Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi rẻo cao Si Ma Cai

0
532

Từ bao lâu nay, trên rẻo cao Si Ma Cai (xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) vẫn tồn tại một khu chợ phiên độc đáo chỉ họp vào thứ bảy hàng tuần – chợ Cán Cấu. Đã thành thông lệ, cứ đến thứ bảy hàng tuần là bà con các dân tộc trên non cao lại tấp nập kéo về chợ. Chợ phiên Cán Cấu trở thành nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng biên Si Ma Cai.

jewrl6sdbz-6570_f_jnznaj3u0_1
 Khu hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu tại chợ phiên Si Ma Cai. Ảnh: Thanh Thuận

Chợ truyền thống rực rỡ sắc màu

Một ngày thứ bảy cuối tuần, chúng tôi xuất phát sớm từ thành phố Lào Cai với mục đích đến với chợ phiên Cán Cấu. Trong các chợ phiên ở Lào Cai, chợ Cán Cấu còn giữ lại được những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống hàng trăm năm của người Mông Hoa, Dao đen, Tày, Nùng và người Giáy. Chợ họp ngay ven đường 153 – con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn Si Ma Cai, cách thành phố Lào Cai gần 100km về phía Đông Bắc, bên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi, quanh năm mây mù bao phủ.

Khi đất trời còn mờ mịt sương giăng, trên con đường độc đạo tấp nập người di chuyển để về chợ. Đồng bào có thể đi ngựa, xe máy, xe đạp… để mang theo các vật phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là đi bộ. Các cô gái xúng xính, thướt tha trong từng bước đi với những bộ áo váy rực rỡ. Giữa sắc chàm của núi, màu bàng bạc của sương mờ bảng lảng, sắc màu thổ cẩm sặc sỡ trên váy áo phụ nữ dân tộc hòa vào nhịp váy đung đưa khiến cho đoạn đường dẫn về chợ Cán Cấu trở nên vô cùng sinh động.

7 giờ sáng, chợ phiên Cán Cấu đã đông đúc người và rực rỡ sắc màu. Không gian chợ được chia thành nhiều khu, khu bán thổ cẩm, khu bán hoa quả, nông sản, dụng cụ, vật nuôi phục vụ sản xuất, thuốc đông y, dược liệu,rượu, khu hàng ăn và khu chuyên mua, bán trâu do đồng bào vùng cao mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ. Mỗi khu có một nét độc đáo riêng.Trong đó, ồn ào náo nhiệt hơn cả là khu ăn uống. Mỗi quán bán một loại đồ ăn khá đơn giản, nào thắng cố, phở, cháo, có quán chỉ bán thịt lợn luộc với rượu ngô. Cánh đàn ông quây quần bên những chảo thắng cố bốc khói nghi ngút với những bát rượu ngô được nâng lên, hạ xuống cùng những tiếng nói cười rôm rả.

Nổi bật nhất vẫn là khu bán thổ cẩm. Những mặt hàng thổ cẩm ở đây luôn thu hút sự chú ý của các chị em phụ nữ. vì vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ. Các loại quần áo, vải thổ cẩm truyền thống là mặt hàng tạo nên nét đặc trưng của chợ. Lạc vào khu này, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những chiếc váy, áo thổ cẩm của các cô gái dân tộc Mông vô cùng lộng lẫy xòe ra như những con bướm hoa khổng lồ. Đó là những chiếc túi thổ cẩm được dệt bằng đôi bàn tay khéo léo của các cô gái nơi đây. Những vuông vải thổ cẩm sặc sỡ cũng là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ đến chợ. Hàng thổ cẩm ở đây được bầy bán rất đơn giản có khi chỉ cần trải manh áo tơi ra là đã thành những sạp hàng. Bên cạnh váy áo, còn có chỉ thêu đủ màu, những phụ kiện đính kèm như hạt cườm trang trí trên váy áo rất phong phú…

Không chỉ đến chợ Cán Cấu để mua, bán, trao đổi hàng hóa, có những người dân tộc đến chợ như thói quen. Cứ mỗi thứ bảy là bà con các bản lại rủ nhau đi chợ từ rất sớm. Họ đến chợ để giao lưu, gặp bạn ở các bản xa tụ họp về đây, hỏi han sức khỏe, cách làm ăn.Họ gặp nhau giữa chợ, dừng lại hỏi thăm nhau, vui vẻ nói cười làm không khí thêm phần nhộn nhịp. Chợ còn là nơi để đôi lứa có dịp gặp gỡ, bày tỏ, nên duyên với nhau. Có đến tận nơi mới thấy được không khí náo nhiệt và đậm chất vùng cao của phiên chợ nơi đây.

