Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 21/5: Bệnh nhân COVID-19 thứ 40 tử vong;...

Tin trong nước trưa 21/5: Bệnh nhân COVID-19 thứ 40 tử vong; Tạm đóng cửa công ty may lớn nhất miền Bắc, xét nghiệm toàn KCN Lai Vu

0
795
Ảnh minh họa: tổng hợp.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 40 tử vong

VnExpress – Bộ Y tế sáng 21/5 thông báo “bệnh nhân 3028” 70 tuổi, nữ, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tử vong.

Theo Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhân tiền sử đái tháo đường 21 năm, di chứng tai biến mạch máu não, yếu nửa người trái.

Ngày 3/5, bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán: Tăng huyết áp, sốt, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não. Ngày 5/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, được cấp cứu điều trị hồi sức tích cực: thở máy, lọc máu, phối hợp kháng sinh phổ rộng điều trị căn nguyên đa kháng, truyền dịch, albumin.

Bệnh nhân được các giáo sư đầu ngành Hội chẩn Quốc gia ngày 18/5, tuy nhiên tình trạng bệnh không giảm, tử vong ngày 20/5. Chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nCoV trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não.

Đây là ca tử vong thứ 40 có liên quan Covid-19 tại Việt Nam, và là bệnh nhân tử vong thứ 5 trong đợt dịch này.

Tạm đóng cửa công ty may lớn nhất miền Bắc, xét nghiệm toàn KCN Lai Vu

Vietnamnet – Sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 là nhân viên Công ty TNHH may Tinh Lợi (công ty Tinh Lợi), trong KCN Lai Vu, địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã yêu cầu tạm đóng cửa Công ty may Tinh Lợi, cho xét nghiệm toàn công nhân KCN Lai Vu.

Tại công ty Tinh Lợi, ngành y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 14 nghìn công nhân. Việc xét nghiệm yêu cầu lấy theo từng phân xưởng.

“Sau khi xét nghiệm, các công nhân này lên thẳng xe đưa đón hoặc xe cá nhân về cách ly tại nhà dưới sự giám sát của địa phương. Riêng đối với các trường hợp không đến công ty làm việc trong hôm nay, y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn sinh sống và thực hiện tự cách ly.

Công ty Tinh Lợi phải tạm dừng hoạt động để khử khuẩn nhà máy, thiết bị và phục vụ cho công tác xét nghiệm”.

Hải Dương cũng yêu cầu Ban Quản lý chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm cho toàn bộ công nhân viên làm việc tại các công ty trong KCN, có các phương án phòng dịch cụ thể.

Theo Vtv, phành phố Hải Dương cũng đã áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính Phủ từ 0h ngày 21/5 đến khi có chỉ đạo mới.

Đồng thời cần tập trung cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố; phải đẩy nhanh hơn nữa công tác truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, kiên quyết không để dịch bệnh từ ổ dịch khu dân cư Gốc Mít, phường Trần Phú lây lan ra diện rộng.

Bắc Giang ghi nhận thêm 92 ca mắc Covid-19

Dantri – Đến cuối ngày 20/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận thêm 92 ca mắc Covid-19, các ca mắc mới chủ yếu là công nhân của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Tổng số toàn tỉnh có 695 mắc Covid-19.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, đến cuối ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch. Tổng số toàn tỉnh có 695 mắc Covid-19 (tăng 92 trường hợp so với ngày 19/5); F1: 10.420 trường hợp (tăng 1.616); F2: 45.168 trường hợp (tăng 8.355).

Tính đến 17h30 ngày 20/5, tỉnh Bắc Giang đã cách ly y tế 103 thôn, tổ dân phố, giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, cách ly xã hội 4 huyện, giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang.

Bộ Y tế kéo dài thời gian cách ly với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Nld – Bộ Y tế vừa có quyết định về việc gia hạn thời gian cách ly y tế, phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh (Hà Nội). Theo đó, bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly tế đến 8 giờ ngày 26-5.

Trước đó, ngày 5-5, Bộ Y tế cũng có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sau khi phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tại đây. Thời gian cách ly y tế từ 8 giờ ngày 5-5 đến 8 giờ ngày 19-5.

Trong số các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều nhất với hơn 440 bệnh nhân, trong số này có 22 bệnh nhân tiên lượng rất nặng. Số ca bệnh Covid-19 nặng phải thở máy gấp 4 lần so với các đợt dịch trước.

