Không tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp

0
456

Với quy trình mà cơ quan quản lý đưa ra, hầu hết doanh nghiệp bất động sản khẳng định nhanh nhất là 3 năm, bình thường mất 5-10 năm mới có thể lập xong thủ tục để triển khai một dự án bất động sản.

Không tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 22/2/2020, tại buổi làm việc với 36 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành trả lời thẳng các vấn đề vướng mắc mà DN BĐS nêu chứ không vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm. Có như vậy mới góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là những dự án đang bị ngừng trệ bởi vướng mắc về thủ tục hành chính và cơ chế vận dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Phải trả lời doanh nghiệp trong vòng 10 ngày

Đó là “tối hậu thư” của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đối với lãnh đạo các sở, ngành khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ về các dự án BĐS của DN trên địa bàn.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu một ví dụ là việc ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành, phản ánh chỉ một văn bản trả lời về hệ số sử dụng đất trong khu chung cư 2.160 căn hộ nhà ở xã hội của công ty ông mà suốt 11 tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Sở Quy hoạch – Kiến trúc không thống nhất được cách tính hệ số sử dụng đất.

Hồ sơ của DN này cứ trình lên là bị bác. Bị Chủ tịch thành phố truy đến cùng, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, Sở đã mời chủ đầu tư họp với tổ liên ngành, trong đó có Sở Quy hoạch – Kiến trúc để thống nhất lại giữa hai bên nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.

“Chỉ một chuyện nhỏ mà kéo dài gần năm trời, nếu là mấy ông thì có bức xúc không?”, ông Phong đặt câu hỏi.

Ông Phong nhấn mạnh: “Những phản ánh, thắc mắc của DN cần phải có hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ để họ sớm triển khai dự án. Vấn đề nào chưa giải quyết được ngay thì trong vòng 10 ngày làm việc phải có trả lời được hay không hoặc hướng dẫn cụ thể. Phải thấy sự vất vả của DN để chia sẻ chứ không được tạo thêm khó khăn. Cần phải có giải pháp quyết liệt trên cơ sở quy định của pháp luật và đúng với tinh thần phục vụ DN, phục vụ nhân dân”.

DN khó khăn dẫn đến thị trường BĐS bất ổn. Trong cả năm 2019 chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư và một dự án nhà ở thương mại được cấp quyền sử dụng đất ở.

Tăng trưởng BĐS bình quân giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của thành phố (GRDP), tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu GRDP cũng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của thành phố.

Nghịch lý không ở chỗ DN thiếu vốn, thiếu năng lực, thiếu thị trường mà chính là thiếu sự quyết đoán, thiếu minh bạch trong các khâu giải quyết thủ tục pháp lý liên quan đến hồ sơ dự án. Cách hiểu và áp dụng hướng dẫn thi hành luật không nhất quán, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý khiến cho thị trường BĐS chững lại trong suốt thời gian dài. Đây là nguyên nhân chính làm giảm nguồn cung nhà ở đáng kể gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở.

Doanh nghiệp có “dễ thở” hơn?

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị lãnh đạo các sở, ngành thấu hiểu, chia sẻ và tạo điều kiện cho DN và thị trường BĐS phát triển minh bạch, công bằng, ổn định và bền vững; đồng thời kiến nghị UBND thành phố phê duyệt quy trình 5 bước cho từng dự án cụ thể, bao gồm:

1. Lập thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

2. Lập thủ tục giao, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

3. Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật.

4. Cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

5. Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Tuy nhiên, trong thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, quan điểm của DN với các cơ quan quản lý không đồng nhất.

Theo cơ quan quản lý thì đối với một dự án BĐS gồm lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; làm thủ tục giao đất, thuê đất; lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính (nộp tiền sử dụng đất); cấp sổ đỏ và DN được công nhận chủ đầu tư, để từ đó làm các thủ tục thẩm định, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

Với quy trình mà cơ quan quản lý đưa ra, hầu hết DN BĐS khẳng định nhanh nhất là 3 năm, bình thường mất 5-10 năm mới có thể lập xong thủ tục để triển khai một dự án BĐS. Con đường này quả là “đầy chông gai”, đốt nhiều tiền của DN.

Thủ tục kéo dài, đọng vốn, đọng nợ và đẩy giá nhà lên cao. Chỉ tính riêng khâu lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, DN phải mất 2 năm mà chưa chắc đã xong. Tiền sử dụng đất không nộp được thì làm sao triển khai được các bước tiếp theo?

Đại diện Công ty Hưng Lộc Phát – ông Nguyễn Dư Lực cay đắng trần tình rằng đây là quy trình làm cho tiền của DN “ngâm trong đất” quá lâu. Có những khu đất, DN đã vay ngân hàng rất nhiều tiền để đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng những thủ tục tiếp theo như Chủ tịch HoREA đã thống kê chưa chắc đã được chấp thuận, hoặc kéo dài không biết đến mấy năm!

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: “Do có sự điều chỉnh hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dẫn đến sự thay đổi về quy mô dự án hoặc số lượng nhà ở, UBND thành phố đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chấp thuận cho phép thành phố thực hiện thủ tục điều chỉnh thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, giấy phép xây dựng đồng thời với việc bổ sung nghĩa vụ tài chính theo quy định. Các vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định chuyển tiếp đối với các dự án chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp, sử dụng đất có nguồn gốc nhà nước cho thuê, đất của các DN đã cổ phần hóa thì thực hiện theo Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội”.

UBND thành phố đã thành lập “Tổ chuyên gia” có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện nhằm xem xét, đánh giá cụ thể đối với quyết định chủ trương đầu tư, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo tổng hợp trình UBND thành phố; đồng thời cho phép Tổ chuyên gia lựa chọn các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố được đánh giá, có ý kiến về hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở để thực hiện cùng lúc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với công nhận chủ đầu tư. Như vậy, vừa lựa chọn được DN có uy tín, năng lực lại đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định để DN sớm triển khai dự án BĐS.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết đã có chủ trương hỗ trợ vốn cho DN có số vốn trên 100 tỷ đồng ngay trong quý I/2020, trong đó có BĐS, để hỗ trợ DN phát triển bền vững. Chỉ tính riêng khâu lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, DN phải mất 2 năm mà chưa chắc đã xong.

Kim Loan