Trang chủ Giải trí Binh gia mạn đàm (3): Binh là cái đạo dối trá –...

Binh gia mạn đàm (3): Binh là cái đạo dối trá – Kế là trong thực có hư

0
685
Binh gia mạn đàm (3): Binh là cái đạo dối trá
Ảnh: Phim Tân Tam Quốc 2010.

Trong chương đầu tiên – ‘Thiên Kế’, Tôn Tử viết: “Binh là cái đạo dối trá”. Dối trá ở đây chính là đánh lừa đối phương, giỏi mà tỏ ra không giỏi, hoặc là lúc thất thế vẫn tỏ ra bình thản để đánh lừa quân địch… 

Sau khi Mã Tốc để mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng chỉ còn 2500 quân sĩ đóng ở huyện Tây Thành. Bỗng có thám mã phi về báo: “Tư Mã Ý dẫn mười lăm vạn đại quân kéo đến Tây Thành đông như kiến”…

Gia Cát Lượng dùng ‘không thành kế’ đẩy lùi 15 vạn quân Tư Mã Ý

Lại nói, lúc bấy giờ không còn viên đại tướng nào đi cùng với Khổng Minh cả. Mà trong số năm nghìn quân theo Khổng Minh thì đã chia một nửa cho việc vận lương về trước rồi, còn vỏn vẹn có hai nghìn rưỡi người ở trong thành. Các quan nghe tin ấy, ai nấy đều mất vía, ngẩn mặt ra nhìn nhau.

Bấy giờ, Khổng Minh mới bình tĩnh truyền cho các tướng rằng: “Quân sĩ đâu cứ giữ đấy, không được nhốn nháo; nếu ai dám thậm thọt ra vào, hoặc là nói năng to tiếng thì chém lập tức. Bốn cửa thành cứ việc mở toang ra, mỗi cửa cắt hai chục tên lính, ăn mặc giả làm cư dân quét tước dọn dẹp. Nếu quân Ngụy đến, không được kinh hãi gì, ta khắc có phép cư xử!”.

Lúc này Khổng Minh mặc áo cánh bạc, đội khăn lượt, đem hai tiểu đồng và cắp một cái đàn rồi bước lên lầu, sau đó… đốt hương gảy đàn.

Tiền quân Ngụy đến nơi, thấy vậy, không dám đến gần, vội báo với Tư Mã Ý. Ý cười, không tin, mới dừng quân lại, phi ngựa đến nhìn xem. Quả nhiên thấy Khổng Minh ngồi lầu, miệng cười tươi như hoa, đốt hương đánh đàn, bên trái có một đồng tử cầm bảo kiếm, bên phải có một đồng tử cầm phất trần đứng hầu hai bên. Ngoài cửa thành, vài chục dân phu, cúi đầu quét dọn, tựa như không có chuyện gì.

Ý xem xong, lấy làm nghi lắm, liền đến trung quân, sai đổi hậu quân làm tiền quân, nhằm đường Bắc Sơn rút chạy.

Nếu 2500 quân của Gia Cát Lượng mà đụng độ với 15 vạn quân của Tư Mã Ý (1 địch 60) thì không thể thắng nổi. Mà Gia Cát Lượng có chạy cũng chạy không kịp vì bên Tư Mã Ý là kỵ binh. Trong tình huống nguy cấp đó, Gia Cát Lượng điềm tĩnh đánh đàn, giống như ông đã chuẩn bị mọi thứ chu toàn. Còn Tư Mã Ý biết Gia Cát Lượng dùng binh xưa nay cẩn thận, sợ tấn công sẽ gặp mai phục nên đành rút lui.

Ở đây Gia Cát Lượng hiểu tâm lý của Tư Mã Ý đồng thời bình tĩnh như ‘ủ kế trong lòng’, thực lực không đủ nhưng vẫn biểu thị mình có năng lực đẩy lùi 15 vạn quân địch.

Lưu Bang bị quân Hung Nô vây khốn ở núi Bạch Đăng

Nếu ‘không thành kế’ là ‘không thể mà tỏ ra có thể’ thì câu chuyện quân Hung Nô bao vây Hán Cao Tổ ở núi Bạch Đăng là ngược lại. Quân phương bắc ‘có năng lực mà tỏ ra bất năng’.

Hán Cao Tổ – Lưu Bang sau khi khai quốc, ông phong 7 người khác họ làm vương, trong đó có một người là Hàn vương Tín (Hàn vương tên Tín).

