Thực tế cho thấy các chương trình giải trí hài trên truyền hình đang dần thay thế các phương thức giải trí trước đây, như sân khấu, tấu hài. Thậm chí một mảnh đất vốn được xem là màu mỡ của sân khấu giải trí như TP.HCM cũng đang kêu trời vì sự lấn lướt của giải trí hài truyền hình. Và từ đó, đã xuất hiện các nghệ sĩ mang danh nghề sân khấu nhưng chỉ “dùng riêng” cho giải trí hài truyền hình.
1. Các chương trình giải trí hài truyền hình (chủ yếu trò chơi, hoặc cuộc thi… như chơi) thật sự nở rộ tại Việt Nam từ khoảng 5-7 năm trở lại đây. Nhìn vào các nghệ sĩ – diễn viên nổi tiếng, được cho là đang “nhẵn mặt” trên đó, thì đã có 4 thế hệ, mà thế hệ đầu tiên có thể kể đến Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Xuân Bắc, Tự Long…; thứ hai có Trấn Thành, Trường Giang…; thứ ba có Thu Trang, Hari Won, Ngô Kiến Huy…; và thế hệ thứ tư như hiện nay.
Mỗi thế hệ chỉ đưa ra vài cái tên để ví dụ, chứ còn rất nhiều, và ngày một nhiều hơn. Về sau, đã có nhiều ngôi sao hoặc tên tuổi gạo cội cùng tham gia, nhưng xét về các thế hệ của chương trình giải trí hài, họ có thể xếp sau.
Ví dụ danh hài Kiều Oanh, Vân Sơn, Bảo Liêm… xuất hiện sau Thu Trang, Hari Won, Ngô Kiến Huy…, dù kinh nghiệm làm nghề của họ dài lâu hơn rất nhiều. Cho nên có thể gọi Kiều Oanh, Vân Sơn… như là một thế hệ bổ sung cho các thế hệ còn lại. Gần đây còn có nhiều nghệ sĩ và danh ca lớn tuổi như NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Điền… tham gia.
Lê Dương Bảo Lâm (trái) và Võ Minh Lâm có thể xem là một ví dụ cho những nghệ sĩ hài đang “nhẵn mặt” trên truyền hình
Thế hệ hài đang “nhẵn mặt” trên truyền hình hiện nay – tạm gọi thế hệ thứ tư – có Huỳnh Lập, Nam Thư, Khả Như, Gia Bảo, Hồ Bích Trâm, Puka, Diệu Nhi, Lê Dương Bảo Lâm, Võ Minh Lâm, Don Nguyễn, Dương Thanh Vàng, Xuân Nghị, Lê Lộc… (và còn rất nhiều nữa). Họ đang cùng các thế hệ trước và thế hệ bổ sung phủ sóng hầu khắp chương trình có tính chất hài hước.
Đặc biệt thế hệ thứ tư này, dù họ cũng có tham gia các lĩnh vực khác như phim và sân khấu, nhưng đất diễn chính của họ là chương trình giải trí truyền hình. Nếu để ý có thể thấy Nam Thư, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm… đang như vậy, họ gần như “di chuyển” từ trò chơi này sang cuộc thi khác.
Đã có những ý kiến khắt khe cho rằng nếu chỉ tham gia các chương trình hài truyền hình thì khó để gọi là nghệ sĩ thực thụ. Điều này cũng tương tự như các diễn viên xuất hiện chủ yếu trên mạng. Nhưng nhìn khác đi, khi mà thực tế truyền hình đang chiếm ưu thế về số lượng và thời lượng, trong khi các sân khấu, đặc biệt tấu hài bị thu hẹp triệt để, nghệ sĩ hài không xuất hiện trên truyền hình thì biết xuất hiện ở đâu.
Nhiều người, sau khi nổi tiếng trên truyền hình và trên mạng đã được mời đóng phim là một ví dụ cho… thời thế đang thay đổi. Thậm chí chính giải trí hài truyền hình đã tạo ra tên tuổi cho nhiều người, ví dụ Trường Giang, Thu Trang, Nam Thư, Huỳnh Lập, Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Dương Thanh Vàng…
2. Tuy nhiên, do đặc thù của trường quay – có thể quay lại nhiều lần – và do quan niệm đây là chương trình hài giải trí, nên khá nhiều tiết mục, tiểu phẩm mờ nhạt, thậm chí nhảm đã xuất hiện. Nhiều nghệ sĩ đến trường quay với tâm trạng không cần biết trước kịch bản, chứ đừng nói đọc trước kịch bản, trong quá trình trang điểm thì bàn luôn, sau đó là diễn. Những chương trình hài mà họ xuất hiện với vai trò “giám khảo”, “quân sư”… thì càng dễ dãi hơn, miễn sao có được tiếng cười là thành công.
Một điều đáng nói nữa, không có gì đảm bảo các chương trình giải trí hài truyền hình sẽ tồn tại dài lâu. Khi quá trình thoái trào diễn ra, các nghệ sĩ với nghề nghiệp vững vàng thì có thể quay về với nghề cũ, còn các nghệ sĩ hài “chỉ sống” trên truyền hình thì sẽ đi về đâu? Tuy nhiên, câu hỏi này có vẻ xa xỉ, vì với họ được nổi tiếng trên truyền hình đã là một cơ hội lớn, mà rõ ràng, không phải ai phấn đấu cũng đạt được. Từ đây phổ biến tâm lý có chương trình, có cát-sê là tốt rồi, còn chất lượng chuyên môn thì tính sau.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa