Những chiếc kính mắt bán với giá vài chục, thậm chí vài trăm nghìn đồng ở chợ, quầy hàng thường đã bị đội lên gấp hàng chục lần so với giá trị thật.
Anh Khoa, một đầu nậu chuyên bán kính sỉ cho các cửa hiệu lớn ở TP.HCM và phân phối cho các cửa hàng nhỏ ở nhiều nơi đã “cho phép” chúng tôi theo chân sang Thái Lan để “tuyển” kính mắt “xịn”.
2.000 đồng chiếc kính mắt “xịn”
Anh Khoa cho biết Thái Lan là nơi mà các đầu nậu bán hàng thường hay lui tới để lấy kính về bán lại. Kính mắt giá rẻ bên Thái rất đa dạng, các đầu mối tuyển về và bán lại với giá… “trên trời dưới đất”. Mỗi đợt hàng anh chuyển về cả nghìn kính mắt, phần nhiều là kính mát. Những loại gọng kính dành cho mắt cận, lão, viễn… anh không lấy nhiều vì rất dễ tồn hàng.
Những chiếc kính mắt siêu rẻ tại một ngôi chợ sỉ của Thái Lan. Ảnh: Thái Nguyễn. |
“Mắt kính muốn bán gọng thì thường phải tuồng vào shop mới bán được số lượng nhiều. Dân ham rẻ thường mua kính mát có gắn thương hiệu ngoại, bán đổ đống vẫn hết sạch hàng”, anh Khoa nói.
Tỏ ý nghi ngờ là liệu các shop có đang bán hàng “nhái”, anh Khoa cho biết hầu như tiệm bán kính nào hiện nay cũng đều tuyển sỉ từ các đầu nậu chuyển hàng từ nước ngoài về.
“Các shop quảng cáo mạnh nên dân mua dễ tin, dễ mua, chứ hàng của mấy cửa hàng này đâu khác gì hàng chợ, có chăng một số loại được ‘tuyển kĩ’ hơn một chút. Bán vào shop, như hàng hiệu ‘fake 1, 2’ thì giá cứ gấp 3, 4 lần”, anh Khoa cho hay.
Để minh chứng, anh dẫn chúng tôi đến một khu chợ được mệnh danh là “chợ hàng sỉ” nổi tiếng tại Thái Lan. Khu chợ đặc biệt thường hoạt động suốt cả tuần để cung cấp cho nhiều khách hàng tứ phương. Các đầu nậu cũng thường lui tới một khu chợ khác, hàng rẻ và nhiều hơn nhưng chỉ mở vào thứ 7 và chủ nhật.
Tại chợ này tràn ngập những mặt hàng từ áo quần, trang sức đến điện máy, phụ tùng. Hàng nghìn sạp hàng san sát nhau. Điểm chung lớn nhất là hàng đều không có thương hiệu và mức giá chỉ tầm 60 baht đổ lại (30.000-40.000 đồng tiền Việt).
Chúng tôi được anh Khoa dẫn đến một cửa hàng xập xệ nằm trong khu chợ, cùng lời giới thiệu đây là cửa hàng bán mắt kính giá sỉ rẻ nhất tại Thái.
“Muốn mua bao nhiêu có bấy nhiêu, hàng gì cũng có. Hàng không có thì chủ hàng sẽ làm… cho có”, anh nói.
Phải thật sự là người hiểu mới không bị đánh lừa bởi ma trận hàng fake tại đây. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Lời giới thiệu này không hề khoác lác.
Bước chân vào cửa hàng, chúng tôi như lạc vào một thế giới được bao bởi mắt kính đủ màu sắc, chất liệu. Cửa hàng rộng 400 m2 chỉ toàn kính là kính. Hàng trăm thùng kính mắt chất đống từ cửa vào đến cuối căn phòng.
Chị chủ (nói tiếng Thái) thấy khách lập tức xởi lởi bắt chuyện, hỏi thăm. Khi biết chúng tôi muốn tuyển số lượng lớn để bỏ sỉ và bán lẻ, chị nhanh chóng giới thiệu hàng và lôi ra một hộp giấy nhìn khá sơ sài, trong đó để sẵn 10 chiếc mắt kính đủ thương hiệu. Các mẫu mắt kính có kiểu dáng rất hợp thời, những loại được ưa chuộng như mặt gương, phản quang, kính không tròng… đều có đủ tại tiệm.
