Các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao một số loại virus biến mất, trong khi những loại khác lại gây bệnh dịch kéo dài hàng thế kỷ.
Đó là năm 1002. Trong nỗ lực phản kháng đấu lại cuộc tấn công của đội quân Viking (người sinh sống ở bán đảo Scandinavia từ Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển), vua Anh Ethelred II đã ra lệnh bắt giữ và giết tất cả những người Viking tại Anh. Sự kiện được biết đến là vụ thảm sát Ngày Thánh Brice.
Hơn 1.000 năm sau, các nhà khảo cổ phát hiện được 37 bộ hài cốt – được cho là thuộc về một số nạn nhân vụ thảm sát, cùng một bí mật không ngờ. Khi phân tích DNA của các hài cốt này, giới nghiên cứu thấy rằng một nạn nhân không chỉ bị giết mà còn mắc bệnh đậu mùa, nhưng không phải do loại virus đậu mùa được biết đến trong thời kỳ gần đây.
Loài người đã đẩy lùi virus đậu mùa sau này bằng chương trình tiêm chủng. Nhưng loại virus mà những người có thể là các chiến binh Viking cổ xưa đã mắc phải – lại thuộc một chủng khác, chưa từng được biết đến, và có vẻ đã âm thầm biến mất hàng thế kỷ trước.
Nếu vậy thì bệnh đậu mùa đã “tuyệt chủng” đến hai lần.
Nhiều loại virus gây bệnh trong quá khứ đã “biến mất”. (Ảnh minh họa: BBC)
Ngày nay, câu chuyện về các bệnh truyền nhiễm do virus mới đã trở nên quen thuộc. Từ tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm, đến việc virus “nhảy” từ loài này sang loài kia, rồi xuất hiện “bệnh nhân số 0” mắc bệnh đầu tiên, sau đó lan truyền virus ra khắp toàn cầu. Nhưng câu chuyện bệnh dịch này kết thúc như thế nào thì chỉ mới được quan tâm gần đây. Tại sao một số loại virus biến mất còn số khác thì không? Chuyện gì đã xảy ra?
“Sự biến mất bí ẩn” của SARS
Khi mối đe dọa mà những cấu trúc sống nhỏ bé này có thể gây ra ngày càng lớn, các nhà khoa học càng ráo riết muốn tìm ra câu trả lời. Đặc biệt khi nhân loại tiếp tục đang phải chống chọi với diễn biến khó lường của Covid-19.
Một trong những virus “biến mất” gần đây nhất là SARS. Thế giới biết đến sự tồn tại của virus này sớm nhất vào khoảng 10/2/2003, sau khi văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Bắc Kinh nhận được email mô tả “một bệnh truyền nhiễm lạ” đã khiến 100 người thiệt mạng chỉ trong vòng một tuần.
Những ca SARS đầu tiên được ghi nhận tại Quảng Đông, tỉnh ven biển miền Đông Nam Trung Quốc, nổi tiếng với các nhà hàng phục vụ những loại thịt lạ. Lúc đó chợ tươi sống ở địa phương nhộn nhịp với nào gấu mèo, lửng, cầy, bồ câu, thỏ, gà lôi, hươu và rắn.
Sau hai năm, virus SARS khiến khoảng 8.096 người mắc bệnh và 774 người chết. Tình hình đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều vì SARS có đủ “tiêu chí” để lây lan mạnh trên toàn cầu: Là virus RNA nên có khả năng biến đổi nhanh chóng, lây lan qua giọt bắn khi thở – khiến việc phòng tránh trở nên khó khăn hơn. Nhiều chuyên gia đã tin rằng dịch SARS có thể gây ra mức độ hủy hoại tương tự HIV, hay dịch cúm năm 1918 – khi một phần ba dân số thế giới mắc bệnh và 50 triệu người chết.
Con người đã chiến thắng nhiều dịch bệnh bằng vaccine. (Ảnh minh họa: BBC)
Tuy nhiên, SARS đột ngột “biến mất”. Đến tháng 1/2004, chỉ còn vài ca bệnh trên thế giới, và đến cuối tháng, ca bệnh lây nhiễm tự nhiên cuối cùng được báo cáo. Dù vài tháng sau một ổ dịch lại bùng phát, nhưng tất cả nhanh chóng chìm vào quên lãng và “bệnh nhân cuối cùng” dường như là một người đàn ông 40 tuổi họ Liu ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Chuyện gì đã xảy ra?
Nói một cách ngắn gọn, loài người đã “gặp may”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng SARS kết thúc vì cả các biện pháp truy vết chống dịch hiệu quả lẫn sự phát triển kỳ lạ của virus.
Trong trường hợp của Liu Jianlun, 64 tuổi, người nhiễm virus trước khi căn bệnh được xác định cụ thể, WHO ước tính khoảng 4.000 ca bệnh có thể được truy vết ngược về người đàn ông này. Điều đó cho thấy nếu không có các nỗ lực toàn cầu để loại trừ SARS, dịch bệnh đã có thể diễn biến rất khác.
Nhưng theo các chuyên gia, trường hợp của SARS, không may, lại vô cùng hiếm. Ngoài SARS, mới chỉ có hai loại virus được làm cho “tuyệt chủng” một cách cố ý, là đậu mùa và rinderpest (gây ra dịch tả ở gia súc). Loài người đã chiến thắng hai loại virus này bằng vaccine.
