Trang chủ Giải trí ‘Mối tình khuynh thành’ – Nữ nhân duy nhất khiến Hán Vũ...

‘Mối tình khuynh thành’ – Nữ nhân duy nhất khiến Hán Vũ Đế một đời vương vấn

0
318
“Lý mỹ nữ” đã trở thành truyền thuyết bất hủ vào thời nhà Hán, người đời sau ca tụng vẻ đẹp của người phụ nữ khuynh quốc khuynh thành. (Ảnh: một phần trong các bức tranh thời nhà Minh).

Một đời Hán Vũ Đế có rất nhiều nữ nhân, nhưng người khiến ông sống chết không thể nào quên lại chỉ có một, bà cũng là vị phi tần duy nhất tuy chưa từng làm Hoàng hậu, cũng không sinh ra Hoàng đế kế vị nhưng vẫn được truy phong thụy hiệu Hoàng hậu trong lịch sử nhà Hán.

Lý phu nhân nguyên là một ca kỹ nổi tiếng trong kinh thành. Theo Hán thư, Lý phu nhân người ở Trung Sơn, nay là Định Châu, tỉnh Hà Bắc, không rõ tên thật là gì, nhưng dã sử tương truyền cái tên Lý Nghiên, bà và anh trai là Lý Diên Niên đều hát hay múa giỏi. Về sau, Lý Diên Niên nhân phạm tội mà bị thiến, bị đưa vào cung nuôi chó, sau đó vì Diên Niên thông hiểu âm luật được Hán Vũ Đế tiếp kiến, ngày càng được Vũ Đế xem trọng.

Lý phu nhân nguyên là một ca kỹ nổi tiếng trong kinh thành, bà và anh trai Lý Diên Niên đều hát hay múa giỏi. (Tranh Hedazi, sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia)

Lý Diên Niên là một thiên tài âm nhạc, theo “Hán Thư – Ngoại Thích truyện”, mỗi khi Lý Diên Niên biểu diễn ca khúc mới do ông sáng tác, những người xung quanh không ai là không bị xúc động bởi thanh nhạc này.

Nguồn gốc điển tích “khuynh quốc khuynh thành”

Hoàng hậu Vệ Tử Phu được Vũ Đế sủng ái, song đến tuổi già thì sắc đẹp suy giảm. Hán Vũ Đế chuyển hướng sang nữ nhân, nhưng lòng không khỏi phiền não vì không tìm được mỹ nhân như ý. Lý Diên Niên lúc ấy đang phục vụ trong nội điện. Một ngày, Lý Diên Niên nghe thấy Hán Vũ Đế than rằng:“Trẫm lập điện Minh Quang, kén hai ngàn mỹ nhân ở vùng Yên Triệu. Nhỏ nhất 15 tuổi, quá 30 tuổi sa thải cho lấy chồng. Thế mà, trong chốn dịch đình có trên 10 ngàn mỹ nhân vẫn chưa thấy ai đẹp cho vừa lòng trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc đến vậy ư?”.

Vừa khéo, em gái của Lý Diên Niên là người có sắc đẹp tuyệt trần, thường ra vào hầu hạ Bình Dương công chúa. Một hôm, nhân dịp múa hát chầu Vũ Đế, Lý Diên Niên bèn biểu diễn tiết mục “Giai nhân khúc” mà mình mới sáng tác, hát rằng:

“Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc,
Giai nhân nan tái đắc”.

Nghĩa là:

Phương Bắc có mỹ nhân,
Vẻ đẹp tuyệt thế không ai sánh bằng.
Một cái nhìn làm ngả nghiêng thành quách,
Nhìn lại lần nữa làm đất nước suy vong.
Thà là không biết cái đẹp khuynh thành khuynh quốc,
Người đẹp như vậy khó lòng gặp đến hai lần.


“Bắc phương hữu giai nhân, Tuyệt thế nhi độc lập. 
(Bảo tàng Cung điện Quốc gia).

Hán Vũ Đế rất lấy làm thích thú, bèn hỏi: “Thế gian thật sự có người đẹp đến như thế chăng?”. Chị gái của Hán Vũ Đế là Bình Dương công chúa đáp lại: “Lý Diên Niên có người em gái đẹp tuyệt trần, là một người đẹp khuynh thành khuynh quốc như thế”.

Nhờ đó, Lý Diên Niên thông qua đàn ca, đã khéo léo tiến cử em gái của mình lên Vũ Đế.

Lý phu nhân quả thực là một bậc giai nhân tuyệt sắc, nàng có dung nhan kiều diễm, da trắng như ngọc, mặt đẹp như hoa, mắt phượng mày ngài, dáng vẻ thanh thoát uyển chuyển, suối tóc mây huyền với đôi mắt như hai vì sao lấp lánh. Nàng không chỉ đàn hay, múa giỏi mà còn có giọng hát tuyệt vời khiến nhà vua phải lập cả một nhạc phủ để biên soạn nhạc cho riêng nàng.

Bài ca “Giai nhân khúc” đã trở thành truyền kỳ bất hủ trong nhạc phủ triều Hán; người đời sau đã dùng từ “khuynh quốc khuynh thành” để khen ngợi vẻ đẹp trang nữ nhân tuyệt sắc.

Nữ nhân duy nhất khiến Hán Vũ Đế cả đời thương tiếc vương vấn 

Hán Vũ Đế sủng ái Lý phu nhân, không còn màng đến các phi tần trong hậu cung nữa. Sau khi Lý phu nhân vào cung không lâu thì hoài thai, hạ sinh được một hoàng tử, thụ phong là Xương Ấp Vương. Các huynh đệ của Lý phu nhân cũng nhờ đó mà một bước lên mây, cuộc đời bước sang trang mới. Có thể nói, trên đời khó có nữ nhân nào có được vận may như Lý phu nhân, âu cũng là nhờ duyên lành đưa tới.

