Khi uống thuốc thì cần uống bao nhiêu nước là đủ? Bạn có từng nghĩ đến vấn đề này chưa?

0
399

Mọi người đều biết khi uống thuốc thì cần phải uống nước. Nhưng uống nước như thế nào, có những yêu cầu gì thì có lẽ đại đa số mọi người vẫn không thể trả lời được.

Bạn có tin rằng chỉ một chi tiết nhỏ như thế lại có thể bao hàm cả một học thức cao thâm hay không? Nếu như uống nước không đúng cách, vậy thì thuốc của bạn uống vào có thể cũng sẽ bị vô hiệu hóa.

Một số bệnh nhân có xu hướng không chú ý nhiều đến chi tiết này khi uống thuốc. Bạn nghĩ cứ một phần thuốc thì uống một ngụm nước là xong? Hai viên thuốc thì uống nửa ly nước là đủ? Còn có nhiều người cho rằng khi uống thuốc chỉ cần uống một lượng nước đủ để có thể nuốt trôi viên thuốc xuống cổ họng là được rồi, cần chi phải tính xem nên uống bao nhiêu nước.

Uống nước rất quan trọng đối với việc dùng thuốc, việc uống nước không đúng cách có thể khiến thuốc không đạt được hiệu quả tối đa, trong những trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây ra các phản ứng ngược của thuốc.

Hôm nay, Cafebiz sẽ cho bạn biết uống bao nhiêu nước là phù hợp nhất đối với từng loại thuốc từ góc độ của dạng bào chế thuốc, chuyển hóa thuốc và liệt kê các loại thuốc đặc trị.

Tất nhiên, Cafebiz vẫn khuyên mọi người nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ và nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.

Khi uống thuốc thì nên uống càng nhiều nước càng tốt? Không hẳn vậy

Ai cũng biết chúng ta không thể nuốt sống thuốc được, vậy nên mọi người chọn cách uống kèm thêm nhiều nước một tí. Liệu bạn có nghĩ như vậy không? Vấn đề xuất hiện rồi đây, không phải tất cả các loại thuốc đều sẽ có tác dụng tốt hơn khi chúng ta uống nhiều nước hơn. Chúng ta cần phân tích chi tiết từng trường hợp cụ thể như sau.

Thuốc giảm tiêu chảy: ví dụ như loại thuốc Diosmectite, nếu sau khi uống mà uống quá nhiều nước sẽ ảnh hưởng đến sự cố định và ức chế vi khuẩn vi rút trong đường tiêu hóa của thuốc. Vì vậy, hầu hết trên hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc này đều sẽ ghi rõ tỷ lệ dùng của thuốc và nước, ví dụ, một bịch Diosmectite cần phải cho vào 50ml nước, sau đó trộn đều là được. Hơn nữa, sau khi dùng những loại thuốc như này, thì nên hạn chế uống nước trong vòng một giờ đồng hồ.

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: như Sucralfate, Aluminium hydroxide, v.v. nếu uống nhiều nước sau khi dùng sẽ làm tan lớp gel do các thuốc này tạo thành để bảo vệ niêm mạc dạ dày, gây ra sự phân tán acid. Do đó, trong lúc dùng các loại thuốc này, hãy kiểm soát lượng nước hấp thụ vào cơ thể và uống càng ít nước càng tốt.

Một số loại siro đông y: để làm dịu cổ họng và giảm ngứa, người ta cho mật ong vào trong quá trình sản xuất để thuốc có thể phủ lên bề mặt niêm mạc sau khi uống, có lợi cho việc phát huy tác dụng của thuốc. Vì vậy, khi uống các loại siro của đông y, thông thường bạn nên uống ít nước.

Thuốc ngăn ngừa cơn đau thắt ngực: như thuốc viên Nitroglycerin thì nên ngậm trực tiếp dưới lưỡi và hấp thụ qua các tĩnh mạch dưới lưỡi, không nên uống nước trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc.

Thuốc chống bài niệu: chẳng hạn như Vasopressin và Desmopressin, không nên uống nước trong khi dùng thuốc, nếu không có thể gây giữ nước hoặc hạ natri máu và các biến chứng của nó.

Các loại thuốc khác nhau thì lượng nước uống kèm cũng sẽ khác nhau

1. Thuốc tán và thuốc hoàn của đông y truyền thống

Lượng nước cần dùng: 150 đến 200 ml.

