Thời cổ đại, vì sao quần thần gọi Hoàng đế là “Bệ hạ”?

0
709

Trong rất nhiều phim điện ảnh truyền hình về lịch sử, chúng ta thường thấy các đại thần khi gặp Hoàng đế đều xưng là “Bệ hạ”. Vậy từ “Bệ hạ” đã trở thành tôn xưng của Hoàng đế như thế nào?

Xưng vị của các Hoàng đế thời cổ đại là rất nhiều, ví như Hoàng đế tự xưng mình là “quả nhân”, “trẫm”, các phi tần, đại thần xưng Hoàng đế là “Hoàng thượng”, “Vạn tuế gia”… Từ ý nghĩa bề mặt của chữ có thể thấy, những xưng vị này đều có hàm nghĩa thể hiện sự tôn sùng kính sợ, cầu phúc chúc tụng.

Còn về chữ “Bệ hạ”, trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận có nói: “Bệ, thăng cao giai dã. Tùng phụ, bỉ thanh”, ý nói, “Bệ” là bậc cấp đi lên cao. Trong từ điển Hán ngữ hiện đại giải thích về chữ “Bệ” đơn giản là bậc thềm, bậc thang trong cung điện. “Bệ hạ” là phía dưới của bậc thềm.

 “Bệ hạ” đã trở thành tôn xưng của Hoàng đế như thế nào?
Ảnh: PD.

Thời cổ đại, chữ “Bệ” ra đời sớm nhất quả thật là để chỉ bậc thang từ phía bên dưới đi lên đỉnh đài. “Bệ” có thể được làm bằng đất, có khi bằng gỗ với rất nhiều kiểu dáng từ đơn giản đến uốn lượn cầu kỳ. Vào thời cổ đại cũng chỉ có Vua hoặc Chư hầu mới có tư cách xây dựng đài làm nơi ở của mình. Dần dần, “Bệ” trở thành bậc thềm trong cung điện của quân chủ.

Theo sử liệu ghi chép, Hoàng cung thời cổ được thiết kế tương đối kỹ lưỡng. Bảo toạ của Hoàng đế được đặt ở trên cao, từ dưới nhìn lên bảo tọa có một hệ thống bậc thềm. Những bậc thềm này được gọi là “bệ”. Để bảo vệ sự an toàn của Hoàng đế, các thị vệ được chia ra đứng ở hai bên bậc thềm. Lúc thiết triều, các đại thần đứng ở phía dưới. Khi các đại thần muốn dâng lời bẩm báo điều gì, không dám gọi trực tiếp thiên tử, cho nên gọi “Bệ hạ”, ý tứ là bản thân muốn nói với Hoàng thượng, nhờ thị vệ dưới bậc thềm chuyển lời. Qua đó cũng để biểu thị người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý (Hoàng thượng) để góp ý.

Điều này có thể tìm thấy trong các tư liệu lịch sử. Danh sĩ Thái Ung triều Đông Hán viết: “Gọi là bệ hạ, tức quần thần khi nói với thiên tử, không dám chỉ trích thiên tử, cho nên nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý”. Vì thế, “Bệ hạ” trở thành danh từ chỉ Hoàng đế, chỉ việc đại thần đợi ý chỉ dưới bệ, Hoàng đế ngồi ở trên bệ cao chờ người chuyển lời lên.

Có tư liệu lịch sử chỉ ra rằng “Bệ hạ” còn có ý nghĩa là tôn xưng của người hành xử hoàng quyền. Theo ghi chép trong Hán thư, triều Hán đời Nguyên Đế, Hoàng hậu Vương Chính Quân từng được quyền thần nhà Hán – Vương Mãng tôn xưng là “Bệ hạ”.

Ngoài từ “Bệ hạ” thì các từ như “Các hạ”, “Điện hạ”, “Tại hạ”, “Tất hạ”… cũng là có hàm ý chỉ sự tôn kính của người bề dưới đối với người bề trên như vậy.

Từ sau triều đại nhà Tần, từ “Bệ hạ” chuyên dùng để chỉ Hoàng đế đã được sử dụng một cách phổ biến. Như trong “Sử ký. Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, Tư Mã Thiên viết: “Từ thời thượng cổ không có ai uy đức bằng bệ hạ”. Từ bệ hạ ở đây là chỉ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Tổng hợp