Đi chợ Cán Cấu không chỉ có người dân địa phương mà còn có cả người Trung Quốc cũng sang đây dự chợ phiên, có cả người bán và người mua cùng hội tụ. Đi chợ nhiều, cùng bán với nhau nhiều phiên nên họ quen nhau, dặn dò nhau về hàng họ bên đó. Nền kinh tế thị trường đã mở cửa cho hai nước giao lưu, ngày càng tấp nập, nụ cười của người mua và bán có phần thân thiện. Hàng của Trung Quốc sang, hàng từ miền xuôi theo xe tải ngược lên, đủ loại. Người dân vùng cao thiếu xoong, nồi, giày dép, vật dụng sinh hoạt… cứ ra chợ là có tất.

Chợ trâu nổi tiếng vùng Tây Bắc

Cách khu chợ hàng hóa chính chừng năm mươi mét là khu chợ trâu. Có lẽ vì người vùng cao thường dùng gia súc để làm việc đồng áng nên họ rất thích khu chợ này. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) và các thương lái từ Thanh Hóa, Quảng Trị, Nghệ An Hải Phòng… đến để giao dịch mua bán. Những con trâu mộng to khỏe, lực lưỡng, đứng đen kịt cả khu đất rộng trong chợ. Giữa “rừng” trâu, người đến bán, kẻ đến mua, cả những người dân và du khách hiếu kỳ cũng đến xem nhộn nhịp. Họ tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, bình phẩm, trao đổi với nhau. Đặc biệt có những chủ trâu không đặt nặng chuyện bán được trâu. Nếu được giá thì họ bán, không được giá thì cũng không ai buồn. Họ coi đó là dịp để khoe đàn trâu của gia đình. Nhiều gia đình thường lùa theo cả đàn khoảng mười con trâu xuống chợ “triển lãm”, hết phiên chợ lại lục tục kéo nhau về. Tiếng móng trâu lốc cốc trên đường cộng với tiếng khua leng keng của chuông trên cổ trâu tạo nên bản nhạc độc đáo miền sơn cước.

2lif3sx1t4-6570_f_jnznb38b1_2
Chợ trâu Cán Cấu nổi tiếng vùng Tây Bắc. Ảnh: Thanh Thuận

Càng gần trưa, chợ trâu Cán Cấu càng đông. Bãi đất phía trên đã chật kín tới cả trăm con trâu. Tại đây, trâu được người ta mua về để phục vụ việc cày bừa, làm giống, xẻ thịt bán hoặc được các lái trâu mua về vỗ béo rồi bán lại vào dịp chợ phiên khác. Chính từ những phiên chợ mua bán gia súc thế này đã hình thành nên nghề lái trâu, vỗ béo gia súc mang lại lợi nhuận cao cho một số người dân địa phương. Không khó để nhận ra cánh lái trâu qua vẻ bề ngoài khi người nào cũng khoác túi thổ cẩm chéo vai trước bụng. Họ đến chợ, tìm mua những con trâu, bò bị suy dinh dưỡng, gầy yếu, thậm chí chỉ còn da bọc xương với giá rẻ chỉ từ 18 đến 25 triệu đồng một con mang về nhà chăm sóc, vỗ béo sau 4 đến 12 tháng cho trâu béo lên rồi bán lại với giá từ 30 triệu đồng trở lên. Nhờ cách làm hay này mà nhiều người đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ trồng cỏ bán cho các thương lái, phí dịch vụ vận chuyển, chăm sóc trâu và các dịch vụ khác.

Chợ phiên Cán Cấu không chỉ thu hút các thương lái mang những con trâu của miền núi cao về xuôi mà còn hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Bây giờ con trâu đối với người dân Lào Cai không chỉ đơn thuần là phục vụ cho sản xuất mà đã thành hàng hóa, thành nguồn thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Chợ trâu được hình thành đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình.

Đến tận quá trưa, khi cánh lái buôn đã gom đủ số trâu và lùa lên ô tô thì người dân cũng mua sắm được những thứ cần thiết. Người bán được trâu rủng rỉnh tiền rủ bạn bè vào quán thắng cố nhâm nhi mấy chén rượu ngô, hẹn thứ 7 tuần sau lại gặp nhau ở chợ trâu Cán Cấu. Các chàng trai chếnh choáng, các cô gái má ửng hồng, từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay. Nhiều người trong chợ lục tục kéo nhau về, kết thúc một phiên chợ đầy náo nhiệt. Chợ gần tan mà câu hát vẫn như níu bước chân người: “Rượu chưa uống mà lòng ngây ngất, phiên chợ tan mà em chẳng muốn về”…

Tỉnh Lào Cai đã có Đề án phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020 phát triển sản phẩm du lịch chợ phiên là một trong những nội dung nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Để cụ thể hóa chủ trương này, nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai, như xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng chợ. Cùng với đó, tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao, tạo điểu kiện để chủ thể của chợ phiên là người dân địa phương được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, thương mại.

Rời chợ phiên Cán Cấu, chúng tôi ai nấy đều mang trong mình niềm vui khi được trải nghiệm tại đây. Đó sẽ kỷ niệm không thể nào quên về những nét đặc sắc trong văn hóa chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới.

Thanh Thuận