Từng nhiễm COVID-19 hồi tháng 12-2021, nhưng mới đây Đ.T. (29 tuổi, ngụ TP.HCM) lại có xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau 2 – 3 ngày có biểu hiện ho, ngứa cổ họng…
T. cho biết đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, mũi 3 tiêm khoảng 1 tuần sau khi âm tính COVID-19 lần đầu.
“Từ lúc tôi bị ho, ngứa cổ họng là tôi mua que thử về test rồi nhưng kết quả âm tính. Sau đó tôi mua thuốc ho về uống nhưng không khỏi. Đến sáng 24-2 tôi test thêm lần nữa trước khi đi làm thì kết quả dương tính. Tôi thấy nhiễm lần này xét nghiệm lâu cho kết quả mà thời gian từ lần khỏi trước đến lần nhiễm này quá nhanh”, T. nói.
Hiện T. chỉ còn ho và đang tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. “Tôi cứ cho mình đã có đủ hàng rào bảo vệ chống virus vì từng nhiễm COVID-19, tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng giờ vẫn nhiễm lại”, T. chia sẻ.
K.O. (25 tuổi, ở TP Thủ Đức) cũng tái nhiễm COVID-19 và đang phải cách ly tại nhà. O. cho biết lần đầu nhiễm vào giữa tháng 11-2021, khi vừa tiêm vắc xin mũi 2 COVID-19 được 7 ngày.
“Ngày 10-2 tôi ra Hà Nội công tác, đến 16-2 về TP.HCM thì bị đau họng, sổ mũi. Lúc đầu đoán do thời tiết Hà Nội khá lạnh nên bị vậy, nhưng cảm giác rất giống lần nhiễm COVID-19 trước. Lo lắng cho những người thân bên cạnh có thể lây bệnh từ mình nên tôi test nhanh tại nhà thì cho kết quả dương tính.
Vẫn chưa tin tưởng vào kết quả test nhanh vì mới nhiễm COVID-19 cách đây 2 tháng, tôi ra trung tâm xét nghiệm gần nhà để xét nghiệm PCR thì vẫn ra kết quả dương tính. Lúc này tôi mới tin mình bị tái nhiễm COVID-19. Lần tái nhiễm này không bị mất mùi vị nhưng cảm giác mỏi mệt hơn” – K.O. chia sẻ.
Tâm lý chủ quan dễ dẫn đến nguy cơ
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan, chuyên khoa nội tim mạch, Viện Tim TP.HCM, cho biết đã từng gặp những bệnh nhân bị tái nhiễm COVID-19.
Bác sĩ Lan cho biết theo y văn thế giới ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ 5K chứ không phải nhiễm COVID-19 một lần sẽ tạo miễn dịch suốt đời. Những người tái nhiễm COVID-19 tùy tình trạng nhiễm bệnh mà có thể có những di chứng hay không.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM, khi nhiễm COVID-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể với những biến chủng mới của COVID-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được.
“COVID-19 có hai đặc điểm. Thứ nhất COVID-19 xâm nhập vào cơ thể rất nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn có thể chỉ 1 – 2 ngày, cơ thể chưa kịp kháng cự thì virus đã vào rồi.
Thứ hai, COVID-19 không thâm nhập vào đường máu mà thâm nhập vào niêm mạc, trong khi niêm mạc thường ít kháng thể. Do vậy, kháng thể của cơ thể nếu có chống lại COVID-19 thường không bền vững” – PGS Dũng nhận định.
Ông Dũng khuyên không nên để tái nhiễm COVID-19 vì tái nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhiễm và sức khỏe của cộng đồng. Dù đã từng nhiễm COVID-19 vẫn nên thực hiện 5K để phòng tránh bị tái nhiễm. Với những người cao tuổi, có bệnh nền nếu tái nhiễm sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh nặng hơn, người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầy đủ theo hướng dẫn.
Việt Nam đã ghi nhận trên 3 triệu ca mắc COVID-19, nếu 7 – 23% tái nhiễm thì con số không nhỏ. 5K và thực hiện các biện pháp phòng hộ, cũng như tránh tập trung đông người nếu không thật cần thiết, dù đã nói rất nhiều nhưng đây vẫn là biện pháp dự phòng hiệu quả.
Tổng hợp