Các nhà khoa học ĐH Pittsburgh (Mỹ) ngày 2/4 công bố đã tìm ra loại vắc xin tiềm năng ngừa virus corona chủng mới và tin tưởng có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Theo báo USA Today, nhóm nghiên cứu tại ĐH Pittsburgh ngày 2-4 công bố công trình nghiên cứu của họ trên tạp chí y khoa truy cập mở hàng đầu EbioMedicine. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã phát triển và thử nghiệm thành công vắc xin tiềm năng này trên chuột.
Các nhà khoa học nói họ có thể phát triển vắc xin nhanh như vậy là vì họ đã làm nghiên cứu với các chủng virus corona tương tự gây bệnh SARS và MERS.
Một nhà nghiên cứu tại ĐH Pittsburgh trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc xin ngừa virus corona chủng mới – (Ảnh: REUTERS).
“Hai loại virus này (gây bệnh SARS và MERS) rất gần với SARS-CoV-2, đã giúp chúng tôi hiểu về một loại protein cụ thể rất quan trọng trong việc tạo ra miễn dịch với virus”, báo New York Post dẫn phát biểu của ông Andrea Gambotto, phó giáo sư giải phẫu tại trường y khoa ĐH Pittsburgh, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu.
“Chúng tôi biết chính xác chỗ cần tấn công chủng virus mới này”, ông tiếp.
Loại vắc xin được phát triển tại ĐH Pittsburgh sử dụng công nghệ cũ đã dùng trong phát triển các loại vắc xin ngừa cúm thông thường.
vắc xin của nhóm nghiên cứu ở ĐH Pittsburgh dùng protein của virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm để tạo cơ chế miễn dịch với virus corona chủng mới. Những thử nghiệm trên chuột cho thấy vắc xin này đã có thể làm tăng lượng kháng thể ở mức đủ để chống lại virus trong vòng 2 tuần.
Ông Louis Falo, giáo sư kiêm chủ nhiệm khoa da liễu ĐH Pittsburgh, cho rằng thời gian để tiến tới các thử nghiệm lâm sàng với vắc xin này có thể là một tháng, hoặc hai tháng nữa.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát trong hơn 3 tháng nhưng đã cướp đi hơn 50.000 sinh mạng và khiến hơn 1 triệu người mắc bệnh, các cơ quan quản lý cấp chính phủ cũng đang đối mặt với thách thức về việc phải đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn vắc xin.
Bình thường các loại vắc xin phải mất rất nhiều năm để được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ phê chuẩn.
Tuy nhiên ngày 16-3 vừa qua, 4 tình nguyện viên khỏe mạnh đầu tiên tại thành phố Seattle, bang Washington đã được cho phép thử nghiệm một vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng khác do Công ty Moderna phát triển.
Dù vậy loại vắc xin đang được thử nghiệm tại Seattle sử dụng một công nghệ bào chế vắc xin mới, nhanh hơn và chưa được kiểm nghiệm.
Giáo sư David O’Connor của Trường y khoa và sức khỏe cộng đồng ĐH Wisconsin đánh giá thận trọng về kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học tại ĐH Pittsburgh: “Hiện có rất nhiều ứng cử viên vắc xin đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau”.
Theo ông O’Connor, việc kết quả thu nhận được cho thấy một vắc xin có thể tạo ra được phản ứng miễn dịch là “bước quan trọng đầu tiên để xác minh những loại vắc xin nào nên được tiếp tục phát triển, nhưng vẫn chỉ là bước đầu tiên trong rất nhiều bước cần thiết để có được một vắc xin hữu dụng. Nghiên cứu này đã chỉ ra một vài trong số những dữ liệu “bước đầu” đó”.