Trần Văn Trà – Danh tướng mưu lược và nhân văn

0
2538

Năm nay là kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Trần Văn Trà (15.9.1919-2019), một trong những danh tướng hàng đầu thế kỷ XX. Thời trai trẻ ông từ quê hương Quảng Ngãi vào Sài Gòn hoạt động cách mạng bí mật, thành lập lực lượng bộ đội chủ lực cách mạng đầu tiên ở Nam Bộ thời chống Pháp tái xâm lược, trở thành Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam thời đánh Mỹ, cùng chỉ huy đại quân kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước, làm Chủ tịch Uỷ ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định. Chiến công hiển hách và tinh thần nhân văn của danh tướng Trần Văn Trà đã trở thành một trong những di sản cho thế hệ sau.

Thượng tướng Trần Văn Trà

Thời niên thiếu bên dòng sông Trà Khúc

Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật là Nguyễn Chấn, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1919 ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở ấy, đây là một vùng quê nghèo khó, người dân quanh năm cật lực trên cánh đồng vẫn không đủ ăn. Họ kiếm sống thêm bằng mò cua bắt ốc dưới sông Trà Khúc, hoặc lên rừng hái củi đốt than để bán. Tuy nghèo nhưng họ giàu tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau và có tinh thần yêu nước quật khởi.

Ông nội là một nghĩa sĩ Cần Vương. Cha vừa làm thợ vừa tham gia phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở quê hương. Buổi tối, anh em Nguyễn Chấn và Nguyễn Việt Châu thường được nghe cha và người lớn trong làng kể chuyện những vị anh hùng đã xả thân cứu nước.

Hàng ngày, lính lê dương, khố xanh, khố đỏ của Pháp thường xuyên lùng sục, cùng cường hào địa phương gây khó dễ người dân. Kinh hoàng hơn, cậu thiếu niên Nguyễn Chấn còn tận mắt chứng kiến bọn lính Pháp xả súng vô tội vạ vào đoàn người biểu tình xin bớt xâu giảm thuế. Nỗi ám ảnh về những cái chết thương tâm của bà con, sự căm thù đối với những tên lính ngoại xâm tàn ác, tấm gương oanh liệt của những vị anh hùng cứu nước, đã nhen nhóm trong lòng anh em Nguyễn Chấn tình yêu nước thương nòi. Tình yêu ấy càng mãnh liệt hơn khi Nguyễn Chấn đọc thơ văn của các bậc hào kiệt, nhất là Hải ngoại huyết thư của cụ Phan Bội Châu.

Năm 1936, Nguyễn Chấn thi vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Vừa học tập ông vừa tìm đọc tài liệu của các nhà cách mạng từ nước ngoài bí mật gửi về và tích cực tham gia phong trào học sinh yêu nước. Ba năm sau, ông tốt nghiệp và vào thẳng Sài Gòn làm công nhân hỏa xa, tiếp tục hoạt động bí mật. Bị thực dân Pháp bắt giam, vừa ra tù tham gia đấu tranh, ông lại vào tù lần thứ hai. Tại phòng biệt giam ở bốt Catinat, ông nhiều lần bị trùm mật thám Đông Dương Bazin tra khảo dã man.

Chiến tranh thế giới thứ hai lan sang Đông Dương. Nhật xua quân vào đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật đã phóng thích tù chính trị. Ra khỏi tù Nguyễn Chấn cùng em trai Nguyễn Việt Châu tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền ở Sài Gòn. Ông bắt liên lạc với Xứ uỷ Nam Kỳ, được phân công về làm báo Giải Phóng và cơ quan ấn loát của Kỳ bộ Việt Minh do ông Nguyễn Văn Nguyễn phụ trách. Để giữ bí mật cho bản thân và gia đình, thời kỳ này Nguyễn Chấn lấy bí danh là Trần Văn Trà và trở thành tên gọi quen thuộc sau này.

