Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Sáng tạo mới tồn tại

0
548

Nghệ thuật phải có sự sáng tạo hay lối đi riêng, nếu không sẽ bị chìm lấp, nhất là khi các loại hình nghệ thuật giải trí nở rộ.

Ca sĩ Mỹ Tâm ra mắt album Vol.9 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thời của nhạc trực tuyến và bolero

Năm 2017, trong khi Hà Nội nhộn nhịp với rất nhiều liveshow của các ca sĩ từ mới nổi đến rất nổi tiếng thì thị trường lớn nhất nước là TP.HCM vẫn tiếp tục đóng băng. Thỉnh thoảng có liveshow cháy vé như Trăm năm không quên của Quang Hà, Sài Gòn – Bolero và Hưng của Đàm Vĩnh Hưng, Love songs – Cả một trời thương nhớ của Hồ Ngọc Hà…, nhưng thực tế băng chưa có dấu hiệu sẽ rã.

Năm 2017 cũng có nhiều chương trình biểu diễn của “sao ngoại” đến từ nhiều nước châu Á, châu Âu và Mỹ được tổ chức. Ngoại trừ những sô không bán vé hoặc lượng vé hạn chế, nhiều đêm nhạc còn bị ế vé. Ngay cả tour diễn được trông đợi nhất với kỳ vọng ghi tên Việt Nam vào bản đồ biểu diễn thế giới của Ariana Grande (Mỹ) cũng đã bị hủy ngay trước ngày tổ chức.

Thời nhạc trực tuyến thịnh hành, nhạc Việt 2017 rất “nóng” với hàng loạt sản phẩm đạt mức triệu view (lượt người xem) như MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh cán mốc 2,2 triệu view chỉ trong 2 ngày, MV Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP trong 24 giờ đầu sau khi phát hành đạt hơn 4 triệu view, MV Đâu chỉ riêng em của Mỹ Tâm sau 24 giờ thu về 1,5 triệu view… Ngoài ra còn có MV của Hương Tràm, Bích Phương, Hồ Ngọc Hà, Ngô Kiến Huy, Isacc, Đông Nhi, Đàm Vĩnh Hưng, Soobin Hoàng Sơn…

Trong bối cảnh trên, album Vol.9 của Mỹ Tâm lại được phát hành kiểu truyền thống, và “họa mi tóc nâu” đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên của làng nhạc Việt tổ chức ra mắt album ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) với hơn 10 ngàn khán giả tham dự. Và 5.000 album đã được bán hết chỉ trong vòng một giờ. Đây là con số phát hành quá lý tưởng mà ở thời hoàng kim của băng đĩa gần 20 năm trước còn chưa đạt được, và là con số quá xa xỉ trong thời buổi mua CD là thói quen đã mất từ lâu ở nhiều người nghe nhạc, đặc biệt là người trẻ.

Có thể nói, bolero nở rộ trong năm 2017, hiện diện ở hầu hết cuộc thi hát trên truyền hình đến sân khấu biểu diễn. Đã có những tranh luận gay gắt về việc “ăn mày” dĩ vãng khiến sáng tạo âm nhạc thụt lùi mà đỉnh điểm là phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương bị “ném đá”.

Dẫu thế, một số ca sĩ trẻ đã bật lên theo cách khác biệt để không bị chìm lấp. Chẳng hạn như Tóc Tiên, dù hát thể loại nhạc nào, từ sôi động ồn ào (EDM), dance pop hay ballad, trữ tình… đều có thể chạm đến cảm xúc của người nghe. Soobin Hoàng Sơn thể hiện được sức sáng tạo và cho thấy có con đường riêng với sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và những ca khúc mới mang chất underground hay ballad nhẹ nhàng.

