Maya Angelou (sinh ngày 4/4/1928 – mất ngày 28/5/2014) là một nữ văn sĩ người Mỹ, người cũng từng được suy tôn là “Nữ thi hào da đen”.
Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Phi Maya Angelou là một trong những tác giả mà sự nghiệp văn học được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.
Ngoài việc nổi tiếng với tư cách một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, bà còn là giáo sư, diễn viên, ca sĩ, vũ công… và là nhà hoạt động dân quyền rất có uy tín.
Sinh ngày 4/4/1928 tại Saint Louis, thuộc tiểu bang Missouri, song phần lớn thời niên thiếu của Maya Angelou lại trôi qua ở Stamps – một thành phố nhỏ của tiểu bang Arkansas.
Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Phi Maya Angelou.
Thời bấy giờ, tệ phân biệt chủng tộc còn diễn ra khá nặng nề. Người da đen luôn bị kỳ thị. Nơi Maya Angelou sinh sống, nhà thờ dành riêng cho người da đen cũng thuộc loại nhỏ hơn bất cứ nhà thờ nào trong thành phố (sức chứa chỉ đủ cho 30 người). Các thành viên của đảng 3K thi thoảng lại gây chấn động bởi một vụ đốt thánh giá kèm theo việc treo cổ một vài người da đen nào đó. Trên các chuyến xe buýt, người da đen phải chịu phận ngồi phía đuôi xe. Và muốn vào rạp hát, họ phải vào bằng cửa sau. Tại nơi công cộng, họ không được dùng chung vòi nước với người da trắng. Trong hoàn cảnh như vậy, đã nhiều lúc cô bé Maya da đen, tóc quăn, chân thô, răng lớn… đã mơ ước mình có được mái tóc vàng rộm và đôi mắt biếc xanh như các cô bé da trắng cùng trang lứa.
Tổng thống Obama từng cho biết, tên chị gái của ông vốn được đặt theo tên của bà Maya. Kỳ thực, bà Maya Angelou vốn có tên khai sinh là Marguerite Ann Johnson. Bà là người con thứ hai của ông Bailey Johnson, một nhân viên Hải quân Mỹ, và bà Vivian Baxter Johnson – một nữ y tá. Cái tên “Maya” là do anh trai của Marguerite là Bailey Jr. phát âm sai hai từ “my sister” mà thành.
Năm 1931, nghĩa là khi Maya mới được 3 tuổi, cha mẹ cô “đường ai nấy đi”. Suýt nữa thì hai anh em Maya phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé. Cho đến mãi sau này Maya vẫn không sao quên được cảnh cô cùng anh trai (hơn cô 1 tuổi) bị cha mẹ gửi đi bằng tàu hỏa từ Long Beach thuộc tiểu bang California, tới thành phố Stamps với sự“đảm bảo” chỉ là hàng chữ ghi trên cổ tay hai đứa trẻ thơ ngây “Gửi người nào đó có liên quan”.
Tại thị trấn Stamps, hai anh em Maya sống dưới sự chăm nom của bà nội Momma và người chú Willie bấy giờ đã bị liệt nửa người. Tất cả nguồn sống của họ dường như đều trông cậy vào cửa hàng thực phẩm do một tay bà Momma cai quản. Hai anh em Maya được bà Momma cho theo học tại ngôi trường Lafayette dành riêng cho những người nghèo khó. Ngoài giờ học, họ phải phụ giúp công việc với bà nội ở cửa hàng thực phẩm cũng như nuôi gà và chăm mấy chú lợn.
Qua đời tại nhà riêng ở Winston – Salem, Bắc Carolina (Mỹ) ngày 28/52014, bà Maya Angelou đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người hâm mộ. Theo khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama thì Maya Angelou là “Một nhà văn tuyệt vời, một người bạn mạnh mẽ, một phụ nữ phi thường”.
