Trang chủ Đời sống Hạt giống từ 1300 năm trước vẫn nảy mầm kỳ diệu, tiết...

Hạt giống từ 1300 năm trước vẫn nảy mầm kỳ diệu, tiết lộ bí quyết người xưa bảo quản kho lương

0
429
Các vị hoàng cổ đại đều biết rằng “dân dĩ thực vi thiên” (dân coi lương thực là trời). Dù là để đảm bảo cuộc sống cơ bản nhất hàng ngày, hay để ứng phó với những tình huống bất ngờ như chiến tranh, đói kém, hạn hán… thì việc trồng trọt và bảo quản lương thực cũng rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Bởi vậy kho lương đã ra đời.
               Vựa lúa bốc cháy (Ảnh tổng hợp: soundofhope.org)
 

Ra đời sớm nhất như kho lương Lũng Đông của Tây Chu, Ngao Thương của Tần Hán, Lạc Khẩu và Hàm Gia của Tùy Đường… Chiến tranh cổ đại chú trọng việc “tam quân vị động, lương thảo tiên hành”, tức là “trước khi xuất quân đánh trận phải chuẩn bị tốt lương thảo”. Có thể thấy lương thực là mắt xích cơ bản và quan trọng nhất trong chiến tranh.

Sau khi thống nhất sáu nước, để đảm bảo cho quân đội phía bắc có thể chống lại sự tấn công của quân Hung Nô, Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng kho Ngao Thương là căn cứ địa dự trữ lương thực lớn nhất bấy giờ, liên tục vận chuyển lương thực từ Sơn Đông và các nơi khác đến nước Tần.

                                              Ảnh: Sound Of Hope

Vì vậy sau này Ngao Thương trở thành mục tiêu quan trọng trong cuộc tranh bá xưng hùng của Hán Sở. Lưu Bang đã tăng cường trang bị quân sự cho Huỳnh Dương, xây dựng hành lang đường sông để đoạt lấy kho lương Ngao Thương. Sau đó, thiếu lương thực cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc Lưu Bang không thể đánh bại Hạng Vũ. Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của kho lương Ngao Thương trong cuộc chiến đó lớn đến mức nào.

Trong thời kỳ Tam Quốc, Tào Tháo lúc nào cũng chú trọng hơn đến việc bảo vệ lương thảo, cũng thường xuyên đốt lương thảo của kẻ địch. Ví như trong trận lửa thiêu Ô Sào, sau khi hủy hết lương thảo của Viên Thiệu, cục diện cuộc chiến bấy giờ mới có bước ngoặt. Cuối cùng Tào Tháo lấy ít địch nhiều, đánh bại kình địch mạnh hơn mình là Viên Thiệu.

Cuối triều đại nhà Tùy, sau khi thống lĩnh Ngõa Cương Quân là Lý Mật chiếm được kho lương Lạc Khẩu, rất nhiều dân đói và nghĩa quân thiếu lương thảo đã tìm đến đầu nhập, đặt nền móng cho sự lớn mạnh của Ngõa Cương Quân. Sau đó, Lý Mật bất cẩn làm mất kho Lạc Khẩu và Hồi Lạc khiến cho đội quân hàng trăm ngàn người sụp đổ trong nháy mắt.

Năm Trân Nguyên thứ 14 Đường Đức Tông (năm 798), Hà Nam xảy ra nạn đói lớn, “Đông Đô đã xuất ra 70.000 thạch (1 thạch bằng 10 đấu) từ kho lương Hàm Gia để cứu tế cho dân đói ở Hà Nam”. Đến thời Nam Tống, kinh đô buộc phải dời đến Lâm An, từ đó Hàm Gia thương trong thành Lạc Dương cũng dần bị bỏ hoang.

Kho lương không chỉ có thể ứng phó với những tình huống xảy ra bất ngờ như chiến tranh, nạn đói, hạn hán… mà còn là đảm bảo cơ bản nhất cho sự sinh tồn của người dân. Gần đây, một bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc từ 10 năm trước có tên là “Thiên hạ lương thương” một lần nữa trở thành bộ phim truyền hình được người xem yêu thích nhất.

