Trang chủ Đời sống Những mảnh đời ‘mỏng manh’ dạy cho ta điều gì?

Những mảnh đời ‘mỏng manh’ dạy cho ta điều gì?

0
560
Nhìn vào hoàn cảnh hiện tại, ta còn may mắn và đầy đủ hơn rất nhiều người đang lang thang, mưu sinh vất vả ngoài kia, nhưng cái ta còn thua họ chính là tinh thần lạc quan ở cuộc sống này. Chắc gì ta đã có nhiều niềm vui và hạnh phúc như họ…
Ảnh minh hoạ.
 

Hai câu chuyện dưới đây được kể lại và đăng tải trên mạng xã hội Facebook bởi chính những người sống ở Sài Gòn. Có thể bạn đã từng gặp những nhân vật này hoặc chưa, nhưng tôi tin rằng, những câu chuyện rất thật, rất đời ấy sẽ mang đến cho bạn những khoảnh khắc chiêm nghiệm rất sâu sắc…

Hai ông “bạn đời”

Hai ông là bạn nhau. Tôi là khách mua vé số mối của cả 2 ông. Cái ngã tư ven đường tàu này là nơi lý tưởng, gần nơi 2 ông trọ, có chỗ quen để giải quyết các vấn đề cá nhân.

Nhưng cả 2 không thể ngồi bán cùng nhau, vì thế, tùy ngày, tùy theo ai chân đau, ai mệt nhiều sẽ được nhường ngồi chỗ này bán. Người kia sẽ đi đến bán chỗ khác cách đó vài cây số.

Cứ chiều về, thì cả 2 ông lại ngồi đây, kề vai nhau rù rì, vé số đút trong túi. Tan ca rồi mà, hết giờ giơ tờ vé số vẫy vẫy rồi, giờ là lúc ngồi chơi, được chăng hay chớ. Ông mù cụt chân biết hút thuốc, ông thở hơi khói nhè nhẹ, giấu điếu thuốc phía sau lưng, sợ bạn mình chạm phải. Ông mù và điếc thì hay cười, bạn nói gì cũng vỗ đùi thích thú. Mà lạ, mình nói thiệt to ông mới nghe, bạn ông nói vừa phải ông đã nghe rồi.

Nếu bạn đứng gần 2 ông vào buổi chiều, có khi bạn sẽ nghe, “bả gọi cho tui luôn đó, bả nói…”, “thiệt hả, vui dữ vậy, rồi ông nói sao…”, “tui nói…”, rồi cười giòn tan nắng tắt, rồi vỗ đùi đêm lên. Nếu bạn nói nhỏ nhỏ, “còn vé số không ông già!”, ông mù cụt chân sẽ nói “còn chớ, còn chớ, bán vé số kìa ông ơi”, rồi móc vé số ra, bán giùm cho bạn mình.

Nếu bạn quen, ông sẽ hỏi “sao bữa nay đi chiều vậy?”, rồi ông mù điếc sẽ nói “trúng nghen, trúng đặc biệt á”, ông mù cụt chân nói “cha, trúng là mua xe hơi chạy sướng luôn”. Bạn đùa “tui chạy xe hơi thì đâu có dừng mua vé số cho 2 ông được”. Ông mù cụt chân sẽ truyền lại lời cho bạn ông, rồi cả 2 cùng cười, bạn văn ga khi tiếng thì thầm tiếp tục về một “bả” nào đó, một huyền nhiệm yêu mến và hạnh phúc.

Hạnh phúc, giống trưa nào, bạn thấy ông mù điếc ngồi ăn hộp cơm ngon, bạn mua cho ông tờ vé số, rồi nói to “cha, bữa nay ăn cơm gà đã quá ha ông già!”. Ông toe toét liền “có ông kia mới cho luôn á, ngon thiệt ngon luôn ông ơi!”.

Mấy tháng giãn cách, không thấy hai ông, lòng cũng lo lo, may niềm vui tiếp tục. Nay lại chớm lo cho 2 người ấy, những người hạnh phúc hiếm hoi mà tôi biết.