Năm lên 8 tuổi, Maya trở về St. Louis sống với mẹ. Tại đây, một sự cố kinh hoàng đã dội xuống cuộc đời cô bé. Bà Vivian – mẹ Maya – thường say xỉn. Lợi dụng tình cảnh ấy, một lần, gã bạn trai của bà Vivian tên gọi Mr. Freeman đã đe dọa và cưỡng hiếp Maya. Vì việc này mà người chú ruột của nạn nhân đã giết chết kẻ cuồng dâm, khiến Maya vốn dĩ tâm thần bấn loạn lại càng thêm bị ám ảnh. Có tới mấy năm liền cô bé gần như chìm trong thế giới của sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi. Cô gần như câm lặng, không nói một lời nào. Cô cho rằng, chính vì lời nói của mình mới dẫn tới vụ án mạng nói trên. Và Maya chỉ thực sự lấy lại cân bằng khi trong thời gian trở về sống với bà nội tại Stamps, cô được một bà giáo cao tuổi tên gọi Bertha Flowers định hướng. Bà giáo này đã giúp Maya mở mang tầm nhìn, cách suy xét cuộc sống khi tiếp xúc với nhiều tác phẩm của các tác giả da trắng như Shakespeare, Kipling, Edgar Poe, Thackeray, James Weldon Butler, cũng như tác phẩm của một số nhà văn da đen như Paul Dunbar, Langston Hughes, W.E.B. Du Bois, James Weldon Johnson.
Tính đến nay, Maya Angelou đã cho xuất bản được hơn 30 đầu sách và giành được nhiều giải thưởng lớn. Và sinh thời, mặc dù chưa một lần được ngồi ghế sinh viên đại học, song bà Maya Angelou lại được trao hơn 30 bằng Tiến sĩ danh dự tại một số trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Maya Angelou được biết đến nhiều nhất là ở thể loại sách tự truyện, hồi ký. Đến nay, bà đã cho xuất bản 7 cuốn thuộc dạng này, trong đó hầu hết tập trung vào thời ấu thơ cho đến năm bà 17 tuổi.
Cuốn tự truyện đầu tiên và cũng là nổi tiếng nhất của Maya chính là cuốn “I know why the caged bird sings” (được xuất bản năm 1969) – một cuốn sách hiện vẫn còn gây tranh cãi trong giới học đường vì những nội dung có phần táo bạo liên quan tới các vấn đề về giới tính, tôn giáo và bạo lực. Cuốn tự truyện này được khởi nguồn từ việc nhà văn James Baldwin sau khi nghe Maya kể những câu chuyện thời thơ ấu của mình đã thúc giục bà viết lại những câu chuyện đó. Tác phẩm cuối cùng thuộc thể loại tự truyện của Maya là cuốn “Mom & Me & Mom” (được ấn hành năm 2013). Trong cuốn sách này, Maya đã kể về người bà và người mẹ của mình cùng những gì họ đã dạy dỗ bà.
Chính sự thành công của Maya Angelou trong những cuốn sách có tính chất hồi ký, tự truyện đã là sự kích thích mạnh mẽ đối với các nữ tác giả da màu của nước Mỹ như Toni Morrison, Alice Walker, Ntozake Shange, Gloria Naylor hay Toni Cade Bambara…
Sẽ thật thiếu sót nếu ta không điểm qua một chút những thành công về mặt thi ca của Maya Angelou, người từng được suy tôn là “Nữ thi hào da đen“.
Năm 1993, tại lễ đăng quang của Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993), bà Maya Angelou đã vinh dự được mời đọc bài thơ của mình, bài “On the Pulse of Morning”, với tư cách một nhà thơ, một nhà giáo dục và một sử gia.
Năm 2008, một lần nữa bà Maya Angelou vinh hạnh được mời đọc thơ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bài thơ phá t đi thông điệp rằng, con người sẽ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vượt qua mọi bất công để chiến thắng cái ác, nhìn ra cuộc sống với cái nhìn tin yêu và vị tha.
15 năm sau, năm 2008, một lần nữa bà Maya Angelou vinh hạnh được mời đọc thơ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, lần này bà đã lịch sự chối từ bằng một lý do. Đây là tường thuật của nhà thơ, nhà báo Elizabeth Alexander trên tờ New York Times: “Khi tôi hỏi Maya có đến Washington dự lễ nhậm chức của Tổng thống không, bà vừa cười vừa nói: Ồ không, con yêu. Ta đã từng làm điều đó rồi. Ta sẽ ngồi nhà, bật tivi, mở một chai rượu vang, thưởng thức món súp ta đã chuẩn bị và cười, và khóc, và hát!”.
Hơn 20 năm trước, tại lễ nhậm chức Tổng thống Nam Phi, đích thân ông Nelson Mandela đã đọc bài thơ “Still I Rise” của bà Maya Angelou.
Ngoài ra, đích thân Tổng thống Barack Obama đã trao cho bà Maya Angelou Huân chương Công dân danh dự hạng nhất của Mỹ.