Mới chỉ xem hết tập 1 nhưng có người đã khóc cạn nước mắt bởi một nỗi buồn đau vô cớ từ tận đáy lòng. Nếu thật sự xảy ra thiên tai nhân họa mà lương thực dự trữ lại không đủ, vậy thì người Trung Quốc chỉ còn biết trơ mắt nhìn từng người từng người thân một mất dần thân nhiệt vì đói.

Thời cổ đại, đôi khi để lấp liếm lỗ hổng khổng lồ của kho lương, các viên quan đã tạo ra 2 câu chuyện để giải thích cho việc vì sao trong kho không có lương thực: Thứ nhất là “Rồng lửa đốt kho lương”, kể rằng trên trời có hai con rồng lửa đánh nhau, chẳng may rơi vào kho lương nên cả kho lương đã bốc cháy không còn một hạt thóc, hạt gạo nào! Thứ hai là “Âm binh mượn lương thực”, kể rằng một đám quỷ đi ngang qua kho lương đã lấy hết lương thực trong kho đi nên trong kho không còn lương thực, chỉ còn lại một đống tiền âm.

Khi đại họa sắp đến, dù những quan lại kia có bịa ra bất cứ lý do gì có nghe lọt tai hay không thì chịu cái chết vì tai họa vẫn là những người dân vô tội. Bởi vậy mới nói “trong tay có lương thực thì chẳng còn gì lo lắng”. Câu nói này quả thực đã đi sâu vào lòng người Trung Quốc từ bao thế hệ. Lương thực, cái ăn đã trở thành ám ảnh hàng nghìn năm của họ.

Ảnh: Sound Of Hope

Kho lương số 1 thiên hạ chống cháy, chống trộm, chống côn trùng

Hàm Gia là kho lương lớn nhất Trung Quốc cổ đại, được lập nên dưới triều đại nhà Tùy. Tùy Dạng Đế Dương Quảng ban đầu đã tiếp nối cha mình là Tùy Văn Đế Dương Kiên chăm chỉ quản lý triều đại nhà Tùy. Những năm đó chính là thời kỳ dân đông của nhiều, cuộc sống yên ổn thái bình. Sau khi lên ngôi, năm 605, Tùy Dạng Đế hạ lệnh mở nhiều kho, tích trữ nhiều các loại ngũ cốc, trong đó nổi tiếng nhất là kho Hàm Gia.

Hàm Gia thương nằm ở Lạc Dương, kinh đô của nhà Tùy, thuộc phía bắc thành phố cổ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, dân số đông đúc đến hàng chục nghìn người, phải mất hơn mười năm để hoàn thành việc xây dựng. Các nguồn cung cấp lương thực dự trữ chủ yếu là Hà Bắc ngày nay. Các vùng Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô, An Huy… chịu trách nhiệm làm trạm trung chuyển thóc gạo giữa Quan Đông và Quan Trung.

Từ đầu nhà Đường việc tích trữ lương thực quy mô lớn đã bắt đầu hình thành nên các kho lương khổng lồ của quốc gia. Đến năm Thiên Bảo thứ 8 (năm 749) các kho lương thực chính trên cả nước đã tích trữ được 80 triệu kg ngũ cốc (tức 12,6 triệu thạch), trong đó trữ lượng của kho Hàm Gia chiếm đến gần một nửa (hơn 5,8 triệu thạch). Cũng từ đó, Hàm Gia thương được coi là kho lương số 1 của nhà Đường.

Hạt giống khai quật từ kho lương thực Hàm Gia sau 1300 năm vẫn nảy mầm đâm lá

Năm 1970, kho lương thực lớn nhất Hàm Gia đã được khai quật sau 1300 năm ngủ yên. Khu vực hầm chứa ngũ cốc nằm ở phía đông bắc và nam. Theo tính toán có đến hơn 400 hầm chứa như vậy được sắp xếp theo thứ tự từ nam sang bắc. Đường kính lớn nhất của kho lương đạt 18 mét, nơi sâu nhất 12 mét, tổng diện tích 430.000 mét vuông.

