Những hiện tượng lạ lùng xảy ra khi ngủ

0
601

Con người ẩn chứa rất nhiều thiện tượng bí ẩn kỳ lạ mà không phải ai cũng biết. Ngay trong giấc ngủ cũng có những hiện tượng lạ lùng như mộng du, nói mơ, cơ thể tê liệt hay thậm chí là quan hệ tình dục khiến không ít người bối rối.

Nếu may mắn, bạn sẽ trải qua một đêm yên bình với giấc ngủ không mộng mị. Không ít trường hợp mọi người tỉnh giấc với cảm giác lúng túng xen chút hoảng loạn vì những gì xảy ra trong giấc ngủ đêm qua thật chẳng bình thường.

1. Cảm giác rơi tự do

Cảm giác rơi tự do
Co giật cơ có thể xảy ra sau một ngày làm việc căng thẳng, quá sức hoặc do thiếu ngủ. (Ảnh: au.lifestyle)

Hiện tượng này còn được biết đến với tên gọi “giật cơ lúc ngủ” (hypn jerk). Thông thường khi mơ, cơ bắp sẽ tạm thời bị tê liệt để kiểm soát các hành động trong giấc mơ. Nhưng cũng có lúc giấc mơ đến nhanh, trước khi cơ thể kịp kích hoạt trạng thái này.

Tiến sĩ Winter cho rằng điều này lý giải cho cảm giác như đang rơi khỏi vách đá hay vấp ngã khiến bạn giật mình và tỉnh giấc. Nguyên nhân chắc chắn của hiện tượng này vẫn chưa ngã ngũ, song các nhà nghiên cứu nhận định rằng nó có thể xảy ra sau một ngày làm việc căng thẳng, quá sức hoặc do thiếu ngủ. Khi đó, não gấp rút đi vào giấc ngủ trong khi cơ thể chưa bắt nhịp kịp.

2. Cơ thể tê cứng

Thỉnh thoảng một số người trong chúng ta hốt hoảng khi buổi sáng tỉnh giấc không thể cử động chân tay hoặc tệ hơn là không thể nói. Nhiều người còn cảm thấy không thở nổi và mô tả cảm giác này hệt như một con voi đang ngồi lên ngực mình.

Hiện tượng khiến nhiều người hoảng loạn này có thể kéo dài từ vài giây tới vài phút. Cơ chế của nó trái ngược với giật cơ khi ngủ được đề cập ở trên, xảy ra khi não bộ thức dậy trước khi tình trạng cơ bắp tê liệt đi kèm với giấc ngủ sâu kết thúc nhiệm vụ của mình.

3. Mộng du

Hầu hết hành vi liên quan tới giấc ngủ là vô hại nhưng mộng du không được tính đến trong số đó bởi nó khá nguy hiểm, đặc biệt khi người mộng du di chuyển hoặc lái xe trong vô thức.

“Khi mộng du, bạn đang ra khỏi giấc ngủ ở mức vừa đủ để cơ thể hoạt động trở lại nhưng lại chưa đủ cho não tỉnh táo”, tiến sĩ Winter cho biết. Điều này lý giải vì sao chẳng ai nhớ được gì về chuyến “du ngoạn” lúc nửa đêm của mình sau khi tỉnh dậy.

Mộng du là hiện tượng khá nguy hiểm do con người di chuyển hoặc thậm chí lái xe trong vô thức
Mộng du là hiện tượng khá nguy hiểm do con người di chuyển hoặc thậm chí lái xe trong vô thức. (Ảnh: welt.de.com)

Ngoài ra, một số loại thuốc ngủ có thể gây tác dụng phụ kỳ quặc như nấu nướng, lái xe hay thậm chí chè chén ngay trong lúc đang mộng du. Khi đó, dù bạn có thức dậy vào ban đêm nhưng tác dụng của thuốc vẫn còn ảnh hưởng tới não bộ khiến các hành động được thực hiện một cách vô thức.

Do vậy tiến sĩ Winter khuyến cáo người dùng thuốc nếu gặp phải hiện tượng này nên gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

4. Nói mơ khi ngủ

Khoảng 5% người trưởng thành nói lơ mơ khi ngủ là thống kê của Viện hàn lâm nghiên cứu giấc ngủ Mỹ. Trung bình hầu hết những lời tâm tình bên gối vô thức này chỉ kéo dài khoảng 30 giây.

“Thường hiện tượng nói mơ diễn ra trong vòng 1-2 giờ đầu của giấc ngủ. Đây là giai đoạn cơ thể đang bắt đầu đi vào giấc ngủ sâu, nhưng các cơ vẫn còn lực để sinh ra âm thanh hoặc cử động đi kèm giấc mơ”, tiến sĩ Winter cho hay.

5. Giấc mơ trở đi trở lại

Giấc mơ là cách não bộ sắp xếp những điều cần đánh giá lại và xử lý trước khi lưu trữ lại bằng ký ức. Giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều lần có thể xảy ra với nhiều vấn đề tâm lý chưa được giải quyết mà não vẫn đang cố gắng phân loại.

