Giá mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang được đẩy cao ngất trước sự gia nhập ồ ạt và mở rộng hệ thống của các thương hiệu bán lẻ, thức ăn nhanh từ năm 2016 đến nay.
Ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), thừa nhận mặt bằng chính là trở ngại lớn khiến đơn vị này chậm phát triển hệ thống cửa hàng so với các đơn vị bán lẻ khác.
Ông Bắc cho biết trong 6 năm đơn vị chỉ mở được 106 cửa hàng Satra food, bởi việc đàm phán, tìm mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn của cửa hàng bán lẻ tại các khu dân cư quá khó khăn.
Theo lý giải của lãnh đạo doanh nghiệp này, do đơn vị tập trung vào ngành hàng thực phẩm tươi sống (80% lượng hàng của cửa hàng) nên việc tìm được mặt bằng đảm bảo tiêu chuẩn, vị trí, diện tích là rất khó.
“Một cửa hàng của chúng tôi có diện tích tối thiểu 120-150 m2 và tối đa đến 250 m2. Diện tích này hiện không dễ tìm, nhất là ở nơi phải đảm bảo các tiêu chí thuận lợi kinh doanh của một đơn vị bán lẻ.
Từ đầu năm 2016, các đơn vị cho thuê mặt bằng loại hình này đẩy giá thuê lên rất cao, bởi thời điểm này các nhà bán lẻ ồ ạt đẩy mạnh phát triển hệ thống”, ông Bắc nói thêm.
Một khảo sát mới đây cho thấy giá thuê mặt bằng tại các vị trí đắc địa ở TP.HCM cao hơn gấp ba lần so với giá thuê bình quân mặt bằng bán lẻ toàn thị trường. Ảnh minh họa: Lê Quân |
Hiện đơn vị này đã thành lập riêng một ban chuyên săn mặt bằng để phục vụ mở rộng, phát triển mạng lưới cửa hàng, siêu thị. Ông Bắc cũng chia sẻ sẽ đầu tư, phát triển đơn vị để có thể tiến tới thành lập công ty riêng trực thuộc tổng công ty, chuyên kinh doanh lĩnh vực này trong tương lai.
Ông Hoàng Khải, Chủ tịch Khai Silk cũng chia sẻ một trong những nguyên nhân khiến chuỗi nhà hàng phở không kịp khai trương cuối tháng 3 như dự kiến, mà phải dời sang tháng 5, là do khâu mặt bằng.
Vị này cho biết thực tế tại các khu dân cư hiện nay, nhu cầu cho thuê vẫn khá lớn nhưng để tìm được một mặt bằng như tiêu chí kinh doanh mà doanh nghiệp mong muốn là rất khó.
“Các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thức ăn nhanh, siêu thị mini mở đến tận ‘hang cũng ngõ hẻm’, khiến người sở hữu mặt bằng thuận tiện kinh doanh tại các khu dân cư làm giá, đẩy giá liên tục. So với năm trước thì hiện giá thuê đã tăng vài chục phần trăm rồi. Với tình trạng này thì trong tương lai việc mở rộng hệ thống là không phải đơn giản”, ông Khải nói.
Doanh nhân này cũng cho biết đã tính đến đường xa hơn, bằng việc đầu tư thành lập nhóm nhân sự chuyên “săn” mặt bằng phục vụ mục đích kinh doanh của mình, để tránh bị động.
Đồng Khởi và Nguyễn Huệ là những tuyến đường luôn diễn ra tình trạng tranh mặt bằng đẹp khiến giá thuê bị đội lên. Nhà mặt tiền có diện tích trên dưới 80 m2 trên tuyến phố này có mức giá thuê mỗi tháng luôn ở mức trên 10.000 USD/căn.
Việc mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ cùng sự gia nhập hàng loạt thương hiệu mới khiến mặt bằng tại các khu dân cư, trung tâm thành phố luôn được săn đón và đẩy giá. Ảnh: Liêu Lãm. |
Các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Lê Lai, Lê Thị Riêng, Cách Mạng Tháng Tám… cũng luôn là những điểm cạnh tranh gây gắt và giá thuê leo thang nhanh chóng. Giá thuê nhà tại các tuyến đường cũng đang ở mức 8.000 USD mỗi tháng/căn và luôn có khách xếp hàng.
Khảo sát mới nhất của Jones Lang LaSalle Việt Nam cho biết giá thuê mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa bậc nhất khu trung tâm TP.HCM đạt 120-130 USD mỗi m2/tháng. Mức giá này cao hơn gấp ba lần so với giá thuê bình quân mặt bằng bán lẻ toàn thị trường (46,3 USD mỗi m2 một tháng).
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, chia sẻ mặt bằng chính là rào cản lớn nhất khiến các ông lớn thức ăn nhanh ngoại khó mở rộng chuỗi cửa hàng khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Điển hình là Dunkin’ Donuts vào Việt Nam từ năm 2013, nhưng thương hiệu bánh ngọt, cà phê này mới có hơn 10 cửa hàng.
“Các đơn vị đến trước gần như chiếm lĩnh hết những vị trí thuận lợi. Điểm mình thích, muốn thuê thì chủ nhà họ rất khó hợp tác, hoặc mức giá quá cao”, ông Hạnh Nguyễn phân tích.
Theo CBRE, trong năm 2016, TP.HCM có 5 trung tâm mua sắm mới ra đời. Các dự án mới này đã mang đến thị trường nội địa nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều phân khúc khác nhau, từ thời trang cao cấp cho đến các nhà hàng, quán cà phê, siêu thị.
Số liệu của CBRE, năm 2016 có 17 nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng vào thị trường TP.HCM, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015.
2016 cũng là năm chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước, như Vincom và Co.opMart, Aeon, Lotte, Ilahui Miniso,… Sự đổ bộ, mở rộng hệ thống cửa hàng khiến cuộc chiến mặt bằng càng thêm gay gắt.
Cũng theo CBRE, sự tiện lợi được ưu tiên hàng đầu trong thói quen mua sắm của người dân. Do đó, cửa hàng tiện lợi mở 24/7, thương mai điện tử, khối bán lẻ tại các khu nhà ở sẽ có nhiều đất phát triển trong những năm tới.
Riêng trong năm 2017, thị trường vẫn đang chờ đón những tên tuổi lớn như H&M và 7 eleven. Các cửa hàng tiện lợi như Minigood, Miniso, Mumuso… tiếp tục được mở rộng và thu hút nhóm khách hàng trẻ, và cuộc chiến mặt bằng nhà phố, khu dân cư tiếp tục căng thẳng.
Theo Hà Yến/Zing