Hầm chứa số 160 là một hầm bảo quản ngũ cốc 1300 năm, ước tính có khoảng 500.000 đến 600.000 kg ngũ cốc. Cho đến khi được khai quật, ngũ cốc trong hầm được phân loại rõ ràng, cám ra cám, gạo ra gạo, có loại màu nâu, có loại đã ngả vàng.

Các hạt kê được tìm thấy trong các vết nứt của ván gỗ trong hầm đã nảy mầm vào ngày thứ hai sau khi được đưa ra ngoài. Những hạt giống đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng nghìn năm đã phát triển một cách kỳ diệu, chúng nảy mầm, đâm lá không khác gì những hạt giống mới!

Kho Hàm Gia tích trữ tro thảo mộc và chiếu lác

Khi xây dựng các hầm chứa của kho Hàm Gia, trước hết những người thợ sẽ dùng lửa sấy khô các lớp đất xung quanh căn hầm đã được đào thành hình vừa để hầm chứa khô ráo vừa khiến nó không dễ bị ẩm, sau đó rải một lớp tro thực vật xuống dưới đáy hầm rồi mới đặt các tấm gỗ lên trên.

Bên trên tấm gỗ lại phủ một lớp chiếu cói để lót sau đó đổ ngũ cốc lên trên rồi lại phủ một lớp chiếu, thành hầm cũng được xử lý theo cách tương tự. Phương pháp xen kẽ chiếu – thóc này có thể giữ cho cả hầm ngũ cốc không bị ẩm, giống như một cái bình giữ nhiệt khổng lồ.

Hơn nữa, việc bảo quản ngũ cốc được thực hiện trong mùa đông, do đó có thể đạt được hiệu quả của việc bảo quản ngũ cốc ở nhiệt độ thấp. Hầm chứa lương thực như vậy không chỉ chống chuột chống trộm, chống ẩm, chống cháy mà còn có chức năng bảo quản hạt giống vô cùng tốt, hạt thóc không dễ bị nóng mà nảy mầm, cũng không dễ bị hư hỏng.

Vào thời nhà Đường, “thời hạn bảo quản” thóc lúa trong những hầm chứa dưới đất như vậy là 5 năm, hạt kê lên tới 9 năm. Ngoài ra, sau khi lấp đất phủ kín hầm chứa, người ta sẽ trồng một cái cây non bên trên hầm, nếu lương thực trong hầm bị nóng hoặc nảy mầm, cây non phía trên sẽ chuyển sang màu vàng. Chính nhờ thiết kế và bảo vệ lồng chéo đan xen vào nhau như vậy đã làm nên điều kỳ diệu “bảo quản ngũ cốc hàng ngàn năm không phân hủy” của kho lương Hàm Gia!

Hệ thống quản lý của kho Hàm Gia cũng cực kỳ nghiêm ngặt, văn tự có ghi lại: “Những người xây dựng hầm chứa đều sẽ khắc trên gạch số lượng ngũ cốc ngày tháng năm và họ tên của viên quan tiếp nhận”, theo Cựu Đường Thư, Quan chức 3. Trong quá trình khai quật hầm kho, quả nhiên đã tìm thấy gạch khắc chữ, đó là viên gạch có hình vuông, mặt trước được mài nhẵn, bên trên có hai loại chữ viết mực và chữ khắc, nội dung rất chi tiết bao gồm vị trí hầm ngũ cốc, nguồn gốc lương thực, số lượng, chủng loại chất lượng, ngày vào kho, họ tên viên quan quản lý… Họ tên rõ ràng, ai làm hỏng lương thực người đó đền tiền.

