiện bước tiếp theo, tất cả các tù binh đều bị biệt giam 15 ngày trước khi chuyển vào trại. Các tù nhân sau khi được chuyển về sẽ được phân loại giam giữ tại những căn phòng khác nhau tùy theo mức án: Mức án nhẹ là phòng giam tập thể; nặng hơn bị giam vào xà lim; bị nhốt vào hầm đá là những tù nhân được xếp vào hạng “đầu sỏ”, đặc biệt nguy hiểm.
Những đòn tra tấn khiến nhiều chiến sỹ của ta khiếp sợ, chúng cho tù binh vào thùng phi bỏ dọc đường. Hằng ngày binh linh đi qua đá vào thùng những thanh sắt va vào nhau khiến các tù binh hầu như bị điếc, một số người bị thần kinh, … và còn nhiều cuộc tra tấn tàn bạo nhiều cách như: Còng chéo, đánh bằng roi tết làm bằng dây điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, hoặc dùng bóng điện cao áp ấn vào mặt. Vào mùa đông, khi nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 15°C, lính còn dội nước lạnh vào người của những tù nhân bị biệt giam tại xà lim, nhốt vào hầm đá phải chịu bị phơi sương, phơi nắng như một hình phạt. Những trận đòn tra tấn dã man cùng với chế độ khắc nghiệt của lao tù đế quốc cũng không khuất phục được ý chí chiến đấu của anh bộ đội Cụ Hồ.
Buổi trò chuyện cùng nhau, gần một giờ đồng hồ, nụ cười chú luôn nở trên môi. Cũng có lúc giọng chú chùng xuống, đôi mắt ngấn lệ khi nhắc đến đồng đội đã hi sinh anh dũng. Chú Dực rất xúc động khi đoàn đến thăm hỏi sức khỏe và động viên chú: “Hôm nay, tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc vì các anh chị là những doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian và đại diện Đảng ủy đã đến thăm hỏi, động viên tôi. Qua đây tôi cũng đã bộc bạch được tâm sự của mình”. Qua câu chuyện của thương binh Lê Đình Dực, mỗi người trong chúng tôi đều dâng lên một cảm xúc khó tả, vừa ngưỡng mộ, vừa khâm phục, … Bà Phan Nguyễn Trúc Phượng – Trưởng phòng Tín dụng Quỹ Tín dụng Nam Sài Gòn, người trẻ tuổi nhất đoàn bồi hồi xúc động: “Lần đầu tiên tôi được tham gia hoạt động “đến ơn – đáp nghĩa” cùng Đảng uỷ Doanh nghiệp. Thật xúc động! Mặc dù chú đã 75 tuổi rồi, cộng thêm chỉ còn 1 cánh tay trái thôi nhưng tác phong chú vẫn còn rất nhanh nhẹn, đúng tư chất của 1 bộ đội Cụ Hồ.Tôi càng cảm thấy xúc động và thán phục chú hơn khi nghe chú kể về những khó khăn, gian khổ, những trận tra tấn đã đổ vào người chú và các đồng đội. Tôi thầm nghĩ, nếu như đặt mình vào thời điểm như các chú, liệu mình có ý chí và sức khoẻ kiên cường được như vậy hay không?! Tôi đã từng đến tham quan nhà tù Phú Quốc, những khu trại trong đó tái hiện lại những đòn tra tấn của bọn giặc, xem con đường hầm bộ đội ta đã phải đào bí mật ròng rã trong 6 tháng trời để tìm đường giải thoát, nay được nghe chú là nhân chứng sống kể lại tôi càng nghẹn ngào hơn và cảm phục hơn những người con của cách mạng, sẵn sàng hy sinh bản thân để đấu tranh cho đất nước. Câu chuyện mẹ chú tự nguyện đăng ký cho chú đi bộ đội trong khi cha và anh của chú vừa mới hy sinh nơi chiến trường làm tôi càng nể phục hơn nữa. Cả nhà chú không tiếc gì cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Tôi nghĩ rằng, Đảng và Nhà nước tổ chức những chương trình tri ân như thế này thật là hay và ý nghĩa. Đây là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà những thế hệ sau như chúng tôi cần gìn giữ và biết ơn những người đã hy sinh thân mình để mang lại hoà bình cho đất nước và những nhân chứng lịch sử sống như chú giờ đây còn được mấy ai để sau này có thể cho thế hệ sau trải nghiệm được những gì cha ông ta đã khó khăn vượt qua và truyền lửa cho các bạn trẻ, luôn chiến đấu kiên cường trong mọi hoàn cảnh! Các chú, các bác đã hy sinh cả cuộc đời vì công cuộc giữ nước, chúng tôi những thế hệ sau thời bình xin nhận nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước. Ở trong giai đoạn của chúng tôi có thể không chiến đấu bằng súng, đạn dược nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước bằng trí tuệ, bằng nhiệt huyết của sức trẻ của những trái tim nóng!”.
Bà Phan Nguyễn Trúc Phượng – Trưởng phòng Tín dụng Quỹ Tín dụng Nam Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Phó Bí thư Chi bộ Doanh nghiệp số 2 – Giám đốc Công ty Truyền thông Thế Giới Khởi Nghiệp: Mình may mắn sinh ra trong thời bình nên lịch sử đấu tranh cách mạng, những trận chiến đấu anh dũng của bộ đội ta, … tôi chỉ được đọc và nghe qua sách báo và truyền hình. Hôm nay cảm thấy rất xúc động, lần đầu tiên gặp chú Dực, 1 người lính Cụ Hồ, 1 nhân vật sống kể lại câu chuyện thật và những nổi vất vả, khó khăn của các cô chú đã nếm trải. Qua đây, mình cũng xin cảm ơn Đảng ủy Doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp mình nói riêng có cơ hội đến thăm, chúc sức khỏe chú và nghe kể những câu chuyện chiến tranh khốc liệt để giành lại độc lập tự do cho đất nước trong thời bình yên này.”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Đứng thứ 1 từ trái sang): Phó Bí thư Chi bộ Doanh nghiệp số 2 – Giám đốc Công ty Truyền thông Thế Giới Khởi Nghiệp.
Còn Bà Phan Thị Thanh Hoa – Đảng ủy doanh nghiệp quận 7 chia sẻ thêm: Từ năm 2016 đến nay, thực hiện sự phân công của Quận ủy, được sự ủng hộ, đóng góp của các chi bộ, Đảng ủy Doanh nghiệp đã tổ chức chăm lo cho ông Lê Đình Dực vào các dịp lễ 30/4, kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, ngày thành lập Quân Đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Tết Nguyên Đán, … bình quân 1.000.000đ/tháng. Ngoài ra, Đảng ủy cùng các chi bộ đã vận động đảng viên và các doanh nghiệp đóng góp để xây nhà tình thương cho thân nhân liệt sĩ, nhà Nghĩa tình đồng đội cho cựu chiến binh nghèo, tặng xe lăn cho con liệt sĩ, …
Bà Phan Thị Thanh Hoa – Đảng ủy doanh nghiệp quận 7.
Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” – “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đất nước ta trãi qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt, biết bao chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và những chiến sĩ bộ đội để lại 1 phần cơ thể nơi chiến tuyến, … Với tấm lòng tri ân sâu sắc mong chú tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Tường Vi