Hoá thân vào kháng chiến ở Nam Bộ & bài học đánh giặc của tổ tiên

Sài Gòn cùng cả nước giành được độc lập chưa được bao lâu, quân Pháp núp bóng quân Đồng Minh nổ súng tái xâm lược. Nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng cự. Trần Văn Trà gia nhập quân đội, chiến đấu trận đầu tiên giữ mặt trận Cầu Bông trong nội thành Sài Gòn. Địch quá mạnh với vũ khí hiện đại. Quân ta buổi đầu kháng chiến chỉ được trang bị thô sơ, chủ yếu gậy gộc, giáo mác. Mặt trận Sài Gòn vỡ. Cơ quan lãnh đạo kháng chiến rút về Mỹ Tho. Ông xin ở lại Sài Gòn tiếp tục đánh nhau với quân Pháp.

Để có lực lượng vũ trang tập trung chiến đấu, Trần Văn Trà cùng với Tô Ký, Hoàng Dư Khương, Huỳnh Tấn Chùa thành lập và chỉ huy Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hoà. Với tư cách chính trị viên, Trần Văn Trà đưa một bộ phận Giải phóng quân liên quận về tăng cường chấn chỉnh Khu 8. Chi đội 14 được thành lập, ông làm chi đội trưởng. Một chi đội bằng trung đoàn sau này. Ông cũng bắt đầu xây dựng căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Tháng 9 năm 1946, Trần Văn Trà được Bộ Tổng tư lệnh chỉ định làm Khu trưởng Khu 8, Nguyễn Văn Vịnh làm chính uỷ.

Sau khi Nam Bộ xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực, trước tiên là Tiểu đoàn 307, đồng thời phát triển củng cố các lực lượng địa phương và dân quân du kích, đã đánh thắng những trận vang dội như trận Cổ Cò, Giồng Dứa, Tầm Vu, La Ngà,… Nhiều chiến dịch được mở ra. Quân Pháp bị đánh khắp nơi, phải dàn trải lực lượng đối phó.

Cuối năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình trên đường ra Bắc đã bị hy sinh ở Campuchia. Tình hình chiến trường thay đổi, Nam Bộ chia làm hai phân liên khu: miền Đông gồm các tỉnh tả ngạn và miền Tây gồm các tỉnh hữu ngạn sông Tiền. Phân liên khu miền Đông do Trần Văn Trà làm tư lệnh, Phạm Hùng làm chính uỷ. Ông tiếp tục chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu trên địa bàn trọng điểm rộng lớn của Nam Bộ trong thời kỳ khó khăn ác liệt của cuối cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp.

Sau Hiệp định Geneva đình chiến năm 1954, Trần Văn Trà phụ trách chuyển quân từ Nam Bộ tập kết ra Bắc. Ông được cử làm Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, tiếp đó kiêm thêm nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, Giám đốc Học viện Quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương. Ngày 31 tháng 8 năm 1959, theo sắc lệnh 036/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Văn Trà được phong thẳng quân hàm Trung tướng, cùng lúc với các ông Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Song Hào.

Năm 1963, theo yêu cầu của chiến trường, Trung tướng Trần Văn Trà được cử vào làm Uỷ viên Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân uỷ, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Trước khi ông lên đường vượt Trường Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm thân mật và căn dặn rằng: “Chú đã sang Liên Xô học nên cần phải nắm vững khoa học quân sự của phe ta, nhưng đồng thời cũng cần phải nắm chắc và kết hợp cách đánh giặc của ông cha ta nữa. Chắc chú biết vì sao nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên Mông mạnh hơn ta gấp bội. Đó là nhờ lòng dân, sức dân và đại đoàn kết toàn quân dân. Đó là nhờ cha ông ta biết chỉ huy binh sĩ yêu thương nhau như con một nhà”.

Đây là lần thứ hai tướng Trần Văn Trà được trò chuyện riêng với lãnh tụ tối cao. Và bài học tư tưởng đại đoàn kết, dựa vào sức mạnh nhân dân, thương yêu chiến sĩ như anh em trong gia đình, được ông mang theo và áp dụng trong suốt quá trình xây dựng các lực lượng vũ trang và chỉ huy chiến trận.

