Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng khi ai đó bị mất 75% tài sản hoặc nhiều hơn, họ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 50% so với những người có tài sản ổn định.
Trong cuộc nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA, các nhà nghiên cứu đã xem xét vấn đề mất ổn định tài chính tác động thế nào đến sức khỏe của một người theo thời gian.
Lindsay Pool, giáo sư nghiên cứu về y học dự phòng tại trường Y khoa Feinberg của Đại học Northwestern, và các đồng nghiệp đã quan sát hơn 8.700 người, tuổi từ 51 đến 61.
Mất tài sản có một tác động lên nguy cơ tử vong sớm của một người tương tự như việc không có tài sản ngay từ lúc ban đầu. (Ảnh: Bloomberg).
Các nhà nghiên cứu đã xem xét việc trải qua “một cú sốc tài sản tiêu cực” – mà theo định nghĩa của họ là mất 75% tổng tài sản hoặc nhiều hơn, gồm những thứ như lương hưu, nhà cửa hoặc doanh nghiệp trong khoảng thời gian 2 năm, ảnh hưởng đến sự tử vong của một người như thế nào.
Suốt quãng thời gian 20 năm theo dõi của họ, đã có 25% những người tham gia vào cuộc nghiên cứu bị trải qua “một cú sốc tài sản tiêu cực”, và những người đó có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều, từ tất cả mọi nguyên nhân.
“Đây là một điều gì đó mà hàng triệu người trải qua. Nó không thật sự là một sự kiện hiếm hoi”, giáo sư Pool cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khi họ xem xét một nhóm người trưởng thành có thu nhập thấp, nguy cơ tử vong của họ suốt 20 năm là 67%.
Nghèo khổ được biết là có tác động đến sức khỏe và sự tử vong của một người, nhưng các nhà nghiên cứu đã ngạc nhiên khi thấy rằng mất tài sản có một tác động lên nguy cơ tử vong sớm của một người tương tự như việc không có tài sản ngay từ lúc ban đầu.
Nghiên cứu trên đã không xem xét việc mất mát tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người đó như thế nào. Tuy nhiên, “giả thuyết đưa ra là cú sốc tài sản là một sự kiện gây căng thẳng, và căng thẳng kinh niên suốt một thời gian dài có thể ảnh hưởng khá nhiều đến mọi hệ thống cơ quan”, giáo sư Pool nêu ý kiến.
Các phát hiện trên hiện có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều người Mỹ vì họ có thể trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, và nghiên cứu đó nhấn mạnh mối liên hệ giữa sức khỏe và sự bất ổn tài chính.
“Mọi người không muốn mất việc. Tìm ra cách để can thiệp chuyện đó không phải là nhiệm vụ của họ, mà là nhiệm vụ của các nhà làm chính sách”, giáo sư Pool kết luận.