Trang chủ Đời sống 10 lý do làm bé quấy khóc và kinh nghiệm dỗ dành...

10 lý do làm bé quấy khóc và kinh nghiệm dỗ dành hiệu quả

0
503
Ảnh minh hoạ: Pixabay.

Bé quấy khóc – đó chính là cách trẻ thông báo cho bố mẹ biết mình đang đói, bị đau, đang rất sợ hãi, buồn ngủ và nhiều cảm xúc khác nữa. Vậy làm thế nào để bố mẹ hiểu được con đang cố diễn đạt điều gì? Dưới đây chúng tôi sẽ liệt kê ra những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé khóc, có thể bạn có thể tìm ra điều gì đó hữu ích cho mình đấy.

1. Bé đói

Chắc hẳn đây sẽ là lý do đầu tiên mà các ông bố bà mẹ nghĩ đến khi thấy con quấy khóc. Nhận biết được những dấu hiệu của cơn đói, bố mẹ có thể cho bé ăn trước khi cơn đói làm bé trở nên cáu kỉnh và khóc toáng lên.

Một vài dấu hiệu điển hình của cơn đói ở trẻ sơ sinh như: bé tỏ ra khó chịu, chóp chép miệng, có phản xạ tìm ti mẹ (khi bị kích thích ở vùng má, bé sẽ ngay lập tức quay đầu sang hướng má bị chạm) hoặc mút tay.

2. Tã bẩn

Một vài bé sẽ khóc ngay khi bé tè hoặc ị. Nhưng một số bé khác vẫn có thể “chịu đựng” tã bẩn một lúc. Thực tế thì đây là nguyên nhân rất dễ nhận ra và việc chúng ta cần làm là thay tã mới cho con thôi.

3. Bé buồn ngủ

Có thể bạn sẽ nghĩ khi mệt, bé có thể đi ngủ – bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu bé muốn, vì bé có phải làm gì đâu. Nhưng sự thật thì với bé, mọi việc không hoàn toàn dễ dàng như người lớn vẫn nghĩ.

Trẻ thường gắt ngủ khi đã quá mệt.

Thay vì gà gật ngủ, bé sẽ trở nên cáu kỉnh, rồi khóc toáng lên, nhất là khi bé đã quá mệt. Dấu hiệu này là trẻ gắt ngủ.

4. Bé muốn được bế

Trẻ thơ cần âu yếm. Trẻ thích được nhìn ngắm khuôn mặt bố mẹ, nghe giọng nói của bố mẹ, lắng nghe nhịp đập trái tim và thậm chí có thể phát hiện được cả mùi đặc trưng của bố mẹ nữa. Và khi trẻ khóc, chúng ta cũng có thể hiểu rằng trẻ muốn được bố mẹ bế bồng.

Có thể các bậc bố mẹ sợ con sẽ hư nếu ôm ấp con quá nhiều. Nhưng thực tế là trong một vài tháng đầu sau sinh, điều này là không thể. Nếu muốn bế con nhưng để đôi tay vẫn được nghỉ ngơi đôi chút, bố mẹ có thể thử sử dụng các loại đai địu em bé.

5. Bé gặp các vấn đề về tiêu hóa

Các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi hoặc đau bụng quặn (colic) có thể khiến các bé khóc rất nhiều. Trên thực tế, nguyên nhân gây ra chứng colic vẫn còn chưa rõ ràng.

Triệu chứng bé mắc chứng colic là những cơn khóc của bé kéo dài ít nhất 3 giờ mỗi ngày, ít nhất 3 ngày một tuần và ít nhất 3 tuần trong một tháng. Nếu bé thường xuyên cáu kỉnh và khóc ngay sau khi được cho ăn, có thể bé đang bị đau bụng.

Rất nhiều cặp bố mẹ vẫn thường tin dùng các loại thuốc nhỏ giọt trị đầy hơi hoặc thuốc trị đau bụng quặn cho trẻ (được làm từ các loại thảo mộc và natri bicacbonat). Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc điều trị này.