Trên cương vị Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, chiến trường chính do tướng Trần Văn Trà phụ trách là Mặt trận B2. Đây là địa bàn chiến lược trọng điểm, từ Ninh Thuận đến Cà Mau và phía nam Tây Nguyên, trong đó có Sài Gòn là thủ đô của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Với tư tưởng đoàn kết trên dưới một lòng, Tư lệnh Trần Văn Trà cũng đã chỉ huy sĩ quan, binh lính thuộc quyền dốc lòng dốc sức, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì sự nghiệp thống nhất đất nước…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Trà – Ảnh: TL

Tầm nhìn chiến lược và tinh thần nhân văn

Nếu như trong chống Pháp, Trần Văn Trà có công xây dựng căn cứ địa Đồng Tháp Mười, tổ chức những đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên như Tiểu đoàn 307 lừng danh, kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và văn hoá, sát cánh cùng Trung tướng Nguyễn Bình thống nhất các lực lượng vũ trang hỗn tạp của Nam Bộ, thì ông cũng để lại nhiều dấu ấn trên chiến trường chống Mỹ gian khổ và ác liệt.

Từ năm 1959, Trần Văn Trà cùng Nguyễn Văn Vịnh đề xuất và tổ chức lựa chọn, huấn luyện đưa lực lượng cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về miền Nam chiến đấu, giao cho Võ Bẩm bước đầu xây dựng con đường xuyên Trường Sơn vào đến Khu 5. Cùng thời gian làm đường 559 trên rừng, ông cũng cho tổ chức vận tải đường biển cho Khu 5 lấy tên đường 759, nhưng chưa thể thực hiện. Đến năm 1960 – 1961, nhờ một số ghe thuyền do Trung ương Cục miền Nam phái ra xin vũ khí, ông nghiên cứu kỹ phương án khả thi và cho tổ chức đường 759 trên biển trở lại. Chuyến đầu tiên đi bằng tàu gỗ, khởi hành năm 1962, chở 28 tấn vũ khí, cập bến Rạch Gốc thuộc Cà Mau. Phát huy thắng lợi, ông mời Cục trưởng Đường biển Nguyễn Văn Đảnh, vốn trước đây làm việc ở cảng Ba Son, tham gia vào việc đóng tàu sắt chở 100 tấn. Ông đã trực tiếp lo tổ chức vận chuyển người và vũ khí cả hai đường 559 và 759 cho đến khi trở về Nam mới bàn giao lại cho người khác ở Bộ Tổng tham mưu phụ trách năm 1963.

Vào lại chiến trường, Trần Văn Trà là người tiên phong đề xuất và thực thi việc xây dựng các đơn vị chủ lực tập trung để tiến hành những trận đánh lớn, tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy hầu hết các chiến dịch ở Mặt trận B2. Ông còn là nhà ngoại giao vừa cương quyết vừa khôn khéo trên bàn đàm phán khi dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn tham gia phái đoàn bốn bên thực thi Hiệp định Paris.

Với tầm nhìn chiến lược, Tư lệnh Trần Văn Trà đã cho xây dựng và bố trí 16 trung đoàn đặc công “lót ổ” vùng ven Sài Gòn, một lực lượng quan trọng chờ thời cơ tổng công kích và bảo vệ thành phố khi giải phóng. Ông cũng đã kiên trì thuyết phục những nhà lãnh đạo cao cấp ở Hà Nội chấp nhận kế hoạch Chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài mà mình cùng Trung ương Cục – Bộ Tư lệnh Miền đề ra cuối năm 1974, trở thành đòn trinh sát chiến lược then chốt để Bộ Thống soái tối cao đưa ra quyết sách kịp thời giải phóng miền Nam.

