Bút ký của Nguyễn Trung: Thằng Thắng

0
512

Khi bước vào những ngày đầu của năm 2000, mình được người bạn thân thiết tư vấn: “Trung ơi, có một nơi làm việc rất thích hợp với anh. Ban ngày nghỉ, ban đêm ca hát…”. Đang muốn thay đổi không khí làm việc đã nhiều năm, đương nhiên viễn cảnh của “khung trời mới” chìm đắm trong bầu trời âm nhạc với mình như cả một thiên đường hạnh phúc. Đó chính là Nhà hát Thành phố (hay còn gọi là Nhà hát lớn) ngay tại trung tâm thành phố với hơn 100 tuổi đời.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ năm 1863, người Pháp đã xây dựng Nhà hát – Opera House (phiên bản thu nhỏ của Nhà hát Lớn Paris – Opera garnier) cùng với Cercle Sportif Saigonnais (Cung Văn hóa Lao động) và Nhạc viện Thành phố ngày nay là bộ ba văn nghệ thể thao của Sài Gòn lúc bấy giờ. Ban đầu, Nhà hát tạm nằm ở góc Nguyễn Du – Đồng Khởi hiện nay, nhưng ngay sau đó được chuyển về cạnh khách sạn Caravelle. Năm 1898, Nhà hát được khởi công xây dựng đến ngày 01 tháng 01 năm 1900 thì khánh thành. Trải qua hơn 100 năm thăng trầm của biến cố lịch sử cho đến nay Nhà hát lại trở lại hình dáng thuở ban đầu nguyên sơ với chính sự hỗ trợ của người Pháp. Ngày nay, Nhà hát Thành phố trở thành một biểu trưng nghệ thuật, một trái tim dành cho những người đam mê nghệ thuật và nhạc thính phòng.

Thế là hàng ngày mình được hai thần vệ nữ ngay cửa ra vào Nhà hát mỉm cười chào đón. Cùng với những đồng nghiệp mới, mình làm quen nhanh phong cách làm việc với những chuẩn mực khác xa với tất cả những nơi mình đã qua. Nhưng thú vị nhất vẫn là khám phá vẻ đẹp lạ kỳ của Nhà hát ẩn chứa sâu thẳm trong kiến trúc nghệ thuật. Như tiếng nói thì thầm của dấu ấn thời gian lịch sử đêm đêm vẫn thầm thì những âm thanh mà tần số chỉ dành cho những người yêu thương biết trân trọng cái đẹp của lịch sử và thời gian. Những bức tượng, phù điêu, mái vòm, cầu thang gỗ, mái nhà đá đen, sàn diễn, hàng ghế, hầm ngầm, hồ nước… đều là những hiện sinh luôn thể hiện và tự hào về đẳng cấp của mình. Nhà hát là cả một thế giới kỳ diệu không ai có khả năng ca ngợi, miêu tả một cách đầy đủ, chân thật được. Mình chỉ biết vào thời điểm xây dựng, con người chưa sử dụng sắt thép, xi măng nhưng đã dựng trên nền đất cả một công trình hàng ngàn tấn với cấu trúc logic, khoa học tạo thành hàng tỉ những chi tiết liên kết thành một tác phẩm mà vẻ đẹp hoàn mỹ còn được người đời mãi còn ngợi ca.

Tác giả Nguyễn Trung

Chìm sâu ngay dưới sàn diễn bằng loại gỗ từ châu Mỹ cổ xưa dày, bóng bẩy của Nhà hát là hồ nước ngầm tròn lớn còn sáng trắng mờ như mới xây dù đã hơn trăm tuổi. Hồ nước kỳ bí này đã tạo ra nhiều cách lý giải nhưng vẩn mơ hồ không thể thỏa mãn người nghe. Người thì nói là phong thủy châu Âu, người thì nói nó như máy điều hòa không khí khổng lồ cho Nhà hát vùng nhiệt đới, rồi có người lại lý giải tác dụng chữa cháy ở nơi dễ bị hỏa hoạn (bản sao của Nhà hát Lớn ở Paris). Điều kỳ lạ là hồ nước này sâu hơn 4 mét, liền lạc không có bất kỳ đường ra, đường vào nào nhưng lại không bao giờ cạn nước. Nước trong hồ cứ dâng lên mỗi ngày trong vắt lặng thinh, không hề gợn sóng, đóng rêu. Và cứ thế mỗi tuần anh em Nhà hát lại khởi động máy bơm đưa nước ra ngoài giữ mực nước dưới 2 mét…