Mong dịch tan để mỗi chiều, 2 ông còn có thể ngồi cười với nhau, cười tan cả màn đêm vĩnh cửu trong mắt, tan những khiếm khuyết đời mình. Bao nhiêu thì đủ một niềm vui? Tôi không thể biết điều đó bằng 2 ông đâu, 2 ông già ơi!

Cậu bé khiếm thị bán đậu phộng

Tuấn năm nay 23 tuổi, bị khiếm thị từ nhỏ. Lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh, những tưởng cuộc đời cậu bé khiếm thị sẽ bình lặng trôi qua trong vòng tay gia đình. Nhưng rồi Tuấn cũng phải lặn lội vào đất Sài Gòn này bởi cái khát khao được đến trường, được đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em ăn học.
Ước mơ của Tuấn thỏa được một phần khi Tuấn được vào Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng không lâu sau đó, với nhiều lý do, Tuấn không thể tiếp tục con đường đã chọn.

Tá túc một phòng trọ ở quận 9 cùng bạn, bất kể ngày hay đêm, nếu có công việc phù hợp Tuấn đều xin làm kiếm tiền. Một phần để mưu sinh, một phần gửi về quê đỡ đần với cuộc sống khó khăn của cha mẹ và đứa em. Khiếm thị không dễ để tồn tại mãi một công việc gì đó, cuối cùng Tuấn chọn giỏ hàng rong là nghề mưu sinh của mình.

Sau nhiều điểm bán, cách đây gần một tháng Tuấn dừng chân ở góc ngã tư vòng xoay Phạm Văn Đồng – Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, Thủ Đức) để bán đậu phộng rang vào mỗi buổi tối.

Hàng ngày Tuấn mua đậu của người quen rồi nhờ bạn cùng phòng vô bịch, tối đến nhờ xe ôm giá rẻ chở đến góc ngã tư bán. Ngày nắng ráo sau khi trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt Tuấn cũng để dành được 100 đến 130 ngàn. So với những lao động bình thường, mức tích lũy này không lớn, nhưng với những người khuyết tật như Tuấn là một con số rất đáng kể.

21h30, không biết mấy ca Covid-19 vừa rồi có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt người dân hay không mà vòng xoay Linh Đông hôm nay dù vẫn còn được phủ một màu vàng rực từ những ánh đèn cao áp nhưng đã thưa thớt xe. Tuấn phải dọn đồ về dù còn hơn 8 bịch đậu.

Mua giúp cho Tuấn số đậu còn lại, 20 ngàn/ bịch, tôi không nghĩ mắc hay rẻ, ngon hay dở mà chỉ mong một điều: tối mai, tối mốt, bữa kia, bữa kìa… chỗ vòng xoay này đừng mưa để ai đó có thể ghé vô, mua giúp chàng trai khiếm thị một bịch đậu.

***

Người ta nói “Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo”, nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Con người ta sống trên đời, hạnh phúc hay khổ đau không phải do tiền bạc, vật chất quyết định mà chính sự an yên trong tâm hồn mới là điều đáng quý nhất.

Có nhiều người cuộc sống đủ đầy, tiền nhiều đến mức ăn mấy đời không hết, nhưng họ không thực sự biết hạnh phúc là gì, họ một đời tranh đấu ngược xuôi, trong mơ cũng lo lợi ích của mình bị tổn thất, cả thân lẫn tâm đều không có ngày nào nghỉ ngơi. Họ chọn sống giàu sang theo cách mệt mỏi nhất.

Còn có những người, như hai ông mù bán vé số trong câu chuyện trên vậy, ai nhìn vào cũng thấy họ thật đáng thương, nhưng kỳ thực, niềm vui của họ mới là trọn vẹn nhất, đủ đầy nhất. Họ có thể “cười tan cả màn đêm vĩnh cửu trong mắt, tan những khiếm khuyết đời mình”.

Cũng giống như Tuấn, chàng trai khiếm thị vẫn cần mẫn lao động, kiếm từng đồng tiền lẻ để gửi về quê cho cha mẹ và những đứa em. Dù số tiền 100 ngàn mỗi ngày chẳng đáng là bao nhưng cậu bé vẫn vui, vẫn hạnh phúc, vẫn mỉm cười đầy nghị lực mặc sóng gió cuộc đời.

Trần Phong