Khánh Ly: Còn tuổi nào cho em

0
1440

Hơn 40 năm viễn xứ, Khánh Ly luôn nhớ về Quê hương luôn buộc mình với hình ảnh cây khế, giếng nuớc, luống rau sau nhà, mê mải với mắm, muối dưa cà, với nỗi hoài hương không bao giờ giấu giếm.

Khánh Ly chia sẻ: Qua những ca khúc, tản văn và những chuyến về lại quê hương Việt Nam tôi muốn chia sẻ với mọi người hoài bão dành cuộc đời còn lại của mình thực hiện thiện nguyện cùng bạn bè tri kỷ với những người ơn, khán – thính giả khắp mọi miền đã dành cho tôi tình yêu thương vô bờ bến trong thời gian qua. Tôi cho rằng đó là cách để mình đi tìm niềm vui và hạnh phúc.

Những câu thơ của ca sĩ Khánh Ly tuy mộc mạc, gần gũi và chân quê nhưng thể hiện khá đậm nét nỗi niềm, tình cảm của Khánh Ly dành cho quê hương, những con người Việt Nam Khánh Ly từng gặp, từng đến, từng làm việc. Khánh Ly tâm sự:

“Khi thời gian cuốn trôi đi tất cả hạnh phúc, khổ đau.

Khi tóc đã đổi màu, môi đã phai, chân đã mỏi

Như đưa ta trở về quá khứ tìm lại tuổi thanh xuân

Trái tim sẽ ấm lại những nhịp đập rộn ràng của tuổi xanh

Khi ta mới biết yêu và biết khóc nhau lần đầu

Trở về tuổi thơ như đưa ta sống thêm một lần nữa

Làm sao khi chân đã mỏi, tim đã yếu, mắt đã hoa

Lòng vẫn không tiếc nuối, không chạnh lòng và buồn”.

Khánh Ly có phải “người đàn bà thép”?

Khánh ly chia sẻ thêm: Hát và viết đều là cách trải lòng ra, với tôi chỉ có đầy, chưa bao giờ vơi và tôi mong ước được hát, được viết cho những người có một tấm lòng tử tế tôi đã gặp được trong suốt quãng đường dài tôi đã đi qua. Vẫn còn đó những ngộ nhận đầy ác ý, tàn nhẫn và bất nhân. Nhưng đó là cuộc đời, phải như thế không thể khác được. Vừa ra khỏi lòng mẹ mọi người đều khóc và tôi cũng không ngoại lệ.

Biết vui, biết buồn.

Biết giận hờn, cay đắng.

Biết xấu đẹp, sai trái.

Biết nuốt vào lòng những đớn đau, bất hạnh.

Biết mình hạnh phúc khi đón nhận những ân sung.

Bởi tôi biết mình không đáng nên luôn cố gắng hoàn thiện mình để những may mắn không rời bỏ. Tôi đã cố gắng lựa những hạt giống tốt để gieo trồng, hi vọng cây sẽ mọc tốt cho mình trái ngọt. Tôi là người rất may mắn vì đã được quá nhiều, tôi không nghĩ sự may mắn này đến với các con tôi không biết lúc đó tôi sẽ làm được gì để giúp chúng khi tôi đã đi đến cuối đường. Tốt hơn là cứ để chúng sống bình thường như mọi người bình thường. Đời sống sẽ ít gặp rủi ro. Ngày nào tôi còn, tôi sẽ là chỗ dựa cho các con tôi mãi mãi. Điều quan trọng với tôi là gia đình sau khi rời sân khấu. Gia tài cuối cùng của một người đàn bà chính là những đứa con. Chồng có thể bỏ mình vì một triệu lý do. Các con thì không.

Khánh Ly không có một tuổi thơ yên ấm

Khánh Ly bùi ngùi trải lòng: “Phải được sống thêm một lần nữa, trở về với thuở ấu thơ, một thời cút côi tội nghiệp cứ đeo đẳng mãi không rời. Tôi thèm khát vòng tay mẹ cha, chờ đợi một lời nói dịu dàng, một ánh mắt ấm áp, có phải chăng là những giấc mơ. Tôi không nghĩ vậy nhưng rõ ràng đối với tôi, một ước mơ bình thường đơn giản lại quá khó khăn đến nỗi sẽ là ước mơ của kiếp sau”.

