Trang chủ Đời sống Tháp Eiffel: Từ một tòa tháp tạm thời trở thành điểm tham...

Tháp Eiffel: Từ một tòa tháp tạm thời trở thành điểm tham quan nổi tiếng thế giới

0
243
Với lịch sử hơn 130 năm, tháp Eiffel ở Paris ngày nay đã trở thành biểu tượng của Paris và nước Pháp, đồng thời đây cũng là một trong những địa danh nổi tiếng nhất thế giới. Nếu hôm nay có ai đó đề xuất phá bỏ tháp Eiffel thì e rằng người đó sẽ bị người dân trên toàn thế giới phản đối, nhưng hơn trăm năm trước, tòa tháp xinh đẹp này gần như đã bị phá bỏ. Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra nó chỉ tồn tại trong 20 năm, may thay toà tháp đã có được sự sắp đặt khác của số phận, chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện về tháp Eiffel ở Paris.
Tháp Eiffel (Ảnh: Shutterstock)

Phần đầu của vấn đề phải bắt đầu với Triển lãm Thế giới Paris năm 1889 (còn được gọi là Triển lãm Quốc tế Paris). Hơn một trăm năm trước, Paris vốn đã là một thủ đô thịnh vượng trên thế giới, lúc này Châu Âu đang trong thời kỳ tương đối yên bình, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, công nghiệp và công nghệ, văn hóa, nghệ thuật và lối sống của người Châu Âu đều đã trưởng thành trong thời kỳ này.

Năm 1889, thành phố Paris của Pháp đăng cai tổ chức Triển lãm Thế giới lần thứ 5, đồng thời nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, ban tổ chức quyết định xây dựng tòa tháp cao 300m để kỷ niệm sự kiện này.

Thiết kế độc đáo của kỹ sư nổi tiếng Gustave Eiffel nổi bật giữa nhiều đề xuất: một tháp sắt có đế hình vuông, cạnh 125 mét và cao 300 mét. Đặc điểm của thiết kế này là sắt được sử dụng làm nguyên liệu thô thay vì đá, vừa chắc vừa nhẹ hơn đá, có thể tránh được sức nặng của chính công trình. Trước đây, vật liệu duy nhất có thể chịu được trọng tải lớn của các tòa nhà cao tầng là đá, chủ yếu là đá granit, loại đá được biết đến với độ bền cao. Tuy nhiên, sau khi bước vào thời đại công nghiệp thì mọi thứ đã thay đổi, với sự hiểu biết và quen thuộc của con người với chất liệu sắt thì nó đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn trong xây dựng.

Quá trình xây dựng tháp Eiffel mất khoảng 2 năm, tổng cộng 7.300 tấn sắt và 60 tấn sơn đã được sử dụng, tất cả các thành phần đều được sản xuất và lắp ráp trước tại một nhà máy cách công trường không xa.

Chỉ mất 5 tháng để hoàn thành phần móng và 21 tháng để hoàn thành việc lắp ráp các bộ phận kim loại của tháp sắt, mọi quy trình và bộ phận đều chính xác và hoàn hảo, đánh giá về trình độ kỹ thuật lúc bấy giờ thì tiến độ của dự án nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc. Mặc dù có một số sự chậm trễ trong quá trình xây dựng do tranh chấp quyền và lợi ích của công nhân xây dựng, nhưng tòa tháp cuối cùng đã được hoàn thành trước ngày dự kiến. Toà tháp được đặt theo tên của người tạo ra nó và gọi là Tháp Eiffel.

Vào thời điểm đó, tháp Eiffel là tháp cao nhất thế giới, thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến thủ đô nước Pháp để chiêm ngưỡng kiệt tác kiến ​​trúc này. Trong Triển lãm Thế giới Paris năm 1889, 1.953.122 khách du lịch đã đến tham quan Tháp Eiffel, trung bình gần 12.000 lượt mỗi ngày. Lúc đó chưa có máy bay, từ trên tháp cao này, người ta ngạc nhiên thích thú khi nhìn thấy toàn cảnh Paris.

Tháp Eiffel được sử dụng cho mục đích khoa học (Ảnh: Shutterstock)

 

Trong số rất nhiều du khách, có rất nhiều người nổi tiếng từ mọi tầng lớp xã hội. Tháp Eiffel đã thu hút nữ diễn viên người Pháp Sarah Bernhardt, Hoàng tử xứ Wales (sau này là Vua Edward VII) và Công chúa xứ Wales, George I của Hy Lạp, Vua Ba Tư và Hoàng tử Baudouin,…

Tuy nhiên, tháp Eiffel cũng bị chỉ trích rất nhiều, nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới văn học và nghệ thuật đã công khai đưa ra những lời buộc tội gay gắt vì họ không thể chấp nhận được thiết kế có vẻ quá táo bạo này vào thời điểm đó, trực tiếp chỉ trích nó là vô giá trị bằng những từ như “xấu xí”, “thô tục” và “kinh tởm”.

Kỹ sư Gustave Eiffel đã nhanh chóng đáp trả những ‘công kích’ này. Ông nhấn mạnh giá trị của toà tháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xây dựng, đồng thời hứa rằng tháp Eiffel sẽ được sử dụng để quan sát và thí nghiệm trong thiên văn học, khí tượng học và vật lý học, đồng thời nó cũng có thể được sử dụng như một ăng-ten.

Với tư cách là người thiết kế tháp Eiffel, kỹ sư Gustave Eiffel đã được cấp đặc quyền vận hành tháp Eiffel trong 20 năm. Tháp được vận hành bởi Gustave Eiffel đến ngày 31 tháng 12 năm 1909, sau đó tháp sẽ thuộc sở hữu của chủ đất là chính quyền thành phố Paris, theo theo kế hoạch, nó sẽ bị phá bỏ giống như nhiều tượng đài khác được xây dựng cho triển lãm Thế giới Paris.

Nhưng kỹ sư Gustave Eiffel không có ý định đó, người kỹ sư đầy tham vọng muốn biến kiệt tác của mình trở thành biểu tượng vĩnh viễn cho sức mạnh công nghiệp của Pháp. Kể từ khi tháp được xây dựng, ông đã cố gắng kết nối nó với nghiên cứu khoa học, ông đã cho phép thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm khác nhau tại tháp Eiffel, bao gồm các trạm thời tiết, thử nghiệm chụp ảnh từ xa và nghiên cứu khí động học.

Sau đó, ông quay sang quân đội Pháp và đề xuất rằng một trong những tầng cao nhất của tháp nên được quân đội sử dụng cho hệ thống điện tín không dây đang thịnh hành vào thời điểm đó. Quân đội đã sẵn sàng chấp nhận đề xuất này và sử dụng ăng-ten của tháp Eiffel để thiết lập liên lạc thành trì ở phía đông. Với sự cố gắng của Gustave Eiffel thời gian vận hành tháp đã được gia hạn đến năm 1915, với điều kiện là tiền thuê tài chính trả cho thành phố Paris phải tăng lên.

Ngay sau đó, những nỗ lực của Gustave Eiffel cuối cùng đã được đền đáp. Năm 1909, quân đội bắt đầu quan tâm đến công nghệ truyền thông tin không dây và gây áp lực lên chính phủ để giữ lại tháp Eiffel, công trình có giá trị sử dụng vô hạn trong lĩnh vực này. Mặc dù các thử nghiệm vào thời điểm đó không hoàn toàn thuyết phục, nhưng theo yêu cầu quân sự và các ví dụ khác về ứng dụng dân sự, vào năm 1910, các nhà chức trách đã gia hạn nhượng quyền vận hành tháp cho Gustave Eiffel thêm 70 năm nữa.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914, tháp Eiffel được chính phủ trưng dụng cho mục đích điện báo và đóng vai trò chủ chốt trong việc giám sát quân địch. Gustave Eiffel qua đời trong mãn nguyện vào năm 1923.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, du lịch thế giới bùng nổ, lượng du khách đến tháp Eiffel tăng đột biến. Trong suốt 57 năm từ năm 1889 đến 1946, điểm du lịch chỉ đón hơn 18 triệu lượt khách, sau chiến tranh, từ năm 1947 đến năm 2004, số lượng du khách đã tăng lên 198 triệu lượt, gấp khoảng 11 lần so với trước đó.

Và khi chính quyền thành phố Paris tiếp quản tháp Eiffel vào năm 1980, tháp Eiffel đã củng cố vị thế của mình ở Pháp cũng như trên thế giới, không ai nói về việc phá bỏ nó, và cũng không ai nói nó xấu xí. Ngày nay, nơi đây đón gần 7 triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm, là đài tưởng niệm có thu phí được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới và được công nhận là một trong những địa điểm tham quan đẹp nhất thế giới.

Tổng hợp