Tác giả cuốn sách ‘Đi qua hai mùa dịch’: Đừng kỳ thị, có thể mai ta là F0

0
602

Lần dịch thứ tư, Covid-19 được ví von như cuộc chiến với những bóng ma. Không ai dám chắc bản thân chúng ta đang an toàn. Trong những ngày cả nước bước vào cuộc chiến lần 4 với Covid-19, Dy Khoa – một nhân viên y tế đồng thời là tác giả của cuốn sách “Đi qua hai mùa dịch”, chia sẻ về tinh thần chống dịch lạc quan nhưng không cực đoan.

 

Tác giả cuốn sách "Đi qua hai mùa dịch": Đừng kỳ thị, có thể mai ta là F0

 

Kỷ niệm một năm ngày giãn cách, lại… giãn cách 

Tròn một năm sau ngày cả nước thực hiện giãn cách toàn xã hội, chúng ta lại phải ra trận để chiến đấu và phòng thủ trước cuộc “xâm lăng” của Covid-19. Lần này mọi thứ trở nên khó khăn nhiều bề hơn so với trước. Chúng đã trở nên oái ăm hơn với nhiều biến thể có độc lực mạnh hơn, khả năng phát tán cao hơn (qua cả không khí).

Chúng ta cùng trải qua 3 đợt dịch (hay nhiều người nói theo tựa sách của tôi, đi qua 3 mùa dịch) với nhiều tỉnh thành được gọi tên trên cả nước: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Nẵng… Tất cả rồi cũng sẽ qua thôi. Giờ này thì đến TP HCM (Sài Gòn) được gọi tên mấy ngày nay.

Đúng một năm trước, tôi cũng tản bộ phố Sài Gòn trước một thời khắc hiếm có: Giãn cách quy mô lớn. Và năm nay, Sài Gòn bước vào đợt giãn cách “cực chẳng đã” (mượn ý phát biểu của Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh) để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Sài Gòn năm nay đã khác năm ngoái. Năm trước, mọi người giãn cách trong tâm thế nhẹ nhàng vì “con cô vít còn ở đâu đâu” và khi đó tất cả có quyền nghĩ rằng sau đấy mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng năm nay, đợt giãn cách rơi vào tình huống bắt buộc bởi Chính phủ đã tuyên bố chống dịch quyết liệt nhưng giảm thiểu tối đa tiêu cực đến nền kinh tế. Người dân cũng đã thấm mệt sau cú đấm đá, thúc thụi mạnh bạo của Covid-19.

Năm ngoái dư lực kinh tế còn nhiều để có thể trở lại mạnh mẽ. Nhưng năm nay, tích lũy đã cạn kiệt nên thật sự khó khăn hơn rất nhiều. Thông tin này được biểu thị rất rõ trong báo cáo mua sắm trong những tháng qua. Người tiêu dùng dồn tiền mua những thứ thiết yếu, giảm rất nhiều cho mua sắm không cần thiết. Một ly trà sữa 80.000 đồng hay 50.000 đồng cũng được đưa lên bàn cân.

Năm nay tâm thế người Sài Gòn sẵn sàng hơn cho giãn cách vì đã có nhiều luồng ý kiến mong muốn điều này diễn ra sớm hơn. Nhưng không ít người vẫn hụt hẫng nhất là những người thu nhập thấp như buôn bán hàng rong. Họ có quyền thắc mắc những ngày tới ai sẽ mua hàng của mình.

Cần sự bao dung và vòng tay chào đón! 

Nhưng điều buồn nhất không phải tổn hại kinh tế mà cảm thấy bị tổn thương vì thái độ kỳ thị, phán xét không cần thiết; vượt khỏi yêu cầu chống dịch.

Trò chuyện về trải nghiệm với những đứa con trở về quê từ TP HCM trong mấy ngày nay là dễ hiểu nhất. Những người này đều không phải sống trong khu vực đang áp dụng chỉ thị 16.