Sân khấu nỗ lực vượt khó

Sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM tiếp tục có một năm rất chật vật trong việc bán vé. Sân khấu 5B vẫn đóng cửa, Thế Giới Trẻ ngưng 3 tháng để sửa chữa, chỉ còn Hoàng Thái Thanh và IDECAF kiên trì với những vở kịch đi sâu vào số phận con người. Tuy nhiên, cũng nên mừng khi có một số sân khấu non trẻ như Trịnh Kim Chi, Lê Hoàng, Minh Nhí… vẫn nỗ lực sáng đèn hằng tuần.

Trong lúc sân khấu chuyên nghiệp gặp khó khăn thì kịch cà phê và kịch trà sữa với những nhóm nghệ sĩ còn vô danh lại rất được giới trẻ ưa chuộng và phải đặt vé trước vài tuần.

Nhạc kịch là thể loại được một số cá nhân và đơn vị chọn làm hướng đi riêng, như Chuyện tình nàng Giáng Hương của Công ty Truyền thông Sunflower, Tấm Cám của nhóm kịch Buffalo, Tiên Nga của Sân khấu IDECAF, Bé chịu chơi của tiNiWorld hợp tác với Buffalo, Lọ Lem truyền kỳ của Sân khấu Trịnh Kim Chi…, hay một số vở nhạc kịch nước ngoài được HBSO dàn dựng đều tạo được ấn tượng về mức độ dàn dựng hay sức sáng tạo, hoặc doanh thu. Nhiều nhà quản lý và đạo diễn cho rằng, nhạc kịch sẽ là hướng đi của sân khấu trong thời gian tới dù đang dò tìm hướng đi riêng.

Cảnh trong vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương

Cảnh trong vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương

Ngoài sàn diễn kịch – xiếc – múa hiện đại của Lune Production trên sân khấu Nhà hát Thành phố phục vụ khách du lịch, năm 2017 có thêm Điểm một thời của nhà thiết kế Sỹ Hoàng hồi sinh sau 10 năm gián đoạn. Được trình diễn trên nền của Bảo tàng Áo dài, những buổi diễn của Điểm một thời là không gian tái hiện đời sống và văn hóa đặc sắc.

Cuối năm 2017, Sỹ Hoàng còn trở thành Giám đốc Nghệ thuật của Nhà hát Chợ Lớn – một sân khấu đa năng phục vụ hoạt động bảo tồn, tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống, trình diễn thời trang… dành cho người dân và du khách đến TP.HCM.

Cảnh trong vở nhạc kịch Bé chịu chơi

Cảnh trong vở nhạc kịch Bé chịu chơi

Năm 2017 nở rộ xu hướng các nhà hát hợp tác với các nước, mang đến những vở diễn chất lượng cao như Bến bờ xa lắc của Nhà hát Tuổi Trẻ và Hàn Quốc, Hồng lâu mộng của Nhà hát kịch Việt Nam và Quỹ Văn hóa quốc tế Singapore, Con chim xanh của Nhà hát Tuổi Trẻ và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ), Vòng phấn Kavkaz của Nhà hát Tuổi Trẻ và Viện Goethe…

Không chỉ kịch nói, còn có nghệ thuật tuồng với Dưới bóng đa huyền thoại của Nhà hát tuồng Việt Nam và đạo diễn Singapore, Vòng phấn Kavkaz của Nhà hát chèo Việt Nam kết hợp với đạo diễn Muller (Đức)… đã đem lại màu sắc mới, hơi thở mới cho sân khấu Việt Nam.

Lối đi riêng với thân phận con người

Em chưa 18 tạo nên “cú hích” cho thị trường điện ảnh Việt năm 2017 với doanh thu kỷ lục 162 tỷ đồng, đồng thời được trao Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX ở Đà Nẵng, nhưng Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Cô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng, Đảo của dân ngụ cư, Lôi báo, Giấc mơ Mỹ, Khi con là nhà… đã tạo nên một dòng phim riêng, có kịch bản thuần Việt và xoáy vào những mảnh đời, những thân phận con người trong xã hội.