Mình hay ngồi trong khán phòng rộng lớn nơi “điểm rơi của âm thanh”. Cái thời người ta xây Nhà hát chưa hề có âm thanh điện tử đúng nghĩa với cái tên đầu tiên “Opera House”. Cái thời mà mọi nhạc cụ, giọng hát đều mang bản chất tự nhiên, mộc mạc, đẹp và sang trọng như trời phú cho vậy. Chính vì vậy, khán phòng là một kiến trúc kỳ bí nhất, nơi mà dù âm thanh nhỏ nhất như cây kim rơi trên sàn diễn cũng như vọng ngân vang. Thế nhưng chỉ có một khu vực nhỏ thôi tất cả các giai điệu, âm thanh, tiếng động… lại tụ hội về lắng đọng. Tài hoa thay sáng tạo của con người ẩn chứa trong vẻ tuyệt mỹ của kiến trúc hài hòa lại là những tuyệt diệu của âm học, mỹ học của nhân văn… cái mà đến tận ngày nay chúng ta còn chưa hiểu và làm được. Khi ngồi ở đây, mình say mê đến như quên cả cuộc sống ồn ào náo nhiệt, quên đi cả những thú vui thường nhật. Thả lỏng người, nhắm mắt lại rồi chậm rãi lắng nghe những âm thanh từ ngàn xưa nhẹ nhàng ùa về ngập tràn trong tâm hồn lắng đọng, những tha thiết yêu thương, những cuộc tình sầu thảm, những nỗi buồn không tên day dứt… khiến ta bất giác nghẹn ngào.

Rồi mình cũng hòa nhập nhanh với anh em bạn bè đồng nghiệp và được yêu thương bởi sống chân thật, hiền hòa luôn giúp đỡ mọi người. Mỗi buổi sáng, mình thường mở cửa phòng làm việc đón không khí mát mẻ cùng ánh bình minh. Nhìn dòng đời hối hả trôi qua dưới phố, mấy anh nhạc sĩ chậm rãi cà phê trong khói thuốc; mấy tiệm ăn sáng khua leng keng bởi những muỗng, dao, bát đũa; những bà mẹ hối hả giục con còn ngái ngủ ăn nhanh cho kịp đến lớp; những cô gái mặt mũi bợt bạt vì trôi hết son phấn mệt mỏi qua đêm vội vã trở về; anh quản lý khách sạn chỉnh chu đầu láng bóng thong thả nện giày trên vỉa hè…

Mình trở thành bạn bè của nhiều người, nhiều giới, những nhà trí thức khoa học danh giá, những văn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới dù họ chỉ ghé biểu diễn vài năm một lần… Nhưng thật ra mình thân nhất vẫn là những người còn khó khăn trong cuộc sống, như anh chủ tiệm tiểu thương bán tàu thuyền nghệ thuật mỗi năm lại nhăn nhó với giá thuê mặt bằng tăng cao; mấy chàng chạy xe ôm lãng tử ôm đàn guitar mỗi tối và chuyện vui về người đẹp tóc vàng; vài anh giang hồ vặt xăm trổ đầy tay nhưng thích thể hiện đẳng cấp với bà con lối xóm. Mình cũng quý chị chủ quán cà phê vỉa hè luôn lầm bầm chửi dân phòng công an phường nhưng khi gặp mặt lại mềm nhũn dạ thưa. Và còn mấy chàng trai trang phục tưởng công chức cao cấp văn phòng nhưng lại chuyên mánh mung chạy cò đủ thứ và thích đánh bạc, cá độ, số đề… Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện cuộc đời thú vị, đáng thương và suy gẫm nhưng lại tạo nên cuộc sống muôn mặt, muôn màu phong phú.

Trong số ấy, mình lại tìm thấy một tri kỷ, tri âm thân đến mức mỗi khi mở cửa sổ mỗi sáng, đóng cửa lại khi đêm khuya thì mình lại đưa mắt nhìn về gốc me cổ thụ như được mong nhìn thấy người thân bình an trong cuộc sống. Đó là Thắng, thua mình hơn 10 tuổi cũng rắn rỏi cao lớn, toàn thân luôn đen nhẻm những bầu mỡ bụi đường, bà con quanh khu vực đều gọi là “thằng Thắng”. Không biết từ đâu, “thằng Thắng” trôi dạt về gốc me sau Nhà hát trú đóng sửa xe. Nó có đôi mắt to sáng đẹp và hình thể như vận động viên gọn gàng săn chắc ngược lại với vai người sửa xe hè phố và luôn được mọi người yêu thương trìu mến vì tính khảng khái, nghĩa hiệp, can trường. Vết sẹo dài trên má và cả ở mu bàn tay của nó là vết chém của giang hồ bảo kê khi dám can thiệp cứu những cô gái “ăn sương” bị chúng đánh tính cho đến chết.