“Từ Sài Gòn về à?”

“Ở Sài Gòn về làm gì?”

Mỗi người một hoàn cảnh. Chúng ta không nên phán xét về ai đó nếu chúng ta không có đủ thông tin về họ. Câu chuyện lần này cũng tương tự như vậy. Nhiều người lên tiếng trách cứ.

Sài Gòn mở mắt ra là biết bao nhiêu thứ tiền phải lo. Sinh viên nghèo làm việc tại các đơn vị kinh doanh không thiết yếu trở thành thất nghiệp đột ngột. Tiền đâu để xoay, tiền đâu để sống. Những câu nói ấy dẫu là vô tình thì cũng nhạy cảm, gây tổn thương. Thấu hiểu, chia sẻ và nghĩa đồng bào luôn là lối sống cao đẹp của người Việt Nam.

Nếu không trở về thì họ sẽ ở đâu giữa Sài Gòn rộng lớn. Họ trông ngóng ở quê hương sẽ dang tay chào đón trở về như mỗi khi sum vầy dịp Tết; quây quần và đầy tiếng cười. Thay những lời cay đắng kia, yêu thương nhau bằng lời động viên, chia sẻ, nhắc nhở nhau các biện pháp phòng dịch sẽ tốt hơn.

Đừng kỳ thị! 

SARS-CoV-2 với nhiều biến chủng đang cùng lưu hành tại Việt Nam, bên cạnh lây qua giọt bắn thì chúng ta cũng cần phòng chúng lây qua không khí. Chính yếu tố này làm gia tăng nguy cơ tất cả mọi người, kể cả bạn và tôi đều có thể trở thành F0. Tôi xin ví nó như những bóng ma vất vưởng, tìm nơi đậu, phát triển và tiếp tục phát tán trong điều kiện thích hợp.

Như đã chia sẻ trong “Đi qua hai mùa dịch”, ở thời điểm bị nhiễm virus cúm A/H1N1, tôi thấy bản thân may mắn khi không bị vướng phải điều tiếng kỳ thị. Tâm lý của tôi khi bước vào khu cách ly ban đầu cũng lo sợ và hoang mang vì không biết sức khoẻ mình ra sao, người thân mình bên ngoài thế nào. Tất cả chỉ có vậy!

Nhưng giờ đây, những bệnh nhân Covid-19 lại bị trách cứ, soi mói, thêu dệt những câu chuyện đời tư; thậm chí là quy chụp nguyên nhân người đó bị lây nhiễm. Hậu quả gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bệnh nhân điều trị cũng như người nhà của họ. Bóng ma ấy có thể đến bất thình lình.

Hãy tỉnh táo, bình tĩnh đặt bản thân vào câu chuyện của người đang mắc để bao dung, cảm thông, chia sẻ và động viên họ. Tôi nhớ thời điểm nam tiếp viên hàng không bị “ném đá” dữ dội do lơ là chống dịch. Hành vi sai của anh ấy thì ai cũng thừa nhận nhưng tôi thấy mừng vì còn rất nhiều người động viên. Là một người xa lạ nhưng tôi cũng đã gửi tin chúc sức khoẻ. Những cử chỉ như vậy nhỏ thôi nhưng chan chứa tình người hơn mấy lời miệt thị.

Đã có rất nhiều bài báo khoa học chỉ ra yếu tố tâm lý rất quan trọng trong quá trình điều trị. Chúng ta thường nghe bác sĩ bảo với người nhà “phụ thuộc vào ý chí của người bệnh”. Đừng biến mình thành một kẻ ngộ sát bất đắc dĩ bởi những lời nói mang theo nghìn nhát dao găm. Dẫu thế nào đi nữa, dịch đến chẳng ai muốn. Nhưng để nó qua nhanh cần sự đồng lòng.

Và mong rằng, chúng ta sẽ không phải đi qua thêm mùa dịch nào nữa. Chúng ta sẽ chiến thắng!

Tổng hợp