Chính phủ đồng ý dùng tiền ủng hộ mua vaccine Covid-19

VnExpress – Nguồn tiền do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid-19 từ các tổ chức, cá nhân sẽ được dùng để mua vaccine.

Quyết định này được Phó thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra sau đề xuất từ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Theo đó, toàn bộ số tiền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ sẽ được chuyển vào ngân sách Nhà nước để mua vaccine.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, giám sát Mặt trận các tỉnh, thành phố chuyển số tiền đã tiếp nhận vào ngân sách.

Bộ Ngoại giao, Quốc phòng được yêu cầu hạch toán ghi thu, chi ngân sách Trung ương số kinh phí được phân bổ, chịu trách nhiệm rà soát thực hiện theo Luật Ngân sách, bảo đảm không trùng lặp về đối tượng hỗ trợ.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí này để mua vaccine, Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng chi phí khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, 21.000 tỷ đồng là phí vaccine, khoảng 4.200 tỷ còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập quỹ vaccine phòng Covid-19 để huy động các nguồn tài trợ và đóng góp bên cạnh ngân sách Nhà nước.

Việt Nam tặng vật tư, thiết bị y tế giúp Campuchia chống dịch COVID-19

Zing – Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, ngày 20/5, tại trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra lễ trao tặng 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế và 300.000 khẩu trang N95 của Việt Nam hỗ trợ Campuchia ứng phó với dịch Covid-19.

Trên tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị gắn bó và truyền thống chia sẻ, tương trợ nhau lúc khó khăn, tiếp theo các khoản hỗ trợ tài chính trong tháng 4, số quà tặng nêu trên của Việt Nam sẽ được khẩn trương vận chuyển đến thủ đô Phnom Penh trong những ngày tới, với mong muốn góp phần thiết thực và hiệu quả vào nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 tại Campuchia.

Trước đó, tháng 4-2020 và tháng 4-2021, Việt Nam đã tặng Campuchia nhiều vật tư, thiết bị y tế gồm hệ thống xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn và các khoản hỗ trợ tài chính trị giá 500.000 USD.

Tuyên án 8 bị cáo vụ đưa DN ‘rởm’ lên chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc

Nld – Tối 20/5, Toà án TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 8 bị cáo trong vụ án “phù phép” cho những “doanh nhân rởm” tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc rồi trốn ở lại đây.

Theo đó, bị cáo Lê Thị Liễu (giám đốc Công ty CP GVA) 5 năm tù; Lương Mạnh Hùng (nguyên giám đốc Công ty CP Đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam) và Trần Thị Tuyết (nguyên cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng lãnh 20 tháng cùng về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Về tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, bị cáo Trịnh Bang Dũng (trú tại Nghệ An) lãnh 3 năm tù. Bị cáo Trần Phục Hưng (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam) bị tuyên phạt 16 tháng 11 ngày, bằng thời hạn tạm giam, nên được trả tự do ngay tại toà.

Nguyễn Thị Lương (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lãnh 18 tháng tù, Ngô Xuân Hiếu (trú tại Nghệ An) bị tuyên phạt 20 tháng tù. Riêng bị cáo Lê Thị Xuân (nguyên là đại diện văn phòng tư vấn du học Công ty CP Tư vấn du học quốc tế IEC) bị phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với số tiền các bị cáo đã trả lại cho người nộp, xét thấy những người này đều là người lao động, hoàn cảnh khó khăn nên HĐXX không tiến hành truy thu.

Bay sang Mỹ tiêm vắc-xin: Đi không khó nhưng chưa chắc đã được tiêm

Vietnamnet – Như đã đưa về công ty du lịch chào bán tour đi Mỹ du lịch kết hợp tiêm vắc xin. Đã có nhiều thông tin về  mức giá 45 triệu đồng của gói dịch vụ này, chi phí đó đã bao gồm những gì, có rất nhiều khách hàng gọi điện và tìm hiểu thông tin liên quan.

Trao đổi với PV., ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng truyền thông công ty, nói rằng, tới chiều 19/5, đã có khoảng 20-30 người đăng ký mua tour. Hầu hết khách đều trú tại TP.HCM. Văn phòng ở Hà Nội và Đà Nẵng khách hỏi thưa hơn.

