Trang chủ Giải trí 8 sự kiện kỳ dị trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

8 sự kiện kỳ dị trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

0
475
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một trong bốn tác phẩm cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc, kể về câu chuyện quần hùng tranh bá giữa ba nước Ngụy, Thục và Ngô với nội dung hấp dẫn, nhân vật đa dạng. Trong truyện có rất nhiều tình tiết kỳ lạ, người thời nay phần lớn đều coi là hư cấu. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 8 sự kiện kỳ lạ ấy.

 

Ảnh: Tổng hợp
 

Lời thề độc của Tôn Kiên ứng nghiệm

Khi các nước chư hầu liên minh với nhau để thảo phạt Đổng Trác, đội quân của Tôn Kiên làm tiên phong tấn công vào hoàng cung. Họ tìm được một xác chết nữ ở trong một cái giếng cạn và tìm được ngọc tỷ trên người của cô ấy. Tôn Kiên thấy bảo vật hiếm có, liền chiếm làm của riêng, sau đó nói dối là mình bị bệnh, muốn rút khỏi liên minh thảo phạt. Minh chủ Viên Thiệu ngay từ đầu đã nhận được tình báo nên bắt Tôn Kiên giao ngọc tỷ ra. Tôn Kiên không chịu thừa nhận là mình đã lấy được ngọc tỷ và thề rằng nếu thật sự mình có giấu ngọc tỷ thì sẽ chết không toàn thây, không ngờ sau này lời thề độc này đã ứng nghiệm.

Trong trận chiến vây đánh quân Lưu Biểu ở Tương Dương, soái kỳ của đội quân Tôn Kiên không hiểu vì sao lại tự nhiên bị gãy, mọi người đều nói đây là điềm báo không may mắn, chủ soái sẽ gặp chuyện không may. Quả đúng như vậy, sau đó Tôn Kiên bị trúng mai phục, bị loạn tiễn bắn xuyên người, lại bị vô số tảng đá đập nát đầu, chết thảm ở trong núi, lúc đó Tôn Kiên chỉ mới 37 tuổi.

Đổng Trác làm việc ác bị trời trừng phạt

Tư Đồ Vương Doãn bày kế ám sát Đổng Trác, phái người dụ ông vào kinh. Trong chuyến đi này của Đổng Trác có tổng cộng 5 lần xảy ra điềm báo không tốt lành. Thứ nhất, khi xuất phát, mẹ của Đổng Trác thấy trong lòng hoảng sợ, đứng ngồi không yên. Thứ hai, trên đường đi, chiếc xe bị rơi mất bánh xe, dây cương ngựa bị đứt. Thứ ba, trên đường đi thời tiết biến đổi, trời đất âm u, đất đá bay tứ tung làm cản trở hành trình. Thứ tư, bên ngoài thành Trường An có bài đồng dao “Thiên lý thảo, hà thanh thanh, thập nhất bốc, bất đắc sinh” như một lời cảnh báo. Thứ năm, bên ngoài cung, có một đạo sĩ mặc áo đạo sĩ màu xanh tay cầm bút viết lên tấm tràng phan chữ “Lã”.

Tuy nhiên, tất cả những dấu hiệu lạ lùng này đều không làm cho Đổng Trác chú ý, cuối cùng ông đã bị giết chết. Sau đó, thuộc hạ của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ đưa quân tấn công Trường An, chuẩn bị lấy lại xác của Đổng Trác để mai táng, ai ngờ đột nhiên có mưa bão, sét đánh nát quan tài của Đổng Trác. Lúc nhập liệm an táng lần nữa thì cũng gặp chuyện tương tự như vậy. Sau vài lần liên tiếp như vậy, thi thể của Đổng Trác đã bị sét đánh tan tành không còn một mẩu nào nguyên vẹn. Có lẽ, Đổng Trác đã làm quá nhiều chuyện xấu xa độc ác nên bị ông Trời trừng phạt ghê gớm như thế.

