Ghen để giữ chồng hay để đẩy chồng đi xa

0
564

Ghen tuông chính là con đường ngắn nhất đẩy người đàn ông của mình vào vòng tay người khác. Là phụ nữ thông minh, hãy học cách hành xử lý trí…

Mới chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến Nhung phải rùng mình kinh hãi. Không biết tự bao giờ con người lại có những chiêu ghen tuông đầy bạo lực và kinh hoàng đến vậy. Có thể một số chị em sẽ được hả giận trong chốc lát, nhưng hậu quả để lại cho những người trong cuộc thật chẳng thể hàn gắn.

Chắc hẳn chẳng ai lên tiếng ủng hộ cho những kẻ ngoại tình chen chân vào hạnh phúc của người khác, gieo rắc nỗi lo gia đình đổ vỡ, vợ chồng chia ly, con cái bơ vơ, hoảng hốt. Có câu rằng: “Có yêu thì mới ghen!”. Nhưng ghen thế nào cho đúng, vừa thể hiện được phẩm giá của người phụ nữ, vừa quyết định việc giữ được chồng hay đẩy anh ấy ra xa hơn thì cần suy xét cho kỹ.

Nhung chợt nhớ tới lá thư của hoàng hậu Nam Phương gửi Lý Lệ Hà, bóng hồng một thời của vua Bảo Đại Biết rõ mối quan hệ thắm thiết của chồng mình với cô Lý, hoàng hậu với tâm thái của một “người chị” đã viết một bức thư gửi “em Hà” mà hơn 50 năm sau Lý Lệ Hà vẫn còn lưu giữ:

Chân dung Nam Phương Hoàng Hậu. (Ảnh: Public Domain )

 

“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.

Bức thư trên được nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang (Phan Kim Thịnh) trích dẫn từ hồi ức của Ngọc Giao và in lại trong cuốn Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn (NXB Đà Nẵng 2004).

Dường như hoàng hậu Nam Phương thấu hiểu nỗi đau của một ông vua mất nước phải cố tìm quên với những bóng hồng. Vậy nên lá thư không chút oán giận, không chút hờn ghen và nhất mực dung dị. Hoàng hậu Nam Phương chỉ giữ lại nỗi buồn man mác trên khuôn mặt, trong ánh mắt và nơi thẳm sâu tâm hồn mình.

Hoàng hậu biết chẳng thể giữ chân được người chồng “phẫn chí” khi sinh ra chẳng “hợp thời” như cựu hoàng Bảo Đại. Lá thư như một minh chứng về phẩm chất nhẫn nhịn, chịu đựng và luôn nghĩ cho người khác của người phụ nữ quyền quý nhất Việt Nam.

Ngẫm đến những vụ đánh ghen, thậm chí “mạnh tay” thời nay của các bậc “phu nhân” với “tình địch” mới thấy, những giáo dưỡng theo văn hóa truyền thống và niềm tin tín ngưỡng sâu đậm có vai trò thiết yếu như thế nào. Nó đã giúp một phu nhân ở vị trí tôn quý và quyền thế nhất của một quốc gia lại có thể hành xử vị tha và nhân văn như vậy. Chính điều này cũng khiến hình ảnh hoàng hậu Nam Phương (hương thơm xứ Nam) đẹp mãi trong lòng người Việt như chính danh hiệu của bà vậy. Phải chăng, khôi phục nền giáo dưỡng truyền thống là điều chúng ta thực sự nên làm?

Nhung thiết nghĩ:

“Đánh ghen”, “làm nhục kẻ ngoại tình” có thể giúp một số chị em hả giận trong chốc lát, nhưng bát nước đổ đi chẳng thể vớt lại cho đầy, gương vỡ dẫu ghép lại cũng chẳng thể vẹn nguyên.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Dẫu rằng người khác làm mình tổn thương đấy, nhưng nếu đáp trả lại bằng cách làm tương tự thì há chẳng phải ta cũng đều giống với họ hay sao. Hơn nữa “oan oan tương báo”, duyên nợ kiếp trước đời này biết bao giờ mới trả xong.

Tình cảm vợ chồng là thứ cảm xúc chẳng thể gượng ép. Nếu còn muốn níu giữ người chồng ở lại để gia đình được vẹn nguyên thì chi bằng hãy bao dung và hành xử một cách khéo léo hơn. Hãy chừa lại cho những người lầm đường lạc lối một cái thang có thể bước xuống và trở lại mái ấm gia đình. Khi ấy chắc hẳn họ sẽ rất cảm kích và muốn bù đắp cho người phụ nữ của mình. Như câu chuyện tình nổi tiếng giữa nàng Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như.

Trác Văn Quân vò võ đợi chồng trở về mà bóng người đâu mãi chẳng thấy. Nàng hiểu rằng chồng mình vì xa mặt mà cách lòng, các bóng hồng khác lại ngày đêm kề cận nên khó tránh khỏi lầm đường lạc lối. Nàng đã cầm bút thảo một mạch và gửi lại bức thư tới kinh thành. Nàng đã dùng từ khéo léo, vận dụng một cách tài tình câu chữ trong bức thư Tương Như gửi. Tài hoa và những lời thơ thổn thức đã đánh thức tình yêu của người chồng từng một thời lầm lạc:

“Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang,

Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng,

Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn,

Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người,

Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời,

Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai,

Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi,

Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn,

Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi,

Tháng hai gió gảy tiếng rã rời.