Còn lại, nhìn chung, để virus tự biến mất là chuyện rất khó xảy ra, một khi nó đã thích nghi với môi trường xung quanh.
Các bệnh dịch trên thế giới đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. (Ảnh minh họa: BBC)
Kịch bản 1: Virus trở đi trở lại
Một số virus gây bệnh dịch được cho là khó có khả năng tuyệt chủng bởi vì chúng không chỉ có một vật chủ duy nhất.
Các ổ dịch Ebola ở người thường xuyên xuất hiện rồi lại kết thúc. Đã có ít nhất 26 đợt bùng phát dịch Ebola khắp châu Phi kể từ khi bệnh được phát hiện năm 1976, và đấy mới chỉ tính các trường hợp số ca bệnh đủ nhiều để khiến các cơ quan y tế chú ý đến. Chừng nào vẫn còn dơi, Ebola có vẻ sẽ không sớm “chia tay” loài người.
Tại Guinea, một nghiên cứu cho thấy các loại virus Ebola khác nhau đã liên tục nhảy từ động vật sang người khoảng 118 lần. Sự đa dạng kiểu gen virus của các đợt bùng phát cho thấy hiện tượng lây nhiễm trở đi trở lại ở mức độ đáng báo động.
Hiện cuộc chiến chống Ebola đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong số nhiều loại Ebola, chỉ có vaccine cho một số loại. Và thậm chí dù con người có nỗ lực loại bỏ virus trong cộng đồng của mình, bệnh dịch này vẫn có thể lưu hành ở vật chủ là dơi và sau đó trở lại.
Chuyện loại bỏ virus ở dơi, và rộng ra là trong thế giới hoang dã thì gần như không tưởng.
Trường hợp với MERS, dịch bệnh “nổi tiếng” toàn cầu năm 2012 cũng tương tự. Bệnh được cho là đã trở đi trở lại với con người hàng trăm lần từ đó đến nay.
Trong khi đó, SARS không có vật chủ rõ ràng nào, theo Stanley Perlman – nhà vi sinh vật học tại Đại học Iowa.
Đối với Covid-19, nguồn gốc của virus gây bệnh – SARS-CoV-2 – vẫn chưa được xác nhận. Một trong các giả thuyết được đưa ra là virus lây từ dơi sang một động vật trung gian rồi lây sang con người. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ con người có thể lây truyền ngược lại cho động vật hay không – điều sẽ khiến dịch bệnh khó loại bỏ hơn rất nhiều.
Một số virus gây bệnh dịch được cho là khó có khả năng tuyệt chủng bởi vì chúng không chỉ có một vật chủ duy nhất. (Ảnh minh họa: BBC)
Kịch bản 2: Các biến chủng biến mất nhưng bệnh ở lại
Một trường hợp phức tạp hơn được nghiên cứu là bệnh cúm. Có hai loại cúm chính là cúm A và cúm B. Trong nhiều năm, người ta cho rằng các chủng cúm A đã không ngừng phát triển để có thể lây nhiễm sang người hiệu quả hơn. Nhưng nghiên cứu khoa học mới nhất lại cho thấy một thực tế khác.
Hóa ra mọi virus cúm tồn tại trong cơ thể người cho đến khoảng 120 năm trước đều đã tuyệt chủng. Chủng gây ra đại dịch năm 1918 cũng đã biến mất, cũng như chủng gây ra dịch cúm gia cầm năm 1957 – giết chết 116.000 người ở Mỹ, và loại cúm lưu hành vào năm 2009, trước khi dịch cúm lợn xuất hiện.
Như vậy, các chủng cúm đã hình thành có xu hướng tiếp tục phát triển theo nhiều hướng khác nhau – sau đó phần lớn đột ngột tuyệt chủng. Cứ sau vài thập kỷ, một loại cúm mới lại phát triển thay thế, và thường được tạo ra từ sự kết hợp của virus cúm cũ và virus mới từ động vật.
Điều thú vị là, trong quá trình phát triển này, thay vì thích nghi với con người theo thời gian, có vẻ như một số chủng virus – như H1N1 – đã âm thầm tích lũy các đột biến vô dụng hoặc thậm chí có hại cho chính nó, nên dẫn đến “tự hủy”.
Một số nhà khoa học đề xuất rằng việc đẩy nhanh quá trình biến đổi của virus có thể đem lại những lợi ích nhất định. Ý tưởng này đã xuất hiện trong một thời gian như một cách để loại bỏ bệnh cúm và cảm lạnh – nhưng gần đây nó cũng được đề xuất như phương pháp chống lại Covid-19.
Tuy nhiên, bất kể loài người cố gắng thế nào, một số nhà khoa học vẫn nghi ngờ về khả năng khiến một loại virus biến mất vĩnh viễn.
Ian Lipkin, nhà dịch tễ học từ Đại học Columbia nói: “Thuật ngữ tuyệt chủng có thể gây hiểu lầm. Virus có thể hiện diện ở nhiều nơi – chúng có thể ẩn nấp trong người, đồ được bảo quản trong tủ đông, chúng có thể ẩn náu trong động vật hoang dã và động vật nuôi – thực sự không thể nói được một loại virus đã tuyệt chủng hay chưa”.
Tổng hợp