Tôn Sách giết oan đạo nhân bị báo ứng

Sau khi Tôn Kiên chết, con trai Tôn Sách trở thành người thừa kế, lên nắm quyền ở Giang Đông. Có một năm nọ trời xảy ra hạn hán, không thu hoạch được một hạt thóc nào cả. Một hôm, Tôn Sách nhìn thấy một đám đông vây quanh đạo nhân Vu Cát để xem ông thi triển pháp thuật hô mưa gọi gió. Tôn Sách vốn nóng tính thô bạo nên cho rằng Vu Cát đang giả thần giả quỷ, mê hoặc lòng dân, liền ra bệnh bắt giữ Vu Cát và không quan tâm đến sự phản đối của dân chúng, vẫn quyết định xử Vu Cát tội chết.

Sau đó, đêm nào Tôn Sách cũng mơ thấy ác mộng, nhìn thấy Vu Cát toàn thân đầy máu đang đứng ngay đầu giường của mình. Tôn Sách đêm nào cũng mơ ác mộng triền miên, dẫn đến tinh thần hốt hoảng, không thể quản lý chính sự được nữa. Tôn Sách đành phải nghe theo lời khuyên đi đến Ngọc Thanh Quán để thắp nhang, nào ngờ, lại nhìn thấy Vu Cát ở bên ngoài điện thờ. Tôn Sách vô cùng tức giận, rút kiếm ra chém, không ngờ người bị chém chết lại chính là tên lính đã hành hình Vu Cát trước đó, còn Vu Cát vẫn đang ngồi nghiêm trang trên nóc nhà. Tôn Sách lại càng thêm bực tức, liền ra lệnh thiêu hủy điện thờ trong Đạo quán.

Sau khi trở về cung, Tôn Sách rửa mặt soi gương, không ngờ gương sinh tà ma, trong gương hiện ra khuôn mặt của Vu Cát. Tôn Sách kinh hãi, ngã xuống dưới đất, cộng thêm vết thương cũ tái phát, cuối cùng đã chết, năm đó mới chỉ 26 tuổi.

Quan Công hiển linh

Sau khi Quan Vũ bị bị tiểu tướng Mã Trung của Đông Ngô giết trong trận chiến tại Mạch Thành, ông không cam lòng, hồn phách  chưa tan. Ông thường xuyên cưỡi con ngựa Xích Thố bay lượn trên bầu trời, và hét lớn tiếng: “Trả đầu lại cho ta” khiến cho không khí tại nơi đó vô cùng căng thẳng.

Hồn phách của Quan Vũ còn từng nhập vào Lã Mông, khiến Lã Mông phát điên trong bữa tiệc, đứng trước mặt văn võ bá quan, nắm lấy Tôn Quyền mà chửi mắng. Chửi mắng xong, mắt tai mũi miệng của Lã Mông chảy máu rồi chết ngay tại chỗ khiến những người có mặt vô cùng khiếp sợ. Sau đó, Quan Vũ còn báo mộng cho Lưu Bị, nói cho Lưu Bị biết tin mình đã bị giết hại. Về sau, khi hồn phách của Quan Vũ đi ngang qua Ngọc Tuyền, được những lời dạy của Phổ Tịnh pháp sự điểm hóa, thành tựu chính quả, phụng sự cho bá tánh, được bá tánh phong làm Thần, lập miếu thờ phụng.

                 Tranh vẽ Quan Vũ thời Càn Long (Nguồn: Wikipedia)

Gia Cát Lượng lễ đền thoát nạn

Để ổn định hậu phương nhà Thục, Gia Cát Lượng đích thân dẫn quân Nam chinh Mạnh Hoạch. Khi đại quân đi ngang qua Ngọc Long động, uống phải dòng suối độc, rất nhiều binh lính bị trúng độc,  tình thế đang vô cùng vô kịch. Gia Cát Lượng lúc này không nghĩ ra được kế sách gì, bèn trèo đèo lội suối tìm hiểu địa thế. Tình cờ, ông phát hiện được ngôi đền thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện trước đây từng bình định Nam Man.

Vì thái độ lễ bái thần linh của ông rất thành khẩn, sơn thần thổ địa cảm động, biến thành hình tướng con người để chỉ đường vẽ lối cho ông, giúp ông tìm ra cách phá giải. Vì thế, Khổng Minh không chỉ chữa khỏi bệnh cho các binh lính bị nhiễm bệnh, còn tìm ra nguồn nước sạch để uống, tạo cơ sở giành chiến thắng trong trận đánh cuối cùng.