Theo ông Trí, khách chủ yếu chọn hành trình tour 8 ngày 7 đêm, tiêm vắc-xin một mũi Johnson & Johnson. Với những người quan tâm về vắc xin Pfizer, nếu tiêm 2 mũi thì có thể kết hợp thăm thân và các chương trình khác hay không, ông Trí cho biết, trường hợp này giá tour sẽ thay đổi nhưng bảo hiểm du lịch quốc tế là không quá 31 ngày (bảo hiểm này gồm cả chi phí điều trị nếu nhiễm Covid-19).

Một chuyên gia kinh tế đánh giá, mức giá 45 triệu đồng/người cho hành trình 7-8 ngày gồm vé máy bay, khách sạn, phí xét nghiệm, phí visa, bảo hiểm du lịch quốc tế… là “quá hời”. Bởi hiện nay, việc bay từ Mỹ về Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn do khan hiếm chuyến bay và nhiều người Việt mắc kẹt ở Mỹ sẵn sàng trả hàng ngàn USD cho vé bay một chiều về nước.

Đồng tình với nhận xét trên, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), cho rằng, với mức giá 45 triệu đồng/khách cho chiều đi, chưa bao gồm chiều ngược lại, là hợp lý.

Ông Dũng bị kẹt ở Canada gần 1 năm nay. Bản thân ông cũng đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Sau khi tìm hiểu, ông biết rằng giá một vé từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay “giải cứu” của Vietnam Airlines lên tới trên dưới 4.000 USD (khoảng 90 triệu đồng), từ Canada có thể cao hơn một chút.

Giá không những đắt, việc mua vé cũng khó khăn do số lượng các chuyến bay quá ít. Nếu mỗi tháng có 2-3 chuyến, giá vé sẽ hợp lý hơn. Chưa kể, rất nhiều Việt kiều, khách du lịch bị kẹt ở Mỹ, Canada có nhu cầu muốn về nước như ông lại rất e ngại bị cách ly tới 21 ngày, với chi phí (tự túc) là không hề nhỏ.

Đại diện công ty tổ chức tour cho hay, việc xin visa Mỹ được thực hiện theo đúng quy định, trình tự có sẵn của phía Đại sứ quán Mỹ, với lý do chính đáng và xuất phát từ yêu cầu thực tế. Công ty đảm bảo khai hồ sơ chính xác, trung thực.

Với khách lẻ hoặc khách đoàn là cả gia đình đã có sẵn visa, có thể lên đường bất kỳ lúc nào. Riêng những khách chưa có visa, chờ gom lại, khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ khởi hành.

“Khi nhập cảnh vào Mỹ, chỉ cần có xét nghiệm PCR âm tính của Việt Nam là được”, ông Trí nói. Tuy nhiên, để tiêm được vắc-xin hiện tại, theo quy định của Mỹ, phải có người đứng ra bảo lãnh (ở đây là hướng dẫn viên của công ty) mới được đăng ký tiêm.

Liên quan đến việc công dân các nước, trong đó có Việt Nam, muốn du lịch Mỹ kết hợp tiêm vắc xin, bà Rachael Chen, phát ngôn viên ĐSQ Hoa Kỳ, cho hay, công dân nước ngoài muốn tạm thời nhập cảnh Hoa Kỳ phải chứng minh được mục đích đi du lịch của họ. Mục đích này phải đáp ứng mọi yêu cầu và được phê chuẩn theo loại thị thực mà họ nộp đơn.

“Bất kỳ người có thị thực B1/B2 nào có tìm kiếm vắc-xin Covid-19 ở Hoa Kỳ nên lưu ý rằng, việc xem xét đủ điều kiện để được tiêm vắc xin vẫn thuộc thẩm quyền của các dịch vụ y tế của từng tiểu bang và chính phủ Liên bang Hoa Kỳ”, bà Rachael Chen khẳng định với PV. VietNamNet.

Do đó, việc sang đến Mỹ có được tiêm vắc-xin ngay hay không vẫn có thể có rủi ro.

Đối với những người đã được tiêm vắc-xin có nhu cầu về nước, hoặc trường hợp đi du lịch kết hợp tiêm vắc-xin như trên, ông Trần Thế Dũng bày tỏ: “Tôi rất mong những ai đã được tiêm vắc xin khi về Việt Nam chỉ cần có chứng nhận PCR âm tính của nước sở tại, xét nghiệm 48 tiếng trước khi lên máy bay. Khi hạ cánh, chúng tôi sẵn sàng ngồi chờ xét nghiệm, nếu kết quả âm tính sẽ được về nhà tự theo dõi, chứ không phải đến cơ sở cách ly. Làm vậy là bước đệm để sau này Việt Nam mở cửa, đón khách quốc tế”.

