Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi thấy đáng thương những tâm hồn tật nguyền

0
362

Nhà thơ Phan Hoàng vừa trúng cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, được phân công phụ trách website của Hội, một diễn đàn văn học quan trọng.

 

Đồng thời anh còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khóa VII đang tham gia tổ chức Đại hội VIII của Hội sắp diễn ra ngày 14-15.01.2021 tới.

Nha tho Phan Hoang:Toi thay dang thuong nhung tam hon tat nguyen
Nhà thơ Phan Hoàng.

 

PV: Thưa nhà thơ Phan Hoàng, hiện điều gì làm anh bận tâm nhất?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Sức khỏe của mẹ già, gia đình tôi cùng việc đọc và viết.

PV: Anh đang viết…

– Tôi đang sửa chữa, hoàn thành 2 trường ca, một viết về biển đảo, một thể nghiệm dạng thơ phỏng vấn. Bên cạnh đó tôi còn bản thảo 2 tập thơ, 2 tập ký sự từ kết quả những chuyến đi hàng chục năm nay lên rừng ra hải đảo và cả ở nước ngoài. Trên bàn tôi cũng có 5 tập thơ 1-2-3 của các bạn thơ nhờ viết lời giới thiệu để xuất bản.

PV: Sự lan tỏa của thể thơ 1-2-3 chắc mang lại cho anh nhiều cảm hứng?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Đó là một phần công việc của tôi trên hành trình sáng tạo văn chương. Đi tìm một hình thức mới để thể hiện đã khó. Được đông đảo bạn thơ cộng hưởng sáng tác càng khó hơn. Tôi tin thơ 1-2-3 sẽ có một đời sống lâu bền ở phía trước.

PV: Vậy còn việc trúng cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mang lại cho anh điều gì?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Mang lại một hứng thú mới trong công việc và tạo động lực mới cho trang viết.

PV: Anh ý thức ra sao về vai trò người lãnh đạo?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Đối với người sáng tác điều cống hiến quan trọng là tác phẩm chứ không phải chức tước. Theo thời gian sẽ chẳng mấy ai nhớ các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Anh Đức,… từng là chủ tịch hay phó chủ tịch Hội Nhà văn nếu như các ông không có tác phẩm giá trị để lại.

Ngay cả nhà thơ Hữu Thỉnh đứng đầu Hội hơn 20 năm mới về hưu, tôi nghĩ vài năm nữa chẳng mấy ai còn nhớ ông từng là chủ tịch Hội mà may chăng họ nhớ ông với tư cách một nhà thơ tài năng.

PV: Vậy anh tham gia lãnh đạo Hội với tâm thế…

Nhà thơ Phan Hoàng: – Tâm thế của một người yêu say đắm văn chương và mong muốn góp phần hỗ trợ, tạo thêm động lực, cảm hứng cho đồng nghiệp sáng tác, nhất là bạn viết trẻ. Không gì thích thú bằng mỗi ngày được đọc một bài thơ hay, một truyện ngắn hay và đắm chìm trong một cuốn sách hấp dẫn từ trang đầu tới trang cuối.

PV: Được biết anh còn là người nhiệt tình hoạt động xã hội từ thiện, vận động làm đường, phục dựng chùa cổ, tặng quà học sinh nghèo hiếu học…

Nhà thơ Phan Hoàng: – Đó cũng là niềm vui đời thường. Có những đồng nghiệp còn làm tốt hơn tôi nhiều. Như nhà thơ Lâm Xuân Thi với Quỹ Tình thơ giúp đỡ đồng nghiệp hàng tỉ đồng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hỗ trợ cả du học sinh nghèo. Nhà thơ Nguyễn Quyến lặng lẽ tài trợ cho nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ý nghĩa. Nhà thơ Lê Thị Kim luôn mở lòng với bao số phận.

Các bạn văn trẻ hơn cũng có những việc làm thiết thực, như nhà văn Trần Nhã Thụy với chương trình chuyến xe Tết cho bà con nghèo. Các nhà thơ Nguyên Trân, Phạm Phương Lan… có nhiều chuyến thiện nguyện vùng sâu vùng xa.

Đặc biệt, vừa qua nhà văn Phương Huyền cùng nhóm bạn vận động hơn 1,8 tỉ đồng giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt và còn viết sách, bán sách làm công tác thiện nguyện. Nhìn xa hơn, tấm lòng bạn văn trên cả nước luôn rộng mở trong tình thương yêu đồng bào.

PV: Trở lại với công tác chuyên môn, việc anh được phân công phụ trách website Hội Nhà văn Việt Nam đang tiến hành đến đâu?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Mọi việc mới khởi động. Tôi đang cùng các kỹ thuật viên thiết kế lại giao diện, chuyên mục và mời các nhà văn có uy tín tham gia Hội đồng Biên tập, vận động và tính toán lại kinh phí sao cho phù hợp, trình phương án lên Thường trực Hội xét duyệt, để sau Tết Nguyên đán có thể thực sự đi vào hoạt động có hiệu quả. Từ website tôi cũng đang nghĩ về việc phối hợp hỗ trợ tổ chức các cuộc thi văn học Tây Nguyên và Nam Bộ sao cho hiệu quả nhất ở hai vùng đất đặc biệt nhưng còn những khoảng trống này.

