Trang chủ Giải trí NSND Trần Hạnh: 8 tuổi đã mồ côi, thời trẻ đóng giày...

NSND Trần Hạnh: 8 tuổi đã mồ côi, thời trẻ đóng giày thuê, ngót chục năm chăm vợ liệt

0
615
Nghệ sĩ nhân dân Trần Hạnh vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2h50 sáng 4/3 tại nhà riêng ở Hà Nội. Gương mặt hiền lành, khắc khổ, phúc hậu của người nghệ sĩ ấy đã để lại niềm thương tiếc, xót xa trong trái tim bao người.
NSND Trần Hạnh (ảnh: ST).

Vất vả từ tấm bé

Theo thông tin từ Báo Tiền Phong, Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, nhưng mồ côi cha từ năm lên 8 tuổi. Hoàn cảnh gia đình buộc chàng trai Trần Hạnh ngày ấy sớm tự lập, làm nghề đóng giầy thuê để giúp đỡ gia đình. Ông lập gia đình khá sớm khi mới 23 tuổi, tiếp tục làm nghề này cho tới năm 30 tuổi. Hai vợ chồng có cả thảy năm người con. Người con út bị tai nạn giao thông từ trẻ, sau này đều phải dựa vào người cha già, một người con gái khác cũng mất sớm. NSND Trần Hạnh tự nhận cuộc đời riêng cơ cực hơn phim ảnh.

Ông chăm sóc người vợ bị liệt suốt gần chục năm do tai biến, cho tới khi bà mất vào năm 2011. Sau khi nghỉ hưu, nghệ sĩ Trần Hạnh ngoài tham gia phim ảnh vẫn giúp đỡ con cái bán hàng mưu sinh ở phố Trần Quý Cáp. Niềm an ủi tuổi già của ông chính là có được người con dâu hết lòng chăm sóc bố.

Dù con cái mong bố được an hưởng tuổi già, nhưng NSND Trần Hạnh không chịu nghỉ ngơi. Ngoài những lúc được mời đi làm phim, tới 90 tuổi ông vẫn đỡ đần con cái trông nom cửa hàng nhỏ ở Trần Quý Cáp.

Cả cuộc đời vất vả đã nhiều, tuy nhiên, ông không cho mình là người bất hạnh. Theo VnExpress đưa tin, ở tuổi gần 90, khi được hỏi: “Tên ông là Trần Hạnh. Theo ông, hạnh này là hạnh phúc hay bất hạnh?”, Trần Hạnh cười tươi: “Hạnh phúc. Tôi được như ngày hôm nay là mừng lắm rồi”.

Có thể có người cho rằng đấy chỉ là câu trả lời “cực chẳng đã” cuả nghệ sĩ Trần Hạnh mà thôi; nhưng biết đâu ông lại thực sự cảm thấy niềm hạnh phúc mà không nhiều người cảm nhận được? Ông sống cuộc đời giản dị, không đòi hỏi quá nhiều, hài lòng với những gì đã nhận. Cổ nhân dạy “Biết đủ thường vui”; những người sống trong giàu sang phú quý, vợ đẹp con sang, nhưng lòng tham không đáy thì có bao giờ thấy vui cho được? Vả lại, người ta vẫn nói “Cõi đời là cõi tạm”, một đời này vất vả là thế, đạm bạc là thế, nhưng lại có thể chăm nom người khác, cống hiến cho xã hội, thì sinh mệnh có thể đến một cảnh giới tốt đẹp hơn…

Đời cho làm anh đóng giày, nghề tìm ra nghệ sĩ tài năng

Những tưởng anh thợ đóng giày sẽ gắn bó lâu dài với nghề mưu sinh nuôi gia đình này, thế nhưng vào năm 30 tuổi ông được Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội thời bấy giờ quý mến và giới thiệu về Đoàn Kịch nói Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội). Từ thời trẻ, chàng thanh niên Trần Hạnh tham gia câu lạc bộ kịch cùng với những tên tuổi gạo cội của sân khấu như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng. Bạn bè được đào tạo chính quy nhưng riêng thanh niên Trần Hạnh vì hoàn cảnh riêng nên chỉ có thể đầu quân về Đoàn kịch nói Hà Nội để có lương cao nuôi vợ con.