Bản lĩnh Trần Văn Trà còn thể hiện khi tin tức thị xã Phước Long bị đối phương chiếm lại đưa đến giữa cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở rộng. Vị tư lệnh chiến trường vẫn cho rằng điều đó không đúng và sự thật cuối cùng không khác tiên đoán của ông. Tầm nhìn của ông còn thể hiện ở việc chuẩn bị chu đáo cho chiến trường, sớm tổ chức xây dựng cánh quân chủ lực Đoàn 232 và lực lượng vũ trang Quân khu 8 ở phía tây nam, tạo thế hợp vây cùng các cánh quân khác làm thành 5 mũi tiến vào phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ giải phóng Sài Gòn – Gia Định vào mùa xuân 1975.

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng làm chính uỷ, còn Thượng tướng Trần Văn Trà làm phó tư lệnh thường trực. Trong trận quyết chiến cuối cùng mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, khi quân giải phóng gặp nhiều khó khăn tổn thất trước sự phản kích ác liệt bằng pháo binh và không quân hủy diệt của đối phương, tướng Trần Văn Trà đã đích thân vượt sông Đồng Nai đến tận Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 bên bờ sông La Ngà, trực tiếp gỡ rối cho mặt trận, bàn bạc xoay chuyển tình thế. Ông đề xuất phương án không đánh trực diện, mà chỉ để lại một đơn vị vừa đủ sức kiềm chế địch ở Xuân Lộc, còn lại phân bổ lực lượng đánh Dầu Giây và các cứ điểm khác nhằm phong toả, chia cắt cứ điểm Xuân Lộc khỏi hậu phương Biên Hoà, Bà Rịa, Vũng Tàu, từ đó Xuân Lộc sẽ bị vô hiệu hoá và nhanh chóng tan rã…

Sài Gòn giải phóng. Thượng tướng Trần Văn Trà nhận nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban Quân quản thành phố. Ông tâm sự với chúng tôi: “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày hạnh phúc và đẹp nhất đời tôi. Giấc mơ đời tôi đã thành hiện thực. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Và hơn bao giờ hết, lòng tôi chạnh nhớ đến hàng triệu đồng bào, đồng đội đã hy sinh để có được ngày vinh quang. Đó là hình ảnh Trần Đình Xu, người chỉ huy bình tĩnh, kiên cường trong mọi tình huống, đã hy sinh anh dũng trong lúc anh đang là Tư lệnh Khu Sài Gòn năm 1969. Đó là Sư đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện dũng cảm vô song, là Hai Nhỏ – Nguyễn Văn Nhỏ, Phó tư lệnh Quân khu 8, một con người coi thường gian khổ hiểm nguy. Đó còn là hình ảnh Sáu Tâm – Nguyễn Việt Châu, người em ruột thân thương đã hy sinh anh dũng ở vùng ven Cần Thơ năm 1969, khi làm nhiệm vụ Bí thư Thành uỷ lãnh đạo Tổng công kích và tổng khởi nghĩa năm Mậu Thân 1968 ở Tây Đô,…”

Trần Văn Trà không quên ai đã cùng mình trải qua những ngày gian khổ. Ông là vị tướng trân trọng từng giọt máu của chiến sĩ trên chiến trường và chăm lo cho những đồng đội, đồng bào còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hoà bình. Sau khi về hưu, ngoài việc nghiên cứu lịch sử chiến tranh, viết sách ông còn dành nhiều thời gian thăm lại chiến trường xưa, thăm những người lính thuộc quyền và người dân đã từng gắn bó, che chở mình thời vào sinh ra tử và tìm cách giúp đỡ họ giữa hoàn cảnh nghèo khốn. Cũng chính vì sự lo lắng ấy mà ông đã bất ngờ ngã xuống khi qua Singapore tìm nguồn hỗ trợ xây dựng bệnh viện cho cựu chiến binh.

Tấm lòng, tinh thần nhân ái của danh tướng Trần Văn Trà đã được gia đình ông tiếp nối, khi người bạn đời là Tiến sĩ Lê Thị Thoa cùng con cháu tích luỹ xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa và giúp đỡ cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Những việc làm thiết thực và nhân văn theo di nguyện của ông. Đó cũng là một di sản văn hoá quý báu của danh tướng Trần Văn Trà, bên cạnh những chiến công lẫy lừng đi vào sử sách của ông!

PHAN HOÀNG