Tiếc thay, tiệc vui chưa thấm đã tàn, cảnh đẹp trong đời trôi qua như mây khói. Lý phu nhân tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã sớm mắc phải trọng bệnh, khó bề cứu chữa. Hán Vũ Đế vừa đau lòng vừa thương tiếc, thường xuyên tới tận nơi thăm nom. Lý phu nhân dùng chăn che lấy mặt nói: “Thần thiếp bị bệnh đã lâu, dung mạo đã xấu xí, không còn như trước nên không muốn để hoàng thượng nhìn thấy. Tâm nguyện duy nhất của thần thiếp là giao phó người anh và em trai của mình cho hoàng thượng”.

Vũ Đế nói: “Phu nhân bệnh đã lâu, có thể đây là lần gặp cuối giữa trẫm và nàng”. Ý của Vũ Đế là muốn nhìn mặt Lý phu nhân lần cuối, tuy nhiên bà vẫn quyết từ chối, nói: “Phận nữ nhân mà dung mạo chưa trang điểm thì không được gặp quân phu, đây chính là lễ tiết”“.

Hán Vũ Đế không cam lòng, trước sau 3 lần yêu cầu được gặp mặt nhưng Lý phu nhân vẫn một lòng cự tuyệt, quay mặt vào trong mà khóc, cũng không nói thêm lời nào nữa. Hán Vũ Đế vừa giận vừa thương, cuối cùng cũng không thể cưỡng ép được bà.

Có người thấy vậy bèn hỏi Lý phu nhân: “Quý nhân trọng bệnh, tại sao lại không chịu gặp mặt hoàng thượng một lần, làm vậy chẳng phải đã phụ tấm lòng sủng ái của hoàng thượng hay sao? Tại sao phu nhân lại nhẫn tâm với hoàng thượng như vậy?”.

Lý phu nhân đáp: “Ta vì đau lòng, muốn hoàng thượng chiếu cô huynh đệ mình mà làm thế. Ta là người xuất thân hèn mọn, hôm nay được hoàng thượng sủng ái, đó hoàn toàn là nhờ vào dung mạo này. Bậc nữ nhi chỉ có thể dùng sắc đẹp để lấy lòng quân vương, một khi sắc đẹp không còn thì ái tình cũng theo đó mà phai mờ. Hiện nay ta thân mang trọng bệnh, dung mạo u mờ. Nếu như để hoàng thượng nhìn thấy, nhất định sẽ có ác cảm, sợ hãi, rồi chán ghét ta, sau này làm sao có thể thương nhớ ta mà thiện đãi với huynh đệ của ta nữa chứ?”.

Lý phu nhân cho tới phút cuối đời cũng không chịu để Hán Vũ Đế gặp mặt mình lần cuối. Sau khi Lý phu nhân qua đời, Hán Vũ Đế dùng nghi lễ như của hoàng hậu mà an táng cho bà. Từ khi bà chết, Hán Vũ Đế vẫn luôn nhớ đến dung mạo tuyệt mỹ ấy, vì thương nhớ đến Lý phu nhân mà phong thưởng, thiện đãi cho huynh đệ của bà.

Âm dương cách biệt, vẫn mong muốn được một lần gặp lại

Vì quá thương nhớ nên sau khi Lý phu nhân qua đời, Hán Vũ Đế tìm người làm lễ để chiêu hồn bà về. Khi làm lễ, pháp sư yêu cầu Hán Vũ Đế chỉ được phép đứng từ xa nói chuyện chứ không được lại gần, nếu không, dương khí của hoàng thượng sẽ làm cho vong hồn của Lý phu nhân tiêu tán.

Hán Vũ Đế nóng lòng mong đợi, đến đêm khuya vẫn không thấy vong hồn Lý phu nhân về. Tưởng rằng chiêu hồn đã thất bại thì đột nhiên có bóng hình một nữ nhân xuất hiện sau bức màn che, dáng người duyên dáng, yểu điệu, tư thái y hệt như Lý phu nhân khi còn sống. Hán Vũ Đế vui mừng khôn xiết, vội vàng bày tỏ nỗi lòng thương tiếc của mình, nhưng đổi lại chỉ có thể nghe thấy tiếng thở dài nhè nhẹ phía sau bức màn.

Cuối cùng, Hán Vũ Đế vì không kìm được lòng mình mà lao về phía trước, khắc khoải muốn được nhìn thấy mặt bà. Vong hồn Lý phu nhân phía sau bức màn thấy vậy kinh sợ, thoáng chốc liền biến mất không còn bóng dáng nữa.

Về sau, Hán Vũ Đế đã viết bài “Lý Phu Nhân Ca”:

“Thị tà? Phi tà? Lập nhi vọng chi. Phiên hà san san kì lai trì”.

(Đây là thật hay là hư ảo? Ta đứng đây vọng ngóng bóng nàng, cớ làm sao nàng chần chừ mới tới?).

Cũng vì điều này mà bà đã trở thành nữ nhân mà Hán Vũ Đế cả đời thương tiếc, cả đời không quên. Tương truyền bài “Thu Phong Từ” trong tập thơ trứ danh “Hán Nhạc Phủ” chính là sáng tác của Hán Vũ Đế vì nhớ thường bà mà viết nên.