 

Nếu bé nhà bạn không phải khóc do chứng colic và cũng chưa từng tỏ ra khó chịu sau khi ăn, có thể bé khóc vì bị đầy hơi. Nếu nghi ngờ con bị đầy hơi, có thể thử các động tác đơn giản sau để giúp bé giải quyết vấn đề: Đặt con nằm ngửa, giữ chân con, di chuyển nhẹ nhàng chân của con mô phỏng theo động tác đạp xe.

Những nguyên nhân khác khiến con bị đau bụng bao gồm:

  • Chứng trào ngược thực quản
  • Cúm dạ dày
  • Dị ứng sữa
  • Không dung nạp lactose
  • Táo bón
  • Tắc nghẽn đường ruột

6. Bé thấy quá lạnh hoặc quá nóng

Khi bé cảm thấy bị lạnh, ví dụ như khi bạn cởi quần áo để thay tã mới hoặc lau mông cho bé bằng khăn ướt, bé có thể sẽ kháng cự bằng cách khóc toáng lên.

Trẻ sơ sinh vẫn thích được quấn lại và giữ cơ thể luôn ấm áp – nhưng không phải quá ấm. Nếu chúng ta cần một lớp áo, thì trẻ sơ sinh sẽ phải cần hai lớp áo để cảm thấy thoải mái nhất.

Trẻ thường ít quấy khóc do quá ấm hơn là quá lạnh. Chính vì vậy mà nếu có hơi ấm quá, trẻ cũng sẽ không khóc nhiều như khi bị lạnh.

7. Những điều rất nhỏ

Trẻ có thể bị đau bởi những thứ khó thấy như sợi tóc quấn chặt vào đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân, gây cản trở lưu thông máu. (Những dị vật nhỏ như thế này cũng là những thứ đầu tiên mà các bác sĩ tìm kiếm nếu thấy bé khóc mà không có lý do)

Một số bé lại cực kỳ nhạy cảm với những thứ như mác quần áo hay chất liệu vải. Và các bé có thể rất “khó tính” từ tư thế bế bé đến bình sữa mà bố mẹ cho bé bú.

8. Bé mọc răng

Mọc răng có thể làm bé rất đau bởi từng chiếc răng mới phải xuyên qua lớp nướu để lên mà. Một số bé chịu đựng giỏi hơn các bé khác, nhưng tất cả các bé đều có thể trở nên dễ cáu gắt và dễ khóc hơn tại một vài thời điểm trong ngày.

Nếu cảm thấy có vẻ bé bị đau mà bạn không thể xác định được nguyên nhân chính xác, bố mẹ có thể dùng tay sờ thử nướu của bé. Và có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy răng trẻ đang chuẩn bị mọc. Trung bình, bé sẽ mọc răng đầu tiên vào khoảng từ 4 – 7 tháng tuổi hoặc sớm hơn.

9. Bé muốn được yên tĩnh

Trẻ sơ sinh học hỏi từ việc tiếp nhận các kích thích từ thế giới xung quanh. Tuy nhiên đôi khi bé gặp khó khăn trong việc tiếp nhận tất cả những kích thích ấy – từ ánh sáng, tiếng ồn, đến việc được người này người khác ẵm bồng. Lúc này, khóc chính là cách để bé nhắn nhủ rằng: “Như vậy là đủ rồi”

10. Trẻ muốn được chú ý nhiều hơn

Một đứa trẻ “nhu cầu cao” luôn hào hứng với việc khám phá thế giới. Và thường cách duy nhất để bé không khóc lóc và cáu kỉnh là luôn để trẻ hoạt động. Điều này hoàn toàn có thể làm các ông bố bà mẹ kiệt sức!

 

Trong trường hợp này, bố mẹ có thể địu con, lập kế hoạch trước thật nhiều hoạt động cho con. Bên cạnh đó, có thể tổ chức đi chơi với các gia đình khác cũng có em bé nhỏ, đến những địa điểm thích hợp cho trẻ như sân chơi gần nhà, bảo tàng cho trẻ em hoặc sở thú.

Tổng hợp/Ảnh minh hoạ trong bài: Pixabay.