Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 20/5: Số người nhiễm COVID -19 ở Bắc...

Tin trong nước trưa 20/5: Số người nhiễm COVID -19 ở Bắc Giang tăng nhanh; Thái Nguyên phát hiện ca dương tính, phong tỏa xã 2.300 dân

0
494
Ảnh minh họa: Zing/VnExpress.

Thái Nguyên phát hiện ca dương tính, phong tỏa xã 2.300 dân

VnExpress – Xã Dương Thanh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) lập 9 chốt phong tỏa 5 xóm với 510 hộ, dân số khoảng 2.300, sau khi ghi nhận ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên thông tin, ca nghi nhiễm là nam, 27 tuổi, trú tại xóm Phẩm 2, xã Dương Thanh. Anh này làm việc tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên (Bắc Giang). Công ty này là một trong những ổ dịch lớn nhất tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Ngày 14/5, nam công nhân xét nghiệm âm tính tại công ty và về quê ở xã Dương Thanh; sau đó anh khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên vào ngày 18/5. Đến 20h ngày 19/5, kết quả xét nghiệm nam công nhân dương tính với nCoV (hiện Bộ Y tế chưa công bố chính thức, nên là ca nghi nhiễm).

Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phú Bình, cho biết trong đêm qua đã truy vết được 5 F1, hơn 70 F2. “Các F1 đã có kết quả xét nghiệm lần một âm tính, tuy nhiên số F2 đang tăng”, ông Thu nói thêm.

Số người nhiễm COVID ở Bắc Giang tăng nhanh

Nhandan – Số người nhiễm COVID ở Bắc Giang tăng nhanh; Thống kê ngày 19/5: Tổng số trường hợp F0: 603 (tăng 98 trường hợp so với ngày 18-5); F1: 8.804 trường hợp (tăng 948); F2: 36.833 trường hợp (tăng 3.133).

Trong ngày 19/5, số ca nhiễm COVID-19 tại Khu công nghiệp Quang Châu tăng cao, nhất là Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 tại ổ dịch này vẫn tiếp tục tăng do các công nhân là trường hợp F1 đã tiếp xúc đến giai đoạn bệnh khởi phát và số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tiếp tục chạy có kết quả. Hiện nay, đang tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đưa đi cách ly tập trung.

Đáng chú ý, trong ngày 19/5 trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện thêm một số trường hợp F0 rải rác ở Khu công nghiệp Đình Trám, Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng và trong cộng đồng  là 18 trường hợp.

Trước diễn biến của dịch ngày càng gia tăng tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đối với các ổ dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp: Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Công ty TNHH Samkwang Vina; yêu cầu thực hiện lấy mẫu định kỳ ba ngày/lần đối với toàn bộ công nhân và người thân trong gia đình; quản lý chặt chẽ việc thực hiện cách ly của những đối tượng này.

Tăng cường năng lực xét nghiệm trong hệ thống y tế. Tính đến ngày 19-5, toàn tỉnh đã lấy được 305.324 mẫu, đã chạy có kết quả 280.856 mẫu, còn 24.468 mẫu đang chờ chạy.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện đang bố trí năm khu cách ly của tỉnh với công suất trên 5.000 người, các huyện, thành phố bố trí các khu cách ly công suất khoảng gần 25.000 người. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát lại tất cả các khu cách ly, xác định rõ lượng người cần đưa đi cách ly tập trung để xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên tập trung cho hai huyện Việt Yên và huyện Lạng Giang.

Chuẩn bị Bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19. Tỉnh đã bố trí chín khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân dương tính và hai bệnh viện dã chiến gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh: 120 giường; Bệnh viện Dã chiến số 1: 230 giường; Bệnh viện Phổi: 210 giường; Bệnh viện Phục hồi chức năng: 170 gường, Bệnh viện Y học cổ truyền: 200 giường; TTYT Yên Dũng: 160 giường; TTYT Lạng Giang: 174 giường.

Tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục thành lập các khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19: Bệnh viện Tâm Thần, công suất 400 giường; Bệnh viện Dã chiến 2 (Trung đoàn 831) khoảng 500 giường. Tổng công suất hiện nay 2.164 giường. Bắt đầu khởi công xây dựng bệnh viện dã chiến số ba tại Nhà thi đấu tỉnh với công suất 620 giường.

