Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam đã đề xuất đáng chú ý trong việc quản lý vỉa hè lòng đường: cho phép người dân thuê lại vỉa hè!
Đề xuất được TS Lương Hoài Nam đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Vỉa hè – chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” tổ chức gần đây.
Vỉa hè được sử dụng vào nhiều mục đích
Theo TS Lương Hoài Nam giá trị đất mặt phố từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có nơi lên tới hàng tỷ đồng/m2. “Với giá trị khủng như vậy, khi cơ quan quản lý buông lỏng, sẽ có ai đó sẵn sàng lấn chiếm và có lực lượng bảo kê. Từ người quản lý tới người dân đều nói: Vỉa hè là phần dành cho người đi bộ. Nhưng không đúng, ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác. Những công năng này nên được pháp luật quy định” – ông Nam cho hay.
Lập lại trật tự vỉa hè ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ảnh: T.L |
Ở góc độ quản lý, ông Lê Đức Việt – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết: “Quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè đã thể hiện rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đó là đường phố gồm lòng đường và hè phố; lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng trong mục đích giao thông. Trường hợp đặc biệt có thể sử dụng vào mục đích khác, do chính quyền địa phương cấp phép nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông”.
Do đó, theo ông Việt, các hành vi buôn bán, kinh doanh trên hè phố bị cấm nên những nhà ở vị trí mặt tiền phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ. Còn ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: “Việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Việc này được giao cho chính quyền địa phương tổ chức cho phù hợp”.
Kẻ ô, thu phí để chống lấn chiếm vỉa hè?
Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Còn việc này được giao cho chính quyền địa phương tổ chức cho phù hợp”.
Ông Khuất Việt Hùng |
Theo kinh nghiệm ở TP.HCM, ông Ngô Hải Đường – Trường phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, địa phương này đã ban hành quyết định từ năm 2008 để quy định 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè. Đó là sử dụng vỉa hè cho hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa các công trình; buôn bán hàng hoá; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà… “Tùy trường hợp sẽ có những quy định cụ thể, tuy nhiên mục tiêu quan trọng nhất là ưu tiên dành cho người đi bộ” – ông Đường cho hay.
Tiếp đó, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, năm 2009 UBND TP.HCM đã ban hành danh sách các tuyến đường được sử dụng để kinh doanh buôn bán, được để xe tự quản trước nhà. UBND quận, huyện được kẻ vạch và quản lý, sử dụng tạm thời. Đối với kinh doanh buôn bán không thu phí, chỉ thu phí khi giữ xe công cộng.
TS Lương Hoài Nam cho rằng, với những quy định pháp luật kể trên, cần truyền thông đến người dân: “Vỉa hè có công năng chính dành cho người đi bộ, ngoài ra, nơi nào có thể, địa phương quyết định bố trí không gian phục vụ cho những công năng khác. Trách nhiệm của nhà làm luật phải quy hoạch những công năng đó trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương”.
TS Lương Hoài Nam đề xuất nếu cần thiết có thể sửa đổi luật, cho phép người dân thuê vỉa hè, làm thủ tục hành chính, có kẻ ô, thu phí. “Để quản lý tốt, mỗi khu đất sử dụng phi giao thông phải có hợp đồng giữa chính quyền – người dân mới có thể quản lý được. Nhà ở mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với địa phương và trả phí. Họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định. Như vậy mới quản lý được” – TS Nam cho hay.
Theo Dân Việt