Ôi chàng, chàng ơi,

Nguyện cho được sau một kiếp,

Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai”.

Tranh vẽ nàng Trác Văn Quân say mê tiếng đàn của Tư Mã Tương Như và nguyện đi theo chàng đến chân trời góc bể. (Ảnh: Sohu)

Sau khi đọc những dòng thư đẫm lệ ấy, Tương Như vô cùng xúc động và xấu hổ. Nghĩ về tình nghĩa phu thê, ông không khỏi khâm phục người vợ tài sắc của mình và thấu hiểu hơn nỗi lòng của người phương xa. Nếu Văn Quân cũng dùng những lời lẽ đay nghiến, trách móc, có lẽ Tương Như mãi mãi chẳng khi nào trở về với nàng.

Lẽ nào các chị em phụ nữ lại vì những giây phút bốc đồng, ghen tuông thái quá mà tự biến mình từ vị trí “người bị tổn thương” thành “người gây tổn thương” cho người khác? Thậm chí họ còn có khả năng bị “tố cáo ngược” vì tội xâm phạm thân thể và nhân phẩm của người khác.

Dẫu những chuyện đó không xảy ra thì lòng tự trọng của người đàn ông cũng đã bị bóc đi trần trụi trước bàn dân thiên hạ. Cái hố đen ngăn cách và ác cảm đối với người vợ “chanh chua” của mình liệu có còn khiến tình cảm hai người trở lại mặn nồng được như xưa?

Nhung chợt nhớ tới câu chuyện tình tay ba nhói lòng, cảm thương cho kiếp người ngắn ngủi lại lắm cái mê

Chuyện kể rằng đôi tình nhân yêu nhau từ thuở thanh mai trúc mã, rồi hai người thành hôn. Nhưng được vẻn vẹn 3 năm thì cô gái gặp một người đàn ông khác và bước theo tiếng gọi tình yêu, bỏ lại chàng trai một mình bơ vơ, lẻ bóng. Chàng trai ngày đêm thương nhớ và dằn vặt bản thân đến thân xác tàn tạ.

Lần nọ lão hòa thượng có dịp đi qua ngôi nhà nhỏ ấy, nhìn thấy khuôn mặt sầu não của chàng trai ông mới ân cần hỏi han sự tình. Chàng trai ngậm ngùi, thổn thức kể về người vợ của mình. Lão hòa thượng trầm ngâm lắng nghe hết câu chuyện. Ông chợt thở dài lẩm nhẩm: “Duyên phận! Thực là duyên phận!”.

Chàng trai không hiểu bèn thỉnh giáo lão hòa thượng. Lão hòa thượng mới kể lại rằng: “Ngày xưa có một cô gái gặp cảnh loạn lạc phải tha hương nơi đất khách, vừa đói vừa mệt, cuối cùng nàng cũng nằm xuống với đất mẹ. Một người đàn ông đi qua, nhìn thấy thi thể cô, chợt xót thương cho số phận nữ nhi bất hạnh, đã cởi chiếc áo của mình đắp lên thi thể cô gái, rồi vội vàng rảo bước rời đi.

(Ảnh minh hoạ: Epochtimes.com)

Vài ngày sau một người đàn ông khác cũng bất chợt đi qua con đường ấy. Nhìn thấy thân xác cô gái thì động lòng thương xót, cậu bèn nán lại tìm nơi chôn cất cho cô gái được yên nghỉ rồi mới tiếp tục lên đường. Kiếp này ba người ấy lại gặp nhau. Cô gái ấy chính là vợ của cậu trong kiếp này. Người đắp chiếc áo lên thi thể của cô gái chính là cậu, nên nhân duyên của hai người mới chỉ kéo dài trong 3 năm ngắn ngủi. Người chôn cất cô ấy chính là cậu thanh niên kia, người cô ấy đi theo đến tận bây giờ”.

Chàng trai chợt hiểu rõ sự tình đời trước, kiếp này. Hóa ra là vậy! Nếu không được lão hòa thượng chỉ giáo, chắc hẳn chàng trai cứ mãi ôm nỗi oán hận với người vợ phụ tình.

Từ xưa đã có câu: “Tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”.

Nếu chỉ xét sự tình trong một kiếp người ngắn ngủi, sao có thể biết được thật giả, đúng sai. Đã chẳng thể biết được đâu mới là thực, đâu chỉ là diễn hóa để con người trả nợ ân tình cho nhau, thì chí ít cứ giữ lấy tấm lòng lương thiện. Bởi lẽ “Người lành trời dành phúc cho”. Nếu là thiện duyên thì cứ hạnh phúc mà đón nhận. Nếu là ác duyên thì trả lại cho người, dùng thiện niệm mà hóa giải, thì cuộc sống mới được bình yên, thanh thản.

Đỗ Uyên