Trang chủ Giải trí Hôn nhân là ‘giang hồ’ chứ không phải ‘bến cảng’

Hôn nhân là ‘giang hồ’ chứ không phải ‘bến cảng’

0
339
Hôn nhân được xây dựng bởi con người, nơi nào có con người thì có giang hồ, hôn nhân chính là “giang hồ”, không phải “bến cảng”…
Ảnh: Shutterstock

Nếu như tôi hỏi: Tại sao con người phải kết hôn?

Sẽ có rất nhiều người đưa ra câu trả lời rằng: Kết hôn là hy vọng để có thể tìm được một người ủng hộ lẫn nhau, làm bạn với nhau, cùng nhau sống hết cuộc đời.

Trong tưởng tượng ban đầu của mọi người, hôn nhân chính là tìm một người yêu thương mình, tìm một người có thể cho mình sự an ủi, ủng hộ, sự khẳng định và giúp đỡ.

Ý nghĩa lớn nhất của hôn nhân chính là mở rộng biên giới của bản thân, bởi vì có được một người bạn đời, cuộc đời chúng ta dường như có được sự nương tựa nào đó.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, hoặc có thể nói là, không có ai may mắn như vậy cả, bởi vì trong hôn nhân của mỗi người đều sẽ phải trải qua sự cô đơn, bất lực và tuyệt vọng nào đó với những diện tích khác nhau ở trong những thời điểm khác nhau.

Sự bất lực đó chính là:

Bạn hy vọng anh ấy có thể thấu hiểu bạn, nhưng anh ấy lại luôn phủ nhận bạn.

Bạn hy vọng anh ấy có thể giúp đỡ bạn, nhưng anh ấy chỉ nhìn bạn một cách lạnh nhạt.

Bạn hy vọng anh ấy có thể ủng hộ bạn, nhưng anh ấy lại đang điều khiển bạn.

Bạn hy vọng anh ấy có thể đứng về phía bạn, nhưng anh ấy lại đứng vào vị trí đối lập với bạn.

Đến nỗi mà bạn sẽ không thể phân biệt được là anh ấy có thật sự là người bạn đời của bạn hay không? Hay anh ấy chỉ là một trò đùa của sự so sánh, hoặc là ‘gián điệp do kẻ thù phái đến’?

Những người như vậy sẽ có một sự kỳ vọng rất lý tưởng vào hôn nhân: Cho rằng cuộc hôn nhân bình thường là phải như thế này, là phải như thế kia… Khi hôn nhân thực tế không diễn ra đúng với những gì được kỳ vọng, lúc đó họ sẽ cảm thấy sự cô độc và bất lực.

Ảnh: Shutterstock

Sự đau khổ trong hôn nhân bắt nguồn từ sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tế, sự khác biệt giữa nhận thức và thực tế. Thật ra, đây không chỉ là sự đau khổ trong hôn nhân, mà là sự đau khổ của số phận cuộc đời được sinh ra như vậy.

Trong hôn nhân có một điều rất căn bản, nhưng lại thường hay bị mọi người phớt lờ, và cũng không muốn chấp nhận, sự thật đầu tiên chính là:

Mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau là có giới hạn, có nhiều lúc vợ chồng chính là hai người xa lạ không có bất cứ sự liên quan nào.

Ở trong giới hạn này, cho dù sau khi kết hôn bạn và đối phương có thân mật như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng chỉ có thể tự mình đối diện với một số chuyện, đối phương không thể nào giúp bạn, và cũng sẽ không giúp bạn.

Có nhiều lúc vợ chồng chính là hai người hoàn toàn riêng biệt, đối phương và bạn là hai người ở trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau, không phải người trong cùng một cấp bậc, không phải người trong cùng một chiến hào.

Có nhiều lúc đối phương chính là một người xa lạ, một người không có liên quan gì đến bạn cả, một người nhìn thấy bạn vùng vẫy trong khó khăn nhưng không chút quan tâm.

Đây chính là sự độc lập cơ bản ở tầng đáy của hôn nhân.

Dù là vợ chồng cũng không thể nào luôn luôn sống chung, luôn luôn nhất quán và luôn là một tổng thể trong toàn bộ thời gian của cuộc đời và trong tất cả mọi chuyện của cuộc sống. Vợ chồng đôi lúc chính là hai cá thể hoàn toàn độc lập.

Vì vậy, bạn phải học cách chấp nhận một số bất lực trong hôn nhân.

Vào những lúc bạn cảm thấy bất lực, người bạn đời của bạn lại chỉ trơ mắt đứng nhìn, không giúp đỡ bạn bất cứ điều gì.

Khi đó bạn sẽ nghĩ đến việc ly hôn, bạn cho rằng thà cô đơn một mình không có sự giúp đỡ, còn dễ chịu hơn là kết hôn rồi mà phải nhìn thấy người bạn đời của mình không muốn giúp đỡ mình.

Đừng nghĩ rằng kết hôn rồi là sẽ có một người có thể chống đỡ hết mọi chuyện cho bạn, điều này không thực tế, mà chỉ cần đối phương có thể chống đỡ cho bạn một chút, đó đã là một cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Bạn cảm thấy bất lực, đó là vì bạn kháng cự lại sự thật như vậy. Bạn ảo tưởng rằng đối phương sẽ trở thành một tổng thể với mình, có thể biết hết mọi cảm xúc vui buồn nóng lạnh của bạn.

Vì vậy mỗi lần bạn cảm thấy bất lực, không có sự giúp đỡ, bạn đều cần phải đối mặt với bài học như vậy: Có nhiều lúc bạn chính là một người độc lập, không liên quan đến đối phương.