Nhắc lại những kỷ niệm gợi lại nhiều xúc cảm về thời thơ ấu của mình: “Tôi luôn mơ ước một cuộc sống hạnh phúc trong sự yêu thương của mọi người. Đó chính là vì tôi đã không có một tuổi thơ yên ấm. Không có tình yêu của cha, thiếu tình thương của mẹ. Càng lớn càng thấy cô đơn. Càng cúi đầu nhường nhịn chấp nhận thua thiệt mong đổi lại được điều mình mơ ước. Hơn nửa thế kỷ đi một mình, sống một mình lẻ loi như thế, giờ phút này tôi bằng lòng với những gì đời sống cho tôi, mọi người cho tôi. Dẫu có hơn người vì một câu nói, tôi cũng chẳng thêm được gì. Cứ cúi đầu đi cho đến cuối đời. Cho đến hết đời”.

Khánh Ly sinh ra ở Hà Nội, cùng gia đình vào Sài Gòn lúc 10 tuổi, rong ruổi một thời tuổi trẻ tại Đà Lạt. 16 tuổi, Khánh Ly theo nghiệp ca hát, bắt đầu hành trình “lang bạt” để sinh tồn. Sớm mất người cha mình yêu thương và không gần gũi được với mẹ ruột, bà miêu tả mình qua trang viết như một người luôn giữ nỗi cô đơn thường trực trong lòng. Khánh Ly sớm đối mặt với lầm lỡ trong tình yêu, làm mẹ đơn thân. Rồi Khánh Ly sống chuỗi ngày dài viễn xứ như một tình cờ của số phận không định mà đến, làm đủ nghề để tồn tại cùng 4 đứa con dại, rồi không thể làm gì hơn ngoài ca hát với Khánh Ly đó là cái nghiệp.

Những lời tự sự của Khánh Ly là nỗi lòng, ân tình và tình yêu dành cho sự nghiệp, cuộc đời những người thân yêu của mình  đã từng biết, từng gặp và từng chạm đến: “Muốn sống thêm một lần nữa tôi buộc lòng phải vay mượn tuổi trẻ, hạnh phúc ở những tấm lòng tử tế của các bạn trẻ đầy sức sống. Khi quyết định trở lại nơi mình bắt đầu lòng tôi luôn đầy lo ngại, e dè. Tôi vẫn còn nhớ như in, tuy show diễn đầu tiên dù chưa kết thúc nhưng tôi đã nhận được biết bao sự săn sóc ân cần của các nhân viên phụ trách thuộc Trung tâm hội nghị quốc gia, lo cho tôi mọi thứ từ những việc hậu kỳ, đưa dắt và chăm sóc sức khỏe cũng như bảo vệ và những tấm lòng này đối với các em khi gặp tôi lúc nào vẫn thế, khiến tôi xúc động vô cùng. Dù tôi đã cám ơn các em nhiều lần nhưng xem ra tôi vẫn nợ các em món nợ ân tình”.

Khánh Ly “có duyên có nợ” với nhạc Trịnh.

Khánh Ly có một chất giọng liêu trai, ma mị. Từ năm 1969 đến năm 1975 là khoảng thời gian cực thịnh của những bài tình ca lãng mạn, trữ tình, nổi bật nhất là chuỗi “Ca khúc da vàng”. Tác giả thương yêu tác phẩm của họ, thường xuyên liên lạc và gắn bó với ca sĩ để đích thân tập cho họ hát. Từ đó làm nẩy sinh những tình cảm thầy trò, anh em kéo dài mãi cho đến sau này đó là lời giải thích cho mối dây liên hệ của giọng hát Khánh Ly với nhiều nhạc sĩ, người tri kỷ của bà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cứ 100 bài thì có đến 99 bài do chính Trịnh Công Sơn tập cho Khánh Ly hát.

Khánh Ly nói: “Nhờ ông Trịnh Công Sơn, tôi không chỉ thành danh, mà còn thành nhân” trong âm nhạc, hai cái tên Trịnh Công Sơn – Khánh Ly gắn liền như “hình với bóng”, những tình khúc đầy hoài niệm một thời tuổi trẻ yêu đương, yêu Quê, yêu người Việt da vàng … luôn còn mãi với thời gian và trong lòng người yêu nhạc. Từ: Diễm xưa, Biển nhớ, Phôi pha, Còn tuổi nào cho em, Tuổi đá buồn, đến cát bụi, Một cõi đi về, Mưa hồng… những tràng pháo tay của hàng ngàn khán thính giả vang lên không dứt khi mỗi bản nhạc khép lại cho giai diệu của bản nhạc nối tiếp cất lên.