Trong số hàng chục vở diễn sân khấu tham gia, nghệ sĩ Trần Hạnh có vai nổi bật trong “Lam sơn tụ nghĩa”. Ông vào vai Nguyễn Trãi, được đạo diễn khen ngợi và được ghi nhận ở Huy chương vàng sân khấu sau này. Trong cuộc phỏng vấn dịp nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân năm 2019, nghệ sĩ Trần Hạnh nhớ lại thời ấy vở diễn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, diễn viên có khi ngày diễn ba suất đến kiệt sức nhưng hạnh phúc vì được cổ vũ nhiệt tình.

Không được đào tạo bài bản, nhưng tài năng, tố chất của ông được các đạo diễn bậc thầy phát hiện và dìu dắt, đào tạo. Nghệ sĩ Trần Hạnh từng thấy mình may mắn được làm việc với các đạo diễn tài năng như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức…

Từ thời nghỉ sân khấu, NSND Trần Hạnh tham gia phim ảnh nhiều hơn. Ông tham gia hàng chục phim truyền hình, phần nhiều đều được mời vào vai khắc khổ, bất hạnh. Vai diễn có phần vận vào cuộc đời ông một phần là vậy. Trong số các vai diễn trên màn ảnh, không thể không nhắc tới vai bố An trong “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “Tướng về hưu”, ông Khiển trong “Người cầu may”, ông Lâm trong “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong “Hãy tha thứ cho em”.

Nhiều lần lỡ hẹn danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, mãi tới tuổi 90 ông mới được phong tặng. Nhưng ông không vì thế mà bất mãn. “Tôi hạnh phúc vì được phong tặng danh hiệu, nhưng đó không phải là mục đích làm nghề. Tôi đến với sân khấu vì tình yêu và đam mê. Mỗi khi được nhận vai, tôi đều cố gắng để không phụ lòng khán giả”, ông từng nói bên lề lễ trao tặng danh hiệu năm 2019.

Trải đủ thăng trầm trong cuộc đời, nghệ sĩ nhân dân Trần Hạnh có thể ngậm cười nơi chín suối. Ông từng nói không còn gì phải ân hận nữa. Sự cống hiến của NSND Trần Hạnh được khán giả và Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu và bằng tình cảm yêu mến dành cho ông.

Các nghệ sĩ và khán giả thương tiếc NSND Trần Hạnh

NSND Trần Hạnh qua đời lúc 2h50 sáng 4/3 tại nhà riêng ở Hà Nội. Tang lễ của ông do Nhà hát Kịch Hà Nội và gia đình phối hợp tổ chức, diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

Báo Lao Động Online đưa tin, rất nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ nỗi tiếc thương trước sự ra đi của NSND Trần Hạnh. Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ: “Cả một bầu trời tuổi thơ! Vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa NSND Trần Hạnh”.

Chia sẻ trước tin NSND Trần Hạnh qua đời, diễn viên Quốc Quân – người thể hiện vai Lân “Sứa” phim Người phán xử – nói: “Vĩnh biệt bố! Người nghệ sỹ nghèo và khắc khổ nhưng giàu lòng nhân ái nhất màn ảnh”. “Con yêu quý và kính trọng bố nhiều lắm bố biết không…” – diễn viên Quốc Quân nói tiếp và kết lại – “Bố Hạnh nghèo nhưng không hèn”. Nguồn: VTV.

 

NSƯT Chiều Xuân xúc động nhớ lại bộ phim “Người yêu đi lấy chồng” – bộ phim cô tham gia cùng với “bố Hạnh”: “Vẫn biết cõi đời là cõi tạm, bố Hạnh đã 92 tuổi rồi, nhưng nghe tin bố ra đi con không thể không nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi.

Chắc ở bên thế giới bên kia giờ này bố đã đoàn tụ cùng các cô chú và các anh các chị đi trước, chắc bố lại đang chuẩn bị cho một vai diễn mới của mình ở thế giới đó, dù ở thế giới nào cái nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố, cái nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, chia sẻ với con người với cuộc đời này.

Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao như con người bố Trần Hạnh vậy”.

Theo phản ánh của Báo Tiền Phong, trước thông tin người NSND Trần Hạnh qua đời, trên mạng xã hội, nhiều khán giả cũng bày tỏ sự xót xa và chia buồn cùng gia đình ông: “Lúc nhỏ nhìn ông là nghĩ ngay tới ông nội, đến lúc ông nội mất mỗi lần nhớ ông nội là xem phim của ông!”, “Bố của người vác tù và hàng tổng. Chuyên đóng các vai hiền lành, khổ hạnh, mỗi lần ông cười là đượm nét u buồn. Cảm ơn ông đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà, mong ông yên nghỉ!”…

Tổng hợp