Bạn sẽ cho rằng: Anh ấy là người xa lạ cũng tốt, ít ra anh ấy sẽ không làm tổn thương tôi. Anh ta sẽ không yêu cầu tôi, đả kích tôi, phủ nhận tôi, cản trở tôi, kiểm soát tôi… Không giúp đỡ thì thôi, nhưng xin đừng làm vướng bận tôi!

Nhưng rất tiếc, bạn cần phải biết rằng, sự thật thứ hai không tốt đẹp gì trong hôn nhân chính là:

Hôn nhân là một sự kết hợp giữa hỗ trợ và tổn thương.

Đừng nghĩ rằng hôn nhân hoàn toàn chỉ có sự hỗ trợ lẫn nhau, mà hôn nhân đồng thời cũng là sự tổn thương lẫn nhau.

Nếu như về mặt tổng thể của hôn nhân mang lại sự ủng hộ nhiều hơn sự tổn thương, thì đó là một cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Đối phương không chỉ lạnh lùng đứng nhìn, có nhiều lúc còn gây thêm khó khăn cho bạn, đả kích bạn, trở thành chướng ngại của bạn, khiến bạn càng cảm thấy bất lực hơn.

Răng và lưỡi trong cùng một cái miệng vốn dĩ là một tổng thể, trong lúc phối hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau có thể phát huy được tác dụng lớn nhất, nhưng giữa chúng cũng thường xuyên có sự va chạm và xung đột, không nhường nhịn nhau, thậm chí còn “cắn vào nhau” đến răng và lưỡi mà còn như vậy thì nói gì là hai con người trong cùng một gia đình chứ!

Tuy rằng chúng ta khao khát những điều tốt đẹp, nhưng bạn cần phải chấp nhận rằng thế giới này không tồn tại sự tốt đẹp tuyệt đối.

Hoa thơm thường mọc lên từ trong cỏ dại, hoa đẹp thường có gai, hoa có đẹp đến mấy thì vài ngày sau cũng sẽ tàn.

Trong đối tượng tốt đẹp, luôn tồn tại cái xấu.

Bạn ảo tưởng người bạn đời trong hôn nhân của mình là một người hoàn hảo bao nhiêu, thì bạn sẽ khó chấp nhận mặt xấu tệ của anh ta bấy nhiêu.

Bạn tận hưởng sự hỗ trợ và giúp đỡ của đối phương nhiều bao nhiêu, thì bạn phải gánh chịu được sự cản trợ và hạn chế mà anh ta mang lại cho bạn bấy nhiêu.

Tất cả những điều này đều là một bài tập mà bạn cần phải đối mặt.

Mọi người đều nói rằng: hôn nhân là một môi trường rèn luyện bản thân, những sự tổn thương mà hôn nhân mang đến chính là những cái mà bạn cần rèn luyện.

Hôn nhân được xây dựng bởi con người, nơi nào có con người thì có giang hồ, hôn nhân chính là “giang hồ”, không phải “bến cảng”.

Nơi nào có giang hồ thì sẽ có tình yêu và thù hận, vì vậy hôn nhân không chỉ có yêu mà còn có hận, bạn cần phải nhìn nhận hôn nhân một cách bao quát, chứ không phải cực đoan một chiều, không tốt thì xấu.

Đương nhiên là bạn không nhất thiết phải ở lại trong hôn nhân.

Nếu như hôn nhân chỉ toàn những điều không tốt, thì bạn đã bỏ đi lâu rồi.

Nếu như bạn cảm thấy đối phương giúp bạn chống đỡ một chút là không đáng, những lợi ích anh ta cho bạn là quá ít, mà cái giá phải trả cho sự duy trì là quá lớn, rủi ro bị tổn thương là quá cao, thì bạn cũng có thể lựa chọn từ bỏ hôn nhân.

Nhưng nếu như bạn tiếp tục ở lại trong hôn nhân, vậy bạn nên bớt oán trách một chút, mà nên dành thời gian nhiều hơn cho những bài tập thuộc về bạn.

Ảnh: Shutterstock

Bạn cần phải biết là:

Hôn nhân không phải là nơi có thể hoàn toàn chống đỡ mọi thứ cho bạn, đối phương có thể chống đỡ một chút cho bạn, đó chính là một cuộc hôn nhân tốt.

Hôn nhân không phải là nơi có thể hoàn toàn hỗ trợ bạn, sự hỗ trợ mà đối phương mang đến cho bạn nhiều hơn sự tổn thương, đó chính là một cuộc hôn nhân tốt.

Những phần mà hôn nhân không thể nào khiến bạn thõa mạn chính là những cái cần bạn tự mình đối mặt.

Những chỗ mà hôn nhân không thể giải cứu được bạn, chính là những chỗ cần bạn học tập từng bước một, từng chút một để tự mình hoàn thành.

Trong hôn nhân sẽ có sự cô đơn, bất lực, tuyệt vọng, đó chính là khoảng trống để bạn trưởng thành.

Dù sao hôn nhân cũng chính là trò chơi của hai con người trưởng thành, chứ không phải trẻ sơ sinh còn quấn trong khăn tã, sẽ không ai chăm sóc bạn một cách hoàn hảo đâu.

Cuộc hôn nhân hoàn hảo không những không tồn tại, mà còn trở thành cái cớ để bạn trốn tránh thực tế, mất đi quyết tâm và năng lực khi đối diện với khó khăn, thử thách.

Từ bỏ suy nghĩ lý tưởng về hôn nhân mới là sự khởi đầu giúp bạn giải thoát.

Từ bỏ quá nhiều hy vọng gửi gắm vào người khác, mới là sự khởi đầu để bạn trở thành chính mình.

Tổng hợp