Làng ăn khói

0
537

Tôi về quê vào mùa gặt, xa quê mười mấy năm bây giờ trở lại, mọi thứ đã khác xa những mùa gặt ngày xưa.

Ngày xưa, người dân quê tôi gặt lúa sát gốc, bó lượm rồi chở lúa về nhà, lúa được đập trên cối đá, thân rơm rách để hạt lành tụ lại trong sân, liềm móc vào sợi dây bó lượm, chân giẫm lấy đầu rơm rồi giũ thật kỹ những hạt thóc còn sót lại. Rơm sóng sánh tung ra ngõ đợi nắng lên là có rơm thơm. Rơm đánh thành đống, thành cây, đập thật rẽ để dành đun nấu, nuôi trâu bò.

Những chuyện về rơm thì có vô vàn, rơm bện chổi, rơm bện đồ chơi, rơm làm né tằm, làm nơi bọn trẻ con chơi đánh trận giả…

Những gồi rạ được xén đều tăm tắp, bằng một động tác thuần thục, người nông dân chụm đầu cuống rạ, xòe chân rạ ra rồi dựng thẳng trên thửa rộng, những gồi rạ ấy nhìn từ xa như hàng nghìn chiếc nón trắng úp trên đồng. Muốn biết người đàn bà nhà ấy có khéo tay không cứ nhìn những gồi rạ được chống vững chãi hay ngả nghiêng sau một trận gió mà đoán định. Bọn trẻ con thường lật gồi rạ mà bắt cua bắt ếch. Rạ khô giòn mang xếp lên bờ ruộng, rạ mang đun thì khói lắm nhưng rạ phủ lên luống hành tỏi thì bớt cỏ, giữ phân. Đến ngày thu hoạch bóc lớp rạ ấy đi, hành tỏi trồi lên mập mạp, lớp rạ khi ấy đã mục bóc xong vùi ngay xuống rãnh lại làm phân bón tái tạo đất đồng.

Mùa gặt bây giờ, máy gặt đi tuốt luốt một đường thẳng tắp, máy đi tới đâu cắt lúa nhả rơm đến đó, thóc dồn lại vào bao thả lên bờ. Người dân cũng bớt nhọc nhằn, họ chỉ mang thóc về phơi, không còn cảnh chống đòn gảy vào bụng mà chạy rơm khi mưa giông ập đến. Máy móc thay thế, làng vắng bóng trâu bò, rơm trở thành thứ thừa thãi. Người làng tôi chờ rơm tái rồi châm một ngọn lửa, lửa ruộng nhỏ, lửa ruộng to, lửa chạy khắp cánh đồng, làng nghin nghít khói, gió đuổi khói chạy vào làng. Nhà nào cũng xây theo hướng đông nam đón gió, bây giờ khói và tàn tro cứ xộc vào cửa, len lỏi qua hoa thoáng, ngóc ngách mà phủ lên mọi đồ vật trong nhà. Ai nấy nhúng một cái khăn ướt vắt trên vai, cầm một đầu khăn mà bịt mũi không biết trốn đi đâu để được thở cho thoải mái. Làng đốt rơm, xã đốt rơm, ngoại ô đốt rơm, nội thành “mù sương”. Cây đa, cây xoan, cây gạo ở đồng Bái, đồng Chiềng cũng héo hon mà chết – thân cây khô nhẳng vươn những ngón tay gầy guộc lên trời. Cứ đốt đồng thế này, làm sao mà sống nổi, một bao tro bán giá hai chục ngàn có đủ tiền thuốc thang ho hen, viêm mũi?

Nhìn đâu cũng thấy cái vòng luẩn quẩn của làng, thanh niên trai tráng dạt đi tứ xứ làm ăn. Làng chỉ còn ông già bà cả, những đứa trẻ con cha mẹ phó thác cho nội ngoại hai bên, những người đàn bà tảo tần quen với nếp nghĩ người ta làm thế thì mình cũng vậy. Làng vắng gái trinh kín nước tế thần, vắng trai lực điền rước kiệu, rước hoa tre. Hội đình chỉ có người già hát cho nhau nghe mấy điệu chèo ngày xưa ngày xửa, giọng run lắm rồi, tay cũng lòng khòng lắm, làm sao múa quạt xòe hoa?

Vậy thì cái rơm cái rạ trong làng, còn hơi sức đâu mà không châm lửa đốt, những thảm rơm vàng khắp đường làng, sân bãi chỉ còn trong ký ức của người già, cái mùi rơm thơm mộc mạc cũng nào có mấy ai còn nhớ. Mà nào chỉ rơm rạ, mùa đông nhổ hành tỏi cũng không còn bếp rơm để treo hành tỏi lên gác bếp. Hành tỏi bắt bồ hóng, bén hơi nóng của rơm cho khỏi óp nên bây giờ người ta xén lá hành lá tỏi mà hun, khói ấy thì cay mắt lắm.

Tôi từng kể cho người làng mình nghe về những chiếc máy cuộn rơm ở miền Tây, rơm được cuộn thành từng bó bán cho nhà máy sản xuất phân vi sinh, làm nấm rơm, thậm chí một nghệ sĩ trang trí sàn diễn thời trang đã mua rơm hết cả tỷ đồng.

“Xa xôi quá” – một người già thốt lên như thế.

Đúng là xa xôi quá với những người già, nhưng chỉ vì xa xôi mà năm nào cũng ba vụ đốt đồng, ba vụ người ăn khói ư? Đất cứ cằn đi vì không có rơm rạ mục mà độn ruộng, chỗ nào cũng thấy vỏ phân bón hóa học, vỏ thuốc trừ sâu rải khắp lối đi, bờ ruộng, con mương. Người đi xa về than rau thơm không còn thơm nữa, hạt gạo nhạt thếch, củ khoai không ngọt củ sắn không bùi. Mẹ thiên nhiên vốn đã tạo ra chu trình tuần hoàn hoàn hảo lắm rồi, cớ sao người làng mình vẫn gồng lưng làm trái ý.

Mà đâu chỉ làng mình…

HOÀNG HIỀN