Một phần đề xuất của ông Dũng có khả năng tới đây sẽ được đáp ứng, bởi tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 19/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn kết hợp các phương thức xét nghiệm khác đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam, trước hết là đường hàng không. Hướng dẫn nhằm phân loại để không phải tất cả mọi người nhập cảnh phải cách ly tập trung 21 hay 14 ngày.

Điều này đồng nghĩa với việc, những người đã tiêm vắc-xin khi về Việt Nam được áp dụng chế độ cách ly mới, có thể chỉ 7 ngày.

Có ý kiến cho rằng, với những người không có điều kiện ra nước ngoài tiêm vắc xin (với số tiền có thể lên tới cả trăm triệu đồng) và lo ngại những rủi ro khác có thể xảy ra trong hành trình tour, tốt nhất nên đợi khi nào Việt Nam nhập thêm vắc-xin về thì tiêm.

Tàu Mỹ tới Hoàng Sa, Trung Quốc tự tin nói đã ‘trục xuất’, liền bị Mỹ vạch trần

Theo Reuters, hôm thứ Năm (20/5), trong một tuyên bố, Trung Quốc cho biết tàu USS Curtis Wilbur của Mỹ đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của nước này.

Đài CGTN của Trung Quốc dẫn lời ông Điền Quân Lý(Zhang Chunhui), phát ngôn viên Bộ tư lệnh quân khu phía Nam của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, khẳng định nước này đã “trục xuất” tàu chiến Mỹ, đồng thời chỉ trích Washington là “kẻ gieo rắc rối thực sự” tại Biển Đông.

Tuy nhiên, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết khu trục hạm USS Curtis Wilbur thực hiện chuyến tuần tra “khẳng định các quyền và tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép đồng thời  thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thông cáo của Hạm đội 7 hải quân Mỹ nhấn mạnh: “USS Curtis Wilbur không bị ‘trục xuất’ khỏi lãnh thổ quốc gia nào và thông tin tàu bị “trục xuất” là “sai sự thật”.

“USS Curtis Wilbur đã tiến hành Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) phù hợp với luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế”.

Trước đó, tàu USS Curtis Wilbur ngày 18/5 đã đi qua eo biển Đài Loan, và cũng vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đe dọa hòa bình và ổn định sau khi tàu chiến Mỹ một lần nữa đi qua khu vực nhạy cảm nằm giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục, đồng thời khẳng định đã “theo dõi” tàu Mỹ trong toàn bộ quá trình này.

Khu trục hạm USS John S. McCain ngày 5/2 cũng di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu chiến hạm Mỹ thực hiện hải trình trên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nhấn trong mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi Washington bác bỏ điều mà họ gọi là yêu sách lãnh thổ trái pháp luật của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Các tàu chiến Mỹ đã đi qua Biển Đông với tần suất ngày càng nhiều trong những năm gần đây, nhằm phô trương lực lượng chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Mỹ cam kết bảo vệ đường biển ở Biển Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ phải bảo vệ các tuyến đường biển mở và sự an toàn ở Bắc Cực, Biển Đông khi các quốc gia như Nga và Trung Quốc đang tìm cách khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn ở các khu vực hàng hải này.

Hãng tin Bloomberg dẫn phát biểu ngày 19/5 của Tổng thống Mỹ tại Học viện Cảnh sát Biển ở New London, Connecticut rằng: “Đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở là điều quan trọng đối với sự sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Và điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta không giữ vai trò tích cực để thiết lập các chuẩn mực ứng xử…”.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết, các quy tắc hàng hải cơ bản như tự do hàng hải là nền móng của an ninh và kinh tế toàn cầu. Khi các quốc gia cố gắng thách thức hệ thống này hoặc thay đổi các quy tắc theo hướng có lợi cho họ, mọi thứ sẽ không còn cân bằng nữa.

Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và Nga vì tạo lập các tiền đồn dọc bờ biển Bắc Cực.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik, thủ đô của Iceland, để thảo luận về các diễn biến ở khu vực trên.

Tổng hợp