Đổi thay ở kênh Bác Hồ

0
877

Sau hơn 38 năm hình thành từ công sức lao động xã hội chủ nghĩa của người dân địa phương, kênh Bác Hồ hôm nay đã và đang mang lại sức sống và đời sống kinh tế sung túc cho người dân nơi đây, đặc biệt mang lại cuộc sống ấm no cho hơn 300 hộ đồng bào dân Khmer.

Từ một vùng đất hoang hóa, bưng biềng trước đây, đất làm mỗi năm chỉ được một vụ lúa nhưng năng suất chỉ khoảng 140 kg/công. Do sản xuất kém hiệu quả nên cuộc sống của người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Thế nhưng từ khi có được con kênh thủy lợi mang tên kênh Bác Hồ thì cuộc sống của người dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng đang chuyển mình nhanh chóng, mang lại cuộc sống sung túc và ấp no cho đồng bào nơi đây với năng suất lúa đạt trên 1 tấn/công với 3 vụ lúa sản xuất trong năm. Bên cạnh đó người dân còn cần cù lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, đa dạng hóa mô hình sản xuất như: kinh doanh tổng hợp, chăn nuôi, trồng rau màu, nuôi thủy sản…nên hiện nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn gần 6%. Trong hơn 81% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nơi đây, hiện nay hàng trăm lao động ở địa phương đều có công ăn việc làm từ khu công Thạnh Lộc, đã góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh trong đồng bào Khmer.

Kênh Bác Hồ dài chỉ hơn 1,500 mét, từ một vùng quê chỉ có một vài hộ trong những ngày đầu khai khẩn, lập nghiệp nhưng hiện nay với điều kiện “Đất lành chim đậu” nên đã thu hút 335 hộ đến đây sinh sống và lập nghiệp, có nhiều hộ trở nên giàu có với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Hùng, một người sống trên 50 năm ở đây, trước là thanh niên tham gia trực tiếp đào kênh thủy lợi này giờ đã già nhưng ông rất tự hòa khi sống tại đây, từng ngày chứng kiến sự thay đổi rõ rệt đời sống của người dân. Nhiều căn nhà tường mọc lên, khu công nghiệp của tỉnh được đầu tư không chỉ giải quyết tốt việc làm cho người dân mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho đồng bào Khmer nơi đây.

Kênh Bác Hồ mang dấu ấn, sự biết ơn đầy tự hào của bà con ấp Thuận Yên, xã Thạnh Lộc, Châu Thành đối với Bác khi hoàn thành. Đây là món quà sinh nhật đặt biệt của bà con địa phương cũng như lực lượng tham gia đào kênh lao động công ích lúc bấy giờ. Và niềm tự hào ấy được minh chứng cho sự đổi thay vượt bậc của đời sống kinh tế, xã hội của người dân nói chung, đồng bào Khmer nơi đây nói riêng.

Ông Danh Dên, Bí Thư – Trưởng ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Lộc, Châu Thành cho biết: Hiện nay đời sống của bà con nơi đây ổn định và phát triển hơn nhiều so với trước đây, có đường xá, điện, có khu công nghiệp nên bà con ai cũng có việc làm ổn định. Nhờ có khu công nghiệp Thạnh Lộc mở ra mà địa phương đã giải quyết hàng trăm lao động nhàn rỗ có việc làm tại chỗ, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rất nhiều, an ninh trật tự an toàn xã hội, bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thời gian tới chúng tôi tiến tới xóa hẳn 6% hộ nghèo còn lại, đối với một số hộ nghèo thiếu đất sản xuất, chúng tôi tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giúp bà con đồng bào Khmer chuộc lại đất ở, đất sản xuất. Chúng tôi rất tự hào khi sống trên con kênh mang tên Bác Hồ và quyết tâm lao động sản xuất, phát triển hơn nữa đưa đời sống người dân phát triển xứng đáng với con kênh mang tên Bác Hồ kính yêu”.

Nhà cửa khang trang, giao thông đi lại thuận lợi, điện, nước đầy đủ, kinh tế phát triển và an ninh trật tự được đảm bảo, đặc biệt đời sống của hơn 81% đồng bào dân tộc Khmer vốn rất khó khăn trước đây nay đã vươn lên thoát nghèo có mức sống từ trung bình đến khá. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhiều hộ đồng bào Khmer có cơ hội chuộc lại đất ở, đất sản xuất và ổn định cuộc sống. Tin rằng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Khmer cũng như bà con sống trên dòng kênh này sẽ càng ấm no, hạnh phúc với niềm tự hào sống trên con kênh mang tên Bác Hồ./.

Trung Hậu