Vì Hàn vương Tín năng lực rất mạnh, Lưu Bang sợ ông ấy uy hiếp nên đã điều ông lên phía bắc – vốn là địa bàn của Hung Nô. Kết quả Hàn vương Tín bắt đầu qua lại, sau này đầu hàng tộc người phương bắc này.

Hán Cao Tổ tức giận, tự mình dẫn 32 vạn đại quân đánh Hung Nô, đồng thời phái mười mấy người đi thu thập thông tin tình báo.

Những trinh sát lần lượt trở về đều nói với Hán Cao Tổ rằng: “Sức tấn công của quân Hung Nô rất yếu, quân đội đều là người già cả bệnh tật, ngựa thì gầy nhom, chúng ta hễ đánh là thắng”. Thế là Lưu Bang cho đại quân xuất phát.

Trinh sát cuối cùng là Lâu Kính trở về nói với Hán Cao Tổ rằng: “Những người trước đó nói đều không sai, quân Hung Nô đều già yếu bệnh tật, ngựa ốm nhom, nhưng họ đang trêu đùa chúng ta. Nếu họ có có thực lực, họ dám đùa chúng ta không? Khẳng định họ đang cất giấu ngựa khoẻ, tinh binh! Đó là họ giỏi mà tỏ ra không giỏi. Ngàn vạn lần xin Hoàng Thượng đừng đi”.

Lúc này đại quân đã xuất phát, nếu dừng lại sẽ không còn mặt mũi và làm rối loạn lòng quân. Do đó Hán Cao Tổ bèn nhốt Lâu Kính lại. Kết quả quân Hán bị vây khốn ở núi Bạch Đăng. Khi ấy quân Lưu Bang 32 vạn, còn quân Hung Nô đến… 40 vạn. Hán Cao Tổ phải phái người đến thuyết phục vợ của Thiền vu Hung Nô, nhờ bà tác động nên phía Hung Nô mới chịu rút quân.

Quân Hung Nô khi đó dùng kế ‘có khả năng mà tỏ ra bất năng’ để dẫn dụ quân Hán. Họ đủ thực lực để đánh bại quân của Lưu Bang, nhưng lại đóng giả bộ dạng vô cùng yếu nhược. Vì đánh giá sai tình hình đối phương nên quân của Hán Cao Tổ bị vây và đói ăn trong 7 ngày. Cũng may là khí số của ông chưa tận nên còn có thể bảo toàn mạng sống, đồng thời kịp rút ra bài học.

Nhưng có người không kịp rút ra bài học thì đã bị hàng vạn mũi tên bắn chết. Đó chính là danh tướng Bàng Quyên của nước Nguỵ thời Chiến Quốc.

Tôn Tẫn giảm bếp dụ quân Ngụy, Bàng Quyên bại vong ở Mã Lăng

Năm đó chủ soái Bàng Quyên của nước Nguỵ đánh nước Hàn rất thuận lợi, thế thắng như chẻ tre. Khi sắp hạ được nước Hàn thì đột nhiên nghe nói nước Tề đến phá đám. Bàng Quyên bèn rút quân khỏi nước Hàn mà truy đuổi quân Tề.

Cảnh Bàng Quyên ở Mã Lăng đạo trong phim “Chiến Quốc” (ảnh chụp màn hình Youtube).

 

Lúc này Tôn Tẫn lại dùng một kế sách rất thú vị, độc đáo. Đó chính là kế ‘giảm bếp’ để Bàng Quyên đánh giá sai số lượng quân Tề.

Khi Bàng Quyên truy kích, ông căn cứ theo số lượng bếp mà ước định số lượng binh sĩ nước Tề. Ngày thứ nhất căn cứ theo số lượng bếp mà quân Tề để lại, Bàng Quyên ước đoán quân Tề có mười vạn. Ngày thứ hai số lượng bếp giảm, Bàng Quyên ước đoán quân Tề còn lại năm vạn. Đến ngày thứ ba ông ước đoán còn ba vạn.

Bàng Quyên lúc đó đắc ý nói: “Ta biết quân Tề không dám đánh chúng ta, nên trong ba ngày mà quân lính đã đào thoát quá nửa”. Thế là Bàng Quyên lãnh kỵ binh ngày đêm truy đuổi quân Tề. Vì khinh địch nên không cảnh giác, Bàng Quyên đã từ từ bị dẫn đến Mã Lăng đạo (đường Mã Lăng).

Tôn Tẫn trước đó đã tính toán xong hết rồi. Khi đến Mã Lăng đạo, Bàng Quyên bị quân của Tôn Tẫn phục kích rồi trúng tên mà chết.

(Còn tiếp…)

Tổng hợp