Thắng thường giúp bác xích lô đẩy xe lên vỉa hè xuống hàng, giúp anh bảo vệ nhà hàng khách sạn mới vào rơi vào bẫy của đám bẻ khóa trộm xe, phụ dọn chạy bàn ghế cho mấy quán cà phê vỉa hè mỗi khi xe trật tự phường tới. Với cái hộp đồ nghề sửa xe vốn là thùng đạn đại liên, một cái bơm tay thường thấy, tấm bạt xanh căng ra khi trời mưa gió nhưng mấy anh công an phường thông cảm chưa bao giờ làm khó người tốt cùng đường. Thật ngạc nhiên, khi trò chuyện lại thấy Thắng là con người hiểu biết, lễ phép, nhẹ nhàng. Những điển xưa tích cũ Thắng thuộc làu làu, tiếng Hán, Pháp, Anh đều nghe được, viết được. Vì vậy, Thắng cũng thường giúp du khách nước ngoài trấn tĩnh sau khi bị trộm, cướp và lên phường khai báo. Có khi phải ở lại Công an phường vài tiếng chỉ làm phiên dịch giúp đỡ người gặp sự cố nơi đất khách quê người.

Khi đã thân nhau, mình mới nghe Thắng kể rằng em lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Trong một đêm mưa bão ngay khi lọt lòng, mẹ của Thắng vốn là người Thái trắng miền Tây Bắc tóc dài da trắng ngậm ngùi giao Thắng cho các sơ trong trại với lời nhắn nhủ tên của con mới sinh là Trần Anh Thắng. Đắng cay xiết bao lịch sử cả cuộc đời nhưng điểm xuất phát chỉ có vài chữ như trên. Được nuôi dạy, ăn học, lớn lên trong trại mồ côi yên ổn trầm lặng nhưng ngày nào Thắng cũng ra ngồi băng ghế nơi cổng trại chờ mẹ mỗi khi tia sáng cuối cùng ban ngày chợt tắt. Những ngày mưa bão, gió to giá lạnh trong ánh đèn vạng vọt đong đưa ẩn hiện mờ nhạt dưới mưa Thắng cũng ngồi bất động hàng giờ như chiêm nghiệm vị mằn mặn đau thương của nỗi buồn mong mẹ. Biết tâm tính của Thắng, các sơ cũng buồn rầu, xót thương nhìn trong bất lực. Thắng khẳng định nếu bất kỳ ở đâu khi mẹ xuất hiện Thắng sẽ lập tức nhận ra, Thắng biết rất rõ khuôn mặt hình dáng của mẹ mình và tự vẽ ra khắc hằn trong trí nhớ. Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng với Thắng như vẫn sống trong ngày định mệnh mưa bão chào đời.

Và cứ thế tụi mình thành đôi bạn lệch tuổi thường cà phê nói chuyện nhân nghĩa ở đời. Nhiều khi cũng thường ca hát hè phố nơi mình yêu thích nhất. Thắng hát giọng bass trầm ấm, truyền cảm mộc mạc chân thành nhiều cảm xúc. Thắng thường hát những bài ca về mẹ cha và gia đình, mỗi lần như thế một vài giọt nước mắt đọng đuôi mí mắt rất lâu mới chịu chạy loang ra trên má, nhưng cái nỗi đau nội tâm có lẽ đau đớn, dày vò tâm can Thắng làm mình không thể nào chịu dựng được và cũng rưng rưng vừa hát vừa khóc theo. Dù mạnh mẽ, ngang tàng khí khái nhưng rồi Thắng cũng coi mình như anh trai, khi giúp đón con của mình ở trường đưa về nhà sau giờ học, khi chở chúng đi học thêm sinh nhật nhà bạn… nhất là việc chăm sóc xe máy của mình lúc nào cũng êm ái, sạch sẽ suốt cả thời gian mình làm ở Nhà hát, một anh thợ sửa xe giỏi nghề có trái tim cao thượng.