Thủ đoạn thường thấy của những con “chuột lớn” trong các kho tích trữ lương thực cổ đại

Trong thời kỳ nhà Minh và Thanh, những hành vi tham nhũng của các viên quan lại trông coi kho lương khiến người ta trông thấy phải giật mình. Triều đại Minh, Thanh, lương thực của kinh thành đều được bổ sung bằng các loại ngũ cốc cao cấp do chính quyền các địa phương giao nộp. Trong quá trình vận chuyển lương thực từ địa phương đến kinh thành đã hình thành một mánh khóe gọi là “hao lửa”.

Do đường xá xa xôi, lương thực trên đường vận chuyển không tránh khỏi các hao tổn như bị con người ăn uống sử dụng, mối mốc, chuột bọ… được gọi là “hao lửa”. Cho nên khi quan chức địa phương thu gom thóc lúa của người dân sẽ thu nhiều hơn số lượng quy định một chút, việc này tạo cơ hội cho những “con chuột lớn”. Họ sẽ báo lên trên số lượng hao hụt nhiều hơn, sau đó cho vào túi riêng. Không chỉ vậy, còn có các mánh khóe khác như “hai tầng kho”, làm giả sổ sách giám sát lương thực”…

Ngoài ra, làm giả sổ sách cũng là một thủ đoạn tham nhũng của quan lại trông coi kho lương thời xưa. Để tăng cường quản lý, nhà Minh quy định, hàng năm quan sử ti của các bộ phải đến Bộ Hộ báo cáo sổ sách thu chi tiền bạc lương thực của địa phương. Do quan sử ti các bộ muốn tiện việc nên đều để trống số liệu trong sổ sách rồi điền một con số cho có lệ, báo lên số liệu giả, từ đó hình thành nên một thủ đoạn tham nhũng của những “con chuột béo”. Sau khi biết được tình hình, Chu Nguyên Chương vô cùng tức giận, hạ lệnh xử tử hàng trăm viên quan lại, những kẻ liên can bị giết lên đến hàng chục nghìn người. Đây chính là vụ “Không ấn án” chấn động trong lịch sử.

Kho lương gắn liền với quốc mạch, lòng dân quyết định càn khôn

Trong lịch sử các triều đại, vấn đề lương thực luôn là đại sự được ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Vấn đề này nếu không giải quyết tốt, thì đất nước sẽ rơi vào nguy cơ khủng hoảng.

“Dật Chu thư – Văn chuyền thiên” có viết: “Kẻ tích lũy mười năm thì làm vua, kẻ tích lũy năm năm thì xưng bá, kẻ không có lấy một năm tích lũy thì chết”.

Cứ trước khi Lập xuân 9 ngày hàng năm, vua nhà Chu sẽ tắm gội ăn chay, sau đó sẽ tiến hành nghi thức trồng trọt tượng trưng trên đất, đây chính là nghi lễ “canh điền” của nhà Chu. Điều này đủ để thấy sự coi trọng nông nghiệp và sản xuất lương thực của các nhà cai trị thời bấy giờ.

“Thông điển – Thực hóa thất” viết: “Nhà Tùy phía Tây có kho Thái Thương, phía Đông có kho Hàm Gia, Lạc Khẩu, Hoa Châu có kho Vĩnh Phong, Thiểm Châu có kho Thái Nguyên, tích trữ nhiều thì hàng chục triệu thạch, ít cũng đến vài triệu thạch lương thực”.

“Dân dĩ thực vi thiên”, dù lịch sử có thay đổi và phát triển thế nào đi nữa, dù là ai nắm quyền chấp chính trong tay cũng đều phải đảm bảo tối thiếu cơm ăn áo mặc của người dân, sau đó hãy nói tới các vấn đề khác.

Vì vậy các bậc quân vương hiền đức của các triều đại đều áp dụng chính sách “nghỉ ngơi cùng dân”, nghĩa là không mù quáng giày vò. Để người dân phát triển nông nghiệp theo quy luật tự nhiên, xã hội tự nhiên sẽ ổn định, đất nước phát triển, nhân dân thái bình. Một triều đại như vậy đương nhiên sẽ ổn định và đất nước sẽ trường tồn.

Theo Sound Of Hope/Quỳnh Chi biên dịch