Toàn tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly y tế 92 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, 15 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội bốn huyện; giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang.

Ngồi họp cách xa 10m vẫn mắc COVID-19?

Vietnamnet – Việt Nam ghi nhận ca bệnh ngồi họp cách xa 10m vẫn mắc COVID-19, củng cố thêm bằng chứng virus COVID-19 lây trong không khí.

Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch thứ 4 với diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh. Từ 27/4 đến nay, cả nước đã ghi nhận 1.678 ca mắc tại 29 tỉnh, thành phố. Đây là đợt dịch có số ca mắc cao nhất từ trước đến nay tại nước ta.

Điểm đáng chú ý, trong đợt dịch lần này ghi nhận hệ số lây nhiễm rất cao do cùng lúc xuất hiện 2 biến chủng COVID-19 mạnh nhất hiện nay đến từ Ấn Độ, Anh và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 lây truyền trong không khí.

Bằng chứng, phân xưởng 4 của công ty Hosiden tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang từng ghi nhận tới 37,9% trên tổng số mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19.

Theo Bộ Y tế, chưa có đợt dịch nào tỉ lệ F1 dương tính lại cao như đợt dịch đang diễn ra.

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế chỉ rõ, ổ dịch tại công ty này lan nhanh do công nhân ngồi rất sát nhau, phòng làm việc sử dụng điều hoà, trần rất thấp, môi trường khép kín.

Tại Hà Nội, ca bệnh 3669, nam 40 tuổi sống tại chung cư Booyoung, Hà Đông dù chỉ cùng tham dự buổi giới thiệu dự án với bệnh nhân 3634 – cựu giám đốc Hacinco vào sáng 11/5 trong 2 tiếng, ngồi cách xa hơn 10m nhưng sau hơn 1 ngày, anh cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Hay chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 29/4, liên quan đến 2 chuyên gia Trung Quốc ngồi hàng ghế 49 và 50 nhưng đến nay đã ghi nhận 11 ca mắc, dù không ngồi gần 2 vị khách này, khác hẳn với khuyến cáo trước đây cho rằng phạm vi nguy hiểm trong vòng 2 hàng ghế trước và sau.

Tương tự, chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 2/5 cũng ghi nhận hiện tượng tương tự. Vợ chồng bệnh nhân 3633 và 3634 lần lượt ngồi hàng ghế 13 và 15, bệnh nhân N.T.T. (ca bệnh 3777) ngồi hàng ghế 20 nhưng cũng dương tính.

Thực tế, các thông tin cho rằng COVID-19 lan truyền qua không khí đã râm ran trong giới khoa học từ năm ngoái. Song chỉ đến ngày 8/5 vừa qua, CDC Mỹ mới khẳng định thông tin này và lập tức cập nhật hướng dẫn về cách thức lây truyền của COVID-19.

Theo đó, ngoài lây truyền do hít phải các giọt bắn, chạm tay vào chỗ dính virus rồi đưa lên mũi, miệng, virus COVID-19 còn lây truyền qua các hạt siêu nhỏ lơ lửng trong không khí, đặc biệt trong môi trường kín. Đồng nghĩa, một người dù ở xa hơn 2m vẫn có thể nhiễm virus.

Hướng dẫn mới thay thế nhận định ban đầu của CDC cho rằng việc lây nhiễm xảy ra do tiếp xúc gần, không phải lây truyền qua không khí.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 10/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh.

“Biến chủng virus COVID-19 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng của Ấn Độ còn lây nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Như vậy, đúng như bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh”, Bộ trưởng nêu.

GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết thêm, hiện thế giới đã ghi nhận hơn 4.000 biến chủng của virus COVID-19, nhưng chỉ một số chủng có tác động đến sự lây lan và tăng độc lực.

GS Kính cũng khẳng định, COVID-19 lây truyền qua đường không khí và giọt bắn. Đặc biệt biến chủng kép từ Ấn Độ có khả năng lan tràn rất nhanh.

Dù vậy, chuyên gia khuyến cáo, các biện pháp 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách vẫn còn nguyên tác dụng với các biến chủng mới.

Người mắc COVID-19 ở Thanh Hóa đi từ Bắc Giang về quê bằng taxi

Zing – Người này làm việc ở khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi về quê tại Thanh Hóa.

