Cuộc đời Jack Ma có lẽ đã rẽ sang hướng khác nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh với gia đình người Australia tại Hàng Châu, Trung Quốc.
The House that Jack Ma Built (Ngôi nhà Jack Ma dựng lên) là tên cuốn sách mới về cuộc đời tỷ phú Trung Quốc. Tác giả Duncan Clark tiết lộ câu chuyện ít người biết về chặng đường một gia đình Australia giúp Jack Ma trở thành chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.
Sau khi tổng thống Mỹ Nixon thăm Hàng Châu năm 1972, quê hương Jack Ma trở thành điểm đến hút khách tại Trung Quốc.
Năm 12 tuổi, Jack Ma khi ấy còn là cậu bé Mã Vân, bắt đầu yêu tiếng Anh, nhưng không có sách báo hay địa điểm phù hợp nào để học tập. Hàng ngày cậu thường đạp xe tới Shangrila Hotel, khách sạn lớn của thành phố để vừa dẫn tour miễn phí cho khách nước ngoài, vừa luyện tiếng Anh.
Mã Vân giữ liên lạc với nhiều người sau đó. Đặc biệt nhất phải kể đến Ken Morley, du khách Australia, cùng vợ con thăm Hàng Châu năm 1980, theo AFR. Nhà Morley tình cờ gặp Jack Ma bên bờ Tây Hồ. Hai cậu bé cùng lứa Jack Ma và David, con trai ông Ken, trò chuyện đôi chút và hẹn gặp lại hôm sau tại công viên để chơi trò ném đĩa (Frisbee).
Từ đó, Jack trở thành bạn qua thư với gia đình Australia. Ông bà Morley thường trả lời thư kèm những dòng sửa lỗi để dạy tiếng Anh cho cậu bé ham học.
“Cha tôi nhìn thấy điều gì đó khác thường ở anh ấy”, David chia sẻ. Là kỹ sư điện, ông Ken còn trở lại Trung Quốc nhiều lần và giúp Jack Ma học tiếng Anh tại trường đại học sau này.
Năm 1985, nhà Morley mời Jack Ma tới thăm họ ở Newcastle, Australia. David hé lộ, gia đình ông đã đưa Jack Ma đi thăm thú mọi điểm đến phổ biến như vườn thú Taronga, Sydney.
Đó là lần đầu tiên chàng thanh niên Trung Quốc ra nước ngoài. Ông rất sốc và ngạc nhiên trước nhiều thứ tuyệt vời tại Australia, từ con người, văn hóa, phong cảnh cho tới sản phẩm tiêu dùng…
“Tôi phải cảm ơn Australia về 29 ngày sống ở Newcastle. Khi đến Australia, tôi thấy mọi thứ hoàn toàn khác với những gì tôi biết. Kể từ đó, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ'”, Jack Ma nhớ lại.
Tỷ phú Trung Quốc sau này nhận định chuyến đi năm 1985 đã mở ra cả thế giới trước mắt ông.
Jack Ma thân thiết với David suốt hơn 3 thập kỷ cho tới nay và coi ông Ken như người cha Australia. Thậm chí ông Ken còn cho Jack Ma mượn khoảng 16.800 USD để mua căn hộ đầu tiên tại Trung Quốc.
Sau này, khi trở thành một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới, Jack Ma vẫn giữ liên lạc với nhà Morley. Năm 2004, Jack Ma có chuyến thăm Australia đặc biệt, ngay trước khi ông Ken qua đời.
Bức thư xúc động của tỷ phú Trung Quốc được đọc trong lễ tang của người cha Australia đáng kính. David tiết lộ rằng Jack Ma cũng đặt tên con trai là Kun, theo tên ông Ken.
“Tôi nghĩ thứ tiếng Anh mình đã học tại Australia là tiếng Anh đích thực”, Jack Ma tiết lộ. Những kiến thức về ngôn ngữ tại xứ sở chuột túi là tiền đề cho những chuyến đi sau này, và cả sự nghiệp thành công của Jack Ma, khi ông trở thành thầy giáo tiếng Anh, rồi phiên dịch viên cho tới tỷ phú…
Để tỏ lòng trân trọng những trải nghiệm và tình bạn đặc biệt với gia đình Morley, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba cũng thành lập chương trình học bổng Ma và Morley nhằm truyền cảm hứng, giáo dục và đầu tư cho những nhà lãnh đạo tương lai. Những sinh viên ưu tú sẽ có cơ hội nhận học bổng trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Australia.
Jack Ma còn có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế của Australia khi hợp tác với nhiều thương hiệu về sức khỏe và dinh dưỡng, sữa bột, đồ ăn vặt hay thực phẩm chức năng…
Về cái tên Jack Ma, chàng trai Mã Vân năm nào đã lấy tên Jack theo gợi ý của một du khách Mỹ ông từng tiếp xúc. Người này đã gợi ý Mã Vân dùng tên Jack để tiện giao tiếp với người nước ngoài. Jack cũng là tên của chồng và cha của nữ du khách trên.
Theo Phạm Huyền/VnExpress