Bảng giá đưa ra cũng cực kỳ hấp dẫn. Với mỗi loại kính mắt gọng nhựa, mua số lượng vài nghìn chiếc thì mức giá chỉ tầm 3-4 baht/chiếc (2.000-3.000 đồng/chiếc). Nếu giảm số lượng lại vài trăm thì mức giá theo đó tăng lên 10 baht/chiếc (tương đương 7.000-8.000 đồng/chiếc). Kính mắt gọng sắt, inox thì giá nhỉnh hơn, khoảng 20.000-30.000 đồng/chiếc.
Khi được ngỏ ý muốn xem dòng mắt kính hàng hiệu, chủ hàng lập tức từ chối và giới thiệu rằng hàng hiệu thiệt không có. Nếu muốn mua hàng fake 1, 2 thì “vô tư”.
Chị với tay lấy một chiếc kính mắt đính hiệu Gucci (được nhiều đầu nậu mua) cùng lời quảng cáo hấp dẫn.
“Hàng fake thì giá cũng fake, chỉ bằng 1/10 so với hàng thiệt. Chất lượng và độ tinh xảo là 6/10 hoặc 7/10, nhưng đảm bảo tốt hơn hẳn so với hàng trôi nổi trên thị trường”, chị này khẳng định.
Dù vậy hàng fake lại không dễ đặt. Đối với đầu nậu tuyển hàng tốt để tuồn vào cửa hàng bán giá cao, chuyến đi có khi kéo dài đến tuần chỉ để đợi hàng. Vì theo chị chủ hàng này, hàng fake thì phải đặt tầm 3-4 ngày mới có. Còn với mắt kính hàng nhựa thì muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.
Chủ hàng cũng nói thêm hàng lậu nên muốn thương hiệu nào cũng có. Chỉ cần nói tên thương hiệu, cửa hàng sẽ “chế tác” tem và kiểu dáng y hệt. Hàng không có thương hiệu, cửa hàng cũng cung cấp số lượng nhiều theo nhu cầu của khác. Dù vậy, khi chúng tôi xin phép chụp hình, chủ cửa hàng xua tay không cho, với lý do hàng chưa bán, không được chụp hình.
Gian nan đường tuyển hàng
Theo anh Khoa, dân buôn mắt kính thường sang Thái Lan và Quảng Châu (Trung Quốc) để tuyển hàng giá “siêu rẻ” về bán lại, là. Đây là “thủ phủ” chuyên sản xuất mắt kính giá rẻ, nhái, hàng fake…
Trong việc tuyển hàng ở nước ngoài, các đầu nậu “ngán” nhất chuyện chi phí đi lại và đưa hàng về nước.
Ngoài mắt kính còn khá đa dạng hàng hóa giá rẻ cho người buôn khi đến đây. Ảnh: Thái Nguyễn |
“Mua hàng thì dễ mà để sang đó được mới khó. Nhiều người lơ ngơ là bị lừa hết sạch. Chưa kể hàng chưa chuyển ra khỏi Thái thì bị thu giữ mất trắng. Nghề này không biết đường thì không cách nào buôn được”, anh Khoa chia sẻ.
Anh cũng nói thêm thường chỉ có 2 con đường để sang Thái lấy hàng. Dân buôn nghiệp dư, lấy hàng số lượng ít thì… đi máy bay cho khỏe. Đương nhiên việc chuyển hàng về cũng chỉ cần đóng thùng và chuyển theo đường hàng không.
Khổ nhất là dân buôn hàng sỉ số lượng nhiều, chỉ có lựa chọn duy nhất là đường bộ mới tiết kiệm chi phí. Và để chuyển hàng về rất “chua” vì tiền lót đường (nếu không có mối quan hệ). Anh cho biết đôi lúc tiền “phụ phí” còn… nhiều hơn cả tiền vốn.
Đối với dân buôn quen đường, thường chi phí đi lại tốn tầm 3 triệu đồng cho mỗi chuyến. Thêm vào đó là vài triệu để “dễ qua cửa khẩu”.
Nhưng không phải hầu hết dân buôn đều có hộ chiếu. Với trường hợp không kịp chuẩn bị sẵn hộ chiếu, các đầu nậu có thể vượt biên sang Thái bằng cách nhờ người dân gần biên giới dắt sang.
“Đi xe đến biên giới Thái, đưa ít tiền để dân chuyên họ dắt sang bên đó. Tuy nhiên cách này nguy hiểm lắm, chỉ đầu nậu nào rành rẽ mới dám. Hải quan và kiểm lâm Thái được phép sử dụng súng nên nếu bị bắt, tình hình xấu nhất là có thể bị bắn rồi mất mạng”, anh nói thêm.
Theo Thái Nguyễn/Zing.vn