Sáng 20/5, Bộ Y tế công bố nước ta có thêm 30 ca mắc Covid-19, trong đó Thanh Hóa có một bệnh nhân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết ca bệnh số 4694 tên B.V.N. (nam, 27 tuổi, quê xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).

Anh này làm việc tại Công ty Crystal Martin, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo dịch tễ, ngày 15/5, anh B.V.N. có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Khoảng 12h45 ngày 17/5, bệnh nhân đi xe máy từ công ty về phòng trọ ở thôn Mao Dộc, xã Thượng Mao (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Sau đó, anh này cùng vợ bắt taxi về quê. Tài xế tên Q. chở vợ chồng anh N.

Trên đường đi, taxi có dừng tại 2 điểm ở Hòa Bình mua nước uống. Họ không nhớ rõ quán.

Khi về Ngọc Lặc, bệnh nhân ghé vào mua thuốc tại quầy đối diện cổng Bệnh viện Đa khoa huyện rồi về nhà. Gia đình anh này có 5 thành viên gồm bà nội, bố mẹ và vợ.

Sau đó, N. cùng vợ ra Trạm Y tế xã khai báo và được hướng dẫn cách ly tại nhà. Toàn bộ quá trình di chuyển, họ đều đeo khẩu trang, không nói chuyện với người khác.

Khoảng 21h ngày 17/5, bệnh nhân rời nhà đi ăn thịt cầy tại quán anh C. có địa chỉ tại thôn Minh Thành, xã Minh Tiến, với 4 người; trong đó có chủ quán và tài xế taxi (chở vợ chồng bệnh nhân từ Bắc Giang về). Trong lúc ăn, họ được 2 người đàn ông sang giao lưu.

Đến ngày 18/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Một ngày sau cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân sức khỏe bình thường, không có biểu hiện triệu chứng.

Một người bán quán ăn ở TP.HCM dương tính COVID-19

Zing – Sáng 20/5, theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người phụ nữ trú tại đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) đã có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.

Nữ bệnh nhân (58 tuổi) trú tại hẻm 287, Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP.HCM. Bà ở nhà riêng, bán quán ăn, có 3 người thuê trọ.

Trước đó, bà đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khai báo y tế và được đưa vào phòng khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Sau khi có kết quả nghi nhiễm, bệnh nhân đã được chuyển vào khu cách ly sau đó có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính COVID-19.

Trước khi đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh nhân từng khám tại Trung tâm Y khoa Medic (254 Hòa Hảo, quận 10) vào ngày 19/5. Tại đây, kết quả xét nghiệm X-quang phổi và CT scan phổi của bệnh nhân cho thấy có tổn thương. Bà được hướng dẫn đến khám tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chiều cùng ngày.

Sáng nay, cơ quan chức năng đã phong tỏa 4 khoa tại trung tâm. Đồng thời, cơ sở y tế này cũng thông báo tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân.

HCDC truy vết 15 trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân tại nơi cư trú. Những người này đã được chuyển cách ly, lấy mẫu xét nghiệm khẩn. Thành phố sẽ triển khai mở rộng lấy mẫu giám sát các hộ gia đình sinh sống trong hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu.

Trước đó, ngày 18/5, TP.HCM ghi nhận 2 ca mắc Covid-19.

Giám đốc Công an Hải Phòng nói gì về việc tố cáo của nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa?

Nld – Liên quan đến vụ việc 4 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn, bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, tối 20/5, thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, cho hay hiện Công an TP Hải Phòng đã và đang phối hợp tích cực với cơ quan điều tra VKSND Tối cao điều tra mở rộng để làm rõ và xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm.

“Quan điểm của Đảng ủy, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng là kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, thoái hóa biến chất, không giữ được bản lĩnh và phẩm giá của người cán bộ Công an; trên tinh thần bất kể người đó là ai, không có vùng cấm, không bao che cho cán bộ”- thiếu tướng Vũ Thanh Chương nhấn mạnh.

Cụ thể, Công an TP. Hải Phòng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tước danh hiệu CAND đối với thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp; trung tá Đinh Đình Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự kinh tế và ma túy, Công an quận Đồ Sơn.

Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đã quyết định tước danh hiệu CAND đối với thượng úy Đỗ Hữu Dũng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, và thượng úy Nguyễn Viết Công, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Đồ Sơn.

Như đã thông tin, ngày 11/5, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 cán bộ công an quân Đồ Sơn về hành vi làm sai lệch hồ sơ, gồm trung tá Đinh Đình Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự – kinh tế – ma túy; thượng úy Đỗ Hữu Dũng, Phó Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, và thượng úy Nguyễn Viết Công, cán bộ Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an quận Đồ Sơn.

Trước đó, ngày 20/1/2021, VKSND tối cao cũng đã khởi tố, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn để điều tra hành vi trên.

Bắc Giang: Hàng trăm ngàn tấn nông sản, hàng chục triệu gia súc gia cầm bị ‘tắc’

Vtc – Tỉnh Bắc Giang vừa gửi văn bản đề nghị Thủ tướng hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn nông sản, hàng chục triệu gia súc, gia cầm đang tồn hàng của tỉnh.

Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang là tỉnh Trung du miền núi, với gần 80% dân số sống ở các vùng nông thôn; sản xuất nông nghiệp của tỉnh đa dạng và phong phú.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần triệu con lợn, gần 20 triệu gia cầm; trên 12 ngàn ha diện tích nuôi thủy sản; trên 1.100 ha rau các loại, hàng chục nghìn ha cây ăn trái cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8, và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, táo…

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là việc vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác (và ngược lại), cũng như xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Do đó, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản của Bắc Giang được lưu thông; giúp đỡ các thủ tục thông thương hàng hóa qua cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng. Tỉnh Bắc Giang cam kết những sản phẩm của tỉnh chuyển đi tiêu thụ bảo đảm an toàn dịch bệnh (như Có giấy chứng nhận: Xe vận chuyển được khử khuẩn, lái xe và người giao hàng được xét nghiệm an toàn, khỏe mạnh).

Bán 20 kg bí đỏ chưa mua nổi bát phở, nông dân khóc ròng

Bí đỏ rớt giá thảm hại chỉ còn khoảng 800-1.500 đồng/kg, khiến nhiều nông dân điêu đứng vì lỗ. Các thương lái cũng không mặn mà mua hàng, người dân đành bán đổ bán tháo bí đỏ.

Dantri – Giữa buổi trưa nắng gắt của Tây Nguyên, nhiều nông dân tại xã Cư Bông (Đắk Lắk) đang thu hoạch bí đỏ đem về để ở sân nhà, chờ thương lái tới mua. Bà Phạm Thị Lưu (thôn 19, xã Cư Bông) buồn bã khi hàng tấn bí đỏ vẫn chưa có ai đặt hàng.

Bà Lưu chia sẻ, gia đình bà trồng gần 6 sào bí đỏ với sản lượng khoảng 20 tấn. Khoảng 2 tuần trước, bà còn bán được 4.000-5.000 đồng/kg, đến hiện tại giá rớt xuống còn khoảng 1.200 đồng/kg, nhưng thương lái rất kén chọn.

Bà Lưu lo lắng “Họ chỉ chọn mua những quả đẹp, còn quả xấu một chút sẽ không mua. Bây giờ có một trận mưa thôi là bí ngoài đồng thối rữa hết, nông dân sẽ chịu lỗ nặng”.

Hộ ông Trần Thiên Phú (thôn 19, xã Cư Bông) thu hoạch khoảng 15 tấn bí đỏ, nhưng thương lái trả giá quá thấp nên ông không bán. Ông Phú đã liên hệ với chủ trang trại nuôi bò, nuôi cá… để bán bí đỏ làm thức ăn cho các vật nuôi nhằm gỡ gạc lại chút vốn. Sau một thời gian, ông chỉ mới bán khoảng 5 tấn bí và còn khoảng 10 tấn đang nằm phơi giữa ruộng, không ai “mặn mà” mua.

Theo một thương lái thu mua bí ở huyện ở Ea Kar, nguyên nhân giá bí xuống thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ ít và năm nay sản lượng bí nhiều hơn các năm, khiến giá cả èo uột.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, ngoài việc nông sản mất giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn do nguyên nhân tình trạng sản xuất chưa gắn với thị trường, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.

Tổng hợp