Chuyện gì đang xảy ra với “tủ lạnh” của Trái Đất?

0
503

Báo cáo thường niên này cũng cho hay, dù nhiệt độ nước biển năm 2017 bớt nóng hơn năm 2016, tuy nhiên cường độ và tốc độ ấm lên tại Bắc Cực nhanh gấp 2 lần so với phần còn lại của thế giới.

Hàng năm, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đều tiến hành lập báo cáo về Bắc Cực để theo dõi sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm nay, với sự tham gia của 85 nhà khoa học, bản báo cáo đã gây nên một cơn sốt dư luận khi chỉ ra rằng, Bắc Cực đang có nguy cơ sớm trở thành “khu vực bình thường”. Theo đó, nước biển Bắc Cực đang nóng dần lên và các lớp băng cũng đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong vòng 1500 năm qua.

Báo cáo thường niên này cũng cho hay, dù nhiệt độ nước biển năm 2017 bớt nóng hơn năm 2016, tuy nhiên cường độ và tốc độ ấm lên tại Bắc Cực nhanh gấp 2 lần so với phần còn lại của thế giới. Ghi nhận vào 8/2017, riêng ở vùng biển Barents và Chukchi, nhiệt độ cao hơn trung bình 4 độ C, làm trì hoãn sự đóng băng thường xảy ra vào mùa thu ở các khu vực này. Vì thế, lượng băng trên biển năm 2017 cũng mức thấp nhất từ trước đến nay. Đây là năm thứ ba liên tiếp mức độ phục hồi băng biển mùa đông xuống thấp hơn hẳn so với dự đoán. Riêng trong năm 2017, lớp băng vĩnh cửu chỉ còn lại 21% tổng số băng tại Bắc Cực, thấp hơn nhiều so với mức 45% vào năm 1985.

Băng tan tại Bắc Cực
Băng tan tại Bắc Cực. (Nguồn: Brockpress)

Để thực hiện việc so sánh sự thay đổi giữa hiện tại và quá khứ, các nhà khoa học đã dựa vào một nghiên cứu cổ đại bằng cách sử dụng một tài liệu gọi là “hồ sơ proxy”. Hồ sơ này là tập hợp dữ liệu của các vòng cây và dấu vân tay hóa học bị khóa trong lõi, được khoan từ các tảng băng, trầm tích hồ và đáy biển. Những bản ghi proxy này là cần thiết cho việc theo dõi chính xác các yếu tố khí hậu kể từ những năm cuối của thập niên 1800.

Biểu đồ về sự so sánh giữa thời cổ đại và hiện tại về nồng độ khí quyển Cardon dioxide, mật độ băng biển ở Bắc Cực, nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt nước biển
Biểu đồ về sự so sánh giữa thời cổ đại và hiện tại về nồng độ khí quyển Cardon dioxide, mật độ băng biển ở Bắc Cực, nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt nước biển.

Các biểu đồ minh họa từ nghiên cứu này chỉ rõ sự tăng lên của nhiệt độ đại dương và sự sụt giảm lượng băng biển có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do ảnh hưởng bởi sự gia tăng hàm lượng CO2 trong không khí.

Washing Post dẫn lời của Jeremy Mathis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Bắc Cực của NOAA, cho biết: “Bắc Cực của chúng ta giờ đang trải qua những sự biến đổi chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chúng ta cần phải có những nghiên cứu chi tiết hơn để hiểu rõ và phỏng đoán trước sự ảnh hưởng của thay đổi này đối với mọi người, chứ không riêng gì các cư dân khu cực Bắc”. Ông cho hay những biến đổi toàn diện về nhiệt độ tại Bắc Cực có thể cản trở luồng khí lưu thông trên khắp Trái Đất, tác động đến thời tiết toàn cầu cũng như khiến điều kiện thời tiết cực đoan hơn.

Nói cách khác, như Walter Meier thuộc trung tâm điều hành bay Goddard Space của NASA từng phát biểu: “Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Vì thế, những gì xảy ra ở Bắc Cực không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến mỗi khu vực đó”.

Diễn biến không lường trước từ Bắc Cực gây ra ảnh hưởng đến bối cảnh toàn cầu
Diễn biến không lường trước từ Bắc Cực gây ra ảnh hưởng đến bối cảnh toàn cầu. (Nguồn ảnh: AP.)

Cụ thể, hàng loạt cơn bão tuyết bất thường hay những nạn hạn hán nghiêm trọng ở miền Tây nước Mỹ và những cơn bão đổ bộ dọc khu vực duyên hải Vịnh Mexico là kết quả ảnh hưởng từ tình trạng băng tan ở Bắc Cực. Ngoài ra, việc giảm nguồn cung cá ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân, tàu thuyền và đời sống các sinh vật trong khu vực.

Chưa kể, việc băng tan với tốc độ chóng mặt biến khu vực này thành một biên giới mới đối với các quốc gia có cửa ngõ ra biển, đặc biệt là tạo ra một vị trí chiến lược giữa Bắc Mỹ và lục địa Á-Âu. Và những mùa hè không có băng ở Bắc Cực kéo dài sẽ tạo điều kiệu thuận lợi để các quốc gia đua nhau đổ về khai thác tài nguyên như dầu mỏ và khí ga.

 Theo Khám Phá