PV: Còn trang Văn Học Sài Gòn chắc anh sẽ bàn giao người khác phụ trách?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Đây là trang của một nhóm văn nghệ sĩ, trí thức TPHCM với mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho văn học, văn hóa thành phố và cả nước. Tôi chủ trì nhưng bên cạnh có nhiều bạn tài năng và tâm huyết như nhà văn Trần Nhã Thụy, PGS-TS Bùi Thanh Truyền,… đều có khả năng điều hành, cùng sự hỗ trợ của Trương Anh Quốc, Nguyên Trân, Phạm Phương Lan, Chu Quang Mạnh Thắng, Nguyễn Phong Việt, Hà Thanh Vân, Doãn Minh Trịnh, và sự cộng tác của nhiều cây bút tên tuổi khắp cả nước. Hy vọng sẽ có bạn thay tôi gánh vác công việc chính.

PV: Anh có dự định tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ mới?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Không. Ngay từ đầu chuẩn bị đại hội cách đây mấy tháng tôi đã xin rút, nhưng qua những lần thăm dò, cả hội nghị nhà văn đảng viên, tôi đều được phiếu cao, nên vẫn còn trong danh sách cuối cùng trình ra đại hội. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên ý định ban đầu là xin rút để các đồng nghiệp khác tham gia xây dựng Hội, nhất là các bạn trẻ tài năng, uy tín và nhiệt huyết.

PV: Nếu như không trúng cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thì anh có rút…

Nhà thơ Phan Hoàng: – Dù hoàn cảnh nào tôi cũng xin rút. Mười năm tham gia 2 khóa lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM là quá đủ, thậm chí hơi lâu. Dù không có lương hay phụ cấp nhưng công việc đôi lúc khá bộn bề, phức tạp, còn phải bỏ tiền túi ra làm nhưng đôi lúc lại chuốc lấy điều tiếng không hay.

PV: Ngẫm lại anh thấy trong 10 năm ấy thế nào?

Nhà thơ Phan Hoàng: – Vui nhiều mà buồn cũng không ít. Điều quan trọng là mình làm được gì có ích cho hội viên. Bênh cạnh việc xây dựng website, góp phần liên kết với các trường đại học và đổi mới công tác tổ chức các hoạt động Hội… thì điều tôi vui nhất là mang lại động lực và tạo điều kiện xuất hiện cho nhiều bạn viết trẻ, đề xuất sáng lập Giải thưởng Nhà văn trẻ, tổ chức thành công Hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM mở rộng toàn Nam Bộ lần đầu tiên.

Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn tất cả những đồng nghiệp đã ủng hộ tôi, đặc biệt là nhà văn Trần Nhã Thụy luôn sát cánh hỗ trợ để tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Hội Nhà văn TPHCM có nhiều người tài năng, uy tín, tử tế, trẻ khỏe có thể đảm đương các trọng trách. Còn những bậc cao tuổi, nhất là những người từng tham gia lãnh đạo Hội nhưng thiếu nhiệt tình lẫn năng lực, không có ích gì cho hội viên thì nên tự nguyện rút lui.

PV: Nếu không ngại thì anh có thể thổ lộ nỗi buồn phiền…

Nhà thơ Phan Hoàng: – Nhiều chuyện khó nói. Ngay khi tôi vừa trở thành Phó Chủ tịch Hội chưa đầy một tháng đã đối mặt với một cuộc “đấu tố” lật đổ kinh khủng, có thể viết thành tiểu thuyết, nhằm đưa người khác vào thay thế. Họp hành “khủng bố” tinh thần liên tục. Lúc đầu tôi hơi choáng vì chưa quen với không khí đấu đá này. Nhưng rồi thành quen, thấy buồn cười. Và từ đó hết kịch bản này đến kịch bản khác được dựng lên để hạ bệ tôi bằng đủ chiêu trò, từ vu khống, kiện cáo cho tới chửi bới trên mạng. Đến bây giờ cái đuôi ấy, dư âm ấy vẫn còn rơi rớt.

Tuy nhiên, phải nói rằng tôi cũng cảm ơn những người chống đối, hãm hại mình. Vì nhờ họ mà tôi biết rõ mình hơn, giữ mình hơn, bản lĩnh hơn trước sóng gió. Và cũng nhờ đó mà tôi có thời gian đắm chìm trong sáng tạo, các tác phẩm lần lượt được xuất bản, nhận giải thưởng, thể thơ 1-2-3 xuất hiện và trang Văn Học Sài Gòn được trình làng trở thành diễn đàn được nhiều đồng nghiệp và bạn đọc yêu quý.

Đôi lúc tôi còn tự hỏi: Phải chăng việc tôi được tín nhiệm vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng có công của những người ghen ghét giúp mình trưởng thành hơn?! Và lúc ấy trong tôi lại bừng lên cảm giác… đáng thương những tâm hồn tật nguyền!

Xin cảm ơn nhà thơ. Chúc anh luôn có được cảm giác nhân văn ấy!

Văn Nhân