Khi uống thuốc tán, mỗi lần dùng 150 ml nước để hòa vào thuốc. Hiện nay, các loại thuốc phổ biến trên thị trường thường ở dạng viên (thuốc hoàn), bản thân những loại thuốc dạng viên này thì cần phải được uống với nước ấm. Ví dụ khi dùng thuốc ganmao qingre keli, nên uống 150 đến 200 ml nước ấm, sau khi uống thì súc miệng lại bằng một ngụm nước là được.

Lưu ý: vì sao nên dùng 150ml nước cho loại thuốc này? Là vì phỏng theo cách sắc thuốc của thuốc thang, căn cứ theo liều lượng thuốc thang của đông y truyền thống, thì khi nấu, thuốc sắc thành 150 – 200 ml nước là tốt nhất, không quá loãng cũng không quá đặc.

2. Thuốc dạng viên nang

Lượng nước cần dùng: ít nhất 300ml.

Viên nang được làm bằng gelatin, nên khi tiếp xúc với nước sẽ trở nên mềm và dính, nếu uống ít nước thì không thể làm mềm chúng được, khiến chúng đọng lại trong thực quản, từ từ tan ra và gây kích ứng không tốt cho niêm mạc thực quản. Trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây viêm thực quản. Nếu các kích thích bất lợi đó tồn tại trong một thời gian dài, thậm chí có thể gây ung thư tế bào niêm mạc thực quản.

Lưu ý: để đảm bảo thuốc đến được dạ dày và tránh làm tổn thương thực quản, khi uống viên nang, lượng nước không được ít hơn 300ml.

3. Thuốc dạng viên nén

Lượng nước cần dùng: 150 đến 200 ml.

Hầu hết các loại thuốc dạng viên nén, chẳng hạn như Loratadine, thường được uống với 150 đến 200 ml nước. Nếu bạn uống ít nước, thuốc khó có thể phân hủy hoàn toàn chỉ với một lượng nhỏ dịch dạ dày.

Lưu ý: Không nên uống quá nhiều nước, nếu không sẽ làm loãng dịch vị và đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, không có lợi cho việc hấp thụ thuốc.

4. Thuốc dễ gây kích ứng

Lượng nước cần dùng: hơn 500 ml.

Một số loại thuốc có thể gây kích ứng nếu không đủ nước để pha loãng trong dạ dày, chúng không thể phân hủy hoàn toàn thành các hạt nhỏ, sau đó do nồng độ cục bộ quá cao sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và gây viêm hoặc loét. Các thuốc dễ gây kích ứng như Tetracyclin dù uống ở dạng thuốc gì thì đều phải uống nhiều nước, uống 500 ml nước có thể làm giảm kích ứng đường tiêu hóa.

5. Thuốc đặc trị cho quá trình trao đổi chất

Lượng nước cần dùng: 1500 ml trở lên.

Các loại thuốc như Benzbromarone, Sulfamethoxazole, Sulfasalazine, v.v. có thể làm tăng hàm lượng axit uric trong nước tiểu và khiến axit uric kết tinh. Trong thời gian dùng thuốc, hãy uống nhiều nước để tăng lượng nước tiểu và giúp đào thải axit uric, không uống ít hơn 1500ml nước trong thời gian dùng thuốc.

Một số loại thuốc khi uống còn cần phải đúng tư thế

Hiện tại, tất cả chúng ta đều biết nên uống bao nhiêu nước là thích hợp khi dùng các loại thuốc khác nhau rồi. Tuy nhiên, có một số loại thuốc lại có yêu cầu chi tiết hơn về tư thế của người bệnh khi uống thuốc.

Ví dụ như: Axit alendronic.

Khi dùng thuốc này, bạn nên uống thuốc với một cốc nước đầy (175 đến 250 ml) vào sáng sớm lúc bụng đói, sau khi uống thì không được ăn, uống (kể cả nước khoáng) hoặc uống các loại thuốc khác trong vòng nửa giờ, để tránh làm giảm sự hấp thụ axit alendronic. Không chỉ vậy, bạn còn không được nằm xuống trong vòng nửa giờ sau khi uống thuốc này, vì axit alendronic gây kích thích thực quản, việc nằm xuống ngay sau khi uống thuốc sẽ làm tăng sự kích ứng này.

Nói chung, khi uống hầu hết các loại thuốc, chúng ta đều nên giữ thẳng thân trên để thuốc được đưa trực tiếp vào dạ dày thông qua nước, nhằm đạt được hiểu quả tối đa của thuốc.

Tổng hợp