Tháo rời đồng nhân tạo thành bi kịch

Tào Duệ mới lên đăng cơ chưa lâu đã mở rộng phòng ốc, cho xây dựng rất nhiều cung điện và vườn cây. Thiết kế dựa theo phong cảnh trong vườn và có ý đồ theo đuổi trường sinh bất lão, ông sai người đi vận chuyển một tượng đồng nhân khổng lồ trong thành Trường An vào trong cung.

Vì đồng nhân quá cao và nặng, nên không có cách nào di chuyển toàn bộ cơ thể của nó. Có người đề nghị nên tháo rời đồng nhân ra. Đồng nhân này được đúc vào triều đại của Hán Vũ Đế, trải qua nhiều năm đã có linh tính. Khi bị tháo rời, mắt của đồng nhân đột nhiên chảy nước. Tiếp theo gió lớn nổi lên, đồng nhân đột nhiên đổ xuống, tạo thành bi kịch khiến hàng trăm người vong mạng.

Gia Cát Khác tàn bạo bị giết hại

Thái phó Gia Cát Khác của nước Ngô sau khi bại trận bị thương quay về triều, trong lòng vô cùng buồn bực, đã lộ ra bản tính giả tạo và tàn bạo. Gia Cát Khác không chỉ hãm hại đồng liêu mà còn giết chết mấy chục binh lính giữ cổng, khiến lòng người hoang mang. Ngay đến tiểu hoàng đế Tôn Lượng do ông lập nên cũng muốn tiêu diệt ông. Thế là dưới sự kiến nghị của vài vị đại thần, Tôn Lượng chuẩn bị tru di Gia Cát Khác.

Đêm đó, Gia Cát Khác nằm mơ thấy oan hồn của mấy chục binh lính bị ông vô cớ giết hại đến đòi mạng. Buổi sáng khi thức dậy rửa mặt, ông ngửi thấy nước trong thau toàn là mùi tanh của máu. Trước khi ông đi ra khỏi nhà,  một con chó màu vàng trong nhà cắn vào quần của ông, kêu khóc như một đứa trẻ. Trên đường đi, phía trước xe đột nhiên hiện ra một luồng ánh sáng trắng lao thẳng lên trời. Cuối cùng ông bị giết chết. Sau khi chết, hồn phách của ông nhập vào người của một nha hoàn trong nhà để truyền tin cho người nhà, nhưng vẫn không thể tránh được kết cục cả nhà đều bị giết hại thê thảm.

Võ Hầu hiển linh bảo vệ bá tánh

Tướng quân Chung Hội của nước Ngụy đưa quân đi tấn công nước Thục, khi đi qua núi Định Quân đã dừng chân qua đêm tại đây. Cả đêm mọi người đều nghe thấy tiếng hô giết liên tục, nhưng lại không thấy quân địch đến tấn công, cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt cả đêm, các tướng sĩ đều không thể ngủ ngon giấc.

Ngày hôm sau, khi đang chuẩn bị hành quân, thì gió to nổi lên, thổi mù mịt trời đất, giống như có vô số binh mã đang đuổi giết phía sau. Quân Ngụy hoảng sợ tháo chạy, rất nhiều người vứt bỏ mũ giáp, còn khiến rất nhiều binh binh té ngã bị thương.

Chung Hội cảm thấy hoàn toàn bất lực. Sau đó có người khác mách bảo khuyên ông nên đi đến trước mộ của Gia Cát Lượng gần đó mà thành khẩn cúng bái thì mới mong được yên ổn. Đêm đến, Gia Cát Lượng nhập vào mộng, khuyên Chung Hội không nên lạm sát người vô tội. Chung Hội đã làm theo. Trong trận chiến sau đó, Chung Hội kiên trì sách lược không lạm sát bá tánh, cuối cùng đã hoàn toàn chiến thắng, tiến được vào đất Thục.

Theo Secret China/Châu Yến biên dịch