Khánh Ly kể lại: “Tôi quen biết cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từ ngày còn rất trẻ, mới mười tám đôi mươi. Trong cuộc sống có người cần tiền, có người cần tình, nhưng ông Trịnh Công Sơn lại nói “sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Tôi khi đó còn rất trẻ, tôi hỏi ông cần có tấm lòng để làm gì. Ông nói, đôi khi chỉ là để gió cuốn đi thôi nhưng sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Tôi đã nghe lời, vin vào câu dạy của ông mà sống. Cho đến bây giờ, tôi không làm được nhiều điều tốt. Nhưng tôi chắc là tôi không làm điều gì xấu cả”.

Khánh Ky kể lại câu chuyện kỷ niệm và cất lên ca khúc Để gió cuốn đi, những giọt cảm xúc trào dâng còn đọng nơi khóe mắt trong tràng pháo tay của hàng ngàn khán thính giả dự live concert  “Khánh Ly in vietnam”.


Trở lại Đà nẵng, chính tại vùng đất này, nhất là các bạn trẻ nơi đây, Tôi rất xúc động và biết ơn những tấm lòng, tình cảm và những điều mà những bạn trẻ nơi đây dành cho Tôi trong suốt những chuyến công diễn, trong cuộc sống đời thường, trong sự tiếp xúc chân tình…Chính từ điều này, Tôi ngẫm cho cùng sự tử tế không khó học lắm đâu chỉ sợ lòng người hẹp hòi không muốn dung chứa để chia sớt cho người khác mà thôi. Cám ơn các bạn trẻ Việt Nam ở các thành phố tôi đã cùng Trịnh ca đi qua. Các bạn đã cho tôi một ly nước, cho tôi một chiếc ghế, đưa cho tôi một miếng giấy thấm mồ hôi, đỡ tôi lên những bậc thang và dắt tay tôi qua đường…Tôi biết ơn các bạn.

Sau khi chồng tôi mất tôi thực sự trở thành kẻ trắng tay, không còn gì không có gì, không còn ai, nhưng sống thế nào, sống làm sao tôi thật không biết trong nỗi đau cô đơn ai là người chia sẻ. Người thắp cho tôi ánh sáng hy vọng chính là người bạn trẻ Quang Thành, người chỉ cho tôi con đường phải đi tiếp và quan trọng hơn Quang Thành còn cho tôi thấy mình chưa phải là người thừa, rằng tiếng hát của mình còn có thể mang lại cho ai đó một nụ cười. Quang Thành đối với mọi người, không chỉ riêng với tôi bằng một tấm lòng, ở nơi Quang Thành mọi người có được niềm tin, sự tử tế, chu đáo, bao dung, ấm áp tình người với nhau. Tạ ơn Chúa Mẹ đã cho tôi may mắn được gặp các em nhỏ như con, như Cháu hồn nhiên, chan hòa, tử tế và tôi tin rằng ở đâu đó quanh đây Chồng tôi đang mỉm cười”.

Khánh Ly bộc bạch thêm: Ở tuổi trên 70, người ta không thể che giấu tuổi già. Việc xấu, nghèo không có tội, ai cũng phải có lúc già đi, ai cũng phải có lúc chết. Cái gì đã qua là mất, không nhắc tới. Những câu “giá như” là những câu rất dở. Tôi có nghe người ta chê mình, nhưng phải như thế thôi. Phải có thác, ghềnh, lũ, mưa, gió, nắng mới là cuộc sống. Nếu cho tôi sống một ngày, một giờ, một phút, tôi vẫn phải cố gắng sống cho ra sống. Nếu tôi biết tối nay tôi chết, còn vài tiếng nữa tôi vẫn hát. Ngày nào tôi còn trên đời, tôi mong đóng góp tiếng hát của mình để gây quỹ từ thiện. Khi mang niềm vui cho người, người hạnh phúc, mình cũng hạnh phúc.

Bài: Khánh Ly