The Lion King 2019: Câu chuyện hay nào cũng cần được kể lại

0
680

The Lion King bản live-action có thể xem là dự án bước ngoặt và đầy thử thách của Disney trong số rất nhiều dự án “làm lại” thời gian gần đây. Bởi nó vấp phải nhiều chỉ trích lười biếng, liều lĩnh và là một sản phẩm vô hồn. Nhưng nói đi cũng cần nhìn lại, hầu hết đó là góc nhìn của những thế hệ từng quá yêu bản hoạt hình trước đó.

The Lion King 2019: Câu chuyện hay nào cũng cần được kể lại

1. Kể từ khi Alice In Wonderland (2010) với sự tham gia của Johnny Depp ra mắt, Disney đã bị cuốn vào một xu hướng suốt cả thập kỷ qua: phục dựng lại những tác phẩm hoạt hình kinh điển dưới dạng “live action” (tạm dịch là “người thật việc thật”). Thế nhưng, phải đến năm 2017, xu hướng này mới thực sự bùng nổ và trở thành cơn lốc càn quét màn ảnh rộng.

Disney dùng một từ hợp lý hơn để nói về xu hướng này: “reimagination” (tái tưởng tượng), bởi rất nhiều năm qua kể từ khi mới thành lập, thứ Disney chinh phục khán giả, khiến họ choáng ngợp mà vẫn đong đầy xúc cảm chính là trí tưởng tượng.

Mang đến cho Disney một câu chuyện cổ tích như Bạch Tuyết, Lọ Lem, một câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm như Cậu Bé Rừng Xanh… các họa sĩ của hãng sẽ mang đến cho nhân vật diện mạo, tính cách, phục trang, cách đi đứng, nói năng sống động như người thật. Sự sáng tạo này kinh điển đến mức một khi hình tượng nhân vật đã được tung ra thì khó lòng thay đổi dấu ấn trong lòng người hâm mộ bởi nó đã ăn quá sâu vào tiềm thức của người xem.

Đó chính là lý do vì sao vai diễn Nàng Tiên Cá khi được giao cho cô gái đầy tài năng Halle Bailey gây tranh cãi liên hồi. Bởi ký ức của khán giả, Nàng Tiên Cá da trắng, mắt xanh, tóc đỏ và chính Disney đã vẽ nên hình tượng này. Đó chính là lý do vì sao khi Disney cắt vai diễn được cho là song tính của tướng quân Li Shang khỏi Mulan 2019, đã làm dấy lên làn sóng giận dữ.

2. Ở góc độ sáng tạo, phim thương hiệu đã và đang tạo nên cơn sốt lười biếng lan rộng khắp Hollywood. Hết siêu anh hùng đến các câu chuyện cũ được bới móc đem ra kể lại. Disney không nằm ngoài quy luật đó dù mang tiếng “tự cắn đuôi mình”. Hãy thử ngó qua những đánh giá của giới phê bình dành cho Dumbo, Aladdin hay The Lion King. Số điểm chỉ vừa ngót trên trung bình. Có vẻ, các nhà phê bình (và phần đông khán giả) bảo lưu quan điểm, với sự phồn thịnh hiện tại (sau cuộc thâu tóm hãng Fox, thị phần phim ảnh của Disney chiếm 60% toàn cầu), và sắp sửa trình làng hệ thống chiếu phim trực tuyến Disney+ vào cuối năm nay thì Disney nên dồn của cải, sức sáng tạo để đầu tư cho những sản phẩm mới mẻ.

Tuy nhiên, khách quan hơn mà nói, ký ức của một/nhiều thế hệ không thể là ký ức của lớp trẻ đang sống. Đây chính là lý do thuyết phục nhất thôi thúc Disney kể lại những câu chuyện cũ, thay vì đóng khung, lộng kiếng những gì đã có. Nếu có dịp ngồi nhìn lại những sản phẩm trước đây của Disney, khán giả sẽ nhận ra sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong hành trình gần 30 năm qua.

Điển hình như chú chó Scud trong Câu chuyện đồ chơi – bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên trên thế giới. Tại thời điểm phim ra đời, đó là bước ngoặt lớn của nền công nghiệp điện ảnh dù khi đó, Disney vẫn chưa có cách nào khiến những cọng lông trên cơ thể con vật trở nên sống động. The Lion King mà trước đó nữa là Jungle Book cho thấy sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm phim nhờ ứng dụng công nghệ CGI, giúp nhà làm phim hiện thực hóa câu chuyện kinh điển ở mức độ chân thực nhất và sát với thực tế nhất về mặt hình ảnh ngang ngửa một phim tài liệu trên Discovery Channel.

Tất nhiên, phiên bản live-action cũng đã lược đi nhiều chi tiết về hình ảnh, nội dung cũng như bổ sung một vài điểm mới lạ cho phù hợp với hoàn cảnh của thời đại. Sự thay đổi để thích nghi là điều khó tránh khỏi. Nhưng giá trị về mặt cảm xúc và ý nghĩa của câu chuyện vẫn vẹn nguyên. Phần còn lại nằm ở chính người xem, có mở lòng tiếp nhận cái mới hay không mà thôi!

Trailer The Lion King 2019: