Ngày càng có nhiều phim Việt được đầu tư, chăm chút từ bối cảnh thiên nhiên đến từng khung hình, góc quay… khiến người xem phải xuýt xoa vì mãn nhãn.
Gần đây, trước hiệu ứng khán giả dành thiện cảm cho những thước phim đẹp mắt như những bức ảnh nghệ thuật gắn liền với các địa danh nổi tiếng của đất nước trong các phim Cánh đồng bất tận, Thiên mệnh anh hùng, Những nụ hôn rực rỡ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh..., các ekip làm phim đổ xô tìm kiếm bối cảnh đẹp và lạ. Nhờ đó điện ảnh Việt đã và đang được nhận định là ngày càng có nhiều phim đẹp.
Có thể kể đến Cha cõng con có hình ảnh ấn tượng và tuyệt đẹp với cảnh núi rừng Hà Giang, Tuyên Quang ở những cú máy toàn cảnh con sông mùa lũ; những góc cận cảnh hoa sim tím trên đồi; bờ lau trắng phất phơ… Cho em gần anh thêm chút nữa có những cảnh đẹp đến nao lòng được thực hiện tại Tri Tôn và rừng tràm Trà Sư – An Giang với đồng quê trải dài mênh mông, những chiếc xuồng mộc mạc trôi trên những con sông hiền hòa nhuộm màu xanh mát mắt của bèo.
Và Cô gái đến từ hôm qua đang “ăn khách” ngoài rạp đã khiến khán giả xuýt xoa khi được ngắm những dãy nhà ba gian lợp ngói với khoảng sân xanh mướt cây cỏ nằm nép mình bên bờ kênh nước trong vắt; cánh đồng hoa mua, hoa sim trải dài ngút mắt; những con đường làng rợp bóng cây… ở miền đất Quảng Nam yên bình.
Những phim tuyệt đẹp khác là Tấm Cám: Chuyện chưa kể với non nước Ninh Bình thơ mộng và hùng vĩ, Đảo của dân ngụ cư với cảnh sắc Hội An vừa cổ kính, vừa khoáng đạt với biển trời mênh mông, Bao giờ có yêu nhau là những khung cảnh lung linh của Bàu Trắng (Phan Thiết)…
Trong các phim đang quay, Cô nàng ngổ ngáo sẽ có những bối cảnh mỹ miều ở Đà Nẵng, Mẹ chồng chọn Nha Trang với những ngôi biệt thự cổ bên bờ biển trải dài, Tim hằn vết sẹo quay tại ngôi làng cổ gần 100 tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội), Người bất tử là phim Việt đầu tiên ghi hình ở “Vương quốc hang động” Quảng Bình kỳ vĩ và bí ẩn…
Ngoài ra, khán giả cũng rất mãn nhãn trước những khung hình của phim Sắc đẹp ngàn cân, Em chưa 18, Nếu còn có ngày mai, Dạ cổ hoài lang, Yêu đi đừng sợ...
Trước đây, phim Việt thường chú trọng khâu diễn viên và diễn xuất, kế đến là kịch bản, còn hình ảnh chỉ là minh họa. Hiện nay, phim Việt ngày càng chịu sức ép cạnh tranh của phim ngoại nhập. Yếu tố sống còn buộc các nhà sản xuất phim Việt phải tăng sức cạnh tranh bằng cách đầu tư nâng cao chất lượng. Thị hiếu của khán giả cũng có nhiều thay đổi, yêu cầu phim phải chỉn chu hơn, ngoài kịch bản hấp dẫn, âm nhạc hay, bối cảnh đẹp cũng rất được xem trọng.
Trên thực tế, cảnh quay đẹp cũng đã trở thành lợi thế để quảng bá cho nhiều bộ phim, không kém gì dàn diễn viên. Vì khán giả cần nên không chỉ dựa vào cảnh thiên nhiên có sẵn, các nhà làm phim Việt còn chú trọng đến những khung hình, góc quay nhờ vào tài năng của đạo diễn hình ảnh, quay phim, tính toán của đạo diễn và cả phần kỹ thuật xử lý hậu kỳ phức tạp.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, trong phim Cô gái đến từ hôm qua, anh tập trung nhiều vào vẻ đẹp của Hội An, với mong muốn khán giả xem phim nhận thấy được cảnh đẹp đem lại cho họ cảm xúc về thời thanh xuân thông qua khung hình hợp lý…
Phim Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh ghi điểm tuyệt đối ở khâu hình ảnh, không chỉ khán giả mà giới chuyên môn cũng phải trầm trồ. Tác giả của những hình ảnh đẹp đó là NSND Lý Thái Dũng – người đã nhận được giải thưởng dành cho đạo diễn hình ảnh xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017.
Khi làm phim Bao giờ có yêu nhau, đạo diễn Dustin Nguyễn đã “chịu chơi” khi thuê hẳn 3 máy quay Red Dragon (trung bình 150 triệu đồng/máy/ngày) trong khoảng 2 tuần và còn kỳ công mời Garry Waller làm đạo diễn hình ảnh (DOP). Mấy năm nay, công nghệ flycam đã giúp rất nhiều bộ phim Việt có được những hình ảnh toàn cảnh trải rộng đẹp mê mẩn.
Có thể nói, khi phim Việt chọn lọc những bối cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã phần nào làm thỏa mãn tâm lý tìm cảnh sắc để du lịch qua màn ảnh của khán giả, hay nói cách khác là góp phần quảng bá cho ngành du lịch của đất nước.
Thế nhưng, ở không ít bộ phim, những khung hình đẹp chỉ dừng lại ở việc giới thiệu không gian địa lý. Chưa kể, quá nhiều cảnh đẹp trong phim sẽ khiến người xem quên bẵng câu chuyện phim muốn kể. Bởi trong một bộ phim, câu chuyện (tức kịch bản) là nội dung thì các cảnh quay là hình thức. Khi hình thức lấn át nội dung thì bộ phim sẽ khó thành công trọn vẹn.
Đã có nghịch lý là khá nhiều phim Việt được quay rất đẹp nhưng doanh thu vẫn kém và hầu như trôi tuột đi trong tâm trí khán giả. Liệu có phải việc tập trung vào cảnh quay đẹp là để phần nào khắc phục hiện trạng phim Việt đang thiếu nguồn kịch bản là những câu chuyện hay với cách kể mạch lạc, lôi cuốn, hấp dẫn, nhất là trong xu thế “đổ xô” mua kịch bản phim nước ngoài rồi “Việt hóa” như hiện nay?