Thời gian còn ở trại mồ côi, Thắng nhiều đêm thức trắng ở thư viện để đọc những cuốn sách mới, sách ngoại ngữ từ sự giúp đỡ của các Sơ. Nhất là những truyện kinh điển châu Âu, châu Mỹ và phương Đông thì Thắng đọc đi đọc lại và đến bây giờ vẫn đọc lại cả chương sách bằng trí nhớ không sai một chữ nào, thật đáng kinh ngạc. Thắng tâm sự, ở trại mồ côi khi đã hết trung học gần như không còn hy vọng gặp lại mẹ nữa thì cũng là lúc có một gia đình khá giả nhận về làm con nuôi. Ngày chia tay, Thắng mới nhận thấy nơi cưu mang mình nặng nghĩa hơn cả gia đình trong tưởng tượng, gia tài mang theo là hai bộ quần áo đủ để thay đổi, vài cuốn sách quý cũ được sơ thư viện tặng như kỷ vật quý trong đời, một cây đàn guitar nhiều chỗ sờn tróc vỏ… Đêm ấy, Thắng và các sơ gần như thức trọn chứa dựng cả niềm vui hạnh phúc mơ ước gia đình và nỗi buồn chia ly bằng những giọt nước mắt chảy dài.

Sáng sớm hôm sau xúng xính trong bộ quần áo đẹp nhất sau khi ôm chào các bạn các em, Thắng ra đi cùng cặp vợ chồng trung niên cố gắng không ngoái đầu lại nhưng chỉ được vài bước, Thắng chạy lại sà vào ôm Sơ Nhất khóc nức nở…

Cho đến bây giờ cũng vậy, đều đặn hàng năm mỗi dịp tháng 6 hè đến và tháng giêng xuân về, Thắng đều dành 1/3 số tiền kiếm được đem về phụ giúp các sơ và các em nhỏ. Cuộc sống mới không như mơ ước, Thắng trở thành “nô lệ khổ sai” thời đại không có lương tại một trại heo lớn Củ Chi giáp với Bình Dương. Chỉ trong 6 tháng, Thắng nhận ra dã tâm của “Cha, Mẹ” nuôi và lẳng lặng đi bộ ra thành phố Bình Dương xin học nghề tại một tiệm sửa xe lớn. Qua hai năm vất vả đêm ngày, với trí thông minh, có học hơn người Thắng trở thành thợ Cả và cũng hiểu rõ những mánh khóe làm giàu của chủ tiệm và đám thợ non tay. Vốn tính yêu thích văn nghệ, ca nhạc như điểm cuối trong đời Thắng chọn sau lưng Nhà hát hành nghề sinh sống và để đêm đêm vẫn nghe được tiếng đàn, tiếng hát ru đời.

Nguyễn Trung (bên trái) ôm đàn hát cùng bạn bè đồng nghiệp

Đã hơn 10 năm trụ ở gốc cây sau Nhà hát, Thắng cũng dành tiền mua được căn nhà nhỏ sau lưng Bệnh viện Nhi đồng. Lần đến chơi mình khám phá ra, đây là căn nhà tạm đáng mơ ước trong đời. Với vẻ ngoài dản dị nhưng sạch sẽ không ngờ được trang trí bằng cây xanh và các chậu cây kiểng nhỏ li ti, bonsai, hòn non bộ và bên trong gọn gàng với những bức tranh nghệ thuật hài hòa tự vẽ. Đáng giá nhất vẫn là cây đàn guitar cũ từ trại mồ côi được khắc họa những yêu thương vô bờ bến của Thắng với các bạn, các sơ. Treo trang trọng, Thắng còn dành đèn màu đánh nhiều chiều làm cho trái ti ngôi nhà lộng lãy kiêu sa bên cạnh tủ sách nhỏ với hầu hết là sách cũ sờn gáy do đọc lại nhiều lần. Đã gần 30 tuổi, sống một mình lầm lũi, siêng năng, mỗi khi hỏi tới chuyện vợ con Thắng cười buồn bã thay câu trả lời. Mình đã thấy nhiều cô gái xinh đẹp quan tâm tìm hiểu và chăm sóc Thắng. Những bữa ăn sáng, vài ly cà phê yêu thích từ cô thợ may trong xóm lao động nghèo và cả từ những cô ca sĩ quán bar đêm đêm thường ghé mượn chuyện trú mưa tâm tình thăm hỏi… nhưng đều không có câu trả lời cuối cùng, Thắng còn lẳng lặng nhét lại tiền mua đồ như phũ phàng từ chối mối tình vừa nhen nhóm.

