Người trẻ trên mạng xã hội: một nước đi, nhiều đích đến

0
629

San sẻ tri thức giáo dục và tạo dựng thương hiệu cá nhân là hai điểm chung của hầu hết các gương mặt YouTuber trẻ được đề cập. Và đích nhắm của họ chưa dừng lại ở đó.

Những quả ngọt

Ngay khi các clip dạy TOEIC miễn phí của An Duy xuất hiện trên YouTube, số lượt xem tăng mức chóng mặt, số học viên cũng nhiều hơn. “Có thể một phần họ đến vì tò mò, dẫu vậy, sự tò mò thu hút họ đến nhưng chất lượng thật mới là thứ giữ chân họ lại”, An Duy chia sẻ.

 Điều khiến An Duy hạnh phúc nhất là khiến mẹ nhẹ nhõm, hạnh phúc vì trước đây bà lo bạn sẽ có thu nhập “không sống nổi” với nghề giáo.

Lấy kiến thức dạy miễn phí trên YouTube, vậy còn gì để để người đến lớp học? An Duy cho rằng kiến thức về tiếng Anh là vô tận.

Người trẻ trên mạng xã hội: một nước đi, nhiều đích đến - Ảnh 2.

Thầy giáo trẻ Đỗ An Duy – Ảnh do nhân vật cung cấp

“Tôi cũng tin rằng khi bản thân dạy hết mình trên mạng, người ta sẽ tin và tìm đến học. Chưa kể không phải ai cũng có khả năng tự học. Một điều khá vui là nhiều bạn học theo clip của tôi trên mạng và đạt điểm cao thì gửi email cảm ơn, giới thiệu bạn của họ đến lớp”, An Duy khoe. Hiện bạn đã có trung tâm riêng và đứng lớp xuyên suốt tuần với số lượng học viên đông đảo.

Còn Bội Ngọc (cô gái sở hữu kênh Youtube hướng dẫn học piano hiện có hơn 42.000 người đăng ký theo dõi) nhớ về một khóa học Tiếp thị trên Internet tại Malaysia gần đây.

“Lớp đó dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi đã đem câu chuyện của mình giới thiệu trong học phần Xây dựng thương hiệu cá nhân. Ý tưởng của tôi thu hút sự quan tâm của nhiều học viên quốc tế trong lớp, đặc biệt là các bạn từ Malaysia.

Một số bạn cho biết họ chưa từng thấy một nhà sáng tạo nội dung trẻ nào thành công ngoài đời nhờ YouTube. Họ đề nghị tôi mở các buổi hội thảo ngắn để chia sẻ kinh nghiệm này và chấp nhận trả phí”, Bội Ngọc tiết lộ.

Người trẻ trên mạng xã hội: một nước đi, nhiều đích đến - Ảnh 3.

Bội Ngọc trong một buổi chia sẻ về piano – Ảnh do nhân vật cung cấp.

Hiện Bội Ngọc vẫn thường qua Malaysia để mở các hội thảo dành tại đây. Học viên của bạn có cả luật sư đam mê nấu ăn, bác sĩ đam mê âm nhạc… – những cá nhân có những thế mạnh, sở thích đặc biệt nhưng chưa tìm được nền tảng tốt để xây dựng thương hiệu cá nhân từ đam mê của bản thân.

Tham vọng của các YouTuber

Thùy Uyên cho biết bên cạnh việc tiếp tục chia sẻ những thủ thuật Photoshop, bạn sẽ dạy thêm về Adobe Illustrator, do gần đây có nhiều người hỏi về vấn đề này, và đây cũng là chuyên ngành bạn được đào tạo.

“Tôi sẽ tập trung về những clip định hướng nghề nghiệp do trong quá trình tuyển dụng, tôi thấy nhiều bạn trẻ nộp đơn vào vị trí graphic design (thiết kế đồ họa) mà trình bày CV rất tệ, không thể hiện được kiến thức, thẩm mĩ về đồ họa”, Thùy Uyên bộc bạch.

Thẳng thắn chia sẻ YouTube cũng đem lại một nguồn thu nhập “thụ động” kha khá cho tương lai, nhưng Quốc Thái cho biết đó không phải điểm quan trọng “giữ chân” mình trong việc chia sẻ kiến thức trên mạng.

“Một trường ở nước ngoài đã đề nghị tôi làm thêm phần phụ đề (tiếng Anh) để các sinh viên khiếm thính của họ theo học, và họ chấp nhận hỗ trợ chi phí. Lúc đầu tôi cũng ngần ngại vì quỹ thời gian không có nhiều, phần chưa chắc thu đủ bù chi. Nhưng sau đó tôi tìm được các công cụ hỗ trợ hiệu quả việc này nên đồng ý, chưa kể tôi thấy đây cũng là một điều ý nghĩa nên làm”, Quốc Thái nói.

An Duy cho biết bạn đã đăng trên mạng gần 200 clip dạy tiếng Anh, hiện đang soạn danh sách từ vựng để đưa lên mạng, cũng như đầu tư vào chuyên mục giải đáp các thắc mắc tiếng Anh. Bạn An Duy cũng tìm tòi một số phương pháp để có thể phục vụ hiệu quả việc giảng dạy online.

 “Chẳng hạn như việc dùng màu sắc như thế nào để người xem dễ theo dõi, phân biệt, hay nên áp dụng sự sáng tạo như thế nào để clip thu hút hơn. Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ là “lười” đọc sách tiếng Anh, nên tôi mong clip của mình sẽ hỗ trợ hiệu quả đối tượng này”, An Duy chia sẻ về tham vọng cũng như trăn trở của bản thân.

Nhiều hỗ trợ cho các nhà sáng tạo nội dung giáo dục online

Chia sẻ về câu chuyện của các gương mặt trẻ trên, bà Hà Lâm Tú Quỳnh (giám đốc PR – truyền thông, Google châu Á – Thái Bình Dương phụ trách thị trường VN) cho biết:

Theo thống kê của YouTube, VN hiện là nước tiêu thụ (xem) lượng nội dung liên quan đến giáo dục cao thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ đứng sau Ấn Độ.

Với những bạn trẻ tài năng trên, chúng tôi có một số chương trình hỗ trợ dài hạn, như YouTube Channel Consultation Program (cung cấp những nội dung tư vấn nhằm tối ưu hóa 3 mảng: nội dung, lượng người xem và tiêu chuẩn đo lường quan trọng), YouTube Creator Community (diễn đàn dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung tìm cơ hội kết nối, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm…)…

Chúng tôi cũng có riêng một đội ngũ chuyên viên chỉ tập trung cho mảng nội dung gia đình và giáo dục (learning and family partners). Đội ngũ này chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực này phát triển kênh, phân tích dữ liệu thông tin, xác định các mục tiêu chiến lược…

Kênh sẽ được thưởng nút Play Vàng có đủ 1 triệu lượt đăng ký theo dõi dài hạn, và nút Play Bạc cho tài khoản có 100.000 lượt đăng ký.

Công Nhật