Theo tiến sĩ Winter, thông thường các giấc mơ loại này dựa vào một phần thực tế. Vậy nên nếu bạn bị cướp khi mua sắm, giấc mơ này sẽ lặp lại nhiều lần cho tới khi bạn có thể hiểu được và chấp nhận. Ngược lại, nếu chỉ tới cửa hàng để mua sữa, bánh mì, não sẽ xử lý ngay và sẽ chẳng có mộng mị nào ám ảnh bạn hàng đêm.

Giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều lần có thể xảy ra với nhiều vấn đề tâm lý chưa được giải quyết mà não vẫn đang cố gắng phân loại.
Giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều lần có thể xảy ra với nhiều vấn đề tâm lý chưa được giải quyết mà não vẫn đang cố gắng phân loại. (Ảnh: mo-am.com)

6. Sex trong khi ngủ

Bạn không nên quá sợ hãi hay mặc cảm tội lỗi nếu tỉnh giấc và thấy cuộc yêu đang nửa chừng. Trong một nghiên cứu của ĐH Toronto (Canada) trên 800 bệnh nhân tại Trung tâm rối loạn giấc ngủ, 8% thừa nhận mình có những hành vi liên quan tới hội chứng sex trong khi ngủ (sexmonia). Đây được xem là một dạng rối loạn giấc ngủ với biểu hiện là có hành vi “yêu” trong lúc ngủ.

“Trong quan sát của tôi, những hành vi, lời nói… đi kèm với hiện tượng này của bệnh nhân thường rất khác biệt so với lúc họ hoàn toàn tỉnh táo”, tiến sĩ Winter trình bày.

 Sex trong khi ngủ

Là một hiện tượng cận giấc ngủ, sex trong khi ngủ có điểm tương đồng với mộng du khi cơ thể đang dần rời khỏi giấc ngủ sâu đủ để cử động và có thể nói chuyện được nhưng não bộ chưa hoàn toàn tỉnh táo.

“Nhiều người chỉ loáng thoáng nhớ về những gì đã xảy ra hay tỉnh dậy khi mọi việc đang dang dở. Điều này có thể xảy ra khi bạn có mong muốn được thỏa mãn hay đi ngủ với ham muốn mạnh mẽ”, tiến sĩ Winter giải thích.

7. Nghiến răng khi ngủ

Nghiến răng là hiện tượng nghiến hay siết chặt quá mức các răng ở hai hàm trên và dưới và thương diễn ra khi ngủ. Thông thường người bệnh không ý thức được hiện tượng này, tuy nhiên cũng có người nghiến răng vào lúc thức. Sự nghiến răng giữa hai hàm với nhau gây ra những âm thanh khó chịu cho những người ngủ chung và những người xung quanh.

Nghiến răng
Hiện tượng bí ẩn nghiến răng khi ngủ có thể gây nên nhiều vấn đề về răng miệng

Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố có thể gây ra hiện tượng nghiến răng, chúng có thể tác động riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau, bao gồm: Stress căng thẳng do làm việc hay áp lực công việc, các nguyên nhân gây cản trở vướng cộm ở khớp cắn, rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương…. Các yếu tố thuận lợi làm tăng sự trầm trọng của bệnh có thể kể đến như: nha chu viêm, co cứng các cơ hàm, viêm khớp thái dương hàm… làm tăng tình nghiến răng hoặc xiết chặt răng.

8. Ngừng thở khi ngủ

Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ, căn bệnh hay gặp ở người béo phì. Bệnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí có thể gây tử vong trong một số trường hợp do làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.

Ngừng thở khi ngủ
Ngáy to cũng có thể là biểu hiện rõ ràng của bệnh tật

Chứng ngừng thở khi ngủ chỉ được đề cập đến trong mười mấy năm gần đây. Đó là tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi đang ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc. Tại Mỹ, một nghiên cứu phát hiện ngừng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới trong độ tuổi lao động. Còn tại Anh, nếu tính chung thì có tới 1% nam giới bị bệnh này. Bệnh hay gặp ở nam giới, tuổi trung niên.

Ngừng thở khi ngủ xuất hiện có thể do các cơ thanh quản bị mất trương lực nên vùng hầu họng bị xẹp lại trong thời kỳ hít vào; hoặc do các bất thường về cấu trúc vùng hầu họng làm hẹp đường dẫn khí. Các yếu tố nguy cơ gồm: béo phì; bất thường về cấu trúc các cơ quan vùng hầu họng như xương hàm dưới quá nhỏ, lưỡi quá to, hoặc phì đại amiđan…; uống rượu hoặc các loại thuốc ngủ trước khi đi ngủ; tắc mũi (bị cảm lạnh hoặc mũi bị lệch vách ngăn).

Tổng hợp