Qua hơn 4 năm làm việc ở Nhà hát cũng như duyên số trong đời, cũng đến hồi chia tay kết thúc để tìm một cuộc phiêu lưu mới trước khi… quá già, an phận. Phải chia tay một nơi xinh đẹp, huyền bí và yêu thích nhất, rồi những đồng nghiệp vui vẻ trong những bữa ăn khuya sau buổi diễn, những người bạn đã quen và nhịp sống quen thuộc nơi trung tâm thành phố… quả là không dễ dàng. Nhưng trái tim hoang dã, yêu thương lại lên tiếng đòi hỏi những cuộc phiêu lưu mới. Đêm cuối cùng từ giã, mình đã dành trọn cả đêm thức tâm tình cùng với những nhân vật tưởng như chỉ câm lặng trong Nhà hát. Những bức tượng, phù điêu, từng sào ánh sáng những tấm màn nhung, cả mái đá đen huyền bí mà chẳng mấy ai dám leo lên trên nóc cheo leo… rồi tiếng lòng rộn rã yêu thương, những tiếng nói xa xưa ùa về rì rầm lên tiếng chia ly.

Một đêm mưa rơi tầm tã, hạt mưa rơi trên mái làm bằng đá đen từ núi Mont Blanc của Pháp như rộn rã nhặt khoan hờn trách… về phong làm việc, dọn những hành trang gắn bó cuộc đời công chức xếp trong thùng nhỏ nhắn, mình mở cửa sổ để ngắm mưa trong những ánh bình minh đầu tiên của thành phố. Chào đường phố thân yêu, chào chung cư lao động đang đổi đời giữa lòng thành phố, chào những bạn bè đồng nghiệp, người mới quen thân thương trong chuyến tàu cuộc đời, chào những hàng me rũ lá mỗi khi hoàng hôn gió xôn xao. Tất nhiên, chào em nhé Thắng yêu thương nhiều bất hạnh khổ đau. Bất chợt trong tấm bạt xanh che mưa mình nhận ra chiếc xe Honda Lead xanh ngọc quen thuộc, và đương nhiên chủ nhân của nó cô sinh viên năm cuối Đại học Ngân hàng tên Vân người đẹp cùng xóm nhỏ của Thắng cũng hiện diện.

Trong một lần sửa xe hư cho Vân vào buổi tối luyện thi tốt nghiệp về trễ, như nhận ra trái tim nhân hậu nồng ấm cùng vốn sống hiểu biết cao thượng nghĩa tình của Thắng rồi điều hiển nhiên rung động của tình yêu cũng đến. Qua những lần ca hát chung cùng Thắng, Vân hiện diện với ánh mắt ngời sáng yêu thương, nhè nhẹ nắm bàn tay rắn rỏi, can trường. Thắng lặng im bất động như ngộ nhận tình yêu đầu đời. Mình vội vã đi xuống trong lúc mưa dần nhẹ hạt, sải những bước dài nhưng rồi chựng lại. Mình nhìn thấy Thắng suy tư trong góc lều với đôi mắt sáng tròn trong ánh đèn vàng mờ nhạt và Vân nước da trắng tươi trong đêm tối với mái tóc đen huyền đang ngủ dựa trên vai. Vội vã quay về chắc không kịp nói lời chia tay. Phía xa chân trời đang ló dạng ráng hồng của bình minh. Một ngày mới lại về trên thành phố thân yêu với những khát vọng tương lai cho mọi người, mọi nhà, mọi hoàn cảnh trong cuộc đời…

Vui và hạnh phúc nhé em Thắng, thằng Thắng yêu quý của anh. Hãy mở lòng yêu thương như em hành hiệp trượng nghĩa trong đời. Hãy mở rộng trái tim để xoa dịu những đớn đau, bất hạnh để xóa đi những vết sẹo mà thời gian cũng không thể phai mờ, hãy dừng lại u buồn về số phận nghiệt ngã đã dành cho em. Đứng trên phòng làm việc nhìn xuống, mưa đã tạnh, mây đã tan, trời đã ửng nắng hồng tươi rạng rỡ. Tấm bạt xanh sau mưa còn đẫm nước nhưng trên chúng đã phủ gần kín những lá me vàng lấp lấp tựa như lâu đài cổ tích bằng vàng trong huyền thoại. Mơ nữa nhé em, thành phố nghĩa tình luôn bao dung che chở cho những người biết vươn lên bằng khát vọng tươi đẹp, biết xây giấc mơ hạnh phúc từ những bàn tay chai sạn vất vả mưu sinh. Nhìn xa xa, chân trời đỏ rực những giấc mơ hồng tươi như chứng kiến hai trái tim thiên thần hiện ra trong giông bão. Nơi xóm nhỏ chắc chắn rồi đây màu xanh của những mầm sống mới những chủ nhân mới sẽ ra đời, những thiên thần xinh đẹp tượng trưng cho tình yêu bất diệt, cho thành phố mãi xinh đẹp, trẻ trung của con người, vì con người. Hạnh phúc mãi nhé em, Thằng Thắng!

NGUYỄN TRUNG