Vương quốc nằm trên dãy Himalaya này nổi tiếng với chỉ số Hạnh phúc quốc gia cao nhất trên thế giới trong nhiều năm liền. Chết chóc hay những nỗi đau khổ, dường như không còn là mối bận tâm đến người dân nơi đây.
Người dân Bhutan phải nghĩ về cái chết hơn… năm lần mỗi ngày!
Trong một lần đến Thimphu, thủ đô của Bhutan, Eric Weiner – một nhà báo thường cộng tác với tờ New York Times – đã tìm gặp ông Karma Ura, hiện là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Bhutan để xin vài lời khuyên cho tình trạng bệnh tật của mình.
Thimphu – thủ đô của Bhutan.
Dạo gần đây, Eric thường phải trải qua một số triệu chứng khó chịu như khó thở, chóng mặt, tay chân tê cứng.
Eric sợ rằng mình đang bị đau tim. Tuy nhiên khi đi xét nghiệm, bác sĩ lại kết luận rằng không có vấn đề gì đáng lo ngại cả. Có lẽ, ông đang gặp một số vấn đề về tâm lý.
“Tôi có thể làm được gì để thay đổi tình trạng này?” – Eric đem vấn đề của mình hỏi Ura.
“Anh cần nghĩ về cái chết năm phút mỗi ngày” – Ura trả lời. “Cách làm này sẽ giúp được anh”.
“Tại sao tôi lại cần nghĩ về một điều đau buồn đến như vậy?” – Eric hoảng hốt.
“Những người giàu như anh, đa số chưa từng chạm vào xác người chết, những vết thương hay những thứ thối rữa. Đó chính là vấn đề”.
“Chết và bệnh tật là một phần của nhân sinh. Chúng ta cần phải tập làm quen với điều đó. Như vậy, anh sẽ sống một cách bình thản và an lạc hơn”.
Thật ra, khi đưa đề xuất nên nghĩ về cái chết một lần mỗi ngày, Ura có phần hơi “dễ dãi” với Eric. Trong văn hóa Bhutan, người dân phải nghĩ về cái chết đến… 5 lần/ngày.
Trong văn hóa Bhutan, người dân phải nghĩ về cái chết đến… 5 lần/ngày.
Hiểu về cái chết để sống tốt hơn
Một số nghiên cứu cho thấy, bằng cách nghĩ về cái chết thường xuyên như vậy, người dân Bhutan sẽ đạt được… hạnh phúc.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2007, hai nhà tâm lý học Nathan DeWall và Roy Baumesiter thuộc ĐH Kentucky đã chia vài chục sinh viên ra làm hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu nghĩ về lần đi khám răng đau đớn nhất trên đời, và một nhóm được yêu cầu chiêm nghiệm về cái chết của chính họ.
Cả hai nhóm này sau đó viết ra những cảm nhận của mình. Điều đặc biệt ở đây là nhóm nghĩ về cái chết lại viết ra những cảm nhận tích cực hơn nhóm nghĩ về câu chuyện khám răng.
Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng: Cái chết là một việc đáng sợ về mặt tâm lý, nhưng khi chúng ta chiêm nghiệm sâu về nó, chúng ta sẽ sống trọn vẹn hơn.
Với người dân Bhutan cũng vậy, họ đã nhận thức được rằng cái chết là một phần của cuộc sống, và vì thế mà họ thấy hạnh phúc.
Bà Linda Leaming, tác giả cuốn sách “Hướng dẫn Hạnh phúc: Điều tôi học được ở Bhutan về Cuộc sống, Yêu thương và Sự tỉnh thức”, đã viết:
“Tôi nhận thấy rằng việc thường xuyên nghĩ về cái chết không khiến cho tôi đau buồn. Ngược lại, nó thúc đẩy tôi sống trọn vẹn hơn trong từng khoảnh khắc và nhìn cuộc sống theo cách mà tôi không thường nhận ra”.
Vì sao người dân Bhutan lại có thái độ bình thản đối với cái chết?
Lý do khiến người dân Bhutan nghĩ về cái chết thường xuyên là vì nó có mặt ở mọi nơi xung quanh họ.
Không như nhiều nước phương Tây, người Bhutan không thích trốn tránh hình ảnh của cái chết.
Vậy nên, bạn sẽ thấy những hình ảnh chết chóc có mặt ở khắp nơi, từ trong những bức tranh vẽ cho đến những điệu múa nghi lễ.
Một lý do khiến người dân Bhutan nghĩ về cái chết thường xuyên là vì nó có mặt ở mọi nơi xung quanh họ. Đối với một đất nước xa xôi và hẻo lánh như thế, người dân dễ dàng phải đối mặt với tử thần. Họ có thể mất mạng trên những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở hoặc bị gấu vồ, ăn nhầm nấm độc…
Một điều quan trọng hơn đó chính là niềm tin Phật giáo đã thấm sâu vào đất nước này, nhất là về khái niệm kiếp sau. Nếu bạn tin rằng bạn có kiếp sau, bạn sẽ ít có khả năng lo sợ việc kết thúc kiếp sống hiện tại.
Niềm tin Phật giáo đã thấm sâu vào đất nước Bhutan.
Nói như vậy, không có nghĩa rằng người dân Bhutan hoàn toàn không buồn trước cái chết.
Dĩ nhiên là họ vẫn sợ và buồn.
Nhưng, như bà Leaming nói, họ không chạy trốn những cảm giác này.
“Ở phương Tây, chúng ta rất ghét, rất kinh hãi những nỗi khổ đau và chết chóc. Chúng ta luôn tìm cách để phản kháng nó”.
“Còn ở Bhutan, họ không ghét. Mặt khác, họ chấp nhận nó. Bình thản và an yên như là một phần của cuộc sống”.