Những bộ phim trên có nội dung khá nhẹ nhàng nhưng lại gửi gắm những thông điệp rất đỗi nhân văn, ít nhiều chạm được vào trái tim khán giả, dù có phim khá kén người xem. Và trong bối cảnh phim Việt thiếu nguồn kịch bản hay, phải vay mượn kịch bản của nước ngoài thì đây là sự dịch chuyển hợp quy luật.

Cảnh trong bộ phim Dạ cổ hoài lang

Cảnh trong bộ phim Dạ cổ hoài lang

Nhiều người trong giới nhận định, hiện nay phim cạnh tranh nhau không còn quanh vấn đề quay đẹp, nhạc hay…, mà ở yếu tố sáng tạo trong kịch bản. Lâu nay, khán giả cứ xem đi xem lại các thể loại hành động – hài, tình cảm – hài, kinh dị… nên cũng chán.

Năm 2017 chứng kiến sự thất thế của một loạt phim “remake” (làm lại), nhường chỗ cho phim có kịch bản chuyển thể và thuần Việt có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, sáng tạo theo cách riêng, mang lại những gam màu mới mẻ, tạo được sự chú ý với truyền thông và đông đảo khán giả lẫn giới làm nghề.

Một số bộ phim kể trên đã đại diện cho điện ảnh Việt Nam góp mặt ở các liên hoan phim quốc tế. Chẳng hạn như Đảo của dân ngụ cư được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Cannes và đoạt 3 giải thưởng lớn tại Liên hoan phim ASEAN 2017, hay Cha cõng conngoài một số giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế, còn được chọn gửi đi tranh cử Oscar 2018 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài.

Tất nhiên, khi chọn theo hướng làm phim đề cao tính nhân văn, giá trị văn hóa và thân phận con người, các nhà sản xuất phải đối mặt với thị trường cạnh tranh dữ dội về giá vé, với những rủi ro khi ý thức về bản quyền của người xem còn thấp và các trang phim lậu mọc lên như nấm.

Một năm có gần 40 bộ phim ra rạp, tuy chưa nhiều phim có giá trị nghệ thuật cao, song điện ảnh Việt 2017 ít nhiều đang tạo niềm tin cho năm 2018 khi một số phim như Người bất tử, Sơn Tinh và Thủy Tinh của đạo diễn “triệu đô” Victor Vũ, hay phim của Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng… sẽ ra mắt.

Ưu thế của người viết trẻ

Năm 2017, thị trường sách rất sôi động với những ngày hội sách được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM. Việc ra đời của những đường sách ở 2 đô thị này, rừng sách nhiệt đới của Phương Nam Book ở TP.HCM và Bình Dương cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội hiện đại.

Dù thị trường sách điện tử Việt chưa đạt được những con số giống với xu thế phát triển chung trên thế giới, nhưng văn hóa đọc của giới trẻ đã có nhiều tín hiệu khả quan. Bởi người viết trẻ và sách trẻ vẫn giữ được ưu thế đáng kể.

Một loạt cây bút trẻ như Anh Khang ra mắt Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh, Lê Thanh Ngân với Bởi Hà Nội có anh, Hamlet Trương và Iris Cao với Mình sinh ra đâu phải để buồn, Tuệ Nghi với Đàn ông hay hứa, phụ nữ hay tin, Gào với Mẹ, em bé và bố, Nguyễn Ngọc Thạch với Thất tình không sao, Thi Anh Đào với Nhìn. Hỏi. Rồi. Nhảy đi!, Đặng Thiên Phong với Mười ngày tám người bốn giường tầng, Tâm Bùi với Bụi đường tuổi trẻ…

Ngoài những câu chuyện tình, hoặc vượt qua những nỗi đau trong tình yêu, sách trẻ còn viết về trải nghiệm cuộc sống, khám phá, du lịch, khởi nghiệp… với văn phong nhẹ nhàng, góc nhìn trẻ trung, đầy sức sống.

Nói đến sách và người viết trẻ, cần kể đến một số tác giả của dòng sách lịch sử. Thiên hạ chi vương là dạng tiểu thuyết lịch sử, cố gắng tìm lời giải đáp cho những ẩn số về cuộc đời của Nguyễn Phúc Ánh, sau này là vua Gia Long của Trường An – một cây bút còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X. Sử Việt – 12 khúc tráng ca của một tác giả trẻ 8X khác là Dũng Phan cũng gây tiếng vang lớn với cách kể mới lạ, đặc sắc.

Long Thần tướng – cuốn truyện tranh về cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần hai được thực hiện bởi những người trẻ, từ vẽ tranh đến nội dung và cả cố vấn lịch sử là Trần Xuân Đức – nhà nghiên cứu thế hệ 8X. Sau bản tiếng Anh, Long Thần tướng sẽ có bản tiếng Tây Ban Nha và phát hành tại thị trường các nước Mỹ La tinh.

Trong bối cảnh thị trường sách Việt bị chê là thiếu đa dạng khi chạy theo các trào lưu, những tác giả trẻ kể trên đang dần thể hiện sự dấn thân vào các sáng tác khác biệt. Đa phần tác phẩm của họ đều có sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ truyền thông cũng như cách thức tạo dựng tên tuổi của người viết để thu hút cộng đồng, cùng với những cuộc ra mắt rầm rộ có sự tham gia của người nổi tiếng – điều mà các thế hệ tác giả đi trước ít làm được.

Và chính những tác giả trẻ này đã góp phần làm sinh động thị trường sách, kéo độc giả trẻ đến với văn hóa đọc. Chắc chắn, với đội ngũ liên tục được bổ sung và đang sung sức, họ vẫn góp phần làm nên diện mạo riêng cho sách Việt 2018.

Xu hướng thể hiện cá tính lên ngôi

2017 là năm sáng tạo của thời trang khi phong cách tự do thể hiện cái tôi cá tính lên ngôi – tờ Los Angeles Times nhận định. Đây cũng là xu hướng thiết kế chung của các nhà thiết kế Việt, theo nhà thiết kế Minh Hạnh. Điều này lý giải vì sao nhiều nhà thiết kế Việt đã “táo bạo” hơn với những chi tiết cách điệu trên áo dài truyền thống từ đầu năm 2017, phần nào thể hiện cá tính của chính họ và công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Những bộ sưu tập áo dài như Hoa gốm sứ của Adrian Anh Tuấn, Hoa cỏ mùa xuân của Thủy Nguyên, Cảm hứng Á đông của Tú Ngô và Nguyễn Minh Phúc… đã minh chứng cho điều này.

Một màn trình diễn  của Lễ hội Thời trang  và Công nghệ 2017

Một màn trình diễn của Lễ hội Thời trang và Công nghệ 2017

Hội nhập và bắt kịp các xu hướng thời trang quốc tế, bên cạnh các tuần lễ thời trang theo mùa, hay tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam được tổ chức thường niên, năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam có Fashionology Festival – Lễ hội kết hợp giữa thời trang và công nghệ trình diễn hiện đại. Đây là lễ hội có nhiều bộ sưu tập thời trang được trình diễn nhất từ trước tới nay (450 bộ) tại Việt Nam với sàn diễn catwalk khổng lồ, sự tham gia của 153 nhà thiết kế và 250 người mẫu trong nước và quốc tế, cùng các công nghệ trình diễn như sân khấu Boombox 2 mặt, trình diễn 3D Mapping, EDM sôi động thực hiện bởi DJ quốc tế, công nghệ động lực học Kinetic, công nghệ AR Magic Mirror…

Sô thời trang The Dreamers (Những kẻ mộng mơ) của các nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, Hằng Nguyễn, Jun Đăng Dũng, Huỳnh Tiên… lần đầu tiên trình diễn 75 trang phục được làm từ lãnh Mỹ A.

Ngoài ra còn sô diễn cá nhân của các nhà thiết kế như Chung Thanh Phong, Lê Thành Hòa, Adrean Anh Tuấn, Vincent Đoàn, Đức Duy, Tùng Vũ, Đỗ Mạnh Cường…, mỗi người mỗi lối đi riêng trên con đường hướng đến thời trang chuyên nghiệp.

Cuối cùng, giải thưởng Thành tựu của năm tại ELLE Style Awards 2017 do ELLE Toàn Cầu bình chọn đã thuộc về nhà thiết kế Nguyễn Công Trí – người không chỉ gây tiếng vang trong nước và quốc tế với những bộ sưu tập ấn tượng, mà còn là cố vấn của nhiều chương trình thời trang, giải trí và nghệ thuật, định hình phong cách cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và gần đây được 2 ngôi sao quốc tế Rihanna và Katy Perry đặt may trang phục.

Diện mạo tương lai

Nhạc sĩ Quốc Trung – chủ xị của Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa nói rằng, chỉ khi nào công chúng có thói quen mua vé thưởng thức ca nhạc như nhu cầu tự thân thì thị trường mới phát triển bền vững. Việt Nam sẽ khó có thể tổ chức những concert mang tầm quốc tế và chuyên nghiệp trong tương lai. Từ thực trạng của năm 2017, ngay cả những nhà tổ chức chuyên nghiệp và kinh nghiệm nhất cũng không thể dự báo thị trường nhạc Việt 2018 sẽ diễn biến thế nào.

Dù tiếp tục là bức tranh nhiều màu sắc nhưng không định hình được diện mạo rõ nét. Tuy nhiên, đưa nghệ sĩ nước ngoài vào biểu diễn, hay hợp tác với nước ngoài là xu hướng sẽ nở rộ khi một loạt ca sĩ như Hồ Ngọc Hà, Thanh Bùi, Soobin Hoàng Sơn, Bích Ngọc, Mỹ Tâm… đã bắt đầu tìm kiếm đối tác giúp họ tiếp cận gần hơn với âm nhạc và khán giả thế giới.

Ngoài nhạc kịch được xem là xu hướng mới của sân khấu năm 2018, theo Huỳnh Lập – trưởng nhóm Tía Lia, kịch cà phê và trà sữa sẽ phát triển mạnh. Việc hợp tác với dự án sân khấu quốc tế rất có lợi về đào tạo và các nhà hát được hỗ trợ những phương tiện kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng hiện đại. Xu hướng hợp tác quốc tế vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2018 khi được đánh giá là lựa chọn và hướng đi đúng đắn để các nhà hát tồn tại, phát triển trong bối cảnh nghệ thuật giải trí đang bùng nổ.

Đại diện Tập đoàn Giải trí MegaGS dự đoán đến năm 2018, tổng doanh thu phòng vé tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, tức vượt mốc 200 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng). Bởi hệ thống phòng chiếu phim hiện đại đã và sẽ gia tăng trong năm 2017 và 2018.

Trong số hơn 630 phòng chiếu phim và hơn 100 ngàn ghế, có đến 65% số phòng chiếu là của doanh nghiệp nước ngoài. Khó khăn vẫn bủa vây phim Việt khi thị hiếu khán giả vẫn là bài toán khó tìm đáp số và doanh thu vẫn rất bấp bênh, trong khi phải cạnh tranh quyết liệt với phim ngoại nhập.

Xu thế chung của điện ảnh Đông Nam Á là sự phát triển có tính tích cực và đang dần được cộng đồng quốc tế đón nhận. Tuy nhiên, điện ảnh Việt đang tụt hậu, dòng phim nghệ thuật chưa có đột phá. Còn xét về khía cạnh thương mại, hầu hết phim Việt chỉ mới chiếu trong nước, chưa vươn ra nước ngoài như Thái Lan, Indonesia…

ĐINH NGUYỄN – THỦY